Đến với bài thơ hay
CHÚNG CON CHIẾN ĐẤU CHO NGƯỜI SỐNG MÃI VIỆT NAM ƠI!
Đất nước
Bốn nghìn năm không nghỉ
Những đạo quân song song cùng lịch sử
Đi suốt thời gian, đi suốt không gian
Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang
Đất nước
Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt
Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
Trên mỗi con đường mỗi thôn xóm ta qua
Từ non ngàn cho tới biển xa
Đất nước
Của thơ ca
Của bốn mùa hoa nở
Đọc trang Kiều tưởng câu hát dân gian
Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn
Đất nước
Của những dòng sông
Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
Ngọt lịm những giọng hò xứ sở
Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa
Đất nước
Của những người mẹ
Mặc áo thay vai
Hạt lúa củ khoai
Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu
Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt
….
Đất nước
Ta hát mãi bài ca đất nước
Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc
Cho mắt ta nhìn tận cùng trời
Và cho chân ta đi tới cuối đất
Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi
Việt Nam ơi!
NAM HÀ
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Trong nền thi ca Việt Nam đương đại có không ít những bài thơ nổi tiếng được lấy cảm hứng từ mạch nguồn quê hương đất nước, nó ngân nga và lắng đọng mãi trong tâm trí người đọc, thấm vào từng đường gân thớ thịt; mỗi khi đọc lên, bài thơ giống như một tiếng kèn hào sảng tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ đạp bằng gian khổ, quyết chiến thắng kẻ thù. Bài thơ của Nam Hà là một trong số đó.
Là một người lính từng lăn lộn qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn nửa thế kỷ cầm súng và cầm bút, nhà văn Nam Hà đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, trong đó có những bộ tiểu thuyết đầy đặn về đề tài chiến tranh cách mạng gây được tiếng vang trên văn đàn. Về thơ, ông viết không nhiều song vẫn có chỗ đứng riêng, không hề lẫn với bất kỳ ai. Nhắc đến thơ Nam Hà, bạn đọc nghĩ ngay đến bài “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” nức tiếng một thời. Bài thơ được tác giả thai nghén suốt chặng đường “xẻ dọc Trường Sơn” vào chiến trường khu 6 đầy gian nan, khốc liệt. Ấy là quãng thời gian từ 1964-1966, khi nhà văn rời Hà Nội, đặt chân đến mảnh đất cực Nam Trung Bộ và bám trụ chiến đấu ở đây.
Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang. Từng ý, từng lời được nghiền ngẫm nung nấu trên đường ra trận, tất cả đều được chắt lọc và rung theo nhịp đập của trái tim người lính, cho tới khi tròn vành rõ tiếng thì bật nên thành những vần thơ có cánh, hết sức nhuần nhị, tự nhiên. Đúng như lời đề từ của bài thơ: Đường dài đi giữa Trường Sơn nghe vọng bài ca đất nước, thi hứng tuôn trào từ hai tiếng “đất nước” thiêng liêng. Với một tình yêu cháy bỏng, người lính ra trận đã tắm mình trong dòng chảy cuộn dâng của truyền thống ông cha bao đời kế tiếp nhau dựng nước và giữ nước. Quá khứ và hiện tại xoắn bện liền mạch, hướng tới tương lai. Ấy chính là cội nguồn sức mạnh giúp các anh đi tới và làm nên chiến thắng. Đất nước/ Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/ Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt.
Điệp từ “Đất nước” được tác giả lặp đi lặp lại, mỗi lần nhắc đến lại thêm một cung bậc tình cảm được nâng lên ở tầm khái quát, thành một nốt nhấn nhá xoáy sâu vào tâm thức của người đọc. Đất nước/ Của thơ ca/ Của bốn mùa hoa nở… Đất nước/ Của những dòng sông/ Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn/ Ngọt lịm những giọng hò xứ sở… Đất nước/ Của những người mẹ/ Mặc áo thay vai/ Hạt lúa củ khoai/ Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu. Tất cả những điều ấy nói lên rằng, đất nước không phải là cái gì cao siêu vời vợi; đất nước luôn hiển hiện bởi những thứ hết sức cụ thể, gần gũi và thân thương vô cùng. Đó là máu thịt, là hơi thở của mỗi con dân đất Việt. Đất nước như người mẹ tảo tần một nắng hai sương, chắt chiu nuôi ta khôn lớn. Những người lính đã sống hết lòng vì đất nước thì họ cũng sẽ biết quên mình vì Tổ quốc. Họ lao vào cuộc chiến đấu không chỉ vì lý tưởng, vì lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm công dân, mà còn vì cái Đẹp. Bởi “cái Đẹp cứu rỗi cả thế giới”.
Đất nước/ Của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt. Trong khói lửa chiến tranh, có biết bao đôi yêu nhau đã phải nén lòng tạm chia xa. Những ngày cả nước hành quân, trai tráng lên đường ra trận, thì ở hậu phương khi đọc những câu thơ này có lẽ không mấy ai cầm nổi nước mắt. Người ta khóc vì tự hào và kiêu hãnh, khóc vì được là người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng. Khơi dậy điều thiêng liêng ấy, bài thơ được neo lại trong lòng bạn đọc, bất chấp thời gian.
Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận cùng trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất. Rõ ràng, điều tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ không nằm ở cấu tứ hay sự trau chuốt ngôn từ. Đây là một bài thơ trữ tình chính luận, khúc triết mà vẫn dạt dào tình cảm, thứ tình cảm dâng hiến lớn lao của những người con đứng trước sự tồn vong của đất nước. Bài thơ khép lại như một lời thề bất tử. Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi! Điều thiêng liêng ấy sẽ mãi là hành trang giúp các thế hệ người Việt tiến bước vào tương lai. Sứ mệnh to lớn của thi ca là vậy, xin được cám ơn nhà văn Nam Hà, một nhà văn-chiến sĩ!
Tp. HCM, 11-2014