Mắt là bộ phận nhạy cảm, do đó dễ bị tổn thương, có dấu hiệu bị cộm mắt, khô hoặc mỏi. Trên thực tế, có một số mẹo chữa mắt bị cộm tại nhà sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này. Thông tin chi tiết sẽ được nhà thuốc Long Châu giải đáp và cung cấp dưới đây nhé!
Mắt bị cộm có triệu chứng gì?
Khi mắt bị cộm, bạn sẽ cảm thấy ngứa, khó chịu, hạn chế khả năng quan sát và cảm giác có thứ gì đó bay vào mắt. Tuy nhiên, đây chỉ là những triệu chứng cơ bản của nó, trong một số trường hợp mắt bị cộm còn đi kèm một số biểu hiện nghiêm trọng khác như chảy nước mắt, ghèn ra nhiều, mắt nổi nhiều hạt, thay đổi thị lực, đau mắt đỏ,...
Nhìn chung, tình trạng này sẽ không nguy hại đến sức khỏe nhưng người mắc phải thường không nhịn được mà dụi mắt gây ra tổn thương đến mắt. Bên cạnh đó, khi bạn gặp phải nó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhịp độ cuộc sống trong học tập và làm việc, điều này làm hạn chế, giảm sút hiệu suất trong mọi hoạt động.
Một số nguyên nhân gây ra mắt cộm
Để có những mẹo chữa mắt bị cộm hiệu quả thì trước tiên bạn cần xác định đâu là nguồn gốc dẫn đến hiện tượng mắt bị cộm của bản thân. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng này để chúng ta biết cách xử lý kịp thời và bảo vệ đôi mắt một cách khỏe mạnh nhất:
Bụi bẩn và dị vật
Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mắt bị cộm. Việc tiếp xúc với khói xe, bụi bẩn, cát khi ta di chuyển ngoài đường là điều không thể tránh khỏi hằng ngày. Những vật thể lạ này có nguy cơ bay vào mắt đặc biệt là với những người phải làm việc ở các môi trường có nhiều bụi như công trình, nơi sản xuất,... thì nguy cơ mắc phải sẽ cao hơn người bình thường.
Thiết bị điện tử
Khi sử dụng máy tính, điện thoại di động hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào trong một khoảng thời gian dài, đôi mắt của bạn sẽ phải tập trung vào màn hình, gây ra căng thẳng cho mắt và khiến mắt bị khô, cộm.
Ngoài ra, việc thức khuya để lướt điện thoại khiến mắt bạn mệt mỏi vì phải tiếp xúc với ánh sáng xanh liên tục. Không chỉ thế, thức khuya còn khiến sức khoẻ bạn gặp nhiều vấn đề khác, như mệt mỏi, đau đầu và đau nhức mắt.
Những yếu tố nguy cơ có thể khiến mắt bị cộm
Bên cạnh những nguyên nhân như ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử hay bụi bẩn thì một số yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ khiến mắt mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến cảm giác cộm mắt:
- Tuổi tác: Khi bạn già đi, các cơ quan của bạn cũng sẽ suy giảm, đôi mắt của bạn cũng không ngoại lệ. Lúc này, đôi mắt của bạn cần được chăm sóc đặc biệt hơn.
- Mệt mỏi, căng thẳng và stress kéo dài khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Một khi không được nghỉ ngơi đủ giấc thì sẽ kéo theo đôi mắt cũng không được hoạt động và chăm sóc tốt. Từ đó dẫn đến các vấn đề như mỏi mắt, khô mắt,...
- Rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân khiến mắt bị khô và cộm, thường gặp ở phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh,...
Mẹo chữa mắt bị cộm đơn giản cực kỳ hiệu quả
Khi gặp phải mắt cộm, chúng ta thường luống cuống và vô tình dụi mắt một cách vô thức. Điều này không những gây ra nhiễm trùng mà còn tổn thương lớn đến giác mạc mắt. Bởi mắt là một bộ phận vô cùng nhạy cảm và dễ xảy ra các vấn đề bệnh lý, vì vậy chúng ta cần hết sức cẩn thận trong việc điều trị và bảo vệ nó.
Bạn có thể áp dụng những mẹo chữa mắt bị cộm sau đây, thay vì dụi mắt để đảm bảo không gây tổn thương cho mắt:
Đắp khăn ướt ấm
Sử dụng giấy khăn ướt hoặc khăn mềm đã được làm ấm để đắp lên mắt trong vài phút. Giấy ướt sẽ giúp làm giảm mệt mỏi và căng thẳng của mắt.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Khi mắt bị cộm do bạn tập trung quá nhiều, nên nghỉ ngơi đôi mắt trong vài phút, nhắm mắt và thư giãn trong thời gian 10 - 15 phút.
Thực hiện các bài tập thể dục cho mắt
Xoay mắt, nhìn xa và gần là những bài tập được dùng để giảm căng thẳng. Ngoài ra dành 1 - 2 phút để tập mắt cũng giúp tăng cường lưu thông máu và giảm áp lực lên đôi mắt.
Thay đổi thói quen sống
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử hoặc quá nếu cần thiết hãy sử dụng phần mềm làm giảm ánh sáng xanh nguy hại. Đồng thời, thực hiện lối sống khoa học bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt như vitamin A, C và E có trong các loại trái cây (cam, dâu tây, mâm xôi...), rau củ (ớt chuông, bí đỏ, xà lách...), cá, dầu oliu,...
Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng
Để giảm thiểu tác động của ánh sáng đối với đôi mắt, bạn nên sử dụng kính chống tia UV hoặc đeo kính chắn sáng.
Hạn chế đeo kính áp tròng
Không nên đeo kính áp tròng thường xuyên, nhất là khi bạn đang mắc các vấn đề về mắt. Bởi kính áp tròng có thể đem theo vi khuẩn, virus và bụi bẩn gây tổn thương mắt. Khi bắt buộc phải đeo kính áp tròng bạn cũng cần đảm bảo các bước vệ sinh đúng cách nhé!
Đi khám bác sĩ khi bị cộm mắt
Nếu mắt bị cộm lâu dài không khỏi, xuất hiện các triệu chứng khác hoặc cộm mắt do các bệnh lý nhãn khoa gây ra thì bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ có thể thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp cộm mắt là biểu hiện cho nhiều bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến suy giảm thị lực và thậm chí là mù loà.
Hy vọng những mẹo chữa mắt bị cộm trên đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giảm thiểu và bảo vệ mắt một cách tốt nhất. Đôi mắt là một cơ quan rất quan trọng và cũng mong manh dễ bị tổn thương, vậy nên hãy thường xuyên chú ý chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình, bạn nhé!