Du nhiên - Thản nhiên
Du nhiên, trong đó “du” là xa xôi, lâu dài, nhàn nhã, nhưng cũng có nghĩa là lo lắng, muộn phiền, “nhiên” là như thế, như vậy, thường dùng chỉ trạng thái thả lỏng của cơ thể. “Du nhiên” trong nét nghĩa phổ biến nhất của cổ mỹ từ, thường được dùng để chỉ dáng vẻ nhàn nhã, thản nhiên, thong dong tự tại, hoặc cũng được dùng để tả một niềm hứng thú bất tận, triền miên.
Ý nghĩa của cổ mỹ từ này rất hay nên thi sĩ Trần Doãn Đạt từng chắp bút mà viết rằng: “Xử thế y thuỳ năng thiệp thế/ Du nhiên hư kỷ nhất hư chu”, tạm dịch: “Sống ở đời mấy ai đã từng trải cuộc đời/Thản nhiên coi mình như hư không trống rỗng”.
Đông quân - Vị chúa mùa xuân
Đông quân, nghĩa đen là vị vua ở phương đông, ngụ ý chỉ mặt trời, thần thái dương (theo Hán Việt Từ điển Đào Duy Anh). Trong thơ ca, đông quân thường được dùng để chỉ chúa xuân, thần mùa xuân do hướng đông thường dùng gắn với mùa xuân, như “đông phong” là gió từ hướng đông thổi đến, tức là gió mùa xuân. Còn “quân” là vị vua, vị chúa tể, nên đông quân là chúa xuân.
Yên cảnh - Cảnh mây khói
Yên cảnh là từ Hán Việt, trong đó “yên” là khói, là yên bình, yên ả, ý nghĩa yên bình, tốt đẹp. Từ điển Thiều Chửu giảng “chất hơi nhiều gọi là yên”, như “vân yên” là mây mờ, mây mù. “Cảnh” trong Từ điển Thiều Chửu giảng “cái gì hình sắc phân phối có vẻ đẹp thú đều gọi là cảnh”, như phong cảnh, cảnh vật. "Cảnh" trong tiếng Hán - Việt còn có nghĩa là sáng tỏ, chiếu sáng, giác ngộ, cân nhắc thấu đáo trước khi hành động (trong cảnh báo, cảnh tỉnh, cảnh giác).
Tuy nhiên, theo một nét nghĩa đẹp của cổ mỹ từ, yên cảnh có nghĩa là cảnh có mây khói, có sương, dùng để chỉ cảnh đẹp thiên nhiên hoặc cảnh ở ẩn (Theo giải tích trong từ điển Nguyễn Quốc Hùng).
Tầm phương - Tìm cảnh đẹp
Tầm phương, “tầm” có nghĩa là tìm kiếm, như sưu tầm, tầm nã, truy tầm,… “Phương” là hương thơm, hương thơm của cỏ hoa. Theo Từ điển Thiều Chửu, chữ “phương” còn có nghĩa là đức hạnh danh dự lưu truyền lại.
Tầm phương mang nét nghĩa là tìm hoa thơm, ngụ ý là tìm cảnh đẹp, vãn thanh cảnh tuyệt sắc trên trần đời. Bài “Bính Tuất nguyên nhật ngẫu thành [Thị nhật lập xuân]” của Lê Khắc Cẩn có câu: Túy lai nghĩ tác tầm phương khứ/ Tuỳ hạc vi ngâm quá tiểu kiều. (Tạm dịch: Say rồi thì muốn tìm một nơi có cảnh đẹp mà bước ra/ Để nghe tiếng đàn hạc nhẹ nhàng bay qua cầu.
Yển nguyệt - Vầng trăng khuyết
Yển nguyệt, trong đó “yển” là ngửa ra, “nguyệt” là mặt trăng. Yển nguyệt là vầng trăng ngửa lên, tức vầng trăng khuyết, dáng trăng nghiêng nghiêng, hơi ngửa ra. Nói về các cổ mỹ từ chỉ dáng vẻ của mặt trăng, có thể nhắc đến trăng khuyết đầu tháng gọi là sơ huyền. Ngày mùng 8, mùng 9 âm lịch gọi là thượng huyền, ngày 22, 23 âm lịch gọi là hạ huyền, những ngày này mặt trăng trông như hình vòng cung (“Huyền” trong tiếng Hán nghĩa là khuyết). Tuy nhiên Yển nguyệt vẫn là một trong những cổ mỹ từ thông dụng nhất để nói về “vầng trăng khuyết”.
Thiên chương - Vẻ đẹp sáng trên trời
Thiên chương, trong đó “thiên” là trời cao, “chương” là sao, trăng, ngân hà… Cũng như thiên văn, chỉ sự phân bố mặt trời, mặt trăng, sao trên bầu trời, thiên chương ám chỉ một bầu trời đầy sao, vẻ đẹp của bầu trời đêm.
Thi sĩ Đặng Trần Côn trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm từng thốt lên rằng “Ngưỡng mục quan thiên chương” (tạm dịch: “Ngước mắt lên thấy một bầu trời đầy sao”). Ngoài ra thiên chương cũng ví thi văn của đế vương, hoặc văn chương hay. Đây là một cổ mỹ từ rất hay được sử dụng để đặt tên cho các em bé nam, nữ… với ý nghĩa mong con sau này sẽ có một cuộc đời tươi đẹp như cảnh một bầu trời đầy sao.