Nhiều trường tư thục tại TP.HCM và Hà Nội đang triển khai chương trình song bằng tú tài, với mục tiêu giúp học sinh tốt nghiệp có 2 tấm bằng cùng lúc.
Chương trình song bằng tú tài đang phổ biến ở Việt Nam
Học sinh theo chương trình song bằng tú tài sẽ học cùng lúc 2 chương trình phổ thông. Nếu hoàn thành cả hai, các em sẽ sở hữu đồng thời 2 bằng tú tài hay bằng tốt nghiệp THPT.
Ở Việt Nam, nhiều trường tư thục hiện đang triển khai chương trình song bằng tú tài, trong đó học sinh sẽ theo đồng thời chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chương trình MOET) và một chương trình quốc tế, thường là chương trình của Cambridge (như IGCSE hoặc A-Level) hoặc chương trình IB.
Nếu đem so chương trình song bằng tú tài với một chương trình THPT công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, có thể thấy chương trình song bằng tú tài có một số lợi điểm. Chẳng hạn, học sinh sẽ có cơ hội phát triển kiến thức rộng hơn chỉ với một chương trình công lập trong nước.
Bên cạnh đó, tấm bằng tốt nghiệp THPT quốc tế mở ra cánh cửa du học và làm việc toàn cầu cho học sinh học chương trình song bằng tú tài. Tuy nhiên, “cái giá” mà học sinh theo học chương trình song bằng tú tài phải trả khá đắt. Thử tưởng tượng, bạn học cùng lúc 2 chương trình phổ thông, một tú tài của Việt Nam và một của tú tài quốc tế, không cần nói nhiều chắc hẳn bạn cũng hình dung được khối lượng học tập rất nặng nề.
Thật vậy cho đến nay, phần lớn học sinh Việt Nam theo học chương trình song bằng tú tài đều khá áp lực khi phải “cân” cả 2 chương trình. Khi mỗi chương trình có hệ thống một môn học, phương pháp và cách tiếp cận khác biệt, không dễ dàng để các em đảm bảo trọn vẹn yêu cầu của cả chương trình tú tài Việt Nam và tú tài quốc tế.
Không chỉ là các bài giảng, bài tập, các em còn phải hoàn tất các bài kiểm tra, các kỳ thi hóc búa ở 2 chương trình. Vào cao điểm thi cử, học sinh buộc phải có khả năng quản lý thời gian, tự chăm sóc bản thân và ý chí đương đầu sức ép tâm lý.
Khó hình thành Native English với chương trình song bằng tú tài
Với những chương trình quốc tế buộc phải học bằng tiếng Anh, nhiều học sinh học chương trình song bằng tú tài thường gặp rắc rối ngôn ngữ, nhất là khi vẫn phải duy trì thêm một “hệ điều hành” sử dụng tiếng Việt để giải quyết chương trình tiếng Việt chính khóa. Lúc thì dùng tiếng Anh cho chương trình quốc tế, khi lại nói tiếng Việt với chương trình Việt Nam, học sinh khó đạt được sự tập trung cao nhất khi tham gia chương trình song bằng tú tài.
Trong khi đó để hình thành ngôn ngữ và tư duy như người bản xứ (Native English), học sinh cần được tiếp xúc với tiếng Anh một cách liên tục và tự nhiên. Trong trường hợp chỉ được học tiếng Anh trong một số giờ học nhất định, các em không thể tạo nên sự thông thạo và tự nhiên trong việc sử dụng ngoại ngữ này.
Trái lại, một chương trình giảng dạy toàn diện bằng tiếng Anh hay chương trình đơn ngữ tiếng Anh sẽ đảm bảo ngôn ngữ thứ hai được sử dụng như một phần của cuộc sống hàng ngày của các em.
Khi chương trình học hợp nhất kiến thức và tiếng Anh, học sinh có cơ hội học về nhiều chủ đề khác nhau bằng tiếng Anh. Học sinh được tích lũy từ vựng và ngữ pháp trong những bối cảnh thực tế.
Trường đơn ngữ giảng dạy tiếng Anh một cách toàn diện, đồng nhất sẽ khuyến khích học sinh thực hành ngôn ngữ và tham gia các hoạt động học tập tích cực. Các em được xây dựng sự tự tin khi sử dụng tiếng Anh và hình thành nhiều kỹ năng giao tiếp.
Làm sao để biết con phù hợp với chương trình nào?
Xét cho cùng, mỗi học sinh có thể phù hợp với một hướng đi khác nhau. Có em ở trong môi trường song ngữ của chương trình song bằng tú tài lại phát triển tốt, ngược lại có em tiến bộ nhanh nhất với chương trình tú tài đơn ngữ chú trọng thúc đẩy Native English.
Tiêu chí tiên quyết để phụ huynh cân nhắc là dựa vào khả năng cá nhân, cần phân tích về khả năng học tập và quản lý thời gian. Học sinh có khả năng chịu đựng áp lực và duy trì sức khỏe tốt để tham gia chương trình song bằng tú tài hay một chương trình tú tài đơn nhất.
Ngoài ra, các em cũng cần được có đủ nguồn lực và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường. Các phụ huynh nên tham khảo nhiều ý kiến đa chiều, từ giáo viên, cố vấn học tập hoặc chuyên gia giáo dục, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho con.