Động cơ học tập là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hiệu quả học tập của người học. Đối với học sinh, sinh viên, động cơ học tập không có sẵn, không thể áp đặt mà được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện. Trong quá trình đó, thầy cô, giáo là người dẫn dắt, học sinh, sinh viên phải tự hình thành mục đích, động cơ học tập cho mình.
Trong môi trường học đường, nhà trường, gia đình, xã hội cần có những tác động tích cực để học sinh, sinh viên hình thành và phát triển động cơ học tập đúng hướng, phù hợp với bản thân và yêu cầu xã hội. Hình thành và phát triển được những động cơ học tập đúng đắn, lành mạnh sẽ là động lực mạnh mẽ giúp học sinh, sinh viên đạt được mục đích, thành công trong học tập.
Ảnh: Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Tiền Giang cung cấp
1. Đặt vấn đề
Động cơ học tập là yếu tố quan trọng có tính quyết định đối với chất lượng, hiệu quả học tập của người học. Những ai đi học mà không có động cơ học tập khác nào như người đi đường chỉ đi loanh quanh vì không có chủ đích. Mặt khác một người đi học tuy có động cơ học tập rõ ràng nhưng nếu không củng cố, phát triển động cơ học tập của mình thì cũng như một người đi đường thiếu quyết tâm, cứ mỗi lần gặp khó khăn thì nản lòng đổi hướng hoặc dừng nghỉ cuộc đi.
Đối với học sinh, sinh viên (HSSV), viêc hình thành và phát triển động cơ học tập trong quá trình học là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt. Hơn ai hết, HSSV cần có ý thức tốt về vấn đề này để sớm hình thành cho mình những động cơ học tập đúng hướng với một động lực mạnh mẽ và thường xuyên bồi đắp, phát triển động cơ đó ngày càng thêm bền vững.
2. Khái niệm về động cơ và động cơ học tập
2.1. Động cơ:
Với ý nghĩa chung nhất, động cơ là một cấu trúc khi được kích hoạt một cách hợp lý nó sẽ vận hành và tạo ra kết quả từ sự vận hành đó.
Đây là cách tiếp cận theo quan điểm cấu trúc-hệ thống, từ cách tiếp cận này chúng ta có thể phân biệt hai loại động cơ cơ bản : Động cơ cơ học và động cơ sinh học. Hai loại động cơ này tuy có nguyên tắc hoạt động tương đối giống nhau nhưng có hai cơ chế hoạt động và hai hệ thống cấu trúc khác nhau:
-Động cơ cơ học theo cơ chế kích hoạt-vận hành ( các loại động cơ chạy bằng năng lượng khác nhau thì có cách kích hoạt khác nhau). Cấu trúc động cơ thuộc dạng vật thể, có định hình ( bánh răng, thanh chuyền…).
-Động cơ sinh học theo cơ chế kích thích-phản ứng (khác với cơ chế phản xạ đơn thuần và chỉ có ở động vật có hệ thần kinh cấp cao, bộ óc phát triển). Cấu trúc động cơ thuộc dạng phi vật thể, không định hình, chỉ định tính (bao gồm các thuộc tính tâm lý riêng - cá nhân cấu thành).
Đối với con người là sinh vật bậc cao, có ý thức, động cơ hoạt động của người là một dạng thức đặc thù có cơ chế phức tạp như sơ đồ sau:
Qua sơ đồ trên, ta thấy hai cơ chế hoạt động có một số nét giống nhau. Điểm khác nhau cơ bản là ở cơ chế của động cơ cơ học, vai trò trung gian của động lực được thể hiện rất rõ nét. Trong cơ chế động cơ hoạt động của người, động cơ tác động trực tiếp lên hành vi không qua trung gian. Như vậy, động cơ bao hàm cả động lực hay nói cách khác động lực tiềm ẩn trong hoạt động của động cơ.
2.2. Động cơ hoạt động của người:
Hoạt động của người rất đa dạng như hoạt động sản xuất, hoạt động chính trị, hoạt động học tập…nhưng mỗi hoạt động đều có một đối tượng hoạt động riêng nhất định, đó là cái cần chiếm lĩnh thông qua hoạt động. Thí dụ lương thực, thực phẩm là đối tượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, thơ là đối tượng hoạt động sáng tác của thi sĩ, tri thức là đối tượng hoạt động học tập của người học.
Dù ở bất kỳ hoạt động nào, con người cũng cần có động lực thúc đẩy để hoạt động được liên tục và đạt kết quả mong muốn tức là phải có động cơ hoạt động. Động cơ hoạt động chính là nguyên nhân làm cho các hoạt động của con người được duy trì và thúc đẩy thường xuyên, liên tục.
Về khái niệm động cơ, theo từ điển tiếng Việt thì : "Động cơ là cái chi phối thúc đẩy người ta suy nghĩ và hành động". [3]
Theo Jean Piaget (1896-1980)- một nhà tâm lý học người Thụy Sĩ " Động cơ là tất cả những yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó".
Đây cũng chính là định nghĩa cho động cơ hoạt động của người. Động cơ hoạt động là yếu tố cơ bản quyết định kết quả của hoạt động.
2.3. Động cơ học tập:
Với các khái niệm dẫn dắt như trên, ta có thể suy ra "Động cơ học tập là những nhân tố kích thích, thúc đẩy tính tích cực, hứng thú học tập liên tục của người học nhằm đạt kết quả về nhận thức, phát triển nhân cách và hướng tới mục đích học tập đã đề ra"
Sơ đồ 2: Mối quan hệ giữa mục đích, mục tiêu và động cơ học tập
2.4. Phân loại động cơ học tập:
Có nhiều lý thuyết về động cơ hoạt động như: Thuyết phân tâm học của S.S.Freud, thuyết hành vi của B.F.Skinner, thuyết hoạt động của A.N.Leonchiep…Mỗi lý thuyết đều có đặc trưng riêng xuất phát từ cách tiếp cận, phân tích, nghiên cứu khác nhau về việc hình thành, duy trì, biến đổi động cơ hoạt động của con người. Mỗi lý thuyết tuy cũng có tính phiến diện, đặc thù nhưng các lý thuyết nhìn chung bổ sung cho nhau về những khiếm khuyết của mỗi lý thuyết.
Trong thực tế, có nhiều cách phân loại về động cơ theo nhiều cách tiếp cận, khác nhau. Động cơ học tập của HSSV là động cơ hoạt động vì vậy, việc nghiên cứu nó rất gần gũi với lý thuyết hoạt động của A.N.Leonchiep. Về vấn đề này, A.N.Leonchiep chia động cơ hoạt động thành hai loại: động cơ đối tượng (động cơ tạo nhân cách) và động cơ kích thích.
+ Động cơ đối tượng: Theo Leonchiep đó là đặc trưng hoạt động của con người, cái thúc đẩy con người (động lực) say mê hướng vào đối tượng chính của hoạt động nhằm chiếm lĩnh đối tượng, cải biến đối tượng. Thí dụ đối với hoạt động học tập của HSSV đối tượng chính là tri thức và ứng dụng tri thức; đối tượng chính của người thợ là chất lượng sản phẩm và cải tiến sản phẩm...
+ Động cơ kích thích: Là những kích thích bên ngoài đối tượng (khen, thưởng, lợi ích, tự ái…) cũng có tác động làm cho chủ thể say mê trong hoạt động.
Nhưng nếu quá say mê hoạt động vì động cơ kích thích, chủ thể sẽ xa rời động cơ đối tượng, không còn hứng thú hướng về đối tượng để hoạt động hoặc sẽ rất tích cực vì những kích thích bên ngoài đối tượng. Điều đó sẽ dẫn đến chủ thể (nhân cách) dần dần không còn thiết tha với đối tượng. Lúc này, "sự tích cực" sẽ chỉ còn là sự giả dối, chạy theo lợi ích bên ngoài: Nếu là HSSV thì có thể có biểu hiện như: học chỉ để thi, học vì bằng cấp, nếu gặp khó khăn thì mua bằng, xin điểm…Ở người thợ, nếu chỉ vì cần có nhiều tiền, ông ta sẽ không còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cải tiến sản phẩm, thậm chí có thể làm hàng gian, hàng giả...
Trong môi trường học đường, nhà trường cần có định hướng để HSSV hướng đến hình thành động cơ đối tượng, đó là loại động cơ ưu thế giúp HSSV hình thành nhân cách. Tuy vậy nhà trường và giáo viên cũng cần coi trọng đúng mức các động cơ kích thích, nhưng không lạm dụng chúng như khen thưởng quá đà, chạy theo thành tích quá mức làm tha hóa động cơ học tập của HSSV.
Trong thực tế, động cơ học tập của HSSV có nhiều dạng tùy theo những tác động hình thành động cơ học tập, có thể phân chia thành 6 dạng theo từng cặp động cơ học tập như sau:
1/Xét về tác động bên trong, bên ngoài trong hình thành động cơ học tập, có động cơ chủ quan (nảy sinh do các nhân tố từ bên trong chủ thể) và động cơ khách quan (do các nhân tố từ bên ngoài tác động lên chủ thể mà hình thành).
2/Xét về tác động của môi trường đến chủ thể trong việc hình thành động cơ học tập, có động cơ cá nhân và động cơ xã hội.
3/Xét về các tác động trực tiếp, gián tiếp hình thành động cơ học tập, có động cơ gần và động cơ xa.
4/Xét về tính chất của việc hình thành động cơ học tập, có động cơ ham thích và động cơ nghĩa vụ.
5/Xét về mục tiêu, nhu cầu của chủ thể trong hình thành động cơ học tập, có động cơ quá trình và động cơ kết quả.
6/Xét về độ lâu bền của những tác động đối với chủ thể trong hình thành động cơ học tập, có động cơ nhất thời và động cơ lâu dài.
Ngoài ra còn có các dạng động cơ học tập khác như: động cơ nghề nghiệp, động cơ thực dụng, động cơ vụ lợi ....Việc phân chia các dạng động cơ học tập theo tên gọi như trên có tính tương đối vì tùy theo cách xem xét các dạng động cơ có thể chồng lấn nhau, hoán vị lẫn nhau.
3. Các nội dung cơ bản về động cơ học tập của HSSV
3.1. Động cơ học tập của HSSV - cái được hình thành, không có sẵn
Động cơ học tập của HSSV không có sẵn, không bẩm sinh, di truyền và cũng không thể cung cấp hay áp đặt mà có. Động cơ học tập của HSSV được hình thành dần dần trong quá trình học tập, rèn luyện. Trong quá trình đó, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng nhất là đối với HS phổ thông. Thầy, cô là người dẫn dắt HSSV chiếm lĩnh tri thức, hình thành nhân cách. Trong quá trình đó, HSSV tự mình hình thành nên mục đích, nhu cầu, hứng thú, ý chí, năng lực, thái độ học tập… Điều đó có được là do tự thân của HSSV và trách nhiệm hướng dẫn của gia đình, nhà trường và xã hội. Điều quan trọng là HSSV hình thành và phát triển được cho mình những động cơ học tập đúng đắn, lành mạnh.
3.2. Động cơ học tập của HSSV mang tính giá trị:
Học tập của HSSV là hoạt động nhằm tạo ra những sản phẩm của hoạt động của con người (vật chất hay tinh thần) do vậy nó là một dạng thức văn hóa tức mang tính giá trị. Động cơ hoạt động của con người nói chung và động cơ học tập của HSSV nói riêng vì vậy cũng mang tính giá trị tức là chịu sự đánh giá đúng sai, tốt xấu, thiện ác.., chịu sự khen chê của xã hội, có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách. Do vậy, HSSV cần nhận biết rõ điều này để xác lập được những động cơ học tập đúng đắn.
Trong thực tế, dù là động cơ mang tính tiêu cực hay tích cực, nó đều có thể thúc đẩy chủ thể đạt kết quả học tập như nhau. Thí dụ với các HSSV có các động cơ học tập khác nhau như: Học để hiểu biết; Học để làm người; Học để thỏa mãn ghen ghét, ganh tỵ; Học để trả thù đời… thì các động cơ này vẫn có thể thúc đẩy HSSV học tập tích cực như nhau và đạt các kết quả học tập cũng tương đương nhau, nhưng dĩ nhiên là nhân cách khác nhau. Vì vậy, HSSV cần quan tâm chọn lựa để hình thành, phát triển cho mình những động cơ tích cực, đúng đắn, loại bỏ những động cơ tiêu cực.
3.3. Sự tương quan giữa động cơ đối tượng và động cơ kích thích trong hình thành và phát triển động cơ học tập của HSSV:
Động cơ học tập của HSSV đa dạng, đa tầng và đa biến đổi. Thật vậy, động cơ học tập của mỗi HSSV đều có nhiều dạng khác nhau (6 dạng thường thấy). Vai trò, vị trí của mỗi động cơ cũng có tầm quan trọng, thứ bậc khác nhau trong mỗi HSSV. Mặt khác qua thời gian và sự phát triển theo lứa tuổi của HSSV, các động cơ cũng có những biến đổi theo hướng loại bỏ, bổ sung, duy trì, nâng cấp và phát triển các động cơ...
Ở lứa tuổi HS phổ thông, vai trò, vị trí của các động cơ kích thích chiếm ưu thế và tỷ trọng lớn hơn các động cơ đối tượng. Ở lứa tuổi SV thì ngược lại. Trong tiến trình đó có sự thay thế dần dần mối tương quan, tỷ trọng giữa nhóm các động cơ đối tượng và động cơ kích thích trong động cơ học tập của HSSV. Mối tương quan đó được biểu diễn bởi một đường hyperbol phân chia hai nhóm động cơ trên 2 trục nằm ngang song song nhau (biểu diễn động cơ học tập của HSSV) theo sơ đồ sau:
Hoạt động học tập có bản chất chung là chiếm lĩnh tri thức, vận dụng và phát triển tri thức. Tuy vậy, bản chất hoạt động học tập của HS với SV có nhiều khác nhau cần phân biệt.
- Đối với HS:
+Nội dung học tập: Tri thức nền tảng với các kỹ năng cơ bản.
+Hình thức học tập: Học tập có hướng dẫn của giáo viên.
+Bản chất học tập HS phổ thông là: Học tập-Tri thức-Hướng nghiệp.
+Bản chất học tập HS nghề là: Học tập-Tri thức- Nghề nghiệp.
- Đối với SV:
+Nội dung học tập: Tri thức bậc cao với các kỹ năng chuyên ngành
+Hình thức học tập: Tự học, tự nghiên cứu là chính
+Bản chất học tập: Học tập-Ứng dụng-Nghề nghiệp
Với những đặc điểm như trên, việc hình thành và phát triển động cơ học tập của HS có nhiều khác biệt so với SV như:
-Đối với HS phổ thông việc hình thành động cơ học tập còn bị nhiều tác động làm biến đổi mục đích học tập, động cơ học tập. Chỉ có một phần HS các lớp cuối cấp THPT, HS nghề mới hình thành được động cơ học tập ổn định và bước đầu củng cố, phát triển động cơ học tập của mình. Với SV các trường cao đẳng, đại học đại đa số đã hình thành, khẳng định rõ động cơ học tập của mình.
-Ở HS phổ thông điều quan trọng là hình thành động cơ học tập trong khi đối với SV điều quan trọng là củng cố, phát triển động cơ học tập.
4. Cấu trúc động cơ học tập của HSSV
Động cơ học tập của HSSV là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm khác nhau nhất là về bản chất, phân loại, các tác động, sự biến đổi, sự hình thành và phát triển động cơ…Tuy vậy, theo cách tiếp cận cấu trúc-hệ thống, có thể xem xét cơ chế hoạt động và cấu trúc động cơ học tập của HSSV với những yếu tố cơ bản như sau:
4.1. Tác động có ý nghĩa:
Là tất cả những tác động có ảnh hưởng tích cực đến hình thành, phát triển động cơ học tập của HSSV. Dĩ nhiên đó không phải là bất kỳ tác động nào, tác động có ý nghĩa là những tác động nhằm kích thích, khơi dậy sở thích, những tiềm năng, mong muốn của cá nhân để hình thành động cơ học tập. Cùng một tác động nhưng đối với mỗi HSSV sẽ có những ý nghĩa khác nhau hoặc không có một ý nghĩa nào. Thí dụ trong một hội thảo chuyên đề về hội họa, đối với những HSSV không thích hội họa thì sẽ không có ý nghĩa gì, ngược lại với những HS muốn trở thành họa sĩ, buổi hội thảo có ý nghĩa lớn. Tác động có ý nghĩa đối với HSSV có thể do tình cờ hoặc do HSSV tự tìm đến các tác động đó khi nó phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của mình. Như vậy, đối với HSSV, nhất là với SV, tác động có ý nghĩa có thể mang tính khách quan và cũng có thể do chủ quan ( HSSV nhận thức, suy nghĩ, phát hiện và tự tác động) .
Trong thực tế, tác động có ý nghĩa đối với HSSV đó là những bài giảng hay, lôi cuốn, thuyết phục của thầy, cô giáo, lời khuyên của cha mẹ, bạn bè, lời tư vấn của chuyên gia và nhiều tác động xã hội khác thông qua các dạng thức thông tin khác nhau.
Nhà trường cần hiểu rõ xu hướng, ước mơ, năng lực của HSSV để có tác động phù hợp, có ý nghĩa giúp hình thành động cơ học tập cho HSSV
4.2. Cấu trúc của động cơ học tập:
Trên cơ sở phân tích cơ chế hoạt động của động cơ học tập, có thể phân định cấu trúc của động cơ học tập gồm 4 yếu tố cơ bản như:
+ Sở thích : Là mong muốn của cá nhân nhằm đạt được một kết quả nào đó và là một thuộc tính tâm lý tương đối bền vững. Trong môi trường học tập, sở thích cần được nâng lên thành lý tưởng, ước mơ và biến thành mục đích, nhu cầu học tập của cá nhân. Sở thích sau khi được nâng lên, cụ thể hóa thành mục đích học tập sẽ là một thành tố quan trọng, cốt lõi trong cấu trúc động cơ học tập của HSSV.
+ Năng lực : Là năng lực học tập, đó là khả năng chiếm lĩnh tri thức và các kỹ năng cần thiết trong học tập, rèn luyện. Đối với HS đó là kiến thức nền tảng, các kỹ năng cơ bản, hướng nghiêp. Đối với SV đó là kiến thức bậc cao, kỹ năng chuyên ngành. Năng lực là yếu tố làm cho HSSV tự tin, có quyết tâm vươn lên hướng tới mục tiêu, mục đích học tập, thỏa mãn nhu cầu học tập. Năng lực học tập là tiền đề cho kết quả học tập. Quá trình học tập cũng là quá trình HSSV rèn luyện năng lực hiện tại của bản thân tiếp cận dần đến năng lực tương lai cần đạt. Trong cấu trúc của động cơ học tập, năng lực học tập có vai trò làm cho động cơ học tập hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
Sơ đồ 4: Chi tiết cơ chế hoạt động của động cơ học tập của HSSV. Trong đó (2) là cấu trúc của động cơ học tập.
Vì vậy, nhà trường, gia đình cần khuyến khích, đánh giá tích cực những kết quả đạt được của HSSV. HSSV cần cố gắng nâng cao hứng thú học tập của mình được liên tục, bền vững.
+ Ý chí: Là nghị lực, sự bền bĩ vượt qua những trở ngại, khó khăn của HSSV trong học tập, rèn luyện. Trong cấu trúc động cơ học tập của HSSV, ý chí nghị lực có vai trò thúc đẩy cá nhân vượt qua khó khăn, trở ngại để chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng vươn tới mục đích học tập. Ý chí nghị lực làm cho động cơ học tập hoạt động bền bĩ, mạnh mẽ.
4.3. Hành vi hướng đích:
Là những hành vi của HSSV nhằm :
- Làm cho mục đích học tập ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn.
- Rèn luyện, nâng cao năng lực học tập của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt của mục đích học tập.
- Nuôi dưỡng hứng thú học tập của bản thân hướng tới mục đích học tập.
- Bồi dưỡng, nâng cao ý chí, nghị lực của bản thân vì mục đích học tập.
4.4. Kết quả học tập:
Là một hay một chuỗi kết quả học tập đạt được phù hợp với các mục tiêu, mục đích học tập thể hiện như sau:
-Sở thích cá nhân và mục đích học tập ngày càng tương hợp nhau.
-Thái độ và khả năng học tập ngày càng phù hợp với mục đích học tập.
-Hứng thú học tập được duy trì liên tục không gián đoạn.
-Ý chí, nghị lực được thử thách, ngày càng bền vững.
5. Trách nhiệm của thầy, cô giáo trong giáo dục hình thành, phát triển động cơ học tập của HSSV.
5.1.Trách nhiệm của thầy, cô giáo
Về trách nhiệm, thầy, cô giáo là người giúp HSSV hình thành động cơ học tập đúng đắn, lành mạnh.Về phương pháp, thầy, cô giáo không được áp đặt hoặc đưa ra những mô hình động cơ học tập có sẵn cho HSSV. Thầy cô đóng vai trò là người khơi dậy mạnh mẽ ở HSSV nhu cầu nhận thức, nhu cầu chiếm lĩnh tri thức trong học tập, hình thành động cơ học tập đúng đắn tạo nguồn để xây dựng thái độ học tập tự giác, tích cực hướng đến mục đích học tập. Trong nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học không có môn dạy riêng về động cơ học tập, môn nhân cách học…Việc hình thành động cơ, nhân cách cho HSSV là thông qua các hoạt động giảng dạy, giáo dục của thầy, cô qua môn học.
Trong giảng dạy, giáo dục, sinh hoạt ..., thầy, cô tổ chức cho HSSV tự phát hiện ra cái mới, cách giải quyết sáng tạo nhiệm vụ học tập, có những trải nghiệm tốt đẹp qua học tập dần dần làm phát sinh nhu cầu của HSSV về tri thức khoa học, nhu cầu giải quyết các vấn đề trong học tập, ứng dụng trong cuộc sống. Học tập dần dần trở thành nhu cầu, niềm vui không thể thiếu của HSSV. Qua đó học tập biến thành động cơ và bắt đầu định hướng cho các hoạt động học tập cụ thể, là động lực thúc đẩy cho HSSV vượt qua các khó khăn, nghịch cảnh trong học tập.
5.2. Hình thành động cơ học tập của HSSV
Trong hoạt động học tập, HSSV sẽ chịu nhiều tác động từ nhà trường, gia đình, xã hội và hình thành nhiều loại động cơ học tập khác nhau cùng một lúc như động cơ đối tượng (học để hiểu biết) động cơ kích thích (học để được khen thưởng), động cơ cá nhân (học để trở thành học sinh giỏi), động cơ xã hội (học để cha mẹ vui lòng, bạn bè tôn trọng)…Tựu trung trong các động cơ học tập đang tồn tại trong HSSV, mỗi HSSV sẽ dần hình thành, sắp xếp cho mình thứ bậc các động cơ, động cơ nào là ưu thế, cốt lõi, động cơ nào là thứ yếu, phụ thuộc. Do đặc điểm tâm lý, môi trường sống, nhận thức của mỗi HSSV, các em sẽ có sự sắp xếp thứ bậc các động cơ khác nhau thậm chí loại bỏ các động cơ không còn tác dụng (là sự sắp xếp có ý thức hay vô thức). Các động lực có được từ các động cơ học tập khác nhau cũng có thể tạo ra các kết quả giống nhau. Điều đó là bình thường bởi vì nó mang dấu ấn của những xu hướng cá nhân khác nhau, nhân cách khác nhau với các học sinh khác nhau.
Để đánh giá mức độ hình thành động cơ học tập của HSSV, thầy, cô giáo và HSSV có thể dựa vào tiêu chuẩn "cấu trúc động cơ học tập" để kiểm tra, xem xét bằng một số phương pháp thông thường như test, phiếu hỏi, phối hợp đánh giá trong và đánh gía ngoài…
Tự kiểm tra:
HSSV tự kiểm tra, đánh giá mình qua mức độ đạt được của ý chí, nghị lực, năng lực như:
-Mức độ hiện nay của hứng thú học tập cao, thấp, duy trì hay sụt giảm.
-Ý chí học tập có bền chặt hơn không cụ thể là những khó khăn nào đã vượt qua, chưa vượt qua được hiện nay.
- Năng lực học tập có tiến bộ vươn lên hay không, mức độ nào.
Hỏi và trả lời:
-Học để làm gì? (Mục đích); Học vì cái gì? (Động cơ học tập); Tại sao phải học? (Nhu cầu) và Học như thế nào? (Thái độ).
Các câu trả lời chắc chắn sẽ thay đổi khác nhau trong quá trình học tập của HSSV đối với từng thành tố của động cơ học tập. Thí dụ chỉ riêng câu hỏi Học để làm gì? Đại thể HS sẽ trả lời như sau:
-HS mẫu giáo: Đi học để có nhiều đồ chơi, được vui chơi với nhiều bạn.
-HS tiểu học: Đi học để cha mẹ vui và được hiểu biết.
-HS trung học cơ sở: Đi học để lập thân lập nghiệp sau này .
-HS trung học phổ thông: Học để có nghề nghiệp, việc làm trong tương lai
-SV cao đẳng, đại hoc: Học để trở thành cô giáo dạy văn, anh kỹ sư cơ khí.
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của HSSV, đánh giá của bạn bè, thầy cô và các kết quả học tập, phối kiểm lại ta sẽ có được mức độ hình thành động cơ học tập của HSSV trong từng giai đoạn được đánh giá.
5.3. Phát triển động cơ học tập của HSSV.
Phát triển là làm cho sự vật, hiện tượng lớn lên về số và chất. Phát triển động cơ học tập của HSSV là làm cho động cơ đó sau khi được hình thành tiếp tục gia tăng về mức độ và khả năng đạt được mục đích học tập đã đề ra.
Động cơ học tập của học sinh là một yếu tố động, khi được hình thành nó tiếp tục vận động và biến đổi theo nhiều chiều hướng. Động cơ học tập của HSSV được coi là phát triển khi các nhân tố tạo nên động cơ được gia tăng mức độ và khả năng đạt được mục đích học tập đã đề ra thí dụ như năng lực học tập ngày càng nâng cao, ý chí học tập ngày càng bền chặt…. Ngược lại điều đó là động cơ học tập không phát triển hoặc không tồn tại. Tuy vậy, trong trường hợp ở một giai đoạn phát triển nào đó, HSSV nhận thấy không tể theo đuổi tiếp tục mục đích học tập như cũ mà buộc phải chuyển đổi theo một mục đích học tập mới với những động cơ học tập mới mạnh mẽ thì điều đó cũng là phát triển động cơ học tập.Thực vậy, với một mục đích học tập mà HSSV thấy không đủ năng lực, không còn hứng thú, không đủ ý chí theo đuổi thì việc chuyển đổi mục đích học tập là cần thiết còn hơn là theo đuổi mục đích học tập như cũ để rồi không đạt được mục đích học tập nào.
6. Kết luận:
Động cơ học tập có vai trò quyết định đối với chất lượng, hiệu quả học tập của HSSV. Hơn thế nữa, động cơ học tập còn có những ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến việc hình thành phẩm chất năng lực và nhân cách HSSV trong quá trình học tập. Vì thế, nhà trường, gia đình, xã hội và nhất là thầy, cô giáo trong giảng dạy, giáo dục cần có những tác động tích cực, trách nhiệm để giúp HSSV tự hình thành và phát triển động cơ học tập cho mình phù hợp, đúng đắn theo phương châm:
-Dạy học là quan trọng, nhưng dạy cho HS cách học còn quan trọng hơn.
-Dạy cách học là quan trọng nhưng dạy cho HSSV cách hình thành và phát triển động cơ học tập còn quan trọng hơn.
NGƯT-TS. Phạm Văn Khanh
Phó Chủ tịch Hội KHTL-GD Vịệt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục tỉnh Tiền Giang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
1.Lê Văn Hồng-Lê Ngọc Lan-Nguyễn Văn Thàng (2001), Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học Sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Luận văn Thạc sĩ ( 2014): Tìm hiểu thực trạng động cơ học tập của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Phước, Học viên Vũ Đức Sửu, GV hướng dẫn Th.S Huỳnh Lâm Anh Chương.
3. Trung tâm từ điển tiếng Việt (1994), Từ điển Tiếng Việt , Nxb Khoa học xã hội.Hà Nội.
4. Trung tâm từ điển tiếng Việt (2001), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.