Nên xác định thế mạnh ngay từ khi nhập học
Ra trường với tấm bằng loại giỏi cùng 3 năm liên tiếp đạt học bổng, chị Vũ Thị Thủy (22 tuổi) - cựu sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) - cho biết, kiến thức trên giảng đường chỉ là một phần. Để hoàn thành tốt các bài thi đạt điểm cao nhất, bản thân cần trau dồi nâng cao kiến thức cuộc sống bên ngoài. Có như thế, bài thi mới thuyết phục giảng viên khi chấm.
“Một bài thi ấn tượng với người chấm phải thể hiện được các kiến thức trong giáo trình và gắn liền với đời sống. Vì thế, trong quá trình học, tôi thường xuyên nghiên cứu các giáo trình, bài luận, bài báo, nhìn vào thực tế đất nước cũng như trên thế giới để liên hệ” - chị Thủy cho biết.
Ngoài ra, chị Thủy cũng khuyên các bạn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên, nên xác định thế mạnh của bản thân ngay từ khi nhập học để tập trung phát triển. Các môn học cảm thấy tự tin đặc biệt là các môn có nhiều tín chỉ, học phần thì phải cố gắng đạt điểm cao nhất để kéo điểm cho các môn khác.
Để kết quả học tập đạt kết quả cao nhất đối với nữ sinh này việc học nhóm là cực kỳ quan trọng.
“Học nhóm, cùng nhau thảo luận vừa giúp bản thân đạt kết quả cao trong học tập vừa tạo tiền đề để tôi chinh phục các cuộc thi, đạt được những giải thưởng hấp dẫn. Đồng thời, học nhóm cũng gắn kết tình cảm bạn bè các tỉnh với nhau” - chị Thủy nói.
Tích cực trau dồi điểm rèn luyện
Anh Nguyễn Cường (28 tuổi) - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) - với nhiều lần đạt học bổng khẳng định: “Thời điểm dễ dàng đạt được học bổng nhất chính là sinh viên năm thứ nhất”. Ngẫm lại thời sinh viên của mình, đây cũng là thời điểm anh Cường cảm thấy nuối tiếc nhất.
Theo anh Cường, năm nhất nhập học, anh và rất nhiều bạn sinh viên khác đều ngủ quên trên chiến thắng đỗ đại học. Bên cạnh đó, từ tỉnh lẻ ra thành phố lớn có nhiều thứ mới mẻ, lạ lẫm cũng khiến không ít sinh viên lơ là việc học. Anh Cường cho hay, cần tập trung học tập nhiều hơn để dễ giành được học bổng.
Khi kỳ thi đến, anh Cường chia sẻ không cần phải quá vất vả trong việc ôn luyện. Trên lớp cố gắng tập trung nghe giảng, sinh viên đã lĩnh hội được 50% kiến thức, lúc thi cử chỉ cần học qua ý chính kết hợp với kiến thức đã học và xã hội là có thể làm bài tốt.
Đồng tình với chị Thủy, anh Cường khẳng định, giảng viên đánh giá rất cao những bài thi thể hiện quan điểm cá nhân, viết nhiều đến thực tế và xã hội. Vì thế, đừng quá chăm chú vào kiến thức học được từ giáo trình mà phải chịu khó cập nhật thông tin xã hội hàng ngày qua báo, đài, tivi - những kênh chính thống. Như thế, bài thi mới sinh động, hấp dẫn và thuyết phục.
Ngoài ra, anh Cường cũng nhấn mạnh, kết quả bình xét được học bổng hay không phụ thuộc vào điểm môn học và điểm rèn luyện. Do đó, anh Cường khuyên sinh viên đừng tập trung vào mỗi việc học mà cần phải tích cực trau dồi điểm rèn luyện trong quá trình học.
“Điểm rèn luyện thường được tính dựa theo các tiêu chí tham gia hoạt động của lớp, trường và thành phố đề xuất. Ví dụ, tham gia câu lạc bộ văn nghệ của lớp, trường, hiến máu, hoặc tuân thủ nghiêm, không vi phạm nội quy của nhà trường…” - anh Cường chia sẻ.
Ngoài ra, anh Cường cũng khuyên các bạn sinh viên trong quá trình học tập trên giảng đường phải tập trung lắng nghe, tích cực chia sẻ ý kiến. Như thế vừa giúp bản thân hiểu rõ kiến thức môn học, vừa khiến giảng viên ấn tượng và cho điểm tổng kết trên lớp tốt, điều này ảnh hưởng 50% đến kết quả điểm cả môn cuối kỳ học để bình xét có được học bổng hay không.