Lao động làm việc tại Công ty cổ phần May Đàm Gia, thị trấn An Châu (Sơn Động).
Khắc phục khó khăn trong khâu tổ chức giảng dạy, huyện đã huy động sự tham gia của doanh nghiệp từ việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo đến tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp. Nhờ vậy, phát huy tối đa đội ngũ giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp hiện có; đưa các lớp học về tận thôn, bản, tổ dân phố, giúp lao động nông thôn tiết kiệm chi phí đi lại, dành thời gian cho việc học tập. Toàn huyện có 1 cơ sở công lập và hai doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gồm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Công ty cổ phần May Sơn Động; Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan.
Đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, số người được tuyển sinh, đào tạo nghề tăng dần qua các năm.
Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng được hơn 7,7 nghìn người, đạt 126% kế hoạch. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn huyện đạt hơn 72 %; trong đó, lao động đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 43%.
Hầu hết học viên sau đào tạo được giới thiệu, tìm được việc làm ngay tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở địa phương. Một số khác không đi làm trong doanh nghiệp thì mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại gia đình, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Đơn cử như anh Lộc Văn Sơn (SN 1970), dân tộc Tày, thôn Khe Táu, xã Yên Định hơn một năm qua không còn phải loay hoay tìm thợ sửa máy cắt cỏ của gia đình mỗi khi gặp sự cố. Kết quả này có được là nhờ năm 2023, anh được tham gia lớp học nghề do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp tổ chức. Sau lớp đào tạo, anh làm chủ kỹ thuật, thường xuyên sử dụng máy để cắt cỏ và bơm nước tưới cho cây trồng của gia đình. Hay như anh Trịnh Duy Thịnh (SN 1991), thôn Đông Bảo Tuấn, xã Tuấn Đạo (Sơn Động), với kiến thức được đào tạo về chăn nuôi thú y và nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, giữa năm 2023, anh đầu tư mua con giống phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi đàn trâu, bò.
Tiếp tục nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, qua thực tiễn thực hiện, Sơn Động đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; bộ máy giúp việc trong công tác giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng bảo đảm cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với mục tiêu thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.
Thường xuyên nắm tình hình, khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tiễn, điều kiện cụ thể và định hướng phát triển KT - XH của từng địa phương để mang lại hiệu quả cao nhất cho người tham gia học nghề.
Tiếp đến là phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung và sự vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Tăng cường chỉ đạo các trung tâm, cơ sở dạy nghề đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, thường xuyên cập nhật kiến thức mới về khoa học kỹ thuật tạo sức hấp dẫn qua mỗi tiết học, giờ học. Tập trung đầu tư trang thiết bị, tích cực, chủ động tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới. Tăng cường cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát.
Trong giai đoạn 2024-2025, toàn huyện phấn đấu có 4.320 lao động qua đào tạo, trong đó có 1.170 lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2025 đạt 80% so với tổng số lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 45%.
Để đạt mục tiêu, thời gian tới huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kinh nghiệm thực tế; tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia các lớp học nghề để được cấp bằng, chứng chỉ đào tạo nghề; là cầu nối giải quyết việc làm giữa các doanh nghiệp và người lao động sau khi học nghề.
Tập trung triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó ưu tiên các dự án sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ và tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hải Vân