Theo lời kể của già làng Y Thi ở bon Jốc Ju, xã Nâm Nung (Krông Nô), hồ Ea Snô có nghĩa là “hồ chồng vợ”. Chuyện kể rằng, ngày xưa cách đây lâu lắm, núi rừng Tây Nguyên còn hoang sơ, rậm rạp nhưng dân cư rất thưa thớt, có nơi không thấy dấu chân người. Bon làng của các tộc người M’nông, Ê đê cách xa nhau, đi hàng chục ngày trời mới tới. Khu vực hồ là nơi ở của người M’nông xưa. Trong bon có đôi vợ chồng nọ sinh hạ được hai người con, người anh trai tên là Y Chông, người em gái tên là H’Pó. Khi H’Pó còn nhỏ chưa cai sữa thì mẹ bị bệnh qua đời, không lâu sau người cha vì thương nhớ vợ cũng đột ngột ra đi. Y Chông và H’Pó được dì mang về nuôi dưỡng nhưng vì nghèo khó nên đành bán cháu cho người giàu có ở vùng khác và hai anh em thất lạc nhau từ đó.
H’Pó được gia đình giàu không có con gái mang về nuôi. Y Chông bị mua đi bán lại nhiều lần, cuối cùng được một gia đình ở gần nhà H’Pó mang về nuôi. Hai anh em ở cùng bon nhưng không hề nhận ra nhau. Năm tháng qua đi, Y Chông và H’Pó ngày một lớn khôn và trở thành đôi trai tài, gái sắc. Y Chông là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, hiền lành và có tài săn bắt thú rừng. H’Pó lớn lên xinh đẹp như đóa hoa rừng, lại hiền lành, khéo tay dệt thổ cẩm. Váy áo do H’Pó dệt bao giờ cũng đẹp hơn người khác. Bởi thế, thanh niên trai tráng trong các bon làng đều muốn lấy nàng H’Pó làm vợ, nhưng H’Pó chỉ thương Y Chông và cùng nhau “thề non hẹn biển”.
Không lâu sau họ lấy nhau và Y Chông thường kể cho vợ nghe về hoàn cảnh của gia đình mình và trong lòng luôn nhớ về người em gái. Y Chông kể đến đâu thì H’Pó ôm đầu đến đó và chạy vào rừng sâu gào thét “Yàng ơi, Yàng không thương chúng con rồi! Y Chông ơi, anh đúng là anh trai của em rồi! Biết làm sao bây giờ đây?”.
Tin Y Chông và H’Pó trao thân xác cho nhau loan ra khắp vùng và vận mệnh của bon làng đang gặp nguy hiểm vì thần linh giận dữ và trừng phạt hai anh em cùng dân làng nơi họ sinh ra. Năm ấy, mùa mưa thật khủng khiếp, mưa liên tục 7 ngày 7 đêm không ngớt, mặt đất đầy nước, gió ở mọi nơi dồn về tạo nên một trận cuồng phong dữ dội. Nước lũ dâng cao, cao mãi lên tận ngọn cây cao nhất ở giữa bon, nơi có con chim nhồng đang ấp trứng. Chim mẹ mất tổ loạng choạng bay về hướng Đông, chim bay đến đâu dòng nước hung ác cứ ào ào đuổi theo đến đó. Chim mẹ bay mãi đến khi gặp dòng sông Krông Nô thì kiệt sức và chết. Đường chim bay trốn dòng nước dữ tạo thành những nhánh, những eo hồ và dòng suối nhỏ.
Y Chông và H’Pó chết đi, hồn của họ biến thành đôi chim nhồng biết nói tiếng người, làm tổ và quấn quýt nhau bên bờ hồ. Về sau, để ghi nhớ về nguồn gốc của hồ, đồng bào M’nông đặt tên là hồ Ea Snô hay còn gọi là hồ “Ndjông Pọ” để răn dạy con cháu trong cùng một gia đình, dòng họ không được lấy nhau. Nếu lấy nhau sẽ phạm tội loạn luân và bị thần linh trừng phạt. Cứ thế, câu chuyện về chàng Y Chông và nàng H’Pó vẫn thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện kể của người già.
Với vẻ đẹp tự nhiên và truyền thuyết về sự ra đời của hồ, năm 2008, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt, công nhận hồ Ea Snô là danh thắng quốc gia. Tuy nhiên, do một phần diện tích của hồ Ea Snô hiện do quốc phòng quản lý nên tất cả mọi việc đều phải dừng lại. Hiện nay, hồ Ea Snô nằm trong khuôn viên của Công viên địa chất núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông nên việc bảo vệ cảnh quan và sinh thái của hồ Ea Snô hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong việc phát triển du lịch của tỉnh trong tương lai./.
Nguồn: baodaknong.org.vn