Nem chua được xem là đặc sản thơm ngon nức tiếng của vùng đất xứ Thanh, được yêu thích trong những ngày lễ Tết vì bởi hương vị chua cay, giòn dai cuốn hút, vị ngọt của thịt lợn hòa quyện với vị chua thanh, cay nhẹ của tỏi, ớt cùng bì lợn giòn dai sần sật tạo nên hương vị hấp dẫn khó quên. Cách làm nem chua Thanh Hóa không khó, bạn hoàn toàn có thể tự mình làm món nem chua với hướng dẫn dưới đây của DTBTAAu.
Nem chua Thanh Hóa đậm đà, rất được yêu thích trong những ngày lễ Tết (Ảnh: Internet)
Thịt làm nem chua ở đây được làm chủ yếu lấy từ thịt mông của heo, tươi mới, vừa xẻ xong được chắt lọc kỹ lưỡng, chọn phần nạc ngon nhất, xay nhuyễn trộn chung với bì lợn, thính và tỏi, ớt cắt lát, … để khi nem chín sẽ có màu hồng, kết dính chắc chắn, có mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Bì lợn cạo sạch lông rồi luộc chín, bì phải lấy ở phần lưng và hông để đảm bảo độ dày, dai và giòn. Thính được làm từ gạo rang chín vàng, tạo nên mùi thơm hấp dẫn cho món ăn.
Khâu gói nem cũng rất quan trọng, thông thường nem chua được gói bằng lá chuối. Lớp lá chuối càng dày thì quá trình lên men càng nhanh và hương vị của món ăn được lưu giữ lâu hơn. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng màng bọc thực phẩm để thay thế. Học ngay cách làm nem chua qua hướng dẫn dưới đây của DTBTAAu.
Chi tiết cách làm nem chua Thanh Hóa đơn giản không khó
Nguyên liệu
- Gừng, rượu trắng
- 200g bì lợn
- 100g thính gạo
- Tỏi, ớt, lá đinh lăng, lá chuối
- 1kg thịt lợn nạc
- Gia vị: đường, muối, bột ngọt, nước mắm, tiêu
Các bước làm
Sơ chế và xay thịt làm nem
Thịt lợn rửa sạch, dùng khăn giấy thấm thật khô, cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 45 phút. Việc thấm khô trước khi xay thịt sẽ giúp nem chua không bị ngấm nước. Cho thịt vào ngăn đá để đến khi xay, thịt giữ được độ lạnh, nem sẽ giòn và không bị chín tái trong quá trình xay nhuyễn.
Chú ý làm lạnh thịt trước khi tiến hành xay nhuyễn (Ảnh: Internet)
Sau khi thịt đã đủ độ lạnh, cho vào máy và tiến hành xay nhuyễn trong khoảng 1 - 2 phút. Chú ý không xay thịt quá lâu để không làm thịt nóng lên.
Sơ chế nguyên phụ liệu
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, một phần cắt lát mỏng, phần còn lại băm nhuyễn.
Ớt tươi rửa sạch, bỏ hạt, chia hai phần thái lát và thái nhuyễn tương tự.
Lá đinh lăng rửa sạch, để ráo nước, cắt thành những khúc nhỏ.
Chế biến bì lợn
Bì lợn mua về trụng sơ qua nước sôi, thêm vào một ít sả đập dập, hành tây và hoa hồi để khử mùi hôi của bì. Tiến hành cạo sạch lông, lấy hết mỡ còn bám trên da. Bạn cần cạo sạch tất cả mỡ còn sót lại trên bì đến khi bì trắng sạch. Bì càng làm sạch thì khi thái chỉ càng giòn dai và ngon.
Rửa sạch lại rồi luộc chín bì lợn. Lưu ý không luộc bì quá lâu sẽ khiến bì lợn bị mềm. Vớt bì ra, cho vào tô nước lạnh để tạo độ giòn. Sau đó thái mỏng bì lợn thành từng sợi nhỏ.
Bì lợn sơ chế càng sạch thì làm nem càng ngon (Ảnh: Internet)
Trộn hỗn hợp làm nem chua
Cho toàn bộ thịt lạnh vào tô sạch, tiếp tục cho bì lợn, 3 muỗng đường, ½ muỗng tiêu, 1 muỗng nước mắm, thính gạo và phần tỏi, ớt đã băm nhuyễn vào, trộn đều hỗn hợp để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
Trộn hỗn hợp bì lợn với thịt xay và các loại gia vị (Ảnh: Internet)
Gói và ủ nem chua
Khi hỗn hợp nem đã ngấm đều gia vị, bạn chia thành những miếng nhỏ có độ dài khoảng 7 - 10cm, kích cỡ to bằng đầu ngón tay. Hoặc bạn cũng có thể gói nem thành hình vuông tùy theo ý thích.
Đặt lá đinh lăng, tỏi, ớt thái mỏng lên nem rồi cuốn lại bằng lá chuối. Nếu không có sẵn lá chuối, bạn có thể dùng giấy bóng thay thế, gói thật chặt rồi cố định lại bằng dây chun. Bạn lăn nem qua vài vòng để cuộn nem được chắc chắn hơn rồi xoắn hai đầu nilon lại. Chú ý xoắn chặt tay để thịt được ép chặt ở phía bên trong, nem sẽ chắc và giòn hơn.
uộn nem chua với lá đinh lăng, tỏi, ớt thái mỏng (Ảnh: Internet)
Để nem ở những nơi thoáng mát, khô ráo, ủ ở nhiệt độ phòng từ 18 - 24 độ, không có ánh nắng mặt trời để tránh nem bị lên men quá chua. Nếu vào mùa hè, nem sẽ chín sau hơn 2 - 3 ngày. Còn vào mùa đông, nem sẽ chín sau 3 - 5 ngày.
Khi nem đã “chín” và đủ độ chua là bạn có thể gỡ nem ra và thưởng thức. Nem chua có thể chấm với tương ớt để tăng vị đậm đà, ăn kèm với cơm nóng hoặc dùng như đồ nhắm cũng rất ngon.
Yêu cầu thành phẩm
Nem chua sau khi ủ chín có màu hồng tươi hoặc hơi đỏ, không chảy nước và có mùi thơm. Tỏi, ớt thái lát, lá đinh lăng được ép vào nem khéo léo và đẹp mắt. Khi ăn cảm nhận được vị chua thanh của thịt lên men cùng với bì lợn giòn dai, quyện lẫn vị cay cay của hạt tiêu, tỏi ớt và mùi thơm của lá đinh lăng vô cùng hấp dẫn.
Thành phẩm nem chua Thanh Hóa đẹp mắt, hương vị cuốn hút (Ảnh: Internet)
Một số lưu ý
Cách bảo quản
- Sau khi nem chín, bảo quản nem trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể sử dụng được trong khoảng 5 - 7 ngày tiếp theo.
- Nếu chế biến số lượng nhiều và muốn để lâu hơn, bạn có thể đặt nem chua trên ngăn đá. Quá trình lên men của thịt sẽ bị chậm lại và bạn có thể bảo quản nem trong vòng 1 tháng.
- Khi sử dụng nem bảo quản trong ngăn đá, bạn rã đông nem trong ít nhất 4 - 5 tiếng. Khi này sản phẩm sẽ trở về trạng thái bình thường là nem có thể ăn được. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để nem quá lâu trong tủ để tránh các vấn đề về sức khỏe. Thực phẩm để lâu trong tủ lạnh sẽ bị giảm chất lượng và sản sinh ra độc tố có hại.
Giá nem chua
- Nem dài, nem chua vuông có giá dao động từ 25.000 - 40.000đ/kg.
- Nem chua cối có thời gian ủ chín lâu nên có giá đắt hơn, khoảng từ 30.000 - 50.000đ/kg tùy thuộc vào khối lượng.
Chỉ với cách làm nem chua Thanh Hóa đơn giản mà ngon tuyệt này, bạn đã có thể tự làm nem chua hấp dẫn để thưởng thức cùng người thân, bạn bè rồi. Vị thơm của thịt lên men hòa quyện với vị cay nhẹ của tỏi, ớt, hòa và hương thơm của lá đinh lăng, tạo nên món nem chua Thanh Hoa đậm đà khó quên.
Để biết thêm cách làm món Việt ngon cho ngày Tết sắp tới của Việt Nam, hãy để lại thông tin ở form bên dưới để DTBTAAu hỗ trợ và tư vấn khóa học nấu ăn phù hợp nhé.