Sau khi nhổ răng khôn, cần chăm sóc răng miệng đúng cách để ngừa biến chứng, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phương pháp vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn để ngăn nhiễm trùng và các lưu ý quan trọng cần biết giúp bạn yên tâm hơn trong quá trình hồi phục sau khi nhổ răng khôn.
Tại sao cần chú ý vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn?
Trong khoang miệng chứa rất nhiều vi khuẩn. Do đó, cần vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn đúng cách để tránh nhiễm trùng vết thương. Nếu bạn chủ quan, không chú ý chăm sóc răng sau nhổ, có thể gặp phải 1 số biến chứng sau nhổ răng khôn như:
- Đau và chảy máu liên tục: Sau nhổ răng, chảy máu là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu bạn vệ sinh không đúng cách, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn và vết thương cũng chảy máu không ngừng.
- Sưng nướu và má: Tình trạng này xảy ra sau nhổ răng. Tuy nhiên, nếu không làm sạch khoang miệng, vi khuẩn tấn công vết thương, dẫn đến nhiễm trùng và sưng nhiều hơn.
- Tê môi - cằm: Nếu vi khuẩn tấn công vào dây thần kinh, vùng nửa hàm và nửa môi bên răng khôn được nhổ có thể bị tê bì. Ngoài ra, khi dây thần kinh tổn thương nặng, có thể gây tê nửa mặt.
- Viêm nhiễm, ảnh hưởng đến các răng lân cận: Nếu vết thương không được chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn tấn công và lây lan sang các răng bên cạnh.
- Nhiễm trùng: Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi nhổ răng khôn khiến vi khuẩn tấn công vào vết thương, gây viêm và nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu,…
Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là điều cần thiết hàng ngày và đặc biệt quan trọng sau khi nhổ răng. Hãy đảm bảo rằng không có thức ăn nào bị kẹt lại ở vùng răng vừa được nhổ. Điều này sẽ ngăn chặn vi khuẩn từ việc tận dụng thức ăn để phát triển, sinh sôi và gây ra viêm nhiễm cho vết thương.
Nguyên tắc vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn
Vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn là việc rất quan trọng để đảm bảo không bị nhiễm trùng sau phẫu thuật và giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng.
1. Lựa chọn bàn chải đánh răng và kem đánh răng phù hợp
Bạn nên dùng bàn chải có lông mềm để tránh làm tổn thương nướu. Khi đánh răng, giữ bàn chải ở góc 45 độ so với nướu và chải nhẹ nhàng, tránh chạm vào vết thương trong 2 - 3 ngày đầu.
Nên lựa chọn kem đánh răng có chứa Fluoride để ngừa sâu răng và tái khoáng hóa men răng, giúp nhanh lành thương.
2. Đánh răng cẩn thận xung quanh vị trí phẫu thuật
Sau 24 giờ kể từ khi nhổ răng, bạn có thể sử dụng chải răng và chỉ nha khoa bình thường để giữ miệng sạch sẽ. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.
Tuy nhiên, vùng xung quanh vị trí nhổ răng sẽ nhạy cảm trong 1 thời gian. Vì vậy, hãy chải răng nhẹ nhàng ở khu vực này. Bên cạnh đó, nếu đang sử dụng bàn chải điện, bạn hãy cân nhắc chuyển sang dùng bàn chải thường trong vài tuần.
3. Dùng nước súc miệng Chlorhexidine hoặc nước muối loãng
Sau 1 ngày phẫu thuật, bạn nên súc miệng nhẹ nhàng bằng nước súc miệng có chứa chlorhexidine hoặc nước muối pha loãng. Hãy tránh súc miệng quá mạnh và dùng nước súc miệng có tính sát khuẩn mạnh vì sẽ làm rơi cục máu đông, gây ảnh hưởng tới quá trình lành vết thương. (1)
Hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn
1. Vệ sinh răng miệng trong 2 ngày đầu
Ngay sau khi nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ đặt 1 miếng bông gạc để cầm máu. Bạn cần giữ miếng bông này trong khoảng 30 - 40 phút và có thể thay mới nếu cần. Tránh sử nước muối, tránh súc miệng quá nhiều, chỉ cần súc miệng 2 - 3 lần mỗi ngày.
Từ ngày thứ 2 trở đi, bạn nên bắt đầu chải răng nhẹ nhàng xung quanh vùng vết thương để loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, hãy cẩn thận để không làm tổn thương vùng da mới hình thành.
2. Ngày thứ 3 đến ngày thứ 10
Trong những ngày tiếp theo, bạn nên uống nhiều nước để giữ khoang miệng luôn ẩm ướt, ngừa viêm nhiễm. Tiếp tục súc miệng bằng nước ấm để tiêu diệt vi khuẩn, duy trì 2 - 3 lần/ngày.
Khi đánh răng, hãy chải nhẹ nhàng và chú trọng vệ sinh vùng lưỡi để loại bỏ vi khuẩn. Bạn cũng nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chuyên dụng như nước súc miệng hoặc chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và thức ăn dưới kẽ răng.
3. Duy trì vệ sinh răng miệng tốt sau thời gian phục hồi ban đầu
Thời gian hồi phục sau khi nhổ răng khôn phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Khi vết thương bắt đầu lành, bạn tiếp tục vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng, súc miệng và sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước, nhưng hãy nhớ thực hiện nhẹ nhàng và theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động hàng ngày để hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng.
Lưu ý chăm sóc sau khi nhổ răng khôn
6 cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn bạn cần lưu ý như sau:
1. Chế độ ăn uống sau nhổ răng khôn
- Hãy ưu tiên ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa như: cháo, súp, sinh tố. Hạn chế nhai mạnh và tránh để thức ăn tiếp xúc với vùng răng vừa nhổ. (2)
- Bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin vào chế độ ăn hàng ngày của bạn, đặc biệt là vitamin C, để giúp vết thương mau lành.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng, cay hoặc cứng như: thịt gà, sườn vì chúng làm cho vết thương lâu lành hơn.
- Uống nhiều nước để giữ cho miệng không bị khô và giúp làm sạch khoang miệng.
2. Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
Sau khi nhổ răng khôn, việc nghỉ ngơi là rất quan trọng. Các hoạt động mạnh sẽ làm vỡ cục máu đông. Do đó, bạn nên tránh làm việc nặng và không lái xe trong ít nhất 24 giờ sau phẫu thuật. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và chỉ đi bộ nhẹ nhàng, tránh di chuyển xa trong thời gian này. (3)
Đồng thời, tuyệt đối không dùng rượu, bia, đồ uống có gas, thuốc lá và các chất kích thích khác cho đến khi vết thương hoàn toàn hồi phục.
3. Chườm lạnh
Sau 24 giờ nhổ răng, nên chườm đá giúp giảm sưng và đau. Khi chườm, hãy nhẹ nhàng nhấn và thả, tránh áp lực mạnh vào một vị trí cố định. Bạn nên chườm lạnh trong khoảng 30 phút, sau đó nghỉ ít nhất 30 phút trước khi tiếp tục. Hãy thực hiện quá trình này trong khoảng 2 - 3 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng.
4. Uống thuốc theo đơn của bác sĩ
Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ để giảm đau (4). Các loại thuốc được kê gồm:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol và Acetaminophen giúp giảm đau sau khi tác dụng của thuốc tê kết thúc.
- Thuốc kháng sinh: Amoxicillin và Doxycycline giúp ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương.
Bạn nên sử dụng thuốc trong khoảng 5-7 ngày sau khi nhổ răng. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo bạn dùng thuốc đúng cách và đủ liều.
5. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn
Nếu bạn thấy các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn, hãy chú ý:
- Máu cứ chảy không ngừng trong 24 - 48 giờ sau khi nhổ răng.
- Nướu sưng lên và kéo dài.
- Cảm thấy đau quá mức mà thuốc giảm đau theo đơn không giúp ích.
- Miệng có mùi hôi và xuất hiện mủ. (5)
- Bị sốt cao. (6)
- Cảm thấy buồn nôn.
- Gặp khó khăn khi mở miệng và nuốt.
- Cảm giác tê buốt kéo dài.
Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia nha khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
6. Khám răng định kỳ
Bạn nên thăm khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra các vấn đề về răng miệng, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngừa nguy cơ nhiễm trùng và mất răng.
Chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM tự hào về đội ngũ chuyên gia và bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn và tận tâm. Sử dụng các phương pháp tiên tiến trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sau khi điều trị. Bệnh viện được trang bị các máy móc và thiết bị hiện đại từ châu Âu, cùng với môi trường khử khuẩn đạt chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Quy trình nhổ răng khôn theo tiêu chuẩn quốc tế, không gây đau nhức hay ê buốt, cam kết mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Bài viết này đã giúp bạn biết cách vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn để ngăn nhiễm trùng. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi theo chỉ dẫn của bác sĩ để vết thương nhanh lành hơn.