Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-3
Sự kiện trong nước
- Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp.
- Ngày 9-3-1971, ngày truyền thống Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Nhà máy Z176 tiền thân là Xí nghiệp T606, được thành lập vào ngày 9-3-1971, có nhiệm vụ sản xuất khí oxy và nitơ; các loại sơn, bao bì; dụng cụ bảo quản cho các kho vật tư; tiểu tu và trùng tu ô tô, máy kéo, rơ moóc... phục vụ các đơn vị của quân đội. Ban đầu quân số của Xí nghiệp T606 chỉ có 133 cán bộ, công nhân, cùng số ít máy móc, thiết bị cũ và không đồng bộ.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đó, xí nghiệp đã cho ra đời những chai oxy tinh khiết đầu tiên phục vụ cứu chữa thương, bệnh binh trên chiến trường; sản xuất vỏ mìn, vỏ lựu đạn, chân súng ĐKZ, khung thép làm hầm, hào, công sự cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 7-1976, Xí nghiệp 147 và Xí nghiệp 177 được sáp nhập vào Xí nghiệp T606 và đổi tên thành Nhà máy Z176…

Trải qua 51 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy Z176 từng bước khẳng định thương hiệu và uy tín doanh nghiệp quân đội, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, liên tục là một trong những lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Bộ Quốc phòng; được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng các loại; nhiều năm được Bộ Công Thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của cả nước... Đặc biệt năm 2016, nhà máy đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2021 vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Sự kiện quốc tế

- Ngày 9-3-1776, Của cải của các quốc gia, tác phẩm kinh điển của kinh tế chính trị của Adam Smith, lần đầu tiên được phát hành.
- Ngày 9-3-1934, ngày sinh của Yuri Gagarin, nhà du hành vũ trụ người Liên Xô (mất ngày 27-3-1968). Ông đã trở thành người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ.
Vào lúc 9 giờ 7 phút (giờ Moskva) ngày 12-4-1961, tàu vũ trụ Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18.000 dặm/giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái Đất từ bên ngoài vũ trụ.

Sau khi bay một vòng quanh Trái Đất hết 1 giờ 48 phút, tàu vũ trụ Phương Đông đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Vonga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Liên bang Xô Viết khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới. Kỷ nguyên con người nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ, kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.
Với những đóng góp lớn lao cho ngành vũ trụ Liên Xô và thế giới, Gagarin được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả của hòa bình và hữu nghị. (theo baotintuc.vn)
Theo dấu chân Người
- Ngày 9-3-1923, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ủy ban hành động chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc của Quận 17 tổ chức tại nhà Công đoàn ở phố Lơgiăngđrơ.

- Ngày 9-3-1946, Báo Cứu Quốc đăng “Tuyên cáo cùng dân chúng Pháp và Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Leclerc đồng ký tên nêu rõ chủ trương quân Pháp sẽ trở lại khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 và kêu gọi “người Pháp và người Việt Nam hãy tuân lệnh những người lãnh đạo của hai nước, thi hành các mệnh lệnh một cách triệt để để cùng nhau xây dựng kinh tế và kiến thiết”.

- Ngày 9-3-1953, Bác viết bài “Giai cấp nông dân” đăng trên Báo Cứu Quốc, nêu rõ: “Giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng”, đóng góp cũng như hy sinh nhiều nhất cho cách mạng. Tuy nhiên giai cấp này “vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu”. Do vậy, “giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp đỡ họ, và lãnh đạo họ vì họ là lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh”.

- Ngày 9-3-1959, Bác Hồ kết thúc chuyến thăm hữu nghị Indonesia, trên đường về nước quá cảnh tại Rangoon, thủ đô Miến Điện và hạ cánh xuống sân bay Côn Minh trước khi về nước.
- Ngày 9-3-1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Tốt” trong loạt bài bình luận về “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Phân tích yếu tố “Tốt”, Bác nhấn mạnh đến chất lượng sản phẩm và kết thúc bằng mấy câu văn vần dễ nhớ:
“Làm nhanh mà không tốt,
Có gì là vẻ vang?
Đã là người làm chủ,
Tính toán phải đàng hoàng:
Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng
Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”.
Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961. Ảnh: hoilhpn.org.vn- Ngày 9-3-1961, Bác đến dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III và căn dặn: “Phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có cái chí tự cường, tự lập, phải nâng cao lên mãi mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật... Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ làm chủ nước nhà, phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu- Ngày 9-3-1967, Bác viết bài “Đáng khen và đáng chê” đăng trên Báo Nhân Dân. Đưa ra tấm gương một chủ tịch ủy ban xã vừa công tác tốt vừa nuôi lợn giỏi và tình trạng “mổ lợn bừa bãi” của một cửa hàng thực phẩm cùng trong tỉnh Thái Bình, dưới bút danh “Chiến Sĩ”, Bác yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm kịp thời khen và chê để làm gương cho mọi người.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp và trả lời phỏng vấn phóng viên ngày 9-3-1947, khi bình luận về lời tuyên bố của Thủ tướng Pháp Ramađiê (Ramadier) (ngày 6-3-1947), Bác tỏ ý tiếc rằng Chính phủ Pháp đã lật lọng, một mặt thì nói “nước Pháp không phản đối nguyện vọng thống nhất của người Việt Nam”, nhưng mặt khác lại cố sức dùng vũ lực với đồng bào ta.
Trước hành động đó, thay mặt quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo Pháp năm 1964. Ảnh: Tư liệuTuyên bố trên của Người đã thể hiện lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến dù cuộc chiến đấu đó có đầy gian lao, thử thách, đầy hy sinh, mất mát, nhưng sau ngày chiến thắng sẽ xây dựng nước Việt Nam độc lập cường thịnh. Tuyên bố của Người cũng thể hiện ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Lời của Người đã thể hiện sự tin tưởng tinh thần đấu tranh cách mạng của thế hệ trẻ nước nhà, thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam kiên quyết đứng lên đánh đuổi kẻ ngoại xâm, giành hoàn toàn độc lập, tự do cho dân tộc, tạo tiền đề đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời dạy của Người là nguồn động lực tinh thần to lớn để phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 80 ra ngày 9-3-1953 đăng Bức điện cuối cùng của Đại nguyên soái Stalin gửi Hồ Chủ tịch và Điện văn của Hồ Chủ tịch gửi Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 80 ngày 9-3-1953.Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1173 ngày 9-3-1963 đăng bài xã luận với tiêu đề: “Thêm một bước phát triển mới tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1173 ngày 9-3-1963.HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)