Trên chiều dài đất nước Việt Nam, mỗi địa phương đều có một khu vực trung tâm được coi là linh hồn của mảnh đất đó. Nếu như Hà Nội lấy trung tâm là trục đường Tràng Tiền - Hàng Khay - Nhà Hát lớn, thành phố Hồ Chí Minh là trục đường Nguyễn Huệ - Lê lợi thì dải trung tâm thành phố Hải Phòng kéo dài từ đền Tam Kỳ đến cổng cảng Hoàng Diệu, nằm giữa hai trục đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Đức Cảnh - Trần Phú, thuộc quận Hồng Bàng, giáp với quận Ngô Quyền và một phần quận Lê Chân. Cùng với quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng, dải trung tâm đã dần hoàn thiện thành một trục không gian đô thị đẹp, văn minh, liền mạch trên một diện tích gần 21ha, kéo dài đến gần 3km gồm các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc biệt, đó là Hồ Tam Bạc, Trung tâm Triển Lãm và Mỹ thuật thành phố, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Quán hoa, Đài phun nước trung tâm, Nhà Kèn và những khu vực vườn hoa lớn, tràn ngập màu xanh là “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho thành phố.
Dải trung tâm thành phố Hải Phòng nhìn từ trên cao (Ảnh: Sưu tầm)
Từ dải trung tâm thành phố, tỏa ra các tuyến đường dẫn đến các công trình mang kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước như Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, Ngân hàng nhà nước thành phố, Bảo tàng và Bưu điện thành phố… đan xen các công trình mới, hiện đại, mang nét biểu tượng cho Hải Phòng như Cầu Hoàng Văn Thụ, Vincom Plaza Imperia…
Cầu Hoàng Văn Thụ - Biểu tượng mới của thành phố Hải Phòng (Ảnh: Sưu tầm)
Hồ Tam Bạc
Hồ Tam Bạc xưa kia là lạch Liêm Khê, nhánh nối sông Tam Bạc với sông Cấm. Trải qua nhiều biến đổi theo tháng năm lịch sử, đến năm 1985, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Hải Phòng, sông Lấp cũng tròn 100 tuổi (1885-1985), thành phố làm mới hồ bằng cách đắp đập Tam Kỳ, ngăn sông Tam Bạc nối đường Trần Nguyên Hãn với đường Quang Trung và đặt tên là hồ Tam Bạc. Hồ có độ sâu 3m và diện tích quy hoạnh mặt hồ khoảng 4,82 ha. Toàn bộ hành lang vỉa hè xung quanh hồ được lát đá granite với màu sắc sinh động cùng các ghế đá được sắp xếp hài hòa và hợp lý để du khách và người dân dừng chân, ngắm cảnh. Hai bên đường ven hồ là những hàng cây rợp bóng mát với rất nhiều hoa phượng đỏ, bằng lăng, muồng hoàng yến... tạo nên một không gian trong mát, rực rỡ màu sắc vào mùa hè hay lãng mạn, se lạnh và thoang thoảng hương lan vào mùa thu. Đây cũng là không gian để người dân thành phố thư giãn, tập thể dục, nơi các cụ già tập trung để đánh cờ hay nơi vui chơi của trẻ nhỏ.
Hồ Tam Bạc là không gian sinh hoạt của rất nhiều người dân Hải Phòng (Ảnh: Sưu tầm)
Hồ Tam Bạc thu hút nhiều du khách tới chụp ảnh bởi cảnh đẹp nên thơ trữ tình (Ảnh: Sưu tầm)
Khi màn đêm buông xuống, hồ Tam Bạc lại trở nên lung linh, huyền ảo bởi hệ thống điện chiếu sáng được bài trí đối xứng trên hè đường dọc hai bên hồ cùng những ánh đèn từ các tòa nhà bên đường và xe cộ ngược xuôi. Đặc biệt, mỗi dịp hè về, khi các sắc hoa đỏ, vàng, tím đua nhau khoe nở quanh hồ, hay khi thành phố bước vào những dịp lễ hội, xuân sang và hồ được điểm tô, trang hoàng bằng hàng nghìn những chậu hoa cảnh rực rỡ, thì không gian quanh hồ như bừng lên một sức sống mới với dáng vẻ vô cùng đẹp đẽ, cuốn hút, đến độ dù là với người dân ở ngay gần, thì cũng khó mà có thể bỏ qua việc ghé qua hồ để thưởng thức cảnh sắc và lưu lại những bức hình đẹp cho gia đình, bạn bè...
Trung tâm triển lãm thành phố
Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố và tượng Nữ tướng Lê Chân (Ảnh: Sưu tầm)
Cuối hồ Tam Bạc là Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, nơi diễn ra những hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước nhân các sự kiện quan trọng của thành phố, trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh... của các nghệ sỹ, họa sỹ và thiếu nhi thành phố cũng như trên toàn quốc.
Quán hoa
Khu vực quán hoa có tuổi đời lâu năm nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố (Ảnh: Sưu tầm)
Nắm kế bên Nhà hát thành phố, khu vực Quán hoa là công trình khá đặc sắc, bao gồm 5 quán hoa nằm trên một trục thẳng với diện tích 300m2, được người Pháp xây dựng từ năm 1944. Diện tích mỗi quán tầm 20m2, cao gần 4m, được chống đỡ bởi 4 cột gỗ lim cân đối cùng hệ thống kèo đơn giản của lối “chồng rường”, 4 mái lợp ngói vảy rồng kết hợp với bờ nóc có hình hoa chanh 4 cánh tỏa ra 4 phía, bờ dải chạy từ nóc xuống tạo thành một góc nhọn vươn cao, cong vút. Quán hoa với các vô số các loài hoa tươi tắn, rực rỡ được bày bán quanh năm là điểm tham quan và điểm check-in không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước.
Nhà hát lớn Thành phố
Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Hoa phượng đỏ hàng năm được tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố (Ảnh: Sưu tầm)
Nhà hát lớn thành phố là một trong ba Nhà hát lớn được người Pháp xây dựng tại các đô thị lớn của Việt Nam. Trải qua bao nhiêu năm tháng, Nhà hát lớn thành phố vẫn giữ được thiết kế, dáng vẻ ban đầu, là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp hấp dẫn du khách. . Nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện quan trọng của thành phố như Lễ hội Hoa phượng đỏ, Ngày giải phóng Hải Phòng, ngày Quốc khánh, Tết Nnguyên đán… hay các sự kiện mang tính quảng bá, giới thiệu, chào mừng của các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Đài phun nước
Đài phun nước tạo điểm nhấn cho dải trung tâm thành phố (Ảnh: Sưu tầm)
Đài phun nước màu nghệ thuật được thành phố xây dựng và khánh thành vào ngày 13/5/2005, đây là điểm nhấn và không khí mát mẻ cho khu quảng trường Nhà hát lớn thu hút rất đông người dân và du khách tới dạo chơi và thăm quan.
Nhà Kèn
Nhà Kèn với gần 100 năm tuổi (Ảnh: Sưu tầm)
Một trong những công trình kiến trúc làm nên bản sắc riêng độc đáo của dải trung tâm thành phố chính là Nhà Kèn do người Pháp xây dựng vào năm 1928. Nhà có 8 mái, lợp tôn dày và có vườn hoa nhỏ bao quanh tạo ra khuôn viên thoáng đãng, thanh bình. Ban đầu, người Pháp sử dụng Nhà Kèn làm nơi cho quân lính tập chơi kèn. Hiện nay, vào các dịp cuối tuần, các sự kiện văn hóa, âm nhạc được tổ chức tại đây, thu hút đông đảo người dân thành phố nói chung và giới âm nhạc nói riêng. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam xem Nhà Kèn là nơi sinh hoạt văn hóa và giao lưu âm nhạc.
Các khu vườn hoa
Vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh: Sưu tầm)
Vườn hoa Nguyễn Du ngày tết (Ảnh: Sưu tầm)
Thảm hoa khồng lồ được trang trí mỗi dịp tết đến xuân về (Ảnh: Sưu tầm)
Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm bên lẵng hoa ngày tết (Ảnh: Sưu tầm)
Đặc biệt, nằm xen kẽ giữa các công trình kiến trúc nghệ thuật trên dải trung tâm thành phố là hệ thống các vườn hoa được đầu tư khá đồng bộ với nhiều cây xanh và trang trí đẹp mắt với nhiều khu trồng các loài hoa như vườn hoa Lê Chân, An Biên, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Tố Hữu. Tại đây, hàng trăm cây phượng vỹ, cây cổ thụ, hoa sữa được trồng tạo lên màu xanh rộng lớn, ngút tầm mắt đan xen từng thảm đỏ rực rỡ của hoa phượng khi hè sang. Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí và thiết kế hình dáng và màu sắc hài hòa cũng làm tăng tính nghệ thuật của các rặng, khóm cây xanh, thảm cỏ khi đêm xuống. Trong khuôn viên một số vườn hoa còn có đài phun nước màu nghệ thuật và khu trò chơi dành cho thiếu nhi. Đây chính là không gian công cộng, nơi vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe tuyệt vời của người dân thành phố.
Thảm cây xanh khổng lồ chạy liền mạch từ phía Đông sang phía Tây (Ảnh: Sưu tầm)
Với những cảnh sắc đa dạng, sự tĩnh lặng của hồ nước, các khoảng ngút ngàn cây xanh đan xem các công trình kiến trúc cổ và hiện đại làm nên dải trung tâm thành phố Hải Phòng không chỉ đa sắc mà còn đa vị, không chỉ rất đẹp đẽ mà còn rất đa năng, hữu ích, là niềm tự hào của mọi người dân đất Cảng. Đặc biệt hơn nữa, khi hai đầu của dải trung tâm thành phố là các không gian mở, với cảnh các con tàu, cần cẩu lớn thấp thoáng xa xa (phía cảng Hoàng Diệu) và cảnh các cây cầu (cầu Tam Bạc, cầu Xi Măng, cầu đá đi bộ), dòng sông uốn lượn với những chiếc xà lan, thuyền máy ngày đêm xuôi ngược, tạo nên cảm giác tổng thể vừa tĩnh lại vừa động, hoàn thiện, gọn ghẽ tràn đầy vẻ tự nhiên và chứa đựng tiềm năng phát triển của thành phố Cảng, thành phố hoa phượng đỏ./.