Cây đu đủ có ba dạng giới tính cơ bản là cái, đực và lưỡng tính. Giới tính của cây đu đủ không thể được xác định bằng cách nhìn vào hạt hoặc cây con. Cây đu đủ cần cao tới khoảng 0,6-1,5m trước khi hoa phát triển và có thể xác định được giới tính của cây.
Cây đu đủ đực có đặc điểm là cụm hoa dài, rủ xuống, nhiều hoa, mảnh mai không có nhụy hoa.
Cây đu đủ có nhiều tác dụng y học
Đu đủ (Carica papaya) là loài thực vật thân thảo thuộc họ Đu đủ (Caricaceae). Tất cả các bộ phận của cây như quả, rễ, thân, hạt, lá và hoa được sử dụng đáng kể để điều trị các loại bệnh khác nhau.
Hoa đu đủ nhỏ, màu vàng, hình phễu, đơn độc hoặc mọc thành chùm ở nách lá. Từ xa xưa, nó đã có tác dụng điều trị ho, viêm phế quản, hen suyễn và cảm lạnh. Cây đu đủ có giá trị làm thuốc do có các chất chuyển hóa tự nhiên có trong lá, vỏ và cành có đặc tính chống khối u và diệt côn trùng.
Toàn bộ cây đang được sử dụng để sản xuất sinh khối thực vật có thể được sử dụng để phát triển thuốc chống ung thư. Cây cũng được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu tự nhiên, hàm lượng cao các hợp chất tự vệ tự nhiên trong cây khiến nó có khả năng chống lại sự xâm nhập của côn trùng và sâu bệnh.
Hoa đu đủ (thường là hoa đu đủ đực) có thể ngăn ngừa ung thư, tăng cường tiêu hóa và cảm giác thèm ăn và làm giảm các vấn đề về tim mạch và hô hấp. Các chất tannin, flavonoid và chất chống oxy hóa trong hoa đu đủ đã được mô tả trước đây có tác dụng loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể.
Việc tiêu thụ hoa đu đủ giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do và điều chỉnh hệ thống miễn dịch.
Tác dụng của hoa đu đủ
Hoa đu đủ cũng được sử dụng trong nhiều liệu pháp truyền thống để điều trị sốt rét, vàng da, đau khớp, ho, cảm lạnh, sốt và nhiễm trùng do virus. Do đó, việc phân tích các thành phần hóa thực vật của hoa đu đủ được sử dụng theo truyền thống để điều trị nhiều loại bệnh là điều cần thiết.
Trong nghiên cứu hiện tại, các chất chuyển hóa thứ cấp như alkaloid, flavonoid, saponin, steroid và tannin có trong các chiết xuất hoa đu đủ khác nhau. Alkaloid là một loại hợp chất nitơ và hơn 10.000 alkaloid được biết là do thực vật sản xuất.
Khoảng 8.000 flavonoid đã được báo cáo từ các loài thực vật khác nhau. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích, bảo vệ, tạo hương vị và tạo sắc tố. Flavonoid có bản chất chống dị ứng, chống ung thư, bảo vệ gan, chống tiểu đường, kháng khuẩn, chống viêm và chống virus.
Saponin là một nhóm lớn các glycosid có đặc tính tạo bọt. Saponin được biết đến là có đặc tính kháng khuẩn, chống sốt rét, chống dị ứng, chống tiểu đường, diệt côn trùng và chống viêm.
Tanin là phức hợp các hợp chất polyphenolic được tổng hợp bởi thực vật. Tanin cũng được báo cáo là có hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virus, chống khối u và chống viêm.
Sự hiện diện của tất cả các hợp chất này trong hoa đu đủ làm nổi bật tầm quan trọng của hoa đu đủ trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Các cộng đồng dân tộc đã biết về các lợi ích đối với sức khỏe của hoa đu đủ vì họ đang sử dụng nó trong nhiều chế phẩm y học dân tộc.
Hoa đu đủ cũng chứa các vitamin như thiamine (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), axit ascorbic (C) và chứa các khoáng chất như canxi, magie, mangan, kẽm, đồng, cadmium, coban, chì, sắt, kali và natri.
Tác dụng chống oxy hóa
Hầu hết các bệnh liên quan đến sự tích tụ các gốc tự do ở người có thể tránh được bằng cách tiêu thụ thường xuyên trái cây và rau quả.
Trong những năm gần đây, việc thường xuyên bổ sung chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa được khuyến khích mạnh mẽ. Lý do, phenol và polyphenol có trong chúng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe lâu dài và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và thoái hóa.
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất của hoa đu đủ cho thấy hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ. Đây là loại dược liệu tiềm năng có thể dùng hàng ngày như một loại rau hoặc trà thảo mộc.
Tác dụng kháng khuẩn
Một số nghiên cứu báo cáo về hoạt động kháng khuẩn ở cây đu đủ như hoa, lá và hạt đối với các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pneumoniae và E. coli.
Tác dụng phòng chống ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa làm giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư.
Thực vật có nhiều chất phytochemical với nhiều hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư an toàn. Một trong những loại thảo dược có ích là hoa đu đủ đực. Hoa đu đủ đực đã được nghiên cứu trong đó phần thân của hoa đu đủ đực có chất chống oxy hóa cao.
Nghiên cứu cho thấy phần chiết xuất hexane của hoa đu đủ đực có tác dụng chống ung thư tốt đối với bệnh ung thư vú và có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư đại tràng.
Nhìn chung, nghiên cứu về khả năng chống oxy hóa và chống ung thư của chiết xuất hexane từ hoa đu đủ đực có thể kết luận rằng hoa đu đủ là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời và là nguồn cung cấp chất chống ung thư tiềm năng đầy hứa hẹn.
Những phát hiện này cho thấy giá trị y học của hoa đu đủ đực về mặt chống lại và phòng ngừa ung thư.
Ngoài ra, hiện nay, chưa có những nghiên cứu về tính an toàn của hoa đu đủ đực. Vì thế, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em dưới 3 tuổi và phụ nữ có thai.
Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Chữa bệnh bằng Liệu pháp Thiên nhiên tại Việt Nam