Những con cá thuộc giống “cá thần” ở suối “cá thần” Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) được làm thịt, phục vụ rất nhiều những người sành ăn ở Hà Nội.
Kinh doanh “cá thần”
Gần đây, trên địa bàn thủ đô lan truyền câu chuyện nhậu thịt “cá thần”, giống cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương (Thanh Hóa) ngay giữa Hà Nội. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Theo chỉ dẫn của một tay sành nhậu, chúng tôi tìm đến một quán ăn có tên Làng Vạn Chài nằm sâu một góc đường quanh hồ Văn Quán. Dù nằm rất khuất, song quán này có vẻ khá đông khách.
Tại bể cá của nhà hàng, rất nhiều cá có hình thức giống hệt cá tại suối “cá thần” Cẩm Lương. Anh Đỗ Hoàng Việt, chủ quán, cho biết, đây là cá bỗng được đưa về từ vùng Tây Bắc. Loài cá này cũng chính là loài cá ở suối “cá thần” Cẩm Lương.
Hình ảnh suối cá thần ở Thanh Hóa.
“Qua tìm hiểu tôi được biết đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, chậm lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong rêu, lá cây nên thịt của loài cá này dai, thơm, ngọt thịt và đặc biệt không có vị tanh như những loại cá khác, rất được ưa chuộng. Về tên gọi của loài cá này thì mỗi nơi một kiểu, ở Thanh hóa người dân gọi là “cá thần”, vùng Mai Châu (Hòa Bình) thì gọi là cá dầm xanh, vùng núi phía bắc thì gọi là cá bỗng” - anh Việt cho hay.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kiêm Sơn - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - cá sống ở suối “cá thần” Thanh Hóa là cá bỗng miền núi, hoàn toàn có thể ăn được và không gây độc. Tuy nhiên, do yếu tố tâm linh tác động nên người ta không ăn loại cá này. Điều đó khiến cho đàn cá được bảo vệ và ngày càng nhiều lên, như suối cá Cẩm Lương đến giờ đã phát triển thành 2 suối cá song song. Loài cá này sống ở vùng nước chảy, thức ăn chính của chúng là rêu bám, bã thực vật hữu cơ, tảo.
Thạc sĩ Kim Văn Vạn - Trưởng bộ môn Môi trường và bệnh thủy sản (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) - cho biết: “Cá bỗng là loài cá cùng họ với cá trắm cỏ và chép, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nhân giống thành công gần chục năm rồi nhưng không được áp dụng và phát triển vì loài cá này chậm lớn. Ưu điểm của nó là sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon”.
Những chú cá cùng giống với "cá thần" Thanh Hóa trong 1 bể cá ở Hà Nội.
Cũng theo Thạc sỹ Kim Văn Vạn, “cá thần” ở Thanh Hóa với loài cá bỗng là một. Do những quan niệm của người dân ở Cẩm Thủy mà cá bỗng ở đó mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt, người dân không được ăn thịt. Ở Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang..., cá bỗng được nuôi nhiều và khá đại trà, những con nhỏ họ dùng để ăn, những con to được bán với giá rất đắt. Trên vùng Tây Bắc, cá bỗng là loài cá quý, đặc sản, người dân nơi đây chỉ mổ thịt cá khi có sự kiện trọng đại như cưới hỏi, giỗ chạp.
Người ăn, kẻ sợ
Chủ quán Đỗ Hoàng Việt tâm sự, khi quyết định đưa cá bỗng - “cá thần” - về quán để kinh doanh, anh cũng rất lo tới yếu tố tâm linh. Thậm chí, người nhà anh Việt còn cho rằng anh… bị hâm khi đưa loại cá này về làm thịt bán. Khi mới đưa cá về quán, người nhà một số nhân viên trong quán lo lắng, bắt con em mình nghỉ việc vì sợ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, lượng cá anh Việt đưa về đã được tiêu thụ nhanh chóng. Đến nay, nhiều lúc cung không đủ cầu do việc mua bán cá từ trên Tây Bắc về rất khó khăn, khách muốn thưởng thức thịt “cá thần” đều phải liên hệ trước.
Một chú cá bỗng khi được vớt lên.
Anh Phạm Ngọc Đức (SN 1976, trú tại Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lúc đầu nghe thông tin có chỗ bán thịt “cá thần” ở Hà Nội, anh bán tín bán nghi. Song vốn sành ăn lại ham nhậu, anh Đức đã tìm hiểu về loại cá này và quyết định ăn thử.
“Qua tìm hiểu trên báo chí, tôi thấy các chuyên gia nói thịt cá này hoàn toàn có thể ăn được, chỉ những người ở gần khu vực suối “cá thần” không dám ăn vì vấn đề tâm linh. Tôi ăn thịt cá bỗng mấy lần rồi, có bị làm sao đâu. Thịt cá bỗng rất ngon nên gần đây, mỗi lần tiếp khách, tôi đều đãi món này” - anh Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hà (65 tuổi, trú tại xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy), kiểm lâm viên về hưu từng nhiều năm sống và công tác gần khu vực có suối “cá thần” cho biết: “Tôi không đồng tình với việc thêu dệt nhiều câu chuyện kì bí, ma quái xung quanh suối “cá thần” này. Trước kia, thời bao cấp khó khăn lắm, lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Trong đơn vị tôi có người bị sốt rét, không còn cách nào khác chúng tôi đành phải bắt “cá thần” ở suối để nấu ăn. Đói có cá mà ăn là tốt lắm rồi, có bị sao đâu”.
Từng đi công tác nhiều tỉnh thành trong cả nước, anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1984, quê Yên Bái; hiện trú tại phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, “cá thần” ở suối cá trong Thanh Hóa và cá bỗng giống hệt nhau. Cá bỗng là đặc sản ở các vùng núi phía Bắc, được bán với giá rất đắt. Tôi may mắn được mời thưởng thức món cá này ở Hà Giang rồi nhưng nghe chủ quán trên đó nói rất khó kiếm được nguồn hàng”.
(Theo Dân trí)