Hầu như mọi người đều từng lớn lên cùng món thịt kho trứng trong nhiều bữa cơm. Thế nhưng, bạn đã biết cách nấu thịt kho trứng vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe chưa?
Thịt kho trứng là một món ăn vô cùng quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam, đặc biệt không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam. Sự kết hợp của từng miếng thịt ba chỉ béo ngậy cùng trứng luộc kho chung với nhau, cộng thêm nước sốt đậm đà, nêm nếm vừa ăn đã tạo nên một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, khó mà chối từ.
Tuy vậy, một số người sẽ cần hạn chế ăn thịt kho trứng quá nhiều hoặc phải điều chỉnh công thức chế biến để phù hợp với tình trạng sức khỏe vì món ăn này thường có lượng mỡ động vật cao, sử dụng nhiều gia vị. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu công thức làm thịt kho trứng cơ bản và những thành phần có thể thay đổi để tốt hơn cho sức khỏe, phù hợp với những người đang mắc bệnh mạn tính qua bài viết này nhé!
Cách nấu thịt kho trứng với những bước cơ bản
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt ba chỉ lợn: 500g
- Trứng gà/ trứng vịt/ trứng cút: số lượng tùy theo nhu cầu
- Nước lọc hoặc nước dừa tươi: 1 lít
- Hành khô: 3 củ
- Các gia vị khác: dầu ăn, đường, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu, tỏi, ớt…
2. Sơ chế nguyên liệu
- Hành, tỏi: bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Thịt heo: rửa sạch, đem chần qua nước sôi, để nguội rồi thái thịt thành từng miếng vừa ăn.
- Trứng: rửa sạch rồi luộc với nước sôi khoảng 5 phút, để nguội, sau đó, vớt trứng ra bóc sạch vỏ.
3. Ướp thịt
- Thịt sau khi thái thành từng miếng thì cho vào tô lớn, thêm một ít nước mắm, đường, hạt nêm, một ít hành, tỏi đã băm nhỏ và hạt tiêu vào.
- Trộn đều tất cả và để khoảng 30 phút cho thịt thấm đều gia vị.
4. Kho thịt
- Bắc nồi lên bếp cho nóng, phi thơm hành băm rồi cho hết phần thịt đã ướp vào, đảo qua lại khoảng 3 - 4 phút rồi thêm nước (hoặc nước dừa) vào. Nếu muốn thịt kho có màu nâu đẹp mắt, bạn có thể cho thêm nước màu hoặc thắng đường để tạo thành màu caramel trước khi cho thịt vào.
- Hạ nhỏ lửa, đun cho đến khi thấy thịt chín mềm rồi cho trứng luộc đã bóc vỏ vào, đun thêm 15 phút cho trứng ngấm gia vị. Lúc này, bạn có thể thử và nêm nếm lại vị cho vừa miệng. Nếu thấy nhạt, hãy thêm 1 ít nước mắm vào lúc cuối để làm dậy mùi thơm cho món ăn. Nếu thích ăn cay, bạn có thể cắt lát ớt và cho vào cuối cùng.
- Tắt bếp và dọn món thịt kho trứng ra đĩa để thưởng thức thôi.
Những lưu ý khi nấu thịt kho trứng cho người có bệnh mạn tính
1. Lưu ý khi nấu thịt kho trứng cho bệnh nhân đái tháo đường
Để nấu món thịt kho trứng theo phong cách “healthify” cho người bệnh đái tháo đường type 2, bạn cần điều chỉnh công thức để giảm lượng đường và tinh bột, cũng như chọn các nguyên liệu ít gây tác động đến nồng độ đường trong máu.
Ăn quá nhiều đường được nêm vào trong các món ăn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người đang bị đái tháo đường. Lượng đường tối đa tiêu thụ mỗi ngày được khuyến cáo là 30g, tương đương khoảng 7 muỗng cà phê đường. Do đó, khi chế biến món thịt kho tàu cho người bị đái tháo đường bạn nên thay đổi một chút:
- Không sử dụng đường để thắng nước màu cho thịt kho trứng.
- Giảm bớt lượng đường nêm vào, có thể dùng nước dừa khi kho thịt để tăng thêm hương vị ngọt thanh cho món ăn.
- Thay thế thịt ba rọi bằng phần thịt có nhiều nạc hơn vì ăn nhiều mỡ có khả năng làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch trên người bệnh đái tháo đường.
- Ăn kèm với nhiều món chế biến từ rau củ để tăng thêm chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
2. Lưu ý khi nấu thịt kho trứng cho bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp
Để món thịt kho hột vịt hay thịt kho trứng cút phù hợp hơn với những người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, bạn có thể điều chỉnh công thức sao cho giảm lượng natri (có trong muối/ nước mắm/ hạt nêm), hạn chế chất béo, mỡ động vật, cân đối lượng calo của món ăn.
Hãy thử:
- Chọn thịt heo nạc (nạc vai hay nạc thăn) thay vì dùng ba rọi để hạn chế chất béo, giảm lượng calo tiêu thụ.
- Hạn chế nêm muối và nước mắm, cố gắng tập ăn nhạt hơn.
- Giảm bớt số lượng trứng hoặc ưu tiên dùng trứng cút, hạn chế ăn lòng đỏ để giảm tiêu thụ cholesterol.
- Sử dụng các gia vị tự nhiên như tỏi, gừng, và tiêu để tăng hương vị của món ăn mà không cần thêm muối.
- Đừng quên, bổ sung thêm nhiều rau củ, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất tốt cho tim mạch, huyết áp.
3. Người bệnh mạn tính nên ăn thịt kho trứng như thế nào?
Nhìn chung, bạn cần tính toán lượng calo cần thiết và chia khẩu phần phù hợp để tránh tình trạng dư thừa calo dẫn đến thừa cân - một trong những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý khác nhau. Lượng calo từ các nguyên liệu chính làm nên món thịt kho trứng có thể khác nhau tùy theo lựa chọn của bạn.
Phần thịt lợn sử dụng:
- Thịt ba chỉ (phần bụng): Trong 100g cung cấp 518 calo, 53g chất béo (trong đó 19g chất béo bão hòa), 9,3g protein.
- Thịt thăn, thăn nội: Trong 100g cung cấp 119 calo, 3.9g chất béo, 21.6g protein.
Các loại trứng:
- Trứng gà: 1 quả trứng lớn (khoảng 56g) cung cấp 80.1 calo, 7.06g protein, 5.3g chất béo
- Trứng vịt: 1 quả (khoảng 70g) cung cấp 130 clo, 8.96g protein, 9.66g chất béo
- Trứng cút: 1 quả (khoảng 9g) cung cấp 14.2 calo, 1.17g protein, 0.99g chất béo.
4. Lợi ích sức khỏe khi nấu thịt kho trứng tại nhà
Như vậy, việc tự nấu thịt kho trứng tại nhà sẽ giúp bạn chủ động hơn khi tính toán khẩu phần ăn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh mạn tính. Những lợi ích này đến từ:
- Kiểm soát loại nguyên liệu sử dụng vì bạn có thể tự lựa chọn sử dụng phần thịt nào, loại trứng nào cũng như chất lượng của các nguyên liệu này để đảm bảo dinh dưỡng.
- Tùy chỉnh lượng gia vị sử dụng cho hợp với khẩu vị cá nhân và tình trạng sức khỏe.
- Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời dễ dàng tùy chỉnh khẩu phần ăn cho hợp lý, tránh tình trạng phải ăn cố gây thừa calo hoặc lãng phí thức ăn.
Hi vọng bạn sẽ thử áp dụng cách nấu thịt kho trứng thơm ngon, bổ dưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe cho chính bản thân và những người thân yêu được gợi ý trong bài viết này. Nếu thấy hiệu quả, hãy chia sẻ bí quyết cho mọi người xung quanh nhé!
[embed-health-tool-bmi]