Tuyến tụy tuy chỉ là một cơ quan nhỏ nhưng lại có chức năng quan trọng với hoạt động tiêu hóa và nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư tụy khá thường gặp, trong đó u đầu tụy chiếm phần lớn các trường hợp u tuyến tụy. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu u đầu tụy có nguy hiểm không và chữa trị như thế nào?
U đầu tụy là bệnh gì?
Tuyến tụy là cơ quan nằm ở phía dưới dạ dày, trước cột sống, có chiều dài khoảng 15cm, cao khoảng 6cm và dày khoảng 3cm. Tổng trọng lượng tuyến tụy cho thể khoảng 80g. Tuyến tụy có nhiệm vụ tiết dịch tụy đổ vào ruột hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và điều chỉnh lượng đường trong máu. Tụy có hình dạng giống một chiếc búa nhỏ và được phân chia thành các phần đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy.
U đầu tụy là dạng u phổ biến nhất, chiếm đến khoảng 70% trường hợp u ở tụy. U tụy gồm có u lành tính và u ác tính. U lành tính phát triển chậm, không di căn nhưng rất hiếm gặp và có thể gây biến chứng tắc mật. Hầu hết các trường hợp u đầu tụy là u ác tính với những triệu chứng nặng và có thể gây biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Triệu chứng u đầu tụy lành tính và ác tính
Trước khi tìm hiểu chi tiết u đầu tụy có nguy hiểm không, chúng ta sẽ cùng đi tìm sự khác biệt về triệu chứng u đầu tụy lành tính và u đầu tụy ác tính.
Triệu chứng u đầu tụy lành tính
Trong hầu hết các trường hợp, người bị u tụy lành tính thường không xuất hiện triệu chứng khi u còn nhỏ. Chỉ đến khi u đầu tụy có kích thước lớn, gây tắc mật dẫn đến vàng da, vàng mắt, đau tức bụng, phân bạc,... người ta mới phát hiện ra.
Triệu chứng u đầu tụy lành tính rất ít và khó xác định. Ngoài căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, để kết luận bệnh, các bác sĩ cần chỉ định người bệnh thực hiện siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI, xạ hình, xét nghiệm hormon trong máu, PET-CT,...
Triệu chứng u đầu tụy ác tính
U đầu tụy ác tính là bệnh lý nghiêm trọng hàng đầu trong số các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy. Người bệnh bị u đầu tụy ác tính có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đầy hơi thường xuyên, nhất là sau khi ăn no và ăn các thức ăn khó tiêu. Nguyên nhân gây đầy hơi là do khối u phát triển kích thước lớn, chèn vào dạ dày. Khối u càng lớn người bệnh còn có thể bị đầy hơi ngay cả khi ăn ít. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng chán ăn ở người bệnh.
- U đầu tụy phát triển lớn gây tắc mật dẫn đến triệu chứng vàng da. Đây là triệu chứng bệnh nặng, có thể kèm theo vàng mắt, rối loạn tiêu hóa thường xuyên, phân bạc.
- Bụng trên đau âm ỉ là triệu chứng gặp ở khoảng 80% bệnh nhân u đầu tụy ác tính. Cơn đau có thể lan rộng đến lưng và kéo dài. U càng lớn cảm giác đau càng nghiêm trọng và có xu hướng nặng hơn vào ban đêm.
- Chán ăn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài khiến người bệnh bị mệt mỏi và sụt cân nhanh chóng (có thể giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể trong khoảng 6 tháng). Ngoài do ăn uống kém, tình trạng sụt cân còn xảy ra do khối u hay còn gọi là suy nhược ung thư - một dạng suy nhược xảy ra do cơ thể thay đổi việc sử dụng protein và calorie.
- U đầu tụy khiến quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa của tuyến tụy bị gián đoạn. Việc này không chỉ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa mà còn gây cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói.
Các triệu chứng của u tuyến tụy dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nhưng chúng lại thường xảy ra cùng một lúc.
U đầu tụy có nguy hiểm không?
Quay trở lại với câu hỏi u đầu tụy có nguy hiểm không mà nhiều bệnh nhân quan tâm. Như đã nói ở trên, u đầu tụy hầu hết trường hợp là ác tính và đều nguy hiểm ngay cả khi được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm. U đầu tụy ác tính là bệnh lý nguy hiểm thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong của ung thư đường tiêu hóa, đứng đầu là ung thư đại trực tràng.
U đầu tụy ác tính ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, có nhiều nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm trong từng trường hợp còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, thời gian phát hiện bệnh và cách mà người bệnh được chữa trị. U đầu tụy ác tính có thể gây ra những cơn hạ đường huyết kéo dài, khiến hệ thần kinh trung ương bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh có thể gây di chứng tâm thần nặng và tàn phế.
Điều trị u đầu tụy như thế nào?
Căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như kích thước u; tính chất khối u; biến chứng; tình trạng sức khỏe của người bệnh…các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp thường dùng trong điều trị u đầu tụy gồm:
- Phẫu thuật để loại bỏ khối u: Phương pháp này hiệu quả nhất khi phát hiện u đầu tụy ở giai đoạn đầu, kích thước còn nhỏ và chưa xâm lấn xa đến các cơ quan khác. Có nhiều trường hợp bệnh nhân cần phải cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến tụy.
- Hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn không cho các tế bào này phát triển và lan rộng. Tuy nhiên, u tụy ác tính ít nhạy cảm với hóa chất và thường không đạt hiệu quả cao.
- Xạ trị cũng là phương pháp có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị sẽ được sử dụng để tăng độ nhạy của tia xạ, tăng hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh này.
Quá trình điều trị u đầu tụy có thể kéo dài nếu bệnh nhân gặp biến chứng phức tạp. Sau khi điều trị u đầu tụy bằng bất cứ phương pháp nào, người bệnh cũng cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định bổ sung men tiêu hóa hoặc insulin nếu tuyến tụy bị cắt bỏ.
U đầu tụy có nguy hiểm không đến đây bạn đã biết. Bất kể ai trong chúng ta, khi gặp các triệu chứng bất thường cũng nên đi khám sức khỏe để tìm ra vấn đề bất thường sớm nhất. U đầu tụy ác tính hay ung thư tuyến tụy ác tính đều là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nên càng được phát hiện sớm càng kéo dài được thời gian sống cho người bệnh.