Để có thể sản xuất được chip IC trong công nghiệp bán dẫn, thường sẽ phải trải qua ít nhất 8 công đoạn như xử lý Phiến; Quá trình oxy hoá; Quang khắc; Ăn mòn; Lắng đọng và thực hiện cấy ion; Hàn dây kim loại; Quang phổ tán sắc năng lượng và đóng gói.
Hiện nay, các nước phát triển về công nghiệp bán dẫn đang chạy đua để chế tạo ra chip có kích cỡ nhỏ từ vật liệu, linh kiện với kích thước siêu nhỏ bằng nano mét. Từ đó, sản xuất ra các thiết bị điện tử nhỏ, gọn.
Để có được nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, việc đào tạo thực tiễn từ kỹ năng trong sản xuất, đóng gói, kiểm thử linh kiện là vô cùng quan trọng.
Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang là đơn vị đào tạo thực tiễn trong việc sản xuất chip và nghiên cứu phát triển các hệ vật liệu và linh kiện ở kích thước nano mét, với ngành học Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano được mở từ năm 2023.
Nhằm tìm hiểu thêm về ngành học Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Quy (Trưởng Khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu).
Mức lương của sinh viên khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi trên, PGS.TS Nguyễn Văn Quy cho hay, mức lương của sinh viên học Đại học Bách khoa khi ra trường theo mặt bằng chung thường sẽ là trên 10 triệu đồng/tháng. Đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano cũng tương tự như vậy.
"Trước khi mở ngành, chúng tôi cũng khảo sát hơn 30 doanh nghiệp về việc trả lương cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, hầu hết các doanh nghiệp sẽ trả mức lương khởi điểm với sinh viên mới ra trường trên 10 triệu đồng/tháng.
Sau một khoảng thời gian vào làm việc, doanh nghiệp sẽ tăng lương có thể lên 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, để có đánh giá khách quan, chúng tôi phải đợi khoảng 2 năm nữa, khi khóa sinh viên đầu tiên ra trường", thầy Quy nói.
Trưởng Khoa Vật liệu điện tử và linh kiệnchia sẻ thêm, hiện tại khoa có tổng 33 giảng viên, trong đó có 4 giáo sư, 10 phó giáo sư và số giảng viên còn lại đều là tiến sĩ.
Theo thầy Quy, sinh viên khi tốt nghiệp ngành học trên sẽ là kỹ sư Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano và sẽ khác với kỹ sư điện tử truyền thống.
Cụ thể, đối với kỹ sư điện tử truyền thống, họ có chuyên môn về các mạch điện, bộ vi xử lý mạch điện tử, còn với kỹ sư ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano sẽ có chuyên môn về chế tạo linh kiện điện tử, phần lõi bên trong như sản xuất các con chip: chip cảm biến, chip hồng ngoại, chip camera...
"Sinh viên của nhà trường sẽ được trực tiếp tham gia vào quá trình chế tạo, thiết kế linh kiện trong quá trình học tập", thầy Quy nói.
Chương trình đào tạo có gì đặc biệt?
Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn, việc để sản xuất ra con chip có kích thước nhỏ với vật liệu, linh kiện bằng nano mét, thì chương trình đào tạo của ngành học Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano đã có sự kết hợp giữa hai modul này.
PGS.TS Nguyễn Văn Quy cho hay, nhà trường thiết kế chương trình đào tạo có modul về công nghệ nano bởi lẽ nó sẽ hỗ trợ cho kỹ thuật vi điện tử, nhằm giảm kích thước linh kiện điện tử.
Sinh viên của nhà trường sẽ được tiếp cận các công nghệ nano, từ đó có thể cải tiến được công nghệ sản xuất con chip. Ví dụ như sinh viên nắm rõ về kích thước nano, thì sẽ biết được mức hiệu ứng nano đến đâu để tạo ra được linh kiện như nào.
Về chương trình đào tạo, thầy Quy cho hay, khung chương trình đào tạo của ngành theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Khi đơn vị thiết kế chương trình đã bám sát theo công việc bán dẫn, đây là chương trình mới mà ở Việt Nam chưa có.
Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được tham gia trực tiếp vào nghiên cứu, giúp tiếp cận chuyên môn nhanh hơn.
Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano có sự kết hợp với nhau và hội tụ các bước để phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, kỹ thuật vi điện tử", thầy Quy nói.
Sinh viên có thể được nhận học bổng thực tập ở nước ngoài 3-6 tháng
Theo như giới thiệu của nhà trường, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc có cơ hội nhận học bổng đi thực tập ngắn hạn từ 3-6 tháng tại Hà Lan, Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc...
Về nội dung trên, thầy Quy cho hay, hiện nay nhà trường đã liên kết đào tạo với nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Về phía khoa, đơn vị đang dự tính thiết kế khoảng thời gian thực tập ngắn hạn 3-6 tháng ở nước ngoài vào khoảng thời gian sinh viên đi thực tập. Điều này sẽ giúp các em không bị ảnh hưởng quá trình đến việc học tập.
"Hiện nay, có một số cơ sở giáo dục nước ngoài có thể hỗ trợ học bổng toàn phần về học phí, ăn ở, đi lại cho sinh viên của đơn vị, nhưng vẫn còn có những cơ sở chỉ hỗ trợ học bổng về học phí. Để được nhận học bổng, sinh viên phải có thành tích học tập tốt, tham gia nghiên cứu khoa học sớm", thầy Quy chia sẻ.
Thầy Quy chia sẻ thêm, khi sinh viên nhận học bổng tại đi thực tập ngắn hạn, sinh viên có thể định hướng học tập tiếp tại nước bạn. Tương lai, đơn vị cũng sẽ kết hợp với doanh nghiệp nhằm tài trợ cho sinh viên đi sang nước ngoài học tập và các em sau này sẽ về làm việc cho doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Văn Quy cho hay, trước khi mở ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, khoa đã đào tạo ngành học này cho đối tượng sau đại học. Đối với đối tượng học cao học, nhà trường trao tặng học bổng học phí toàn phần (khoảng 60-80 triệu đồng/2 năm học).
Đối với việc trao tặng 100% học bổng sau đại học cho sinh viên đăng ký chương trình tích hợp Cử nhân - Thạc sĩ, thầy Quy cho hay, khi sinh viên bước vào năm cuối đại học, các em mới được đăng ký chương trình này. Điều này giúp cho sinh viên có thể lựa chọn đi làm sau khi tốt nghiệp hoặc học tiếp.
Hiện nay, sinh viên ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano đang học năm 2, các em muốn được nhận học bổng trên, thầy cô sẽ đánh giá trên ý thức thái độ học tập.
"Số lượng đối tượng học sau đại học còn ít nên việc trao tặng học bổng là toàn phần, sau này khi đối tượng này tăng lên, chúng tôi sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ cho người học", thầy Quy chia sẻ.