Biệt tài của Nguyễn Khắc Hưng là biểu diễn kết hợp các kỹ năng: đội bóng trên đầu, tung 3 bóng tennis, đứng thăng bằng và đi tiến lùi trên bóng tạ thể lực, vừa thực hiện vừa hát hoặc chơi đàn guitar, trong thời gian 6 phút 20 giây. Năm 2022, khả năng này của em đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) ghi nhận.
Mới đây, Kỷ lục gia Nguyễn Khắc Hưng tiếp tục thử thách bản thân với khả năng bịt mắt chơi đàn, đội bóng tennis trên đầu và thăng bằng trên xe đạp một bánh cũng như thăng bằng trên bóng. (Ảnh: NVCC)
Chưa dừng ở đó, ngày 17/6/2023, Nguyễn Khắc Hưng được tổ chức WIIPA (Hiệp hội Sáng chế & Sở hữu Trí tuệ Thế giới) công nhận đồng tác giả của Huy chương Vàng với đề tài “Huấn luyện 4D Dòng năng lượng Thiền rung động Dịch chuyển Trẻ dậy thì Tự kỷ nặng thành Kỷ lục gia (không dùng thuốc, không xâm lấn)”.
Và, đối với Nguyễn Khắc Hưng, thăng hoa nhất trên hành trình chứng tỏ “khả năng con người là vô hạn”, chính là danh hiệu Kỷ lục gia Guinness Thế giới, được xác lập ngày 21/6/2023. Kỷ lục mới của Nguyễn Khắc Hưng là đứng thăng bằng trên bóng, đội bóng trên đầu, tung hứng 3 bóng trong thời gian lâu nhất (35 phút 9 giây).
Điều đáng kinh ngạc là cậu bé 14 tuổi lập kỳ tích trong trạng thái tự kỷ nặng - trường hợp chưa từng có ở Việt Nam, và có lẽ khá hiếm trên thế giới. Làm thế nào Hưng có thể vượt qua nghịch cảnh khi bản thân mắc chứng khuyết tật trí tuệ, mẹ phải thụ án khi em mới 2 tuổi và bố mất vì tai biến khi em 13 tuổi? Câu trả lời gói gọn trong giáo án “tu tật thành tài” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Nhà sáng lập Trung tâm Tâm Việt - nơi chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ, cũng là người thầy trực tiếp dạy dỗ và theo sát từng bước dịch chuyển của Hưng từ khi em đến Trung tâm cho đến thời điểm hiện tại.
Giải mã trẻ tự kỷ bằng yêu thương và kỷ cương
Nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng; dễ bị dị ứng đồ ăn; không xác định được các hành vi phù hợp,... chính là những khó khăn điển hình của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt. Sự bất thường này là lý do những đứa trẻ tự kỷ nặng như Hưng bị xem là gánh nặng của gia đình. Thực tế, chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ luôn là bài toàn khó không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn thách đố các nhà giáo dục trên khắp thế giới.
Nhà văn Khánh Phương chuẩn bị ra mắt cuốn sách về hiện tượng Nguyễn Khắc Hưng vào đầu tháng 3/2024. (Ảnh: NVCC)
Sau hàng chục năm nghiên cứu, Tiến sĩ Phan Quốc Việt đã ứng dụng hiệu quả phương pháp “Huấn luyện 4D Dịch chuyển Năng lượng”. Theo đó, phương pháp này không dùng thuốc, không xâm lấn, chỉ tập luyện bằng các dụng cụ giản đơn, các bài tập như đi xe đạp 1 bánh, tung hứng, luyện thăng bằng…
Dĩ nhiên, phương pháp này sẽ không thành công nếu không có sự bền bỉ, kiên gan của cả thầy lẫn trò. Bằng tình yêu thương kết hợp với kỷ cương khi được chăm sóc và giáo dục tại Tâm Việt, Nguyễn Khắc Hưng là minh chứng cho thấy trẻ tự kỷ nặng cũng có thể làm được những việc phi thường.
Với Nguyễn Khắc Hưng, Kỷ lục Guinness Thế giới chưa phải là đỉnh cao trên hành trình vượt qua nghịch cảnh. Mới đây, em tiếp tục thử thách bản thân với khả năng bịt mắt chơi đàn, đội bóng tennis trên đầu và thăng bằng trên xe đạp một bánh cũng như thăng bằng trên bóng. Ngoài khả năng chơi nhạc cụ và biểu diễn xiếc, Hưng còn ấp ủ ước mơ trở thành diễn giả, chinh phục giải Nobel và xác lập thêm nhiều kỷ lục Guinness.
Gợi mở giải pháp chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ
Câu chuyện về Kỷ lục gia Nguyễn Khắc Hưng khiến các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục ngẫm ngợi về việc giải mã trẻ tự kỷ, đồng thời có những tác động nhất định về việc chung tay tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp giáo dục toàn diện, phù hợp đối với sự phát triển tài năng của các cá nhân đa dạng về thần kinh, đồng thời tháo gỡ rào cản và tạo ra một bối cảnh giáo dục công bằng, toàn diện hơn.
Nguyễn Khắc Hưng là minh chứng cho thấy trẻ tự kỷ nặng cũng có thể làm được những việc phi thường. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, thực chứng về chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ khiến chúng ta hình dung về một tương lai của giáo dục nhân tài hòa nhập, đón nhận và nuôi dưỡng những tài năng độc đáo trong cộng đồng đặc biệt.
Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, trẻ tự kỷ như Hưng cần một môi trường hỗ trợ toàn diện bao gồm sự chăm sóc về mặt tình cảm, sức khỏe, giáo dục và xã hội. Việc hợp tác giữa gia đình, trường học và các chuyên gia sức khỏe tâm thần là chìa khóa để đạt được kết quả tốt nhất. Tự kỷ không phải là một “lỗi” cần được “sửa chữa”, mà là một phần của bản sắc độc đáo của trẻ. Hiểu biết này giúp cha mẹ tiếp cận con mình một cách tích cực và hỗ trợ hiệu quả.
Nguyễn Khắc Hưng - nguồn cảm hứng chấp bút cho các nhà văn
Hiện tượng trẻ tự kỷ Nguyễn Khắc Hưng gợi mở những suy ngẫm về đề tài giáo dục đặc biệt và là nguồn cảm hứng vô hạn để một số nhà văn chấp bút, viết nên những tác phẩm tạo dấu ấn trong sự nghiệp của họ. Chỉ trong 3 năm (2020 - 2023), nhà văn Kiều Bích Hậu đã ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết về đề tài trẻ tự kỷ: Mũi tên đỏ vút bay, Trời là ta ở tột cùng nhân bản và Người thầy vĩ đại. Nguyễn Khắc Hưng là một nhân vật điển hình trên những trang viết của nữ nhà văn giàu năng lượng này.
Nhà văn Khánh Phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị ra mắt cuốn sách về hiện tượng Nguyễn Khắc Hưng vào đầu tháng 3 năm nay. Chị chia sẻ: “Cuộc gặp gỡ với Tiến sĩ Phan Quốc Việt và bé Nguyễn Khắc Hưng là một trải nghiệm quan trọng, làm sáng tỏ sự đa dạng và phong phú của cuộc sống con người, mà trước đây tôi chưa từng khám phá. Sự dìu dắt và hỗ trợ của một người thầy 70 tuổi mà vẫn tràn đầy nhiệt huyết tận tâm và sự phấn đấu không ngừng của một đứa trẻ tự kỷ, đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi.
Tôi muốn thông qua cuốn sách này, không chỉ là sáng tạo trong lĩnh vực văn chương mà còn đóng góp vào việc xây dựng một xã hội bao dung, thông cảm và “thương người như thể thương thân”. Tôi nghĩ, một trong những điều tuyệt vời nhất trên thế giới này là làm công việc ý nghĩa, mang lại điều tốt đẹp cho đời. Bạn sẽ nhất định là người được hưởng phước lành nếu bạn làm điều tốt đẹp, dù nhỏ nhất.”
Nhà văn Khánh Phương bật mí thêm rằng, ngoài cuốn sách “Hành trình của cậu bé tự kỷ nặng đến sở hữu kỷ lục Guinness Thế giới”, chị cũng đã kịp đặt bút viết thêm một cuốn sách khác về Nguyễn Khắc Hưng.
Nhìn từ góc độ giáo dục, câu chuyện của Nguyễn Khắc Hưng cũng tôn vinh sự đa dạng của nhận thức, nhấn mạnh rằng những cách tương tác độc đáo với thế giới có thể dẫn đến khả năng vượt trội và hiểu biết sâu sắc về bản chất, khả năng phi thường của con người, ngay cả trong thể trạng khuyết tật.
Thủy Kiều