Hành xứ của người xuất gia
Hỏi: Có bạn hỏi thưa thầy, con nghe nói muốn đi tu thì phải có căn tu, mà con thì không biết “căn tu” là gì mong thầy giải đáp?
Đáp: Vâng, thưa bạn, “căn tu” không phải là một cái gì đó kỳ bí khó hiểu để người ta phải quá bóng bẩy về hình tượng của nó. Căn ở đây chính là căn nghiệp. Nghiệp thì có nghiệp thiện và bất thiện. Nghiệp thiện gieo trồng thì cho ra kết quả tốt. Nghiệp ác gieo trồng thì cho ra hậu quả xấu.
Có 10 tâm quả tái sinh trong cõi dục. Nếu tái sinh bằng tâm quả thiện, thì tâm quả thiện có 2 loại: thiện ly trí và thiện trí. Tâm thiện ly trí có 2 nhân (vô tham và vô sân), tâm thiện trí có 3 nhân (vô tham, vô sân và vô si). Người có tâm thiện ly trí là người tốt, có kiến thức nhưng không có xu hướng trí tuệ tâm linh, còn người thiện trí thì có xu hướng trí tuệ tâm linh.
Trí tuệ tâm linh khác trí tuệ thế gian. Bởi vậy người nào dù có kiến thức thế gian uyên bác nhưng nếu trong đời hành ác nghiệp thì vẫn thuộc sở hữu si, đồng hành với vô minh, không có trí tuệ tâm linh.
Việc đi tu hướng thiện là kết quả xuất phát từ nhân thiện trí đã gieo trồng trong nhiều đời về trước, nên nhìn vào người xuất gia họ cho rằng có căn tu.
Tuy nhiên, căn nghiệp của mỗi người mỗi khác, bởi mỗi người đến với kiếp này đều mang theo những kết quả và hậu quả, do đó mà phước báo khác nhau, căn cơ trình độ khác nhau, tập khí khác nhau...
Rất khó để chúng ta biết cụ thể kiếp trước chúng ta là người như thế nào, nhưng cứ theo nhân quả mà suy xét tỉ mỉ, ít nhiều chúng ta cũng thấy bóng dáng căn nghiệp tiền kiếp của mình. Muốn biết nhân quá khứ thì xem quả hiện tại, muốn biết quả vị lai thì xem nhân hiện tại.
Học hạnh không tranh chấp, tranh giành, tranh đấu, tranh cãi
Tất cả những gì chúng ta đã và đang gieo trồng nơi thân (hành động), nơi khẩu (lời nói) nơi ý (ý thức, suy nghĩ) đều như một tấm gương phản chiếu. Nhìn vào thói quen của thân khẩu ý, nhìn vào lối sống ứng xử của mình để thấy tập khí thiện ác nhiều đời đang trôi chảy không ngừng từng giờ từng phút.
Tập khí là tất cả mọi hành vi thiện ác, chúng đều được sao lưu và cất giữ trong tàng thức (A lại da thức), và mỗi kiếp sống là một thước phim trình chiếu những gì đã được sao lưu ấy. Ở đó, nghiệp cảm chính là sự tác động cho các sao lưu ấy xuất hiện.
Có câu chuyện về một vị tôn giả đã chứng đắc đạo quả rồi, nhưng không hiểu sao khi đi đứng có vẻ thiếu kiểm soát, hễ thấy vật gì cản đường thì không tránh sang mà cứ thích tung mình nhảy qua. Mọi người tỏ ra hoài nghi vì sao đã đắc quả rồi mà còn đi đứng thô tháo như vậy. Đức Phật soi chiếu kiếp quá khứ của tôn giả kia và biết rằng vị này đã trải qua 500 kiếp làm khỉ, và tập khí nhảy nhót ấy cho đến kiếp này vẫn còn.
Như sử sách cho biết, lần đầu Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi, ông không khỏi hoài nghi khi thấy Lê Lợi ngồi xổm cắn xé thịt gà để ăn. Vì điều đó soi dưới cái nhìn Nho giáo có vẻ như thiếu lễ nghĩa, gia giáo, khó có thể chấp nhận được.
Như vậy chúng ta có thể nhìn vào thói quen ăn mặc ở ngủ, thậm chí đi vệ sinh, lấy gỉ mũi, ngoáy tai, nhổ nước miếng, xả rác để tìm “hình bóng trăng sao” của chính mình mà không cần thánh phán thánh truyền nào cả. Từ đó có thể nhìn vào bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể để phản tỉnh về những bất toàn mà nghiệp quá khứ đã gieo trồng.
Thế thì việc gặp duyên lành tu tập chính là các thức quả thiện từ trong quá khứ thúc đẩy mà thôi.
Tu là tiếp tục gieo trồng những nhân thiện mới nơi thân khẩu ý. Nhưng nếu không nắm bắt thuận duyên này thì những tập khí bất thiện trong nhiều kiếp sẽ lại phát sinh.
Xin lưu ý, tất cả mọi phản ứng của chúng ta đều hình thành nhân quả, kể cả chỉ là phản ứng trong ý nghĩ. Giống như khi xem phim hành động, phim võ thuật, chỉ cần khởi niệm muốn giết chết kẻ ác, thì cũng đã gieo vào tâm mình hạt giống sát hại, không có lợi cho tiến trình tu tâm.
Thậm chí ngay cả khi phản ứng bằng lựa chọn thái đội “thôi mặc kệ, nó muốn đến đâu thì đến, nói ra cho lắm cũng chẳng giải quyết được gì”, thì cũng là một quyết định do tâm mệt mỏi, chán chường mà ra. Đây cũng là một phản ứng của tâm sân và tâm si.
Cho nên ngay cả khi bàng quan giữ im lặng không có ý kiến gì hết thì cũng đã cho ra kết quả của một thái độ. Bất cứ thói quen thái độ sống nào cũng kết thành tâm quả.
Ý nghĩa của sự quy y vượt ra ngoài ngôn ngữ
Nghiệp báo nhìn theo thời gian gồm: hiện báo nghiệp (có thể nhanh hay chậm nhưng nhất định sẽ xảy ra trong đời này), hậu báo nghiệp (sẽ xảy ra sau khi thân hoại mạng chung), vô hạn định báo nghiệp (bất cứ kiếp nào khi ta còn luân hồi), vô hiệu lực báo nghiệp (khi đắc quả, chấm dứt luân hồi).
Có người thắc mắc, người xuất gia có hiểu biết thế nhưng tại sao lại phạm những tội như vậy. Thực tế đa phần chúng ta hiểu biết mười phần nhưng chỉ thực hành được khoảng 2, 3 phần. Như thế cũng là đáng quý rồi.
Tuy nhiên nếu cùng phạm một lỗi như nhau, người xuất gia thì sẽ phải lâm vào khổ cảnh hơn người bình thường. Nhưng cũng nhờ những hiểu biết đã gieo trồng nên họ lại thoát ra khỏi khổ cảnh nhanh hơn. Vì thế đừng xem thường sự hiểu biết, vì đó là sở hữu trí tuệ, không bao giờ mất đi trong nghiệp thức của mình.
Nói tóm lại căn tu không phải “định mệnh” cao quý nào đó chỉ dành cho người xuất gia. Căn tu chính là căn nghiệp mà bất kỳ ai cũng có. Người tại gia hay xuất gia chỉ cần phát tâm tu tập thì sẽ chuyển đổi được căn nghiệp của mình.
Nguồn: Thích Thanh Thắng