Nhà rông, một biểu tượng văn hóa độc đáo, không chỉ là một kiến trúc ấn tượng mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tâm linh của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Kon Tum, Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng mà còn là trung tâm của nhiều hoạt động lễ hội và tín ngưỡng.
Nhà rông là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những điểm nhấn của Nhà rông Tây Nguyên là sự đoàn kết trong việc xây dựng. Sức mạnh của thôn làng được thể hiện thông qua việc tất cả các gia đình đều đóng góp nhân lực, vật lực và tiền bạc để đảm bảo sự công bằng trong quá trình xây dựng Nhà rông.
Nhà rông được thiết kế độc đáo, phần mái nhà mang hình dáng của chiếc rìu, búa hay cánh buồm với kích thước lớn, được làm từ thân cây tre hoặc gỗ to và chắc chắn, lợp bằng lá tranh. Đỉnh mái được trang trí thành hình hoa văn, thể hiện đặc điểm văn hóa của từng dân tộc. Khung nhà có kết cấu từ những chiếc cột gỗ lớn, chạm trổ và điêu khắc hoa văn cầu kỳ thể hiện đời sống hàng ngày và tín ngưỡng của buôn làng. Sàn nhà không chỉ là nơi sinh hoạt mà còn là tác phẩm nghệ thuật với việc sắp xếp những vật liệu như gỗ, tre, nứa thành những hoa văn sinh động và hấp dẫn.
Không chỉ là kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt văn hóa, Nhà rông còn là không gian lưu giữ những đồ vật có giá trị tâm linh như hòn đá, con dao, sừng trâu, cồng chiêng và các hiện vật mang tính lịch sử. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội, lễ cúng thường niên và không thường niên, như cúng mừng lúa mới, cúng lập làng mới, cúng lên Nhà rông và cúng mừng chiến sỹ. Thường xuyên có những hoạt động gặp gỡ giao lưu giúp duy trì và phát triển nền văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Theo nền văn hóa của người Tây Nguyên, việc xây dựng Nhà rông được thực hiện theo nghi lễ trang trọng. Trước khi bắt đầu quá trình xây dựng, người có uy tín trong làng sẽ họp thảo luận và quyết định nơi xây dựng. Việc chọn vị trí xây dựng Nhà rông đòi hỏi phải là nơi có độ cao và thoáng đãng, nằm ở trung tâm của làng và có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa.
Quá trình xây dựng Nhà rông là một công việc tận tâm và đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao. Người trẻ thường đảm nhận những công việc trên cao, trong khi người già có kinh nghiệm tham gia vào các công việc nhẹ nhàng hơn. Phụ nữ và trẻ em cũng đóng góp vào các công đoạn phù hợp với khả năng của mình, tạo nên một không khí làm việc tích cực và đoàn kết.
Dưới đây là một số hình ảnh người Xơ Đăng ở làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum cùng nhau dựng Nhà rông:
Bá Tứ
(Báo Xây dựng / Ảnh: Ban Nguyễn, Báo Kon Tum)