« Vật thể chết có thể tự buông xuôi theo dòng, nhưng chỉ vật thể đang sống mới có thể lội ngược dòng chảy » - G.K Chesterton.
Hoạt động xã hội (activism) là gì? Hoạt động xã hội đơn giản là việc hành động và tạo ra những thay đổi xã hội; điều này có thể xảy ra bằng hàng tỉ cách khác nhau dưới vô số hình thức khác nhau. Thông thường, hoạt động xã hội liên quan tới việc “thay đổi thế giới” thường thông qua việc thay đổi xã hội, chính trị, kinh tế và môi trường. Điều này có thể được thực thi bởi các cá nhân nhưng thông thường là bởi một tập thể đông đúc dưới hình thức các phong trào xã hội. Nhà hoạt động xã hội (activist) hay hoạt động xã hội? Bạn tới từ đâu không quan trọng; bạn sống ở đâu cũng chẳng quan trọng: điều quan trọng là bạn làm gì. Nhiều người có thể được xem như là các nhà hoạt động xã hội và nhiều hành động có thể được xếp vào hoạt động xã hội, nhưng không có nghĩa tất cả các hoạt động xã hội đều được thực thi bởi các nhà hoạt động xã hội. Thuật ngữ nhà hoạt động xã hội (activist) gây khá nhiều tranh cãi vì những nhân tố nào cấu thành nên một nhà hoạt động xã hội và những hành động nào thì được xem là hoạt động xã hội thì vẫn còn đang được tranh luận. Chúng tôi, « Permanent Culture Now » do đó xin phép không sử dụng thuật ngữ « nhà hoạt động xã hội » với nghĩa quen thuộc vì nó dễ gây chia rẽ giữa những người tự xem mình là các nhà hoạt động xã hội với những người đang thực hiện các hoạt động xã hội. Chúng tôi cảm thấy rằng, điều quan trọng hơn là hãy chú ý vào các hành động đang được thực hiện thay vì nhìn nhận ai đang tự xem mình là gì. Chúng tôi không nhất thiết phải đồng ý hoàn toàn với Saul Alinsky về quyền này nhưng chúng tôi nghĩ rằng ông ta hoàn toàn có cái lý của riêng mình. Đúng vậy, như Andrew X đã tuyên bố trong bài báo Give up Activism do chính tay ông viết : “Nhà hoạt động xã hội là một chuyên viên hay một chuyên gia trong lĩnh vực thay đổi xã hội. Tự xem mình là một nhà hoạt động xã hội có nghĩa là bạn đã tự xem mình có đặc quyền hoặc tiến bộ nào đó hơn những người khác về nhạy cảm cần thiết thay đổi xã hội, hay làm thế nào để có thể đạt được mục đích đó và lãnh đạo, đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm thay đổi xã hội đó thành công… Định nghĩa bản thân mình là nhà hoạt động xã hội có nghĩa là bạn đã tự định nghĩa hành động của mình sẽ mang tới thay đổi xã hội, do đó bạn đã tự khước từ ý nghĩa hoạt động của hàng triệu người không tự xem mình là hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội dựa vào chính định nghĩa sai lầm rằng chỉ có các nhà hoạt động xã hội mới mang tới những thay đổi xã hội. Tỉnh táo để nhận biết được cái bẫy tự định nghĩa sai lầm trên là điều vô cùng quan trọng, vì cái bẫy này có thể dẫn tới ảo giác rằng mình là người duy nhất mang tới thay đổi xã hội, nó còn khiến bạn tự tách mình ra khỏi cộng đồng đông đảo hơn, trong khi trong chính cộng đồng ấy, có khi sẽ có rất nhiều người có thể hỗ trợ bạn. Cần nhấn mạnh lại lần nữa đó là bạn tới từ đâu không quan trọng; bạn sống ở đâu cũng chẳng quan trọng: điều quan trọng là bạn làm gì. Permanent Culture Now cho rằng, tuy cần lựa chọn một lý tưởng hay xu hướng nào đó trên toàn bộ bối cảnh chính trị, bạn nên thật cẩn thận, vì khi gắn chặt bản thân mình vào một nền tảng cơ sở lý luận, cái nhìn của bạn về thế giới sẽ cực kỳ thiên lệch. Đúng vậy, các cuộc tranh cãi về lý tưởng này nọ, chủ nghĩa này kia có thể ngăn cản những thay đổi xã hội tích cực. Hiển nhiên, để tạo ra nền tảng cho các hoạt động chung, có nên xem xét điểm chung của chúng ta thay vì tập trung vào các điểm khác biệt? Chìa khóa ở đây chính là thực tiễn: bạn cần phải tự hỏi điều gì quan trọng hơn: tranh cãi xem định nghĩa này là gì và ông triết gia này nói điều này nghĩa là gì hay là việc người ngồi bên cạnh bạn có sẵn lòng và sẵn sàng tham gia vào các hành động thay đổi xã hội tích cực hay không ? Những loại hình hoạt động xã hội khác nhau Hoạt động xã hội có ba loại hình riêng biệt nhưng rất các khía cạnh của 3 loại hình này thường xuyên bị chồng chéo lên nhau.
- Yêu cầu giải pháp cho các vấn đề hiện hành thông qua từ việc có lập trường chống đối cho tới thay đổi chính sách pháp luật: Đây là loại hình hoạt động xã hội có tính chiến dịch, bao gồm biểu tình, đình công… Điểm mấu chốt của loại hình này là nó được thúc đẩy bởi nhu cầu với mục tiêu thay đổi chính sách, thực thi hay các hoạt động. Thông thường các hoạt động xã hội này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng cũng có thể có những chiến dịch dài hạn và bền bỉ.
- Hoạt động xã hội bằng cách tạo ra những phương án thay thế cho hệ thống thống trị hiện hành thông qua việc xây dựng những cách thức hành vi xã hội mới. Chìa khóa của loại hình hoạt động xã hội này là việc tạo ra những cấu trúc mới có tính thay thế trong lòng xã hội, thường với hy vọng rằng chúng sẽ đóng vai trò như những khuôn mẫu để người khác có thể làm theo và phát triển. Thông thường, chúng liên quan tới cách sống và giải quyết được nhu cầu của con người về nhà ở, thức ăn và giáo dục. Ví dụ cho kiểu hoạt động xã hội này đó là các hợp tác xã nhà cửa và thực phẩm, các trung tâm xã hội, công đoàn… Loại hình hoạt động này thường do một nhóm đông người thực thi trong một khoảng thời gian dài, tuy không phải lúc nào cũng vậy.
- Hoạt động xã hội có tính cách mạng với việc nhắm tới sự thay đổi cả về nền tảng xã hội và cả các tổ chức trọng yếu của nó: Loại hoạt động xã hội này tìm kiếm cách thức thay đổi căn bản hệ thống thống trị hiện hành để đi tới một cách sống mới, và thường không chỉ dừng lại ở cải cách hay thay đổi nhỏ lẻ trong thời gian dài. Tất nhiên các loại hình này có thể bị chồng chéo lên nhau. Ví dụ, một nhóm vô chính phủ có thể muốn chấm dứt chủ nghĩa tư bản và họ sẽ hiện thực hóa điều đó bằng cách điều hành các trung tâm xã hội, hợp tác xã thực phẩm và biểu tình chống lại các thay đổi về chính sách hiện hành đang ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
Có rất nhiều người tin rằng chính chủ nghĩa tư bản đang chi phối các hoạt động xã hội hiện hành và đó là nguyên nhân chủ yếu của việc xuất hiện các chiến dịch phản đối. Tùy thuộc vào khuynh hướng chính trị, bạn có thể coi điều trên là đúng, mặc dù sẽ rất khó để phủ nhận việc động cơ lợi nhuận và các động lực phát triển vô tận không ảnh hưởng đến thế giới và hầu hết cư dân trên mặt đất này. Nếu mục tiêu của chúng tôi là lật đổ của chủ nghĩa tư bản và thay thế bằng một hệ thống bền vững hơn, điều này đặt ra câu hỏi thiết thực về cách thức vận hành của xã hội trong khi vừa phải cố gắng tôn trọng những nguyên tắc công bằng. Có thể cho rằng, đây có thể là vai trò quan trọng nhất của hoạt động xã hội trong tương lai. “The blessed unrest”- Liệu có chăng một phong trào của các phong trào xã hội? Vậy hoạt động xã hội có ảnh hưởng đến thế giới hay không?
« Tất nhiên, một nhóm nhỏ với ý chí sắt thép vẫn có thể thay đổi thế giới. Thực vậy, ít nhất chỉ cần vậy thôi » - Margaret Mead, nhà nhân chủng học Hoa Kỳ (1901-1978)
Trong cuốn sách của mình có tên « Blessed Unrest », tác giả Paul Hawken nhấn mạnh quy mô của các hoạt động đang diễn ra trên thế giới, trong đó ông ước tính có khoảng hơn một triệu nhóm đang hoạt động vì ổn định sinh thái và công bằng xã hội hiện nay. Hawken cho rằng phong trào này là một liên minh phức tạp của các tổ chức con người cùng chung tay nhằm mang đến một thế giới tốt đẹp hơn. Có rất nhiều người đấu tranh chống lại đàn áp nhưng lại không tự xem mình là các nhà hoạt động xã hội hay chính trị, nhưng rõ ràng bằng các hành động của mình, họ đang đứng lên chống lại bất công và bóc lột. Thông qua cuốn sách này, tác giả rút ra một điều:
“Tôi đã nhận thấy một làn sóng đang lại trỗi dậy, một làn sóng nhân văn có từ thời đồ đá, một làn sóng mà nhà thơ Gary Snyder đã từng gọi là “Làn sóng ngầm vĩ đại”. Hậu duệ của nó là những người đi hàn gắn, những nữ tu, triết gia, nhà sư, giáo sĩ, nhà thơ và các nghệ sĩ…. những người cất lên tiếng nói vì hành tinh này, vì những chủng loài khác, vì sự phụ thuộc lẫn nhau, một cuộc sống kéo dài bên dưới và xuyên suốt và rộng khắp các đế chế.” (trang 5)
Phong trào này không phải luôn luôn được thực hiện một cách minh bạch và thường chú trọng vào những vấn đề riêng lẻ, nhưng những vấn đề riêng lẻ này luôn đặt trong những bối cảnh rộng lớn hơn liên quan tới bất công và nền kinh tế tư bản tân tự do. Điều này không có nghĩa là nguyên nhân của tất cả các vấn đề này đều là bất công kinh tế, vì nhiều thực trạng khác cũng có thể gây ra vấn đề. Tuy nhiên, càng càng ngày mọi thứ càng trở nên rõ ràng hơn : nhiều vấn đề của chúng ta xuất hiện là do bất công và cường độ của bất công do hệ thống tư bản gây ra. Nhận thức này càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta có dịp chứng kiến nhiều phong trào chống đối tư bản và toàn cầu hóa trong những năm đầu của thế kỷ 21, khi nhiều tổ chức nhỏ lẻ cùng nhau lên tiếng chất vấn hệ thống kinh tế. Gần đây nhất là cuộc biểu tình chiếm phố Wall đã thách thức sự bất bình đẳng có tính nền tảng, được tạo ra bởi hệ thống kinh tế hiện hành và sự tập trung của cải khổng lồ vào tay của một số ít người. Saul Alinsky và “Các nguyên tắc cần thiết cho các cuộc nổi dậy” Về mặt kỹ thuật, có rất nhiều điều hữu ích có thể học hỏi về cách thức tổ chức hoạt động trong cộng đồng từ cuốn sách “Các nguyên tắc cho các cuộc nổi dậy” (Rules for Radicals) của tác giả Saul Alinsky . Tất nhiên có vô vàn các nguyên tắc khác nhau, nhưng ở đây chúng ta sẽ chỉ bàn tới một vài nguyên tắc điển hình. Nguyên tắc thứ 1: sức mạnh ở đây không phải là thứ duy nhất bạn có, mà là thứ đối thủ của bạn nghĩ là bạn có. Nếu tổ chức của bạn nhỏ, hãy giấu kín con số thành viên và tung hỏa mù để mọi người nghĩ rằng tổ chức của bạn hiện đang có nguồn nhân lực lớn. Nguyên tắc thứ 2: đừng bao giờ để hành động vượt quá tầm kinh nghiệm của các thành viên. Kết quả là tổ chức của bạn sẽ chỉ thấy băn khoăn, sợ hãi và muốn rút lui. Nguyên tắc thứ 3: Bạn muốn đối thủ bối rối, sợ hãi và buộc phải tự rút lui? Bất cứ khi nào có thể, hãy chơi đòn “đánh úp” khiến đối thủ phải bất ngờ. Nguyên tắc thứ 4: hãy khiến đối thủ phải vật lộn với chính luật lệ của họ. “Bằng cách này, bạn có thể gián tiếp góp phần đánh bại họ vì cơ bản, chẳng có nhóm người nào lại tuân thủ được đúng luật của chính mình hơn những con chiên Ki tô giáo sùng đạo” Nguyên tắc thứ 5: Khả năng châm biếm là vũ khí tiềm năng nhất của con người. Phản kháng lại sự châm biếm không hề dễ dàng, và châm biếm thường gây ra đối kháng và nếu có thể áp dụng, đây sẽ chính là lợi thế của bạn. Nguyên tắc thứ 6: Chiến lược tốt là chiến lược có được sự đồng tâm nhất trí trong toàn tổ chức “Nếu người của bạn không có gan thực hiện theo chiến lược đó thì có lẽ chiến lược đó đã có gì đó không ổn.” Nguyên tắc thứ 7: Chiến lược được dùng quá lâu sẽ không còn tính cập nhật với tình hình hiện tại. Sự cam kết với chiến lược cũ có thể sẽ lơi lỏng dần khi các thành viên bắt đầu chuyển hướng quan tâm tới những vấn đề khác. Nguyên tắc thứ 8: Hãy duy trì áp lực lên đối thủ. Sử dụng các chiến lược và hành động khác nhau, sử dụng mọi tình hình có thể để phục vụ cho mục tiêu của bạn. “Điều kiện cần của chiến lược là chuỗi các hành động nhằm duy trì một áp lực liên tục lên đối thủ. Đây chính là điều khiến phản ứng của đối thủ sẽ đi theo chiều hướng có lợi cho bạn.” Nguyên tắc thứ 9: « Nỗi sợ hãi cái chết còn đáng sợ hơn chính cái chết ấy ». Khi Alinsky tiết lộ thông tin về một nhóm lớn những người nghèo khổ sẽ chiếm đóng khu vực vệ sinh công cộng tại sân bay O’Hare, chính quyền Chicago đã nhanh chóng đồng ý hành động theo một cam kết lâu dài với một tổ chức ghetto. Họ đã tưởng tượng đến sự hỗn loạn khi hàng ngàn hành khách rời máy bay và nhận ra tất cả mọi nhà vệ sinh đều bị chiếm dụng. Và rồi họ lại tưởng tượng rằng rồi cả thế giới sẽ làm họ bẽ mặt như thế nào chỉ vì vụ việc này. Nguyên tắc thứ 10: Cái giá của một cuộc công kích thành công là một phương án mang tính xây dựng. Tránh rơi vào bẫy của đối thủ hoặc người hỏi bạn câu hỏi: “Thế tóm lại, anh sẽ làm gì?” Nguyên tắc thứ 11: Chọn mục tiêu, hiện thực hóa nó, nhân cách hóa nó, phân cực nó. Đừng cố gắng tấn công một mục tiêu trừu tượng, một tổ chức hay bộ máy hành chính trừu tượng. Xác định người phải chịu trách nhiệm. Cố gắng bỏ qua sự đùn đẩy hay phát tán sự chỉ trích. Theo Alinsky, nhiệm vụ chính của người lãnh đạo là nhử cho đối phương hành động. “Kẻ thù phản ứng với thái độ bức xúc và bị dắt mũi một cách hợp lý sẽ là lợi thế chính của bạn.” Làm sao để thay đổi Thế giới và thực hiện được Permanent Culture Now? Hoạt động xã hội là một công cụ nhằm vươn tới một thế giới mà chúng ta muốn và cần, và điều chỉ dẫn cho chúng tôi tại Permanent Culture Now là luân lý của văn hóa vĩnh tồn:
- Chăm sóc trái đất
- Chăm sóc con người
- Chia sẻ công bằng
Chúng tôi không gắn mình vào một lý tưởng riêng lẻ và thấy rằng nhiều lý tưởng đều có những yếu tố hữu ích, nhưng một cách căn bản, chúng tôi tin vào thực tiễn. Những luân lý trên đây rất thực tiễn vì chúng quan tâm tới các hệ thống phát triển, nơi hành tinh và những cư dân của nó sinh sống có thể đạt được và phát triển trạng thái sinh tồn thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách cân bằng. Thêm vào đó, tài nguyên không nên bị khai thác vì lợi ích cá nhân hay cá thể nào hết, vì điều này sẽ sớm khiến hệ sinh thái tự nhiên của chúng ta nhanh chóng bị hủy hoại và biến mất. Đây chính là lý do khiến chúng ta cần đến hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội thường thách thức lý tưởng thống trị hiện tại hoặc được thúc đẩy bởi những nguyên tắc phản lại các hiệu ứng tiêu cực. Điều này làm cho nó trở nên rất quan trọng trong việc thiết lập một Văn hóa vĩnh tồn, vì nhiều rào cản mà chúng ta thường phải đối mặt với đang bảo vệ quyền lợi và nhu cầu của hệ thống tư bản thống trị và giai cấp thống trị. Những quyền lợi của họ cần được thách thức để thay đổi có thể xảy ra và hoạt động xã hội là một cách làm điều đó. Chúng ta thường được nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta cần tăng trưởng và tăng trưởng có lợi cho chúng ta, thế nhưng trong thực tế tăng trưởng mang lại lợi ích chủ yếu cho giai cấp thống trị và các tập đoàn của họ. Kể từ năm 1970, chúng ta không thấy được một sự tăng thực sự nào về lương bổng nhưng chúng ta phải làm việc nhiều hơn và thường thì cả bố và mẹ đều phải làm việc. Thực sự vậy, việc tư nhân hóa các nguồn tài nguyên quan trọng đã đẩy mạnh chi phí thức ăn, năng lượng và giao thông, những chi phí thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta. Điều này xảy ra ở các quốc gia phát triển. Phần còn lại của thế giới chúng ta lại phải chứng kiến sự tàn phá ghê gớm môi trường vì những theo đuổi tăng trường không có điểm dừng. Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng tăng trưởng đang mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng điều này được mang lại từ việc bóc lột số đông và môi trường. Cho dù tăng trưởng có chia đều cho mọi người thì cách thức vận hành hiện nay cũng không bền vững vì chúng ta chỉ có một hành tinh và một trữ lượng dầu mỏ duy nhất. Cuộc chiến vì một văn hóa vĩnh tồn sẽ không đơn giản vì chúng ta không thể có được một văn hóa vĩnh tồn nếu chúng ta không phân phối lại sự giàu có và tài nguyên. Điều này sẽ không được thực hiện thông qua các thỏa thuận nhỏ lẻ vì nó phải là một thay đổi có tính nền tảng thoát khỏi cơ chế Tư bản và sự theo đuổi tăng trưởng không điểm dừng của nó với chủ nghĩa tiêu dùng tham tàn phá hại. Cần nhận thức rằng sự thay đổi này là thiết yếu vì nó là rào cản chính để hướng tới một tương lai bền vững và công bằng hơn. Chúng ta không chỉ muốn tăng trưởng, mà tăng trưởng phải đi đôi với một cách sống bền vững, tăng trưởng trên sự sống an lành của con người, tăng trong cộng đồng, tăng trưởng trong công bằng và tăng trưởng trong công việc ý nghĩa. Danh sách này có thể kéo dài thêm nữa. Vậy nếu chúng ta muốn có một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta cần phải chủ động, sử dụng mọi hình thức hoạt động xã hội nhằm đưa thế giới hướng tới một tương lai bền vững và công bằng.
Lê Duy Nam dịch
Nguồn bài: Permanent Culture Now