Thông thường khi bệnh nhân được phẫu thuật sẽ được gây mê nên hoàn toàn không nhận thức được những gì diễn ra xung quanh mình. Chính vì thế rất nhiều người có thắc mắc phẫu thuật là gì và quy trình thực hiện phẫu thuật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!
Tìm hiểu phẫu thuật là gì?
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị y khoa sử dụng kỹ thuật thủ công và công cụ phẫu thuật để điều chỉnh hoặc loại bỏ các mô bệnh lý hoặc tổn thương hoặc để cải thiện chức năng cơ thể.
Quá trình phẫu thuật thường bao gồm việc rạch mổ, sửa chữa hoặc loại bỏ các cơ quan, mô hoặc cấu trúc bị hư hại hoặc bệnh lý. Phẫu thuật có thể được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau như chẩn đoán, điều trị hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trước khi phẫu thuật cần chuẩn bị những gì?
Khi bạn vào phòng mổ, đội ngũ phẫu thuật đã sẵn sàng, bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm nhằm đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Thành phần của đội ngũ phẫu thuật gồm:
- Bác sĩ phẫu thuật: Đây là người dẫn đầu đội ngũ phẫu thuật. Chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật tùy thuộc vào loại bệnh và giai đoạn của bệnh. Ví dụ có bác sĩ ngoại khoa tổng quát, bác sĩ ngoại tiết niệu ung bướu, bác sĩ phẫu thuật thần kinh điều trị các bệnh lý ngoại thần kinh, bác sĩ ngoại lồng ngực, bác sĩ phẫu thuật da liễu.
- Bác sĩ gây mê: Chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật bằng các phương pháp gây mê hoặc gây tê. Họ giám sát các dấu hiệu sinh tồn như nhịp thở, nhịp tim và huyết áp và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phẫu thuật.
- Điều dưỡng gây mê hồi sức: Điều dưỡng viên sẽ có nhiệm vụ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và điều chỉnh độ mê dưới sự chỉ đạo của bác sĩ gây mê trong quá trình phẫu thuật.
- Điều dưỡng phòng mổ: Những người điều dưỡng phòng mổ sẽ hỗ trợ bác sĩ trong quá trình phẫu thuật.
- Điều dưỡng phòng hồi sức và nhân viên hỗ trợ: Công việc của điều dưỡng phòng hồi sức và nhân viên hỗ trợ là giúp chăm sóc và theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật.
- Đội ngũ chăm sóc sức khỏe khác: Bao gồm dược sĩ, chuyên viên công tác xã hội, chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ vật lý trị liệu.
Trước phẫu thuật, bệnh nhân cần hoàn tất các biểu mẫu cần thiết, xác nhận bảo hiểm và sự đồng ý cho phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân sẽ thay trang phục bệnh viện và loại bỏ trang sức. Các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, máu, điện tâm đồ, MRI, CT, xạ hình xương, siêu âm và PET scan có thể được thực hiện để đảm bảo tình trạng sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân cũng sẽ được khuyên ngừng hút thuốc ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật và thông báo cho nhóm y tế về các loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng. Cần đảm bảo rằng bảo hiểm sẽ chi trả chi phí phẫu thuật và sắp xếp người thân hoặc bạn bè hỗ trợ sau phẫu thuật.
Cuối cùng, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch và gây mê. Phẫu thuật có thể dùng gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ, tùy vào loại phẫu thuật. Nhóm y tế sẽ giải thích chi tiết phương pháp gây mê và bệnh nhân nên đặt câu hỏi nếu có thắc mắc.
Quy trình phẫu thuật diễn ra thế nào?
Tùy theo loại phẫu thuật mà bệnh nhân cần thực hiện, có thể sẽ phải cắt tỉa tóc ở vùng phẫu thuật để đảm bảo khu vực này được vô trùng tuyệt đối. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đặt ống thở vào cổ họng bệnh nhân và sử dụng máy thở để hỗ trợ hô hấp.
Sau đó, bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch mổ đầu tiên, cầm máu bằng cách kẹp các mạch máu tại vị trí chảy máu. Đội ngũ phẫu thuật sẽ quan sát bên trong cơ thể bệnh nhân, sử dụng mắt thường hoặc màn hình phóng đại đặc biệt để nhìn rõ hơn các cấu trúc bên trong. Tại đây, họ sẽ thực hiện các nhiệm vụ cần thiết như sửa chữa tổn thương hoặc loại bỏ các cơ quan bị bệnh.
Nếu bệnh nhân mất quá nhiều máu trong quá trình phẫu thuật, có thể cần truyền máu để bổ sung lượng máu đã mất. Khi hoàn tất, đội ngũ phẫu thuật sẽ đóng các vết mổ bằng chỉ khâu hoặc kim ghim và chuẩn bị cho bệnh nhân bước vào giai đoạn hồi phục.
Những điều cần quan tâm sau quá trình phẫu thuật
Dù phẫu thuật kéo dài bao lâu, nếu bệnh nhân được gây mê toàn thân, họ thường chưa thể tỉnh dậy ngay khi vào phòng hồi sức. Tại đây, đội ngũ y tế sẽ tháo ống thở và giám sát quá trình tỉnh lại của bệnh nhân. Họ sẽ sử dụng các loại thuốc mạnh để kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật. Do đó, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ và y tá về mức độ đau của mình.
Khi đội ngũ y tế xác nhận bệnh nhân đang hồi phục tốt, họ sẽ được chuyển đến phòng nghỉ ngơi. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm, nhưng thời gian lưu viện sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ. Đội ngũ y tế sẽ theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể, huyết áp và lượng oxy của bệnh nhân.
Để hỗ trợ quá trình hồi phục, đội ngũ y tế có thể đưa ra các khuyến nghị sau:
- Hỏi bác sĩ về hoạt động thể chất sau phẫu thuật: Đi bộ sớm có thể giúp ngăn ngừa huyết khối và cải thiện tuần hoàn máu.
- Yêu cầu hỗ trợ từ chuyên gia trị liệu vật lý: Vật lý trị liệu có thể là phần quan trọng trong quá trình phục hồi, giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt. Một số bệnh nhân có thể bắt đầu vật lý trị liệu ngay từ ngày sau phẫu thuật và nhận được chương trình tập luyện tại nhà.
- Thực hiện các bài tập thở sâu: Giúp mở rộng phổi và giảm nguy cơ viêm phổi.
- Tránh hút thuốc: Nếu bệnh nhân hút thuốc, hãy tìm sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế để bỏ thuốc.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Tham khảo chuyên viên dinh dưỡng về việc thiết lập chế độ ăn uống phù hợp và trở lại chế độ ăn bình thường.
- Kiểm soát cơn đau: Thông báo cho bác sĩ và điều dưỡng biết nếu cảm thấy đau để họ có thể hỗ trợ.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có dấu hiệu sốt, chảy máu bất thường, nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng với thuốc gây mê hay thuốc giảm đau sau phẫu thuật.
Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ những thông tin quan trọng về phẫu thuật là gì cũng như quy trình phẫu thuật. Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về các bước cần chuẩn bị và chăm sóc sau phẫu thuật, góp phần vào quá trình hồi phục nhanh chóng và an toàn của bạn.
Xem thêm:
- Giải phẫu xương hàm trên: Đặc điểm, chức năng
- Đặc điểm giải phẫu hệ xương người: Chức năng và cấu tạo