Từ câu chuyện của nữ sinh trường tư thục ở Đồng Nai, câu chuyện pháp lý về việc học sinh có được xăm mình, học sinh xăm mình có nên bị buộc thôi học hay không... đang trở thành vấn đề nóng khắp các diễn đàn giáo dục.
Trong bản tường trình của mình, em viết: "Em đã xăm hình này vào năm lớp 9, năm 2019 và xăm tên em. Do lúc đó em suy nghĩ bồng bột không nghĩ đến hậu quả mà nghe theo bạn bè. Em cảm thấy hối hận về việc mình đã làm. Mong nhà trường xem xét cho em học xong lớp 11, em sẽ rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường".
Rõ ràng danh tiếng nhà trường là quan trọng, giữ gìn quy định để duy trì nề nếp của một môi trường sư phạm tập thể còn quan trọng hơn. Nhưng, tất thảy đều không quan trọng bằng việc níu giữ niềm tin của những đứa trẻ rằng chúng được quan tâm và giáo dục hơn là phải chịu trách nhiệm một mình.
Ảnh minh hoạGiải quyết câu chuyện này nên đặt lợi ích của người học ở cái đích cuối cùng. Lợi ích đó không chỉ là quyền lợi, ở đây còn có tâm tư, cảm xúc và nguyện vọng của chúng.
Theo các nhà sư phạm, đằng sau hình xăm của trẻ vị thành niên là một câu chuyện mà cha mẹ, thầy cô, lẫn nhà trường cần hiểu.
ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thuỵ Anh chia sẻ: Với trẻ vị thành niên, phía sau một hình xăm, một mong muốn được xăm là một lý do, là một câu chuyện, là một thông điệp… mà người lớn chúng ta chưa kịp ngồi xuống, chưa kịp lắng nghe đã vội kết luận, đánh giá…
Xăm là một hình thức để trẻ đương đầu với hàng loạt những biến đổi về tâm lý khi bước vào giai đoạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Tôi muốn trở thành một người lớn như thế nào?... Đây là giai đoạn trẻ tách mình khỏi cái bóng của bố mẹ và bắt đầu tìm kiếm hình mẫu mà mình mong muốn trở thành.
Để làm được điều này, trẻ bắt đầu hành trình thử mình trong nhiều vai trò khác nhau bằng cách tham gia nhiều nhóm bạn khác nhau, phát triển nhiều sở thích khác nhau và thay đổi ngoại hình bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ: Hôm nay, trẻ đánh môi son thật đỏ; một tuần sau đó, chán môi son đỏ, trẻ kẻ mắt thật đậm; nhiều tuần sau đó, quyết định sẽ ăn mặc, để tóc, trang điểm ngây thơ như những cô gái trong một ban nhạc Hàn quốc; một năm sau thay đổi màu tóc… và có được một hình xăm cũng là một trong những cách này.
"Xăm là một hình thức thể hiện nhu cầu, quan điểm và cảm xúc của trẻ. Có trẻ muốn xăm một ngày tháng năm lên cơ thể của mình để đánh dấu ngày trẻ bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời, một suy nghĩ mới hoặc chấm dứt hay bắt đầu một mối quan hệ quan trọng nào đó... Xăm cũng là một hình thức để không bị "ra rìa", để trông trưởng thành hơn, trông ngầu hay đơn giản là “ trông cute” bởi trẻ vị thành niên có khát khao được công nhận, tôn trọng…", ThS Thuỵ Anh nói.
Chị Hồ Nguyễn Hồng Hà (quận 10) cho biết: "Tôi có một đứa cháu xăm trên cánh tay hình một đóa hoa mặt trời cùng với tên của mình. Lý do mà cháu đưa ra là muốn nhắc mình sống mạnh mẽ hơn và như một nguồn nắng ấm đến cho gia đình...".
Do đó không phải trẻ có hình xăm, có mong muốn được xăm hình là thành phần bất hảo, là hành động đáng lên án. Đừng "dán nhãn" trẻ như thế. Tuy nhiên, người lớn nói chung, gần nhất là cha mẹ cần giúp trẻ có đầy đủ thông tin về xăm mình sẽ có những khó khăn, thuận lợi gì khi đi học, đi làm. Và quan trọng hơn là giúp trẻ hiểu có rất nhiều cách khác nhau thể hiện những thông điệp của bản thân, khi chọn lựa hãy chọn cách an toàn cho bản thân, không có rủi ro cho tương lai. Chúng ta cần giúp trẻ vị thành niên hiểu rõ điều này.
Tại nhiều trường học, không riêng gì xăm mình, có rất nhiều quy định đã được đưa ra để giữ gìn nề nếp. Khi học sinh vi phạm hay có vấn đề nảy sinh, người làm công tác giáo dục thường tìm cách xử lý hậu quả, hay bỏ quên đặc điểm tâm lý của trẻ để tìm hiểu nguyên nhân, "nghe" được câu chuyện đằng sau... để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Bởi vậy, thay vì nhà trường và dư luận loay hoay đi tìm quy định để kết luận trẻ xăm mình là đúng hay sai thì chúng ta nên học cách lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của trẻ đằng sau.
Câu hỏi đặt ra là có nên thỏa mãn mong muốn có hình xăm cho trẻ không?
Theo ThS Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, ở Mỹ có 45 tiểu bang ban hành luật cấm trẻ dưới 18 xăm và 38 tiểu bang chỉ cho phép trẻ dưới 18 tuổi xăm khi bố mẹ trẻ đồng ý. Lý do cấm là vì liên quan đến sức khoẻ. Xăm có thể dẫn đến một số bệnh như: viêm gan B, HIV, có hiện tượng dị ứng với mực xăm suốt đời, viêm mô, tổn thương da… Chưa kể việc xoá hình xăm vừa tốn kém thời gian và chi phí rất cao.
"Khi trẻ vị thành niên có mong muốn xăm, hãy ngồi xuống lắng nghe, trò chuyện để hiểu hơn câu chuyện phía sau mong muốn ấy. Sau khi đã lắng nghe, đã hiểu, hãy hướng dẫn để giúp trẻ có một quyết định đúng đắn mà trẻ sẽ không hối tiếc. Đó là cách ta đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ trưởng thành hơn, và đó cũng là cách giúp trẻ trả lời câu hỏi “ Tôi là ai?” trong gia đoạn này", ThS Thuỵ Anh chia sẻ.
"Là giáo viên nên mình hiểu giới trẻ ngày nay sẽ có những chuyển biến tâm lý phức tạp hơn, dễ tạo cảm giác "không thể hiểu nổi" nơi cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, dù rất khó nhưng những người lớn xung quanh bắt buộc phải học và hỏi về nhu cầu, cũng như cảm xúc của con trẻ. Tôi thường nói chuyện với các con về việc này, con sẽ được tự do lựa chọn khi đủ 18 tuổi và nếu con thật sự muốn xăm mình thì phải suy nghĩ thật kỹ vì sức khỏe bản thân và hình xăm (hoặc vết sẹo) có khả năng sẽ theo con suốt đời dù cho có kỹ thuật xoá hình xăm tiến bộ cỡ nào", cô Thanh Mai, giáo viên THCS tại quận 11 nói.
Từ câu chuyện này có thể thấy, không chỉ cha mẹ, ngay cả nhà trường và thầy cô đang thiếu sự thấu hiểu học trò của mình. Thầy cô chỉ có thể trở thành kỹ sư tâm hồn, "xây dựng" đúng chỉ khi hiểu đúng bản chất và mong muốn của học trò. Đã đến lúc các trường cần có chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp. Đừng để giáo viên chủ nhiệm và cả cán bộ đoàn lãnh nhiệm vụ này. Với sự phát triển tâm lý phức tạp của người trẻ ở thời đại ngày nay thì không cách nào khác phải thật sự chuyên nghiệp lắng nghe, tư vấn, giải quyết vấn đề...
Theo www.phunuonline.com.vn