Bạn tìm được một công việc thực tập thật hoàn hảo vì vậy giờ là lúc ứng tuyển và dành lấy vị trí đó!
Tuy nhiên, ngoài sơ yếu lý lịch của mình, bạn cũng cần viết một bức thư xin việc cho kỳ thực tập.
Bạn có thể nhìn chằm chằm vào trang Word trống trong nhiều giờ và không nghĩ ra được gì.
Chúng tôi cũng không đổ lỗi cho bạn được, cover letter khá khó viết kể cả khi có bề dày kinh nghiệm, chứ chưa nói đến bạn đang là sinh viên hoặc vừa tốt nghiệp.
Nhưng đừng lo lắng nhé, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn tất tần tật những gì cần biết để viết một bức thư xin việc đầy sức thuyết phục cho kỳ thực tập của bạn.
Tôi có thật sự cần một bức thư xin việc cho kỳ thực tập không?
Điều đầu tiên- nếu bạn đang tự hỏi liệu bạn có thật sự cần một bức thư xin việc cho đơn xin thực tập của mình hay không, thì câu trả lời là có.
Đơn xin thực tập giống như bất kỳ quy trình tuyển dụng nào khác, tức là, nhà tuyển dụng sẽ xem xét sơ yếu lý lịch, thư xin việc (thậm chí cả người giới thiệu), và quyết định liệu bạn có đủ tiêu chuẩn cho vị trí đó hay không.
Đúng vậy, trái với những gì bạn nghĩ về họ, các nhà tuyển dụng sẽ đọc thư xin việc của bạn đấy. 56% các nhà tuyển dụng thích đọc thư xin việc cùng với đơn của ứng viên.
Điều này hợp lý thôi-một bức thư xin việc giúp bạn thêm các thông tin cần thiết mà bạn chưa điền trong sơ yếu lý lịch, cũng như giải thích(bằng lời) kinh nghiệm tương ứng với vai trò bạn đang ứng tuyển như thế nào.
Do đó, một bức thư xin việc khi đi thực tập là rất cần thiết và nó bổ sung cho hồ sơ của bạn.
Giờ chúng ta đã hiểu rõ ngọn ngành, hãy cùng điểm qua tất cả những cách hay nhất để viết thư xin việc cho kỳ thực tập nhé.
Cách viết thư xin việc cho thực tập sinh
#1. Tôn trọng khuôn mẫu
Trước khi tập trung vào nội dung thư, đầu tiên bạn nên đảm bảo bạn đang bám chắc theo đúng mẫu.
Nếu không, thư xin việc của bạn sẽ rất lộn xộn và nhà tuyển dụng cũng gặp khó khăn trong việc theo dõi quá trình tư duy của bạn.
Vì vậy, đây là mẫu của thư xin việc cho thực tập sinh mà bạn nên tuân theo:
Tiêu đề với thông tin liên hệ.Phần này gồm họ tên, email chuyên nghiệp, số điện thoại và hồ sơ Linkedin(nếu có). Bên dưới thông tin liên hệ, bạn nên thêm ngày và thông tin người nhận (tên và chức danh nhà tuyển dụng, tên công ty/tổ chức, và địa chỉ của họ).
Lời chào tới nhà tuyển dụng. Chào nhà tuyển dụng bằng “Thưa ông/bà” hoặc “Dành cho ai quan tâm đến chuyện” đều khá phổ biến, nhưng chưa phải cách tiếp cận hay nhất. Bạn muốn cho nhà tuyển dụng thấy mình đã tìm hiểu kỹ lưỡng thế nào? Chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với người tuyển dụng đó trực tiếp bằng tên họ.
Lời mở đầu. Lời mở đầu của bạn phải ngắn gọn, nhưng đồng thời cũng cần chuyên nghiệp và thu hút sự chú ý. Tại đây, bạn giới thiệu bản thân, đề cập về vị trí bạn đang ứng tuyển, và một hai thành tích quan trọng.
Phần thân. Phần thân thư xin việc gồm 2-3 đoạn để bạn nhấn mạnh trình độ học vấn, cung cấp về các kỹ năng nền của bạn và trình bày một cách chuyên nghiệp rằng bạn(và công ty đó) sẽ mang lại lợi ích gì cho đối phương.
Phần kết. Phần kết đoạn của bạn là cơ hội để thuyết phục họ, cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian đọc, hoặc đề cập tới bất kỳ thông tin nào bạn đã bỏ qua.
Lời chào trang trọng. Kết thúc thư xin việc với một lời chào trang trọng như “trân trọng”, “chân thành”, hoặc “trân trọng nhất”.
#2. Nêu rõ vị trí bạn đang ứng tuyển trong phần mở đầu
Các nhà tuyển dụng rất ghét những thư xin việc và sơ yếu lý lịch không sáng tạo.
Thậm chí khoảng 48% nhà tuyển dụng và người quản lý tuyển dụng sẽ không đọc thư xin việc của bạn, nếu thư đó không được biến tấu cho phù hợp với vai trò bạn đang ứng tuyển.
Và một trong những cách dễ nhất để khắc phục là đề cập vị trí bạn đang ứng tuyển ngay trong phần mở đầu thư xin việc.
Điều này sẽ giúp bạn:
- Thể hiện rằng bạn đã chuẩn bị thật kỹ toàn bộ thư xin việc cho riêng vị trí đó.
- Chứng minh rằng thư xin việc của bạn được điều chỉnh cho chính kỳ thực tập này, và bạn không chỉ đang ứng tuyển công việc một cách ngẫu nhiên.
Đây là một ví dụ cụ thể về cách bạn có thể đề cập vị trí mình đang ứng tuyển tại phần mở đầu của thư xin việc:
Kính gửi Ông Jacobs,
Tôi rất vinh hạnh được ứng tuyển vị trí thực tập sinh Trợ lý Truyền thông tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Tôi có thể tự tin nói rằng, dựa trên 2 năm kinh nghiệm làm việc làm báo và kết quả học tập xuất sắc của tôi với Chuyên ngành Truyền thông Đại chúng, tôi rất phù hợp với vị trí này.
#3. Trình bày các từ khóa phù hợp
Khi xem lại đơn ứng tuyển của bạn, người tuyển dụng thường đọc nhanh thư xin việc hoặc sơ yếu lý lịch và tìm những từ khóa quan trọng chứng tỏ bạn đủ tiêu chuẩn với công việc thực tập bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ. Nếu bạn đang ứng vào vị trí thiết kế đồ họa, nhà tuyển dụng có thể đang tìm các từ khóa như “Photoshop”, “Họa sĩ minh họa” hoặc “InDesign”.
Vì vậy, đưa các từ khóa phù hợp vào thư xin việc của bạn là cực kỳ quan trọng.
Bạn tự hỏi, làm thế nào để bạn có thể tìm được những từ khóa này?
Thực ra nó rất đơn giản- chỉ cần nhìn vào dòng mô tả công việc thực tập và ghi xem qua các kỹ năng, trách nhiệm yêu cầu và tìm những từ khóa bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ để tâm đến.
Kế tiếp, hãy làm theo những bước sau:
Khéo léo điểm một vài từ khóa đó xuyên suốt thư xin việc của bạn. Khi phù hợp, hãy thêm một kinh nghiệm vào. Ví dụ, đừng chỉ nói “Tôi giỏi photoshop”, mà hãy nói bạn đã tham gia 3 lớp dạy Photoshop khác nhau thế nào và sử dụng kỹ năng ấy cho 2 dự án khác nhau.
Đừng dùng những từ khóa không phù hợp với bạn, chúng chỉ khiến bạn giống như đang chép lại dòng mô tả công việc vậy.
Nghiên cứu và thêm những kỹ năng mềm phổ biến khác mà nhà tuyển dụng kiếm tìm trong ở các ứng viên cho vị trí bạn đang nhắm tới. Ví dụ, nếu bạn đang nộp đơn xin thực tập vị trí trợ lý truyền thông, rất có thể, bạn sẽ cần kỹ năng giao tiếp giỏi (kể cả khi điều này không được liệt kê ở mô tả công việc).
Bây giờ, hãy cùng xem một ví dụ cụ thể. Giả sử công việc thực tập bạn nhắm đến yêu cầu các kỹ năng sau:
Giao tiếp
Khả năng lãnh đạo
Làm việc nhóm
Khả năng đáp ứng các deadline nghiêm ngặt
Đây là cách bạn sẽ viết chúng trong thư xin việc:
Trong thời gian làm Tổng biên tập tại tờ báo của trường Đại học, tôi đã trau dồi đáng kể được kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo của mình. Trong hơn 2 năm, tôi phụ trách một nhóm gồm 7 thành viên, điều này cũng giúp tôi phát triển khả năng làm việc nhóm cũng như hoàn các deadline nghiêm ngặt đúng hạn.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn cũng có thể lạm dụng từ khóa.
44% các nhà tuyển dụng cho biết, họ sẽ loại bỏ một bản sơ yếu lý lịch hoặc thư xin việc nếu nhìn nó như sao chép từ tin đăng tuyển dụng của họ.
Việc dùng từng từ khóa có trong mô tả công việc(mà không thêm các kỹ năng kinh nghiệm) có thể khiến người tuyển dụng nghĩ bạn đang chép lại quảng cáo đăng tuyển và thực sự chẳng có mấy kỹ năng này.
Do đó, đừng chỉ bê nguyên si mọi từ khóa từ mô tả công việc vào, và nếu bạn đề cập rất nhiều từ khóa ấy, hãy đảm bảo phải thêm cả những kinh nghiệm cụ thể
#4 Làm nổi bật trình độ học vấn của bạn
Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì học vấn và các môn học liên quan sẽ là cơ hội tuyệt vời để thể hiện rằng bạn phù hợp với công việc thực tập ấy.
Việc để nhà tuyển dụng biết kiểu khóa học bạn đã hoàn thiện phù hợp với công việc thực tập bạn đang ứng tuyển, sẽ là một điểm cộng lớn cho đơn ứng tuyển của bạn.
Ví dụ, bạn đang đăng ký thực tập vị trí thiết kế đồ họa. Để bảo đảm thư xin thực tập của bạn ấn tượng, hãy đề cập mọi môn học phù hợp và cách thành tích. liên quan
Đây là một ví dụ về cách bạn sẽ viết thế nào:
Là một sinh viên chuyên ngành Thiết kế trực quan, tôi đã hoàn thành nhiều khóa học giúp portfolio của mình trở nên chuyên nghiệp. Một vài trong số đó là khóa Thiết kế & Bố cục và Giao tiếp Trực quan: Lý thuyết và Thực hành. Tôi cũng đã trau dồi được kinh nghiệm quý giá khi làm layout cho tờ báo của trường đại học trong 4 năm và nhiều đầu sách dưới dạng dự án độc lập.
#5. Cung cấp nền tảng cho các kỹ năng của bạn
Chỉ cần khẳng định rằng bạn có một bộ kỹ năng và làm một điều khác để chứng minh nó.
Bất cứ ai cũng có thể nói họ giỏi làm cái này cái kia, nhưng điều tạo nên sự khác biệt là khi bạn chứng minh được mình nói thật.
Ví dụ, trong thư xin thực tập, thay vì chỉ viết rằng bạn có “kỹ năng quản lý thời gian tốt”, thì hãy chứng minh nó với một kinh nghiệm trước đây.
Trong suốt mùa hè tôi từng hỗ trợ công việc lên kế hoạch cho đám cưới gia đình, tôi đã học được rất nhiều về quản lý thời gian. Trong loại hình kinh doanh ấy, điều quan trọng là mọi thứ phải đi theo đúng kế hoạch, vì vậy ngoài kỹ năng quản lý thời gian, tôi cũng hỏi hỏi thêm rất nhiều về việc chú ý tới các tiểu tiết.
#6.Giải thích vì sao bạn phù hợp với vị trí ấy
Ngoài việc chỉ liệt kê ra các kỹ năng thích hợp và có lợi cho việc thực tập, bạn cũng cần giải thích vì sao mình phù hợp với vị trí đó.
Điều này tức là bạn nên liên kết giữa những gì công ty/ tổ chức đang mong muốn thu được từ các sinh viên thực tập và những gì bạn có thể làm để cung cấp cho họ.
Vì thế, sau khi nghiên cứu và hiểu rõ họ yêu cầu ở bạn những gì, bạn nên dùng thư xin việc để trình bày lý do bạn phù hợp với vị trí này.
Lấy ví dụ, giả sử bạn đang ứng tuyển thực tập ở một tổ chức Nhân quyền. Phần lớn những gì họ yêu cầu ở vai trò này là phân loại tệp ảo của các trường hợp mà tổ chức từng làm việc trong quá khứ.
Trong trường hợp này, điều bạn muốn làm là cho họ thấy bạn có thể giúp ích cho công việc như thế nào với tư cách thực tập sinh. Cách làm như sau:
Tôi đã trải qua 3 mùa hè làm việc tại Thư viện Quốc gia, tại đây nơi tôi được giao nhiệm vụ sắp xếp và phân loại sách dựa trên chủ đề, tác giả và năm xuất bản, đồng thời ghi nhớ từng phần phù hợp trong thư viện. Tôi tin rằng kỹ năng mà tôi đã hoàn thiện trong nhiều năm này thực sự có thể hữu dụng cho vị trí thực tập tại Tổ chức X.
#7. Mô tả những gì bạn sẽ đạt được một cách chuyên nghiệp
Ngoài việc thể hiện(và chứng minh) các kỹ năng, cũng như bạn có thể mang lại lợi ích thế nào cho công ty, thì bạn cũng nên trình bày việc BẠN sẽ gặt hái được những gì từ vị trí này.
Khi nói về thực tập, thường là phục vụ mục đích giúp sinh viên và các chuyên gia trẻ có được kiến thức chuyên sâu về ngành, tạo mạng lưới và phát triển các kỹ năng có lợi cho họ trong suốt sự nghiệp.
Vì vậy, chắc chắn bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn nữa nếu bạn cho thấy rằng mình tự nhận thức được về những gì mình sẽ nhận được từ kỳ thực tập và nó sẽ giúp ích cho bạn phát triển chuyên môn thế nào.
Dưới đây là cách viết:
Ví dụ:
Tôi rất hào hứng vì kỳ thực tập này sẽ mang tới cho tôi các kỹ năng và mạng lưới phục vụ khách hàng cần thiết, để giúp tôi phát triển chuyên nghiệp trong công việc tương lai với tư cách là một quản lý chăm sóc khách hàng.
#8. Rà soát lại thư xin việc của bạn
Cuối cùng, sau khi viết và hoàn thành, điều cuối bạn cần làm là đảm bảo thư xin việc không mắc lỗi nào.
Một lỗi chính tả hay ngữ pháp có thể không khiến bạn bị loại, nhưng đồng thời nó cũng sẽ là một báo động cho các nhà tuyển dụng cho thấy bạn không quá cẩn trọng.
Để giải quyết vấn đề này, hãy nhờ một người bạn đọc lại thư xin việc của mình hoặc dùng phần mềm kiểm tra chính tả như Grammarly và Hemingway.
#9. Liên kết thư xin việc của bạn với thiết kế sơ yếu lý lịch
Bạn muốn đơn xin thực tập thực sự tỏa sáng?
Hãy liên kết hợp lý thiết kế thư xin việc với bản lý lịch của bạn nhé!
Đúng vậy, bạn có thể chọn một mẫu xin việc chung chung, nhưng vì sao phải nhạt nhẽo khi bạn có thể nổi bật?
Mẫu thư xin việc thực tập
Bạn đang chật vật để tạo một bức thư xin việc cho kỳ thực tập?
Vậy chỉ cần làm theo mẫu thư xin việc thực tập đã được thử nghiệm của chúng tôi!
Kính gửi Bà Johnson,
Tôi viết thư này để bày tỏ sự quan tâm của tôi đến chương trình thực tập mùa hè với công ty Marketing của bà. Tôi đã tìm hiểu về công ty của bà thông qua trung tâm sinh viên tại trường đại học của tôi. Và sau khi truy cập trang web, tôi vô cùng ấn tượng với công việc đột phá của công ty trong ngành giao thông vận tải.
Tôi hiện đang theo học chuyên ngành Marketing, với môn phụ về mảng thống kê và sẽ nhận bằng mùa xuân năm sau. Mặc dù tôi có nền tảng phân tích và Marketing, nhưng tôi thiên về các chiến dịch của chính phủ. Tôi cảm thấy công ty sẽ giúp mình tăng cường kiến thức học tập và cho tôi cơ hội cùng sự cọ sát mà mình cần để thăng tiến trong sự nghiệp sau này. Trong thời gian đó, tôi sẽ cố gắng ứng dụng những gì mình đã học để tạo sự thu hút tới khách hàng của công ty.
Sau khi tốt nghiệp, tôi hy vọng sẽ làm việc cho một đại lý giống như của bà để phát triển kinh nghiệm bản thân, phục vụ khách hàng và cuối cùng là thành lập công ty đại lý của riêng mình. Với các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cùng những khách hàng nổi tiếng của tôi trong quá khứ, tôi tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu này.
Trước đây, tôi đã từng thực tập tại một công ty quảng cáo địa phương khác, làm việc trong các dự án quan trọng cho khách hàng của họ. Trong thời gian thực tập đó, tôi đã có cơ hội tìm hiểu bộ sản phẩm Adobe Creative Suite, bao gồm cả Photoshop và InDesign. Tôi cũng đã học cách tạo các chiến dịch hấp dẫn thu hút sự chú ý về mảng chăm sóc sức khỏe. Tôi tin rằng kiến thức của mình về Digital Marketing và phương tiện truyền thông xã hội có thể phù hợp với vị trí công ty bà đang tìm kiếm.
Tôi được biết công ty đang tìm cách phát triển nhóm truyền thông xã hội. Tôi rất mong có dịp gặp gỡ bà để thảo luận thêm về các cơ hội thực tập mà công ty cung cấp. Hãy cho tôi biết nếu bà có bất kỳ câu hỏi nào hoặc nếu bà muốn xem các tài liệu mẫu về công việc cụ thể tôi đã làm trước đây. Bà có thể liên hệ với tôi qua số điện thoại 416-821-9879 hoặc qua email tại [email protected].
Cám ơn bà vì đã xem xét.
Trân trọng
Lưu ý chính
Tóm gọn lại! Bạn đang cần có mọi thông tin cần thiết về cách để viết một bức thư xin việc cho công việc thực tập.
Bây giờ, chúng ta hãy làm một bản tóm tắt nhỏ về các điểm chính mà chúng ta vừa đề cập:
Thư xin việc là cực kỳ cần thiết khi bạn đang ứng tuyển cho một công việc thực tập
Khi bắt đầu viết thư, hãy đảm bảo bạn tuân theo mẫu: tiêu đề với thông tin liên hệ, lời chào tới nhà tuyển dụng, một đoạn mở đầu, phần thân từ 2-3 đoạn, và một đoạn kết, sau đó là lời chào trân trọng và tên bạn.
Một vài mẹo chính về cách viết thư xin thực tập gồm: Nêu rõ vị trí bạn đang ứng tuyển, đảm bảo dùng đúng từ khóa phù hợp, và bổ sung kinh nghiệm với từng kỹ năng.
Dùng một trình tạo thư xin việc và liên kết phù hợp nó với sơ yếu lý lịch của bạn để đảm bảo thư xin việc thực sự nổi bật so với các đối thủ còn lại.
-
Tác giả: Andrei Kurtuy
Link bài viết gốc: How to Write a Cover Letter for Internship (Examples & Template) (novoresume.com)
Dịch giả: Nguyễn Tú Anh - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Tú Anh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.