1. Thang điểm Glasgow
Thang đo đánh giá tình trạng hôn mê và suy giảm ý thức này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1974, sau đó được hiệu chỉnh hoàn thiện nhiều lần dựa trên các số liệu thực tế. Đến nay, thang đo Glasgow là thước đo chuẩn, được sử dụng trên toàn thế giới và cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong khám chữa bệnh.
Thang điểm Glasgow được dùng trong cấp cứu y tế
Thang đo Glasgow thường được thực hiện đầu tiên khi bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến phần đầu. Cùng với kết quả chẩn đoán hình ảnh, thang đo Glasgow sẽ sử dụng cho định hướng cấp cứu và điều trị chấn thương não.
Ngoài ra, khi nhập viện điều trị, bệnh nhân cũng được đánh giá thang điểm chuẩn để xác định bệnh nhân có cải thiện sau điều trị không hay diễn tiến bệnh xấu hơn. Thang điểm Glasgow ở trẻ em có điều chỉnh so với người trưởng thành, sẽ trình bày ở mục sau.
2. Nội dung thang điểm Glasgow
Dựa trên 3 tiêu chí đáp ứng ý thức của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng chuẩn và từ đó tính điểm Glasgow cho bệnh nhân. Theo từng thang điểm, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng chấn thương ảnh hưởng đến ý thức của bệnh nhân.
Bệnh nhân chấn thương sọ não thường được đánh giá Glasgow
2.1. Thang điểm Glasgow ở người trưởng thành
Dưới đây là tiêu chí và đánh giá điểm Glasgow được các bệnh viện và cơ sở y tế áp dụng:
Tiêu chí: Đáp ứng bằng mắt.
Biểu hiện:
- Có thể mở mắt tự nhiên: điểm 4.
- Chỉ mở mắt khi gọi: điểm 3.
- Chỉ mở mắt khi bị gây đau: điểm 2.
- Không mở mắt được: điểm 1.
Tiêu chí: Đáp ứng bằng lời nói.
Biểu hiện:
- Định hướng tốt, nói được chính xác tên, ngày giờ, địa điểm: điểm 5.
- Giao tiếp mạch lạc nhưng nhầm lẫn về thông tin: điểm 4.
- Chỉ nói được từ đơn dễ : điểm 3
- Nói những từ hoặc câu vô nghĩa: điểm 2.
- Không nói được: điểm 1.
Tiêu chí: Đáp ứng bằng vận động.
Biểu hiện:
- Có thể thực hiện vận động được theo lệnh: điểm 6.
- Đáp ứng chính xác khi bị gây đau: điểm 5.
- Đáp ứng không chính xác khi bị gây đau: điểm 4.
- Gấp cứng: điểm 3.
- Duỗi cứng: điểm 2.
- Không đáp ứng: điểm 1.
Như vậy, bác sĩ sẽ thực hiện các phản ứng đánh giá đáp ứng ý thức của người bệnh để đưa ra tổng điểm. Hiện nay, tiên lượng chấn thương dựa trên tổng điểm Glasgow như sau:
- Điểm Glasgow từ 3 - 8: Mức độ chấn thương nặng.
- Điểm Glasgow từ 9 - 12: Mức độ chấn thương trung bình.
- Điểm Glasgow từ 13 - 15: Mức độ chấn thương nhẹ.
Thông thường, các trường hợp thang điểm Glasgow thấp dưới 8 (mức nguy hiểm), bệnh nhân cần được kiểm soát hô hấp (thở oxy, theo dõi, đặt nội khí quản hỗ trợ) để đảm bảo tính mạng. Thang điểm Glasgow của bệnh nhân có thể thay đổi theo thời gian, nếu đáp ứng điều trị nghĩa là Glasgow tăng, còn Glasgow giảm trong thời gian ngắn nghĩa là diễn biến bệnh rất nguy hiểm.
Glasgow sử dụng để đánh giá khả năng đáp ứng điều trị nhất là chấn thương sọ não
2.2. Thang điểm Glasgow trẻ em
Với trẻ, thang điểm Glasgow cũng đánh giá các tiêu chí phản ứng ý thức, tuy nhiên dựa trên các thí nghiệm khác như sau:
Tiêu chí: Đáp ứng vận động.
Độ tuổi: >1 tuổi.
- Trẻ làm đúng theo động tác yêu cầu: điểm 5.
- Trẻ không làm đúng động tác theo yêu cầu nhưng có thể gạt tay ra khi kích thích gây đau: điểm 4.
- Trẻ chỉ co gập tay chân khi bị kích thích gây đau, không gạt tay ra được: điểm 3.
- Trẻ có cử động tay chân khi bị kích thích gây đau: điểm 2.
- Trẻ có đáp ứng duỗi cứng tứ chi: điểm 1.
- Trẻ không có đáp ứng: điểm 1.
Độ tuổi: <1 tuổi.
- Trẻ có động tác tự nhiên như khua tay, bú tay, đưa tay ra: điểm 6.
- Trẻ không có động tác tự nhiên nhưng khi bị kích thích đau vẫn gạt tay ra đúng: điểm 5.
- Trẻ bị đau nhưng không gạt tay ra được, chỉ co gập tay chân: điểm 4.
- Trẻ bị đau nhưng chỉ có cử động dị hình như 2 tay co, 2 chân duỗi: điểm 3.
- Trẻ đáp ứng bằng tứ chi đều duỗi cứng: điểm 2.
- Trẻ hoàn toàn không phản ứng: điểm 1.
Tiêu chí: Đáp ứng mắt.
Độ tuổi: Mọi lứa tuổi.
Phản ứng:
- Trẻ mở mắt tự nhiên: điểm 4.
- Trẻ không mở mắt tự nhiên, chỉ mở khi bảo hoặc gọi to: điểm 3.
- Trẻ chỉ mở mắt khi bị kích thích gây đau: điểm 2.
- Trẻ không mở mắt cả khi bị kích thích gây đau: điểm 1.
Tiêu chí: Đáp ứng lời nói
Độ tuổi: Trẻ >5 tuổi
- Trẻ trả lời đúng câu hỏi về thời gian và không gian: điểm 5.
- Trẻ trả lời được nhưng sai: điểm 4.
- Trẻ chỉ nói lời rời rạc và vô nghĩa: điểm 3.
- Trẻ chỉ phát âm được khi hỏi lớn hoặc kích thích gây đau: điểm 2.
- Trẻ im lặng cả khi bị kích thích gây đau: điểm 1.
Độ tuổi: 2 - 5 tuổi
- Trẻ nói được câu hoặc từ có nghĩa: điểm 5.
- Trẻ nói được nhưng câu vô nghĩa: điểm 4.
- Trẻ chỉ khóc hoặc la hét: điểm 3.
- Trẻ chỉ phát ra âm thanh, không thành từ: điểm 2.
- Không có phản ứng: điểm 1.
Độ tuổi: 0 - 23 tháng
- Trẻ cười, khóc đòi mẹ được: điểm 5.
- Trẻ khóc nhưng có thể dỗ cho nín: điểm 4.
- Trẻ chỉ khóc hoặc la hét: điểm 3.
- Trẻ chỉ phát ra âm thanh, không thành từ: điểm 2.
- Không có phản ứng: điểm 1.
Đánh giá thang điểm Glasgow với trẻ nhỏ khó khăn hơn
Với trẻ nhỏ, thực hiện các phản ứng đáp ứng trên rồi đánh giá điểm Glasgow như sau:
- Glasgow =< 7 điểm: Hôn mê.
- Glasgow = 8 điểm: 50% trẻ hôn mê.
- Glasgow >= 8 điểm: Trẻ vẫn có đáp ứng, cần theo dõi thêm.
3. Ý nghĩa của thang điểm Glasgow
Thang điểm Glasgow có giá trị cao trong theo dõi những bệnh nhân bị chấn thương đầu và đánh giá hôn mê ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Tuy nhiên thang điểm Glasgow chuẩn vẫn còn một vài hạn chế trong các trường hợp sau, ảnh hưởng đến tính thống nhất trong áp dụng:
- Người bị rối loạn tâm lý hoặc dùng thuốc an thần.
- Người có chức năng tai kém hoặc khiếm thính.
- Bệnh nhân đã được can thiệp đặt hoặc mở khí quản.
- Bệnh nhân đã có tổn thương trí tuệ hoặc bệnh lý thần kinh từ trước.
Việc đánh giá Glasgow cũng còn phụ thuộc vào trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm của nhân viên y tế, dẫn tới sai lệch kết quả và phán đoán.
Tính chính xác của điểm Glasgow còn phụ thuộc vào sự thành thạo của nhân viên y tế
Nhìn chung, thang điểm Glasgow vẫn được sử dụng rộng rãi trong thăm khám y khoa nói chung và cấp cứu, đánh giá chấn thương sọ não ảnh hưởng đến ý thức người bệnh nói riêng.
Xem thêm: Đánh giá chấn thương sọ não và điều trị, phòng ngừa
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp