Trên thế giới, ung thư vòm họng tuy không phổ biến như các loại ung thư gan, phổi, đường tiêu hóa thường gặp nhưng vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn rất nguy hiểm, nhất là đối với người Trung Quốc và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây ung thư vòm họng trở nên phổ biến, thống kê từ Bệnh viện K - Hà Nội loại ung thư này đứng thứ 5 chỉ sau ung thư phổi, vú, tử cung, buồng trứng, ung thư gan và là bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu, cổ với tỷ lệ: 9 - 10 bệnh nhân/100.000 dân/năm. [1]
Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn cuối, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, việc phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh.
Tổng quan về ung thư vòm họng. Vì sao cần phát hiện sớm?
Ung thư vòm họng (UTVH) là một trong số căn bệnh ung thư vùng đầu cổ, là bệnh ác tính xuất phát từ các tế bào nằm ở vòm họng (phần cao nhất của hầu họng), ngay phía sau mũi. Bệnh phát triển tại họng có thể khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp nên có tâm lý chủ quan, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối và tiến triển nặng nhanh chóng.
Nguyên nhân dẫn đến loại ung thư này vẫn chưa được các nhà khoa học xác định chính xác. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh ung thư vòm họng gây ra bởi virus Epstein - Barr hoặc HPV các type nguy cơ cao như HPV type 16 và type 18. Ngoài ra, những người có thói quen uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, ăn nhiều đồ ăn lên men như dưa muối đều là những đối tượng có nguy cơ cao mắc loại bệnh ung thư nguy hiểm này.
Ung thư vòm họng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ giới nhưng thường gặp nhất là ở nam giới độ tuổi từ 40-60 tuổi. Theo thống kê từ Globocan, năm 2012 có 86.691 trường hợp mắc ung thư vòm họng trên toàn thế giới, trong đó có 60.896 trường hợp mắc mới ở nam và 25.795 trường hợp mắc mới ở nữ. Có 50.831 trường hợp tử vong do ung thư vòm họng, trong đó 35.756 trường hợp xảy ra ở nam giới và 15.075 trường hợp ở nữ giới.
Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư nói chung, ung thư vòm họng nói riêng. Nếu người bệnh phát hiện sớm thì quá trình điều trị kịp thời bệnh ung thư vòm họng sẽ dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn và tiên lượng sống sót tốt sau 5 năm.
Các nghiên cứu cho biết số người sống sót sau 5 năm phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn 1 là khoảng 60-75%, phát hiện ở giai đoạn 2 là 70-80%, phát hiện ở giai đoạn 3 là 66% và ở giai đoạn 4 là dưới 40%. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tâm lý của người bệnh mà thời gian sống của họ có thể khác nhau.
Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Các dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu hay còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ thường không rõ rệt khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp nên có tâm lý chủ quan, các khối u phát triển một cách âm thầm nên khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn cuối.
Hơn nữa vùng vòm họng ở vị trí khá đặc biệt, là khu vực khó tiếp cận và quan sát bằng mắt thường nên việc chẩn đoán cần phải nhờ đến sự can thiệp từ các chuyên gia, họ phải sử dụng thiết bị nội soi qua đường mũi. Những dấu hiệu ung thư vòm họng sớm thường xuất hiện ở các cơ quan nền sọ, tai và mũi do vị trí giải phẫu của vòm họng có liên quan mật thiết đến chúng.
1. Khàn tiếng, bị đau rát họng
Dấu hiệu ung thư vòm họng sớm này chứng tỏ khối u đang phát triển âm thầm và gây tổn thương niêm mạc cũng như các cấu trúc vùng hầu-họng, kết quả là người bệnh có cảm giác đau khi giao tiếp hoặc ăn uống. Khi các khối u tiếp tục phát triển và chèn ép, cổ họng bắt đầu đau rát nặng hơn dẫn tới hiện tượng khàn tiếng.
Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu này tuy rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp nhưng có thể phân biệt được dựa vào 1 đặc điểm chung là thường đau cùng 1 bên cổ họng, cơn đau tăng dần và dùng thuốc điều trị không đỡ.
2. Ho có đờm
Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu là ho có đờm và khá dai dẳng. Hầu hết các loại thuốc điều trị ho, cảm cúm chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng nhất thời.
3. Ngạt mũi
Ngạt tắc mũi một hoặc cả hai bên, chảy máu mũi dai dẳng điều trị nội khoa không cải thiện cũng là một trong những dấu hiệu ung thư vòm họng sớm mà người bệnh cần lưu ý.
4. Đau đầu
Người mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu sẽ có dấu hiệu đau đầu, thường là đau âm ỉ nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt, vùng thái dương hoặc vùng đỉnh đầu. Tuy đây đều là những dấu hiệu ung thư vòm họng sớm nhưng đôi khi gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh vì dễ nhầm lẫn với đau đầu thông thường.
Một số nghiên cứu về người mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu có đau đầu là dấu hiệu duy nhất, hầu hết khi đi khám tại chuyên khoa Thần kinh, được bác sĩ chẩn đoán là đau đầu do căn nguyên thần kinh và mạch máu, chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính sọ não nhưng không phát hiện thấy các tổn thương.
Những bệnh nhân này sau khi được điều trị bằng thuốc không đỡ, tái khám và được bác sĩ chỉ định chụp phim cộng hưởng từ (MRI) sọ não mới phát hiện tổn thương vòm xâm lấn nền sọ, kết hợp song song với chuyên khoa Tai Mũi Họng để nội soi sinh thiết các khối u vòm mới chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.
5. Ù tai
Do vòm họng nối với tai qua vòi Eustache nên khối u ung thư vòm họng phát triển có thể làm tắc vòi và dẫn đến những khó chịu về tai. Thường là các dấu hiệu đến từ một bên như nghe kém, ù tai hoặc hiếm gặp hơn là đau tai hay chảy dịch ở tai khiến người bệnh tự mua thuốc uống vì nghĩ chỉ bị viêm tai.
Tuy nhiên, khi các dấu hiệu ung thư vòm họng sớm này tăng dần lên, làm cản trở sinh hoạt người bệnh mới đi khám và phát hiện bệnh. Qua thăm khám nội soi, các khối u ung thư vòm họng nằm cùng bên với tai bị tổn thương, màng nhĩ lúc này có thể bị co kéo hoặc trong tai giữa có dịch.
6. Nổi hạch ở vùng cổ
Người mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường nổi hạch ở vùng cổ. Vị trí được xác định là hạch cổ vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở 1 hay 2 bên cổ. Hạch lúc đầu nhỏ sau phát triển to dần, sờ thấy chắc, ấn vào không đau, hạch ít khi di chuyển, sau bị cố định dính vào cơ và vùng da xung quanh.
Hình ảnh ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Cách chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Để chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn đầu, bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp phổ biến nhằm tầm soát và chẩn đoán nếu nghi ngờ người bệnh mắc ung thư vòm họng, như:
- Thăm khám phía trong miệng
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bên ngoài từ đầu tới cổ để kiểm tra xem các hạch, tiếp đến sẽ quan sát các cơ quan trong miệng như lưỡi, vòm họng người bệnh.
- Thực hiện nội soi họng
Vì vùng vòm họng ở vị trí khá đặc biệt, là khu vực khó tiếp cận và quan sát bằng mắt thường nên bác sĩ sẽ thực hiện thêm phương pháp sinh thiết qua nội soi họng. Mẫu vật sẽ được lấy trong quá trình nội soi, sau đó tiến hành làm xét nghiệm tế bào mô để giúp bác sĩ xác định chính xác khối u là lành tính hay ác tính, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp cho người bệnh.
- Chụp X-quang
Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện chụp X-quang, từ hình ảnh chụp được các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí khối u cũng như các chi tiết liên quan đến khối u như hình dạng, kích thước và mức độ tác động tới các mô mềm lân cận.
- Chụp cắt lớp
Tương tự chụp x-quang, chụp cắt lớp vi tính là phương pháp chẩn đoán qua hình ảnh giúp bác sĩ chuyên môn quan sát khu vực vòm họng và các hạch vùng cổ.
- MRI
MRI là một trong số phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán ung thư vòm họng.
Cách điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay như:
- Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc viên uống hoặc thuốc tiêm truyền qua đường tĩnh mạch với mục đích ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu có thể được thực hiện cùng lúc với phương pháp xạ trị (hóa - xạ đồng thời) hoặc sau khi hoàn tất phương pháp xạ trị hoặc trước khi thực hiện xạ trị. Bác sĩ sẽ quyết định hóa trị như thế nào tùy thuộc vào tình trạng bệnh và giai đoạn bệnh ung thư vòm họng ở người bệnh.
- Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng tia X hoặc các loại tia khác với mục tiêu là tiêu diệt tế các bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Hiện nay có 2 kỹ thuật xạ trị là xạ trị trong và xạ trị ngoài.
Chỉ định thực hiện xạ trị trong hay xạ trị ngoài còn tùy thuộc vào dạng bệnh, tình trạng bệnh và giai đoạn bệnh ung thư. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của máy xạ trị ngoài, một số kỹ thuật xạ trị trong có thể được thay thế bằng kỹ thuật xạ trị ngoài.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị có thể được thực hiện vào tất cả các giai đoạn của bệnh. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật với mục đích cắt bỏ khối u hoặc hạch vùng cổ và một số mô lành xung quanh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tiếp tục bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư vòm họng giai đoạn đầu là bao nhiêu?
Nếu người bệnh phát hiện sớm ung thư vòm họng giai đoạn đầu và thể trạng đáp ứng tốt các phương pháp điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao, khoảng 60 đến 75%. Trong khi người mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4 có kết quả kém, tỷ lệ sống trong 5 năm chỉ dưới 40%. Bệnh ung thư được nếu được phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm, khả năng điều trị khỏi hẳn bệnh càng cao, đồng nghĩa với tỷ lệ sống sót càng cao.
Ung thư vòm họng giai đoạn đầu có tái phát sau điều trị không?
Theo các chuyên gia việc điều trị bệnh ung thư vòm họng có tái phát sau điều trị không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh phát hiện bệnh sớm hay muộn, ung thư đang ở giai đoạn nào, khối u đã di căn hay chưa, thể trạng người bệnh có đáp ứng tốt các phương pháp điều trị hay không; điều kiện kinh tế của người bệnh có đủ để theo hết liệu trình điều trị? Nếu phát hiện kịp thời và bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu, khi các khối u chưa phát triển quá lớn và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể thì khả năng khỏi bệnh là khá cao nhưng người bệnh vẫn nên tiếp tục theo dõi sau điều trị để phòng ngừa ung thư vòm họng tái phát.
Với trường hợp ung thư tiến triển và tiếp tục lan rộng dù đã áp dụng các phương pháp điều trị kể trên, việc chữa khỏi là rất thấp bởi khối u đã dần trở nên kháng lại với các phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ hợp lý để giúp người bệnh kiểm soát được ung thư càng nhiều càng tốt.
Trong trường hợp tái phát sau điều trị, ung thư vòm họng có điều trị được không sẽ tùy thuộc vào việc tái phát khu trú (phạm vi trong vòm họng) hay tái phát xa (ở hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận khác) và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Bị ung thư vòm họng giai đoạn đầu sống được bao lâu?
Như thông tin ở trên, đối với người mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn, tỷ lệ khỏi bệnh khá cao và tiên lượng sống sót tốt sau 5 năm khoảng 60-75%. Điều này có nghĩa là khả năng chữa ung thư vòm họng giai đoạn đầu thành công sẽ giúp người bệnh kéo dài sự sống sau 5 năm là có thể làm được.
Làm sao để tăng cường sức khỏe khi mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu?
Người bệnh trong quá trình điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu sẽ gặp một số tác dụng phụ tức thì như khô miệng, khó nhai nuốt, thay đổi vị giác do các phương pháp điều trị tập trung vào vùng miệng, họng, thực quản, dạ dày, tuyến nước bọt,.. Do đó, một thực đơn dinh dưỡng hiệu quả sẽ giúp bệnh nhân tăng cường sức đề kháng vượt qua thời gian điều trị và nhanh phục hồi sau điều trị.
Bệnh nhân ung thư vòm họng nên có chế độ dinh dưỡng và áp dụng nguyên tắc ăn uống như sau:
- Chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, đầy đủ và cân đối các thành phần cơ bản, nên ăn thực phẩm lỏng, chế biến thành miếng nhỏ và có thể chia thành nhiều bữa để người bệnh dễ ăn, đảm bảo đủ lượng calo trong ngày.
- Uống nước liên tục bằng cách uống vài ngụm nhỏ mỗi 30-45 phút khi cảm thấy khô miệng, hoặc trước và trong khi ăn.
Một số loại thực phẩm cần hạn chế tuyệt đối, bao gồm:
- Thực phẩm hay trái cây chứa nhiều acid (như cam, chanh, bưởi, quýt,…), các loại trái cây có vị chua vì chất acid có thể gây đau rát vòm họng.
- Các loại thực phẩm có kích thước lớn, khô, khó nuốt sẽ gây khó khăn cho quá trình nuốt và tiêu hóa thức ăn của người bệnh.
- Các dạng thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ nướng, các loại thịt xông khói,…
- Thực phẩm có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Bia, rượu và các đồ uống có cồn.
Các giai đoạn tiến triển của ung thư vòm họng sau giai đoạn đầu
- Giai đoạn 1
Ung thư vòm họng giai đoạn 1 không có biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về đường hô hấp nên khó phát hiện. Khối u nhỏ hơn hoặc bằng 2 cm.
- Giai đoạn 2
Khối u lớn hơn 2cm nhưng không lớn hơn 4cm. Xem thêm: Ung thư vòm họng giai đoạn 2
- Giai đoạn 3
Khối u lớn hơn 4cm và đã bắt đầu di căn sang các vùng lân cận. Xem thêm: Ung thư vòm họng giai đoạn 3
- Giai đoạn 4
Ung thư di căn đến các vùng lân cận và phá hủy các hạch bạch huyết. Xem thêm: Ung thư vòm họng giai đoạn cuối.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng ngay từ sớm
Chủ động phòng ngừa ung thư vòm họng là chìa khóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Để phòng ngừa các ca ung thư mắc mới, chuyên gia cho biết cần xem xét đến các yếu tố có nguy cơ gây bệnh và cách phòng ngừa bảo vệ. Hầu hết các yếu tố có nguy cơ gây ung thư vòm họng đều khó kiểm soát được.
Các nghiên cứu cho thấy có đến 70% nguyên nhân ung thư do yếu tố ngoại lai, 30% còn lại do yếu tố nội tại và di truyền. Do đó để làm giảm nguy cơ mắc ung thư vòm họng cần chủ động phòng ngừa bằng những cách sau:
- Tiêm ngừa vắc xin Gardasil để ngăn ngừa virus HPV
Nguyên nhân dẫn đến loại ung thư này vẫn chưa được các nhà khoa học xác định chính xác. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh ung thư vòm họng gây ra bởi virus Epstein - Barr hoặc HPV các type nguy cơ cao như HPV type 16 và type 18. Do đó, tiêm vắc xin Gardasil để ngăn ngừa virus HPV là một trong số cách phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng ngay từ sớm.
Việt Nam hiện đang đưa vào sử dụng 2 loại vắc xin ngăn ngừa virus HPV là vắc xin Gardasil (phòng 4 type virus HPV 6, 11, 16, 18), chỉ định dùng cho trẻ em gái và phụ nữ độ tuổi từ 9-26 tuổi. Vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 với lợi thế phòng ngừa (phòng 9 type virus HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) được chỉ định tiêm chủng phòng bệnh cho cả nam và nữ có độ tuổi từ 9-26 tuổi, hiệu quả bảo vệ cao lên đến trên 94%.
Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với hàng trăm trung tâm quy mô trên khắp cả nước có đầy đủ 2 loại vắc xin Gardasil và Gardasil 9 chất lượng cao, an toàn, số lượng lớn. Đặc biệt, VNVC là đơn vị tiêm chủng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đầu tư hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh, kho lạnh từ 2-8 độ C đạt chuẩn GSP tại hàng trăm trung tâm trên toàn quốc; hệ thống xe lạnh chuyên dụng vận chuyển vắc xin chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo sự an toàn và chất lượng vắc xin ở mức cao nhất cho người sử dụng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư vòm họng.
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh
Những đối tượng sinh hoạt tình dục không an toàn và lành mạnh, thường quan hệ bằng miệng có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng do virus HPV. Do đó, hình thành đời sống tình dục lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng và sử dụng bao cao su là bộ đôi phương pháp hạn chế tối đa nguy cơ mắc ung thư vòm họng hiệu quả.
- Bỏ ngay các thói quen có nguy cơ cao gây ung thư vòm họng
Cần hạn chế và bỏ những thói quen xấu có nguy cơ cao gây ung thư vòm họng như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều đồ ăn lên men như dưa muối.
Ung thư vòm họng giai đoạn đầu có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu như: nổi hạch cổ một bên, ù tai, giảm thính lực, giảm thị lực, nhức đầu,… kéo dài và không cải thiện sau thời gian dài điều trị, nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán sớm giúp cho việc điều trị dễ dàng và đạt hiệu quả tốt nhất.