Phẫu thuật mắt cận thị là 1 trong những phương pháp điều trị tật cận thị triệt để và an toàn nhất hiện nay. Thủ thuật này giúp khắc phục các vấn đề về thị lực, không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng, từ đó cải thiện được chất lượng cuộc sống đáng kể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về quy trình mổ mắt cận thị, chỉ định và cách chăm sóc sau phẫu thuật.
Mổ mắt cận thị (bắn mắt cận) là gì?
Mổ mắt cận thị là phương pháp điều trị cận thị bằng cách điều chỉnh độ cong giác mạc để người bị cận nhìn rõ chi tiết hình ảnh mà không cần dùng kính. Mổ mắt cận thị mang lại hiệu quả, nhanh chóng và an toàn.
Ưu điểm
- Không gây đau.
- Không chảy máu.
- Thời gian điều trị nhanh.
- Hồi phục thị lực nhanh.
- Phẫu thuật diễn ra trong vòng 5 - 10 phút và ra về trong ngày.
Nhược điểm: trong vòng 3 - 6 tháng sau khi mổ mắt cận thị, có thể xuất hiện 1 số triệu chứng như: Mắt dễ khô, nhạy cảm hơn và cần được chăm sóc cẩn thận.
Tại sao cần mổ mắt cận?
Mổ mắt cận giúp cải thiện thị lực, loại bỏ sự phụ thuộc vào kính, tiết kiệm chi phí thay kính, tăng tự tin và nâng cao chất lượng sống. Tuy nhiên, trước khi mổ mắt cận, người bệnh cần được đánh giá kỹ lưỡng và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa mắt.
Xem thêm: Phẫu thuật khúc xạ mắt: Chỉ định, phương pháp và quy trình mổ
Đối tượng nào được chỉ định bắn mắt cận?
1. Chỉ định
Phẫu thuật mổ mắt cận được thực hiện khi:
- Độ cận ổn định trong vòng ít nhất 6 tháng - 1 năm.
- Độ tuổi trên 18. Ở giai đoạn này, độ cận đã ổn định và ít có sự thay đổi, giúp tăng khả năng phẫu thuật thành công và hiệu quả kéo dài.
- Mắc tật khúc xạ như cận - viễn - loạn hoặc lão thị.
- Có nhu cầu phẫu thuật cận thị.
2. Chống chỉ định
- Có bệnh mắt đang tiến triển như viêm kết giác mạc, glaucoma,..
- Viêm giác mạc do herpes.
- Bệnh giác mạc hình chóp.
- Giác mạc quá mỏng.
- Khô mắt nặng.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
- Đang sử dụng các nội tiết tố sinh dục.
- Mắc bệnh tự miễn.
Các phương pháp mổ mắt cận thị phổ biến
1. LASIK
Phẫu thuật LASIK là một trong những lựa chọn phổ biến để mổ mắt cận. Phương pháp này điều trị cận thị bằng cách tạo vạt giác mạc và dùng tia laser excimer để triệt tiêu độ cận. [1]
2. Femto Lasik
Femto Lasik (mổ LASIK không dùng dao) cải tiến hơn so với phẫu thuật LASIK tiêu chuẩn vì sử dụng công nghệ Laser Femtosecond để tạo vạt giác mạc. Sau đó, dùng tia Laser Excimer để giảm độ cận thị, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng do quá trình tạo vạt trong cuộc phẫu thuật. Mổ mắt cận Femto Lasik được đánh giá có tính an toàn cao và chính xác hơn.
3. Relex Smile
Relex Smile (Small Incision Lenticule Extraction) không tạo vạt mà sử dụng tia Femtosecond Laser để tách lớp giác mạc tương ứng với độ cận và tạo đường rạch nhỏ để rút lõi mô giác mạc. Relex Smile mang lại độ chính xác cao, giúp hạn chế biến chứng do tạo vạt giác mạc, giảm tình trạng khô mắt sau phẫu thuật.
Xem thêm: Mổ mắt cận Smile Pro: Phương pháp, quy trình và chỉ định phẫu thuật
Các phương pháp mổ mắt cận thị khác
Các phương pháp mổ mắt cận thị như: can thiệp nội nhãn - Phakic, phẫu thuật cắt giác mạc bằng quang học (PRK), phẫu thuật cắt giác mạc xuyên tâm (RK), tạo hình giác mạc tự động (ALK), keratoplasty nhiệt bằng laser (LTK), thấu kính trong nhu mô giác mạc (Intacs) đã từng rất phổ biến, nhưng hiện nay không còn hiệu quả và không được nhiều nơi áp dụng.
1. Can thiệp nội nhãn - Phakic
Phẫu thuật Phakic điều trị tật khúc xạ bằng cách đặt thấu kính điều chỉnh độ cận vào vị trí sau mống mắt và trước thủy tinh thể. Thấu kính này được thiết kế riêng theo thông số của từng người.
Phương pháp này mang lại hình ảnh chất lượng cao (full HD) mà không gây bào mòn hay thay đổi hình dạng của giác mạc. Có 2 loại thấu kinh được sử dụng trong phương pháp này, bao gồm: ICL và IPCL.
2. Phẫu thuật cắt giác mạc bằng quang học (PRK)
Phẫu thuật cắt giác mạc bằng quang học (PRK) tương tự như LASIK nhưng không cắt vạt. Trong quy trình thực hiện, bác sĩ nhỏ dung dịch chuyên dụng và gạt bỏ lớp nhu mô giác mạc ở bề mặt, sau đó tia laser sẽ điều chỉnh hình dạng của mắt trực tiếp. Thủ thuật này phù hợp cho người có giác mạc quá mỏng. [2]
3. Phẫu thuật cắt giác mạc xuyên tâm (RK)
Phẫu thuật cắt giác mạc xuyên tâm (RK) để điều chỉnh cận thị nhẹ. Khi mổ, các vết cắt nhỏ (vết mổ) được thực hiện trên giác mạc bằng dao mổ kim cương. Những vết cắt này làm phẳng trung tâm giác mạc và thay đổi đường cong của nó, từ đó giảm khúc xạ. [3]
Tuy vậy, vì giác mạc bị cắt, quá trình lành sẹo có thể kéo dài và mất vài tuần để hồi phục. Phẫu thuật RK từng rất phổ biến, nhưng hiện nay nó gần như đã bị thay thế bởi phẫu thuật LASIK.
Phẫu thuật RK có nguy cơ xảy ra 1 số biến chứng như:
- Thị lực thay đổi trong vài tháng đầu.
- Nhiễm trùng.
- Khó chịu.
- Giác mạc yếu có thể vỡ.
- Gặp sự cố khi lắp kính áp tròng.
- Chói xung quanh đèn.
- Đục thủy tinh thể.
- Mất thị lực.
4. Tạo hình giác mạc tự động (ALK)
Tạo hình giác mạc tự động ALK áp dụng cho trường hợp cận thị nặng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sử dụng dụng cụ đặc biệt để cắt một vạt trên bề mặt giác mạc của mắt. Việc cắt vạt giúp làm phẳng giác mạc trung tâm và giảm khúc xạ. Sau đó, vạt được đặt trở lại tự nhiên mà không cần khâu.
Tuy nhiên, biện pháp này có thể làm thay đổi tầm nhìn hoặc gây ra 1 số vấn đề như: loạn thị, mất khả năng đeo kính áp tròng, mất vạt giác mạc cần phải ghép, sẹo, nhiễm trùng, mất thị lực hoặc cảm giác chói khi nhìn sáng. Hiện tại, phương pháp này không còn được sử dụng để điều trị cận thị.
5. Keratoplasty nhiệt bằng laser (LTK)
Phương pháp này sử dụng nhiệt từ tia laser để làm co các sợi collagen và điều chỉnh hình dạng của giác mạc bằng cách tác động vào các cạnh của nó. Tuy nhiên, LTK chỉ được thực hiện cho những người từ 40 tuổi trở lên. Với sự phát triển của các phương pháp laser khác và phẫu thuật nội nhãn, phương pháp này không còn được áp dụng để điều trị cận thị.
6. Thấu kính trong nhu mô giác mạc (Intacs)
Intacs dùng để điều trị cận thị nhẹ. Chúng là những vòng mỏng được cấy vào giác mạc để thay đổi đường cong của nó và cải thiện tầm nhìn. Phương pháp Intacs hiện nay không được sử dụng trong phẫu thuật mắt cận thị.
Phẫu thuật mắt cận thị có nguy hiểm không?
Phẫu thuật mắt cận thị được đánh giá khá an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra nguy hiểm và biến chứng nếu bác sĩ mổ không đúng quy trình hay người bệnh không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ sau mổ. Vì vậy, cần thăm khám kỹ trước và chăm sóc sau phẫu thuật đúng cách để đảm bảo mắt được phục hồi.
Quy trình mổ mắt cận thị
1. Thăm khám và tư vấn trước phẫu thuật
Người bệnh được thực hiện khám sàng lọc và chuyên sâu trước khi phẫu thuật mổ mắt cận để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe mắt, độ cận và giác mạc. Từ đó, xác định có nên tiến hành mổ không và mổ bằng phương pháp nào thích hợp. Sau khi đảm bảo tất cả các điều kiện mổ mắt cận, bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp phẫu thuật và giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh.
2. Tiến hành phẫu thuật
Khi thực hiện mổ mắt cận, người bệnh thường đi cùng với người thân và đến sớm 30 phút theo lịch hẹn để ổn định tâm lý và chuẩn bị các khâu kiểm tra, bao gồm: đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm HIV.
Phẫu thuật được thực hiện rất nhanh chóng, chỉ trong khoảng 10 phút. Người bệnh được hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ, vì vậy cần duy trì tâm lý thoải mái, nằm yên và mắt nhìn thẳng. Hãy phối hợp thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo ca mổ diễn ra suôn sẻ nhất.
3. Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật mổ mắt cận, người bệnh được chuyển xuống phòng nghỉ ngơi. Sau đó, bác sĩ tiến hành kiểm tra lại và được xuất viện ngay trong ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó chịu ở mắt, nhưng sẽ nhanh chóng giảm đi.
Bên cạnh đó, hạn chế quay lại công việc liền và tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Cuối cùng, tái khám định kỳ theo lịch để mắt được phục hồi thị lực tốt nhất.
4. Đánh giá kết quả sau phẫu thuật
Tỉ lệ thành công của phẫu thuật mổ mắt cận rất cao. Hầu hết sau mổ, người bệnh đều có thị lực tốt. Để đánh giá kết quả, bác sĩ tiến hành kiểm tra thị lực, đảm bảo không còn phụ thuộc vào kính đeo mắt hoặc kính áp tròng.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả thị lực sau phẫu thuật cận thị:
- Các bệnh ở mắt hoặc bệnh toàn thân ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
- Tuổi của người bệnh.
- Thị lực trước khi phẫu thuật.
- Kích thước của đồng tử trong bóng tối có thể ảnh hưởng chất lượng thị giác, ví dụ hiện tượng nhìn quầng, nhìn lóa…
- Thuốc trị bệnh toàn thân.
Chăm sóc và phục hồi sau mổ mắt cận thị
1. Tái khám
Để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ. Các cuộc tái khám sẽ giúp bác sĩ kiểm tra thị lực và tình trạng giác mạc của bạn.
- Tái khám sau 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng sau phẫu thuật để kiểm tra tình trạng mắt và đảm bảo không có biến chứng sau phẫu thuật.
- Định kỳ khám mắt trong vòng 3 - 6 tháng giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh về mắt, đảm bảo thị lực của bạn luôn ổn định.
- Nếu bạn gặp đau, cộm và vướng quá mức, sưng, đỏ hoặc nhìn mờ đột ngột, hãy đi khám lại ngay.
2. Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật
2.1 Ngay sau phẫu thuật
- Mắt cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng và có thể chảy nước mắt. Nhắm mắt và nghỉ ngơi để thư giãn.
- Không dụi tay lên mắt.
- Hạn chế đồ cay nóng trong thực phẩm.
- Dùng thuốc nhỏ mắt và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2.2 Trong 1 tuần sau mổ
- Mắt vẫn còn nhạy cảm với ánh sáng, có thể nhìn mờ, lóa, chói xung quanh khu vực có ánh đèn.
- Sử dụng kính râm khi ra ngoài nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV.
- Tái khám theo lịch bác sĩ quy định.
2.3 Trong 1 tháng sau mổ
- Tránh các hoạt động khiến nước hoặc bụi bẩn bắn vào mắt như: bơi lội, xông hơi, bóng rổ, đá bóng.
- Không dùng đồ trang điểm ở vùng mắt như: mascara, eyeliner,…
2.4 Sau phẫu thuật 3 - 6 tháng
- Không làm việc với máy tính quá nhiều, cần cho mắt nghỉ ngơi và thư giãn.
Mổ mắt cận giá bao nhiêu?
Chi phí phẫu thuật mắt cận thị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: mức độ cận, phương pháp mổ, cơ sở y tế, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao, kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
Giá mổ mắt cận hiện nay dao động từ 20.000.000 - 90.000.000 đồng tùy thuộc vào phương pháp bạn lựa chọn. Tuy nhiên, để có thêm thông tin chính xác về giá, bạn cần đến bệnh viện để được tư vấn và hỗ trợ.
Biến chứng rủi ro có thể gặp sau mổ mắt cận
4 biến chứng rủi ro sau mổ mắt cận:
- Với phẫu thuật có tạo vạt giác mạc sau mổ có thể gặp các biến chứng với vạt giác mạc như: lệch vạt giác mạc, đứt vạt giác mạc,… Mắt dễ gặp phải tình trạng đau nhức, mờ và chảy nước mắt, thậm chí mất thị lực tạm thời.
- Tái cận sau mổ.
- Giãn lồi giác mạc: xuất hiện ở người có độ cận cao, giác mạc lồi ra cao hơn so với kích thước ban đầu, khiến hình ảnh nhìn không chính xác, thị lực giảm mà không cải thiện với kính. Lưu ý, các bệnh về giác mạc là biến chứng, không phải bệnh.
- Đục và sẹo giác mạc: biến chứng này rất hiếm gặp. Khi xảy ra, giác mạc trở nên đục, xuất hiện sẹo trên bề mặt giác mạc, làm khó khăn khi nhìn, thậm chí mất thị lực hoàn toàn.
Các thắc mắc thường gặp
Một số thắc mắc về mổ mắt cận mà nhiều người quan tâm được bác sĩ giải đáp như sau:
1. Mắt cận có cần mổ không?
Mắt cận có cần mổ hay không dựa trên nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bạn. Giải pháp này mang tính thẩm mỹ giúp người bệnh khôi phục thị lực và không phụ thuộc vào kính.
Nếu bạn cảm thấy đeo kính gây cản trở cho công việc, sinh hoạt hàng ngày và kém thẩm mỹ, phẫu thuật để tháo kính, cải thiện thẩm mỹ và cải thiện thị lực. Ngược lại, việc đeo kính không ảnh hưởng thì bạn không cần mổ.
2. Mổ mắt cận thị có phải nằm viện không?
Mổ mắt cận thị không yêu cầu người bệnh phải nằm viện. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc mắt và nhỏ thuốc tại nhà. Hãy tuân thủ đúng để đảm bảo mắt được hồi phục tốt nhất.
3. Mổ mắt cận thị có phải kiêng gì không?
Sau phẫu thuật mắt cận thị, bạn cần tuân thủ các hướng dẫn sau ít nhất 3 tháng để đảm bảo mắt hồi phục tốt, nếu kĩ tính có thể kiêng đến 6 tháng.
Từ 1 - 3 ngày sau khi mổ:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Tránh vận động mạnh.
- Không sử dụng mỹ phẩm.
- Tránh khói bụi ô nhiễm.
- Hạn chế làm việc hoặc học tập trong thời gian này.
Trong vòng 1 tháng đầu:
- Kiêng chơi thể thao hoặc vận động mạnh.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Trong vòng 3 tháng đầu:
- Kiêng khói bụi.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
4. Mổ mắt cận thị có tái phát không?
Mổ mắt cận có thể tái phát nếu phẫu thuật khi độ cận chưa ổn định, quy trình mổ không đúng hoặc chăm sóc sau mổ không đúng cách. Ngoài ra, khi tái cận, người bệnh không thể mổ lần 2, mà chỉ được đeo kính để khắc phục.
Trung Tâm Mắt công nghệ cao tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, nơi cung cấp dịch vụ phẫu thuật mắt cận thị với các kỹ thuật tiên tiến như LASIK, FEMTO LASIK và ReLEX SMILE. Người bệnh được tư vấn chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với tình trạng cận thị và sức khỏe của mình
Trung Tâm Mắt BVĐK Tâm Anh Hà Nội quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, trang bị các thiết bị và công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực mắt, giúp nâng cao chất lượng và độ chính xác. Sau phẫu thuật, bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc hậu mổ để giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Với dịch vụ phẫu thuật mắt cận thị chất lượng và chuyên nghiệp, BVĐK Tâm Anh tự hào là lựa chọn tin cậy quý khách hàng.
Mổ mắt cận thị là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện thị lực mà không phải sử dụng kính gọng hoặc áp tròng. Tuy nhiên, để mổ mắt được, người bệnh cần đáp ứng 1 số điều kiện nhất định. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín và phương pháp phù hợp để thực hiện mổ cận thị, đảm bảo hiệu quả và tránh tái cận.