Thấm thoát bạn đã trải qua gần hết thai kỳ. Khi ngày dự sinh đã cận kề cũng là lúc bạn lên danh sách những điều cần làm để đón con yêu chào đời. Việc chuẩn bị trước khi sinh chu đáo sẽ tạo tiền đề cho hành trình vượt cạn suôn sẻ và bạn không cảm thấy bỡ ngỡ với giai đoạn hậu sản, chăm sóc bé trong những tháng đầu đời.
Dưới đây là danh sách những việc bạn cần chuẩn bị trước khi sinh em bé:
1. Lập kế hoạch sinh con
Hành trình vượt cạn của mỗi phụ nữ không giống nhau, nên kế hoạch sinh nở chắc chắn sẽ khác nhau ở mỗi người. Dù mọi việc trên thực tế có thể diễn ra không theo kế hoạch, nhưng bạn vẫn nên hoạch định trong đầu về những gì mình sắp trải qua. Mình sẽ sinh bé ở đâu, bác sĩ nào đỡ sinh cho mình, ai đưa mình đi sinh, cách chăm sóc bản thân và em bé sau sinh thế nào…? Tất cả những câu hỏi đó cần được trả lời chi tiết để giúp bạn không cảm thấy bỡ ngỡ khi chúng thực sự xảy đến. (1)
2. Tham gia lớp học tiền sản
Nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia lớp học tiền sản, nhưng điều này cực kỳ cần thiết. Tại lớp học, bạn sẽ được truyền đạt kinh nghiệm về cơn chuyển dạ, hướng dẫn cách thở khi sinh, nhận biết khi nào cần nhập viện… Đừng quên rủ bạn đời tham gia cùng, vì anh ấy sẽ được học cách chăm sóc vợ và em bé trong suốt thai kỳ cũng như giai đoạn hậu sản.
Sau khi được trang bị kiến thức sinh nở vững vàng từ lớp học tiền sản, vợ chồng bạn sẽ giảm bớt nỗi lo để sẵn sàng bước sang một chặng đường mới: chặng đường làm cha mẹ đầy thú vị.
3. Lựa chọn hình thức sinh
Nếu thực hiện siêu âm, thăm khám, xét nghiệm đầy đủ trong cả ba tam cá nguyệt, bạn có thể xác định mình sẽ sinh thường hay sinh mổ. Thông thường, sinh qua đường âm đạo sẽ an toàn cho em bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp (chuyển dạ kéo dài, em bé quá lớn so với tuổi thai…), việc sinh thường sẽ dẫn tới những biến chứng nhẹ (chẳng hạn như nhiễm trùng, rách tầng sinh môn…). Những biến chứng này có thể được khắc phục vài tuần sau khi sinh. Trong trường hợp rủi ro nhiều hơn so với lợi ích liên quan đến sinh ngả âm đạo, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn sinh mổ.
Nếu bạn muốn sinh thường nhưng bác sĩ đề nghị sinh mổ do vị trí của em bé không thuận lợi (ngôi mông) hoặc thai kỳ của bạn tiềm ẩn một số nguy cơ khác, hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Ngược lại, nếu bạn muốn mổ lấy thai trong khi hoàn toàn có thể sinh thường, hãy để bác sĩ quyết định hình thức sinh cho mình. Dù lựa chọn cuối cùng là gì, mục tiêu là phải đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn cho cả mẹ và bé.
Tham khảo: Kinh nghiệm sinh con đầu lòng mẹ bầu cần biết
4. Kiểm soát cân nặng
Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và em bé, ví dụ như trẻ sinh ra lớn hơn đáng kể so với mức trung bình (chứng macrosomia của bào thai). Trong khi đó, mẹ phải đối diện với nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, chuyển dạ kéo dài, bắt buộc phải sinh mổ hoặc sinh trước ngày dự sinh… Chưa hết, việc tăng cân quá mức khi mang thai cũng khiến mẹ bị thừa cân sau sinh, khó lấy lại vóc dáng ban đầu cũng như tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong thời kỳ hậu sản. (2)
Mức tăng cân khuyến nghị dành cho thai phụ như sau:
- Với mẹ bầu thiếu cân (BMI < 18,5): cần tăng từ 13 - 18kg;
- Với mẹ bầu có cân nặng bình thường (BMI từ 18,5 - 22,9): tăng từ 11 - 16kg;
- Với mẹ bầu thừa cân (BMI từ 23 - 29,9): nên tăng khoảng 7 - 11kg;
- Với mẹ bầu béo phì (BMI > 30): chỉ nên tăng từ 5 - 9kg.
5. Tập thể dục nhẹ nhàng
Dù bạn đang mang thai, cũng đừng bỏ qua các bài tập để duy trì thể lực, bởi quá trình sinh nở sẽ khiến thai phụ mất rất nhiều sức. Không chỉ vậy, duy trì vận động còn giúp giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ cũng như trong lúc sinh nở, đồng thời giảm bớt cảm giác khó chịu khi mang thai.
Bạn cần chọn hình thức vận động phù hợp với tuổi thai và thể trạng của mình. Một số gợi ý cho bạn là đi bộ, bơi lội, yoga, khiêu vũ; tránh các bài tập yêu cầu bạn nằm ngửa, các bài tập có nguy cơ khiến bạn bị ngã và những bộ môn có thể khiến bạn bị thương. Trong lúc tập, hãy nghỉ giải lao mỗi khi bạn thấy hụt hơi, và nhớ uống nhiều nước cả trước và sau khi tập thể dục.
6. Đếm cử động thai
Cử động thai (còn gọi là thai máy) là những lần thai nhi đá, đạp hoặc xoay người mà người mẹ cảm nhận được trên thành bụng, nhưng không phải nấc cụt. Bạn có thể cảm nhận được những cử động đầu tiên của thai từ 18 - 20 tuần. (3)
Bên cạnh cảm giác hạnh phúc khi cảm nhận những cử động của thai, bạn cần theo dõi thai nhi thông qua việc đếm cử động thai. Đây là phương thức chủ động nhất để bạn cùng bác sĩ theo dõi sự phát triển của bé yêu.
Từ tuần thai 28 tuần trở đi, bạn bắt đầu đếm cử động thai mỗi ngày, cùng thời điểm trong ngày. Bạn nên chọn thời điểm đếm khi bé đang hoạt động (đang thức). Khi bé ngủ, cử động thai giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 40 phút, không quá 90 phút. Tốt nhất bạn nên đếm cử động thai sau khi ăn no.
Bạn có thể ngồi hoặc nằm nghiêng 1 bên. Đếm mỗi cử động thai (đá, cuộn tròn, đạp, nhưng không phải nấc cụt) bằng cách:
- Đếm số lần thai nhi cử động trong một giờ. Thông thường nếu thai nhi khỏe mạnh, bé sẽ cử động khoảng ≥ 4 lần/giờ.
- Nếu bé cử động < 4 lần/giờ, bạn nên thay đổi tư thế và kéo dài thời gian đếm thêm 1 giờ nữa.
- Bình thường trong 2 giờ có ≥ 7 cử động thai. Nếu ít hơn 7 cử động thai trong 2 giờ, bạn có thể lắc bụng, đi ăn hoặc thay đổi tư thế rồi đếm lại.
- Nếu có ≤ 10 cử động thai trong 4 giờ, mẹ nên đi khám bác sĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi.
7. Cân nhắc cho con bú mẹ hay bú bình
Quyết định này dường như là của riêng bạn, nhưng bạn có thể tham khảo ý kiến của người thân và những người đã làm mẹ. Nếu bạn đủ sữa và không gặp phải vấn đề sức khỏe nào, chẳng có lý do gì để không cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục đến năm bé 1 - 2 tuổi. Bạn lo ngại mình không đủ sức khỏe thức đêm liên tục hoặc phải đi làm? Hãy vắt sữa và nhờ chồng/người thân cho bé bú thay bạn, miễn sao đảm bảo nguồn dinh dưỡng bé được nhận là dòng sữa mẹ quý giá.
Nếu sau sinh sữa chưa về ngay (tình trạng thường gặp ở các sản phụ sinh mổ), bạn cũng đừng nóng vội khi không có sữa cho em bé bú những ngày đầu. Sau khi chào đời, cơ thể em bé có dự trữ mỡ trắng nuôi cơ thể. Do đó, mẹ không cần vội vàng cho bé dùng sữa công thức, kẻo bé quen vị sẽ khó tiếp nhận sữa mẹ sau này.
Trường hợp sữa đã về nhưng không đủ, bạn có thể tìm hiểu về các loại sữa công thức phù hợp với trẻ sơ sinh. Nếu bé không hợp sữa, bạn có thể cân nhắc đổi loại khác. Tuy vậy, không nên đổi thường xuyên vì cơ thể trẻ cần một thời gian đủ dài để thích ứng với loại sữa đó.
8. Chuẩn bị tâm lý đi sinh
Chuyển dạ là một trải nghiệm tuyệt vời, tuy đau đớn nhưng lại là khoảnh khắc khó quên của các bà mẹ. Để vượt qua quá trình chuyển dạ kéo dài 8 - 10 giờ, đôi lúc tới vài ngày, đòi hỏi mẹ phải có đủ sức khỏe và tinh thần. Vì thế càng cận kề ngày sinh, bạn càng cần chuẩn bị tâm lý để không bỡ ngỡ với những gì sắp trải qua. Đây là tiền đề để phòng tránh tình trạng trầm cảm sau sinh mà nhiều sản phụ gặp phải. Nếu được, hãy tham khảo kinh nghiệm của người đi trước về cơn gò chuyển dạ, cách đối phó và vượt qua cơn đau. (4)
Bên cạnh đó, đừng quên bạn sắp bước sang giai đoạn làm mẹ. Việc chăm sóc một đứa trẻ sẽ chiếm gần hết thời gian và tâm trí của bạn. Cuộc sống vợ chồng bạn gần như đảo lộn hoàn toàn. Nếu không chuẩn bị kỹ về tâm lý, bạn rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng, thậm chí trầm cảm sau sinh. Nếu cảm thấy khó lòng xoay xở một mình, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của người thân trong vài tháng đầu sau sinh.
9. Massage
Mang thai là một hành trình mà cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi lớn, khiến mẹ có cảm giác nặng nề, mệt mỏi và đau nhức, nhất là khi bước vào tam cá nguyệt cuối cùng. Massage trước khi sinh sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn: làm dịu cơn đau, nhức mỏi, giảm căng cơ, chuột rút và tạo cho bạn cảm giác thư thái hoàn toàn. Không chỉ vậy, massage cho mẹ còn có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Việc chọn hình thức massage rất quan trọng đối với thai phụ, đặc biệt là massage bụng bầu. Bạn cần chọn liệu trình dành riêng cho bà bầu, được thực hiện bởi các chuyên viên có kinh nghiệm. Dừng ngay việc massage nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, chóng mặt, khó chịu…
10. Chuẩn bị đồ dùng trước sinh
Hầu như mẹ bầu nào cũng háo hức khi được tự tay chọn đồ cho con yêu. Thế nhưng, bạn chỉ cần mua vừa đủ dùng vì trẻ lớn rất nhanh, sắm quá nhiều sẽ gây ra lãng phí.
Những vật dụng cần thiết trong túi đồ đi sinh của mẹ là tã giấy/tã vải, áo sơ sinh, bình sữa, khăn sữa, bao tay, bao chân, chăn, khăn tắm… Khi bé về nhà, bạn cần trang bị thêm nôi, chậu tắm bé, gel tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh, máy hút sữa…
Xem thêm: Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh
11. Tập hít thở khi sinh
Thở đúng kỹ thuật có thể giúp bạn bình tĩnh và kiểm soát cơn đau mà không cần dùng thuốc giảm đau trong lúc chuyển dạ. Khi áp dụng đúng kỹ thuật thở, bạn sẽ giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng, giúp quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ hơn.
Khoảng 8 tuần trước ngày dự sinh là thời gian thích hợp nhất để thực hành hít - thở khi sinh. Bạn có thể chọn kỹ thuật thở phù hợp với mình: thở chậm và nhịp nhàng trong giai đoạn đầu chuyển dạ, sau đó thở nhanh khi cơn gò đến dồn dập và mạnh hơn.
Hãy nhớ rằng không có cách thở nào là đúng hoàn toàn. Trong quá trình chuyển dạ, bạn cần lắng nghe cơ thể mình và theo sự hướng dẫn của bác sĩ để làm những gì tốt nhất cho bản thân và em bé.
12. Tìm hiểu chính sách thai sản của công ty
Một việc rất quan trọng mà không ít thai phụ bỏ qua, đó là tìm hiểu chính sách thai sản của công ty trước khi nghỉ sinh. Việc làm này giúp bạn biết được mình được nghỉ chăm bé trong bao lâu, có được nhận một phần lương trong thời gian nghỉ hay không, thủ tục nhận tiền thai sản thế nào… Ngoài ra, chồng bạn cũng được hưởng chế độ thai sản (nghỉ từ 5 đến 14 ngày làm việc) để phụ bạn chăm con.
13. Tìm hiểu kiến thức chăm sóc hậu sản
Thời kỳ hậu sản được tính là 6 tuần đầu tiên sau khi sinh con. Đây là khoảng thời gian để cơ thể mẹ hồi phục và trở lại bình thường. Vì thế, bạn cần biết cách tự chăm sóc bản thân trong giai đoạn này để phòng ngừa những biến chứng hậu sản có thể xảy đến, chẳng hạn như bế sản dịch, nhiễm khuẩn tầng sinh môn, nhiễm khuẩn huyết, viêm tĩnh mạch… Bạn sẽ được khuyên nghỉ ngơi nhiều, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng… Hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân khi mệt mỏi để cơ thể có điều kiện hồi phục tốt.
14. Đặt tên cho con
Hẳn là từ khi biết tin mình mang thai, trong đầu bạn đã hiện lên vô số tên hay để đặt cho thiên thần nhỏ. Một cái tên hay, đẹp và có ý nghĩa sẽ khiến cho con đường công danh sự nghiệp của bé sau này diễn ra một cách thuận lợi và xán lạn. Việc cùng thảo luận để chọn tên cho bé còn giúp gắn kết tình cảm giữa bạn và chồng, giữa vợ chồng bạn và bố mẹ hai bên.
15. Lập kế hoạch chăm con sau khi xuất viện
Khoảng thời gian đầu sau sinh là giai đoạn khó khăn vì vừa phải chăm bé, vừa tranh thủ nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Cho nên, bạn cần lên kế hoạch cụ thể về việc phân chia thời gian ngủ nghỉ - chăm con hợp lý. Bạn cũng cần biết ai sẽ hỗ trợ mình trong giai đoạn này, họ sẽ giúp bạn làm những gì… Việc lên kế hoạch chi tiết sẽ giúp bạn không bị “sốc” khi đối mặt với hàng tá việc sau khi từ bệnh viện về nhà.
Bên cạnh đó, cũng cần nghĩ tới thời điểm bạn quay trở lại công sở. Lúc này, ai sẽ thay bạn chăm sóc bé 8 giờ mỗi ngày, hay bạn phải tìm nơi để gửi bé? Hãy chọn phương án tốt nhất để yên tâm đi sinh và không phải lo lắng về quãng thời gian sau này.
16. Thường xuyên thăm khám cuối thai kỳ
Nếu thai kỳ của bạn bình thường, bạn nên đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ, kịp thời xử trí nếu có dấu hiệu bất thường.
Nhưng trường hợp thai kỳ của bạn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoặc bạn gặp phải một số vấn đề sức khỏe trong thai kỳ (chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật…), tần suất thăm khám có thể diễn ra thường xuyên hơn trong ba tháng cuối. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn khám thai 1 lần/tuần, 3 - 5 ngày/lần trong 4 tuần cuối. Bạn cần “lắng nghe” cơ thể mình và báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ nào.
17. Cẩn trọng khi tham gia giao thông
Có thể bạn cảm thấy mình đủ sức khỏe để tự lái xe (nhất là xe máy) trong suốt hơn 9 tháng mang thai. Thế nhưng, bạn không thể lường hết mọi bất trắc luôn rình rập khi tham gia giao thông trên đường. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hạn chế tự lái xe trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, tuyệt đối không lái xe khi bụng bầu đã lớn. Đây là giai đoạn cơ thể bạn đã tăng cân đáng kể, trở nên nặng nề và kém linh hoạt nên nguy cơ gặp tai nạn khi lái xe khá cao.
Nếu bắt buộc phải di chuyển bằng xe máy, bạn cần chú ý những nguyên tắc như: luôn đội mũ bảo hiểm, mang giày đế bệt thoải mái, tránh đi xe vào giờ cao điểm, tránh đi xe lúc trời mưa, chọn loại xe gọn nhẹ…
18. Tái khám ngay khi cảm thấy không khỏe
Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, bạn sẽ trải qua nhiều giai đoạn. Nếu trong ba tháng đầu, những cơn ốm nghén khiến bạn mệt mỏi, chán ăn thì ở ba tháng giữa và cuối, bụng bầu lớn dần khiến bạn cảm thấy nặng nề, ngại di chuyển. Đó là chưa kể có những rủi ro có thể xảy đến, chẳng hạn như đau bụng, ra máu âm đạo, sốt/cúm khi mang thai… Bất cứ khi nào bạn xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc cảm thấy không khỏe, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ càng, tránh để xảy ra biến chứng.
19. Lựa chọn bệnh viện phụ sản uy tín
Việc lựa chọn nơi sinh đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định ca sinh của bạn có diễn ra thuận lợi, mẹ và bé có được chăm sóc sau sinh tốt hay không. Tiêu chí khi chọn bệnh viện là có đội ngũ y bác sĩ giỏi nghề, máy móc trang thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc chu đáo.
Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, bác sĩ giàu kinh nghiệm; được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, trang bị hệ thống máy móc tân tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của một cơ sở y tế chất lượng cao cấp, sẽ là địa chỉ tin cậy để bạn lựa chọn làm nơi sinh bé. Tại đây, hệ thống phòng khám, phòng sinh, phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu… được vô trùng tuyệt đối, đảm bảo an toàn cho sản phụ và em bé.
Đi sinh tại BVĐK Tâm Anh, mẹ và bé sẽ nghỉ tại phòng nội trú, phòng sau sinh với cơ sở vật chất cao cấp, tiện nghi; không gian thông thoáng và yên tĩnh. Chế độ ăn uống của sản phụ được xây dựng khoa học, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho mẹ sớm hồi phục cơ thể và có đủ sữa cho bé bú. Đội ngũ y tá, điều dưỡng túc trực theo dõi 24/24, hỗ trợ mọi vấn đề của mẹ ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đặc biệt, bệnh viện có dịch vụ chăm sóc toàn diện với điều dưỡng viên, nữ hộ sinh chuyên nghiệp, tận tình, luôn túc trực chăm sóc sản phụ và bé 24h/7 giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.
Để được tư vấn các gói chăm sóc thai sản và gói sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khách hàng vui lòng liên hệ:
Sinh con là bước ngoặt đánh dấu bạn sắp bước sang một chặng đường mới, chặng đường làm mẹ đầy hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách. Việc chuẩn bị chu đáo trước sinh sẽ giúp bạn trải qua quá trình “vượt cạn” nhẹ nhàng, sinh con an toàn, khỏe mạnh.