Máy tính là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại. Hiện nay, máy tính đã là một trong những vật dụng không thể thiếu khi làm việc, học tập. Nhưng liệu bạn có biết chiếc máy tính đầu tiên được ai phát minh, ra đời vào năm nào không? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này!
Máy tính đầu tiên ra đời vào năm nào?
Theo lịch sử, chiếc máy tính đầu tiên được giáo sư John Atanasoff tại Đại học Lowa (Mỹ) thiết kế vào những năm 1930. Khi đó, giáo sư John đã vẽ một bản phác thảo về một thiết bị hình hộp sử dụng điện, có thể thông qua các phép toán nhị phân để giải quyết các biểu thức.
Sau một thời gian nghiên cứu, ông và các cộng sự đã cho ra mắt sáng chế máy tính đầu tiên với tên gọi Atanasoff-Berry Computer trước công chúng bang Lowa vào tháng 10 năm 1939. Dù chiếc máy tính đầu tiên này đã có thể hoạt động tương đối ổn định. Nhưng năm 1941, tình hình chiến tranh thế giới thứ 2 khiến John phải bỏ dở dự án này để tham gia các dự án quốc phòng cấp bách.
Năm 1943, nước Anh đã tạo ra chiếc máy tính đầu tiên của mình với tên gọi Colossus. Nó có các tính năng chuyên giải mã các tín hiệu của quân đội Dức, dự đoán đường bay của tên lửa… Do được phát minh để phục vụ quân đội nên nó không được công bố rộng rãi. Đồng thời, nước Đức cũng phát minh chiếc máy tính đầu tiên của mình có tên Z3 với chức năng tương tự và cũng không được công bố rộng rãi.
Đến này 15 tháng 2 năm 1946, chiếc máy tính khổng lồ ENIAC (Electronic Numerical Integrator and Computer) được chính thức cho ra mắt tại trường Đại học Pennsylvania. Nó được bắt đầu nghiên cứu vào năm 1943 để phục vụ quân đội Mỹ bởi 2 giáo sư tài ba tại Đại học Pennsylvania cùng nhiều nhà khoa học hỗ trợ.
Máy tính ENIAC được coi là chiếc máy tính điện tử đầu tiên có thể được tái lập trình để thực hiện các kỹ thuật số đa năng. Chiếc máy tính này ra đời đã mang lại một làn gió mới, kích thích trí tưởng tượng của các nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Đồng thời, nó cũng đóng vai trò lớn cho sự phát triển của máy tính hiện nay.
Các thông số và tính năng của chiếc máy tính đầu tiên
Máy tính ENIAC có 17.468 ống chân không, 70.000 cái điện trở, 1.500 rơ-le, 10.000 tụ điện và 5.000.000 mối hàn bằng kim loại. Nó đồ sộ đến mức tiêu thụ 140 kW điện - lượng điện đủ để làm sáng cả một khu vực của Philadelphia. Máy có khối lượng 27 tấn, kích thước 2,4m x 0,9m x 30m, chiếm đến 167m2 diện tích mặt sàn. Chính vì vậy, nó còn được báo chí thời bấy giờ gọi với cái tên là “Bộ óc vĩ đại” (Giant Brain).
Mục đích ra đời của ENIAC chính là hỗ trợ các đơn vị pháo binh thông qua những tính toán có độ chính xác cao. Do đó, nhiệm vụ thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy tính này là phải thực hiện xây dựng mô hình toán học cho một vụ nổ nhiệt hạch khi kích hoạt “siêu bom” Hydrogen.
Năm 1950, chiếc máy tính này đã thực hiện thành công dự báo thời tiết chính xác. Sau đó, nó cũng đã phục vụ cho chương trình Apolo đổ bộ lên mặt trăng của NASA.
Cách hoạt động của chiếc máy tính đầu tiên
Lúc đầu, khi chưa có sự hỗ trợ của bộ nhớ lưu trữ thì trung tâm hoạt động chính của ENIAC là bộ đếm vòng mười vị trí. Việc đếm số sẽ được thực hiện thông qua bộ đếm vòng đến các xung dao động. Ý tưởng của nguyên lý hoạt động này là dựa trên sự hoạt động của các bánh xe số trong máy cộng cơ học.
Một chu kỳ hoạt động cơ bản của ENIAC khoảng 200 micro giây tương đương với 5000 chu kỳ/giây. Để thực hiện phép nhân số 10 với một số có 10 chữ số, chiếc máy tính này cần thao tác 14 chu kỳ tương ứng với 2.800 micro giây. Với các phép tính chia hoặc căn bậc 2, bậc 3… có thể cần tới 143 chu kỳ tương đương 28.600 micro giây để cho ra kết quả.
Các phép tính càng đơn giản thì thời gian thực hiện càng được rút ngắn. Ngược lại, các phép tính càng phức tạp thì máy tính càng cần nhiều thời gian để thực hiện.
Những cải tiến cho chiếc máy tính đầu tiên
Năm 1947, ENIAC đã được thực hiện một số cải tiến đầu tiên. Trước hết, hình thức lập trình lưu trữ dưới dạng ROM đã được chuyển đổi sang hình thức lập trình bằng các công tắc.
Tháng 3 năm 1948, thay thế bộ chuyển đổi đầu đọc cũ sang bộ chuyển đổi từ các thẻ IBM tiêu chuẩn. Điều này giúp hỗ trợ các thao tác lập trình trên máy nhanh hơn. Sau khi được chuyển đến Aberdeen, ENIAC đã được tích hợp một bảng thanh ghi cho bộ nhớ và một bộ điều khiển bật tắt máy tính.
Cho đến tối ngày 02/10/1955, mọi hoạt động của ENIAC đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, sự ra đời của chiếc máy tính đầu tiên ENIAC này đã đặt nền móng vững chắc và là bệ phóng hoàn hảo cho các công nghệ sau này.
Tổng kết
Có nhiều chiếc máy tính đã được nghiên cứu và ra đời trước, nhưng ENIAC mới chính thức được coi là chiếc máy tính đầu tiên với đa dạng tính năng. ENIAC ra đời là sự bắt đầu cho một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của công nghệ khoa học máy tính của nhân loại. Hy vọng bài viết đã cung cấp được thêm cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đến chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới!