Đùa thế thôi cho nó giật gân đúng mốt, chứ Bede là tên một nhân vật lịch sử, sống vào khoảng 673-735 năm sau Công Nguyên, ông là một thầy tu, và là một dịch giả rất giỏi; Bede yêu lịch sử nên cất công sưu tầm, dịch thuật, ghi chép các sự kiện xưa của nước Anh: rồi soạn ra nhiều sách sử vô cùng giá trị. Xứ sương mù gọi ông là “Cha đẻ của lịch sử Anh Quốc”.
Thời của Bede: nước Anh rất loạn, người nào cũng lo giữ đầu nên chẳng ai chịu ghi chép gì; nếu không có ông là chúng ta sẽ mù tịt về những gì diễn ra ở Anh vào thời xa xưa. Ông cũng là người dùng hệ thống thời gian BC (Before Christ - trước Công Nguyên), và AD (Anno Domini - Công Nguyên, dịch chính xác là “Năm của Chúa”); các sử gia (lẫn dân chúng) về sau cũng dùng cách chia thời gian giống Bede; nên phải cảm ơn ông Bede cái đã.
Thế Bede viết gì?
La Mã, Anglo-Saxon, và vị vua đầu tiên của Anh
Lúc ăn lông ở lỗ, nước Anh cũng trải qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… như mọi quốc gia khác; thời kỳ này chẳng có gì đặc biệt, trừ chuyện dân Anh bắt đầu xây Stonehenge vào năm 3100 trước Công Nguyên, còn lại thì cuộc sống nói chung là bình bình.
Đến năm 650 BC, tộc người Celts (Celtic) kéo đến lãnh thỗ nước Anh, và phát triển văn hóa Celts. Nhưng cuộc sống vẫn còn theo kiểu bộ lạc, bầy đàn, chưa có vua theo nghĩa của từ vua. Chủ yếu chỉ có “vua” theo kiểu thủ lĩnh bộ lạc, mỗi bộ lạc cai trị rải rác trên nước Anh.
Năm 55 trước Công Nguyên, đế chế La Mã bắt đầu dòm ngó Anh. Đối với họ, vùng đất này thật giàu có với nhiều quặng vàng: sắt, và đồng; mà chủ của xứ này lại là một đám mọi rợ (La Mã chỉ xem người dân La Mã là người văn minh, ai không phải La Mã đều là mọi rợ).
Từ 55 BC đến 43 AD: đế chế của các Caesar đã chiếm trọn nước Anh, rồi đặt tên “Britannia” cho thuộc địa mới. Ngày hôm nay: Britain (Anh Quốc) là tên chính thức của xứ sương mù.
Nhưng người La Mã chiếm đất xong cũng chẳng thích cai trị gì nhiều (quản lý mệt chết), mà chỉ muốn… thu thuế và xây dựng. Thăm dò địa hình, người La Mã phát hiện rằng Britannia có một vùng rất thuận lợi để phát triển buôn bán, vì nơi đây có con sông vô cùng lớn chảy qua. Đó chính là sông Thames, dân La Mã bắt đầu gầy dựng thành phố mới tại đây, và đặt tên “Londinium” cho thành phố. London chính thức chào đời.
Ngoài việc phổ biến luật lệ (truyền từ thời Hy Lạp) cho “đám mọi rợ”, người La Mã còn chỉ họ cách trồng rau; nhập giống rau, xây dựng hệ thống đường bộ, xây nhà tắm nước nóng công cộng (từ đó xây luôn hệ thống ống dẫn nước; giống dân Hy Lạp, dân La Mã chuộng sự sạch sẽ) và xây… toilet. Họ không giết (hết) các vị vua của mấy bộ tộc Celts, mà cứ để cho các ông cai trị như cũ, rồi thu thuế (dĩ nhiên cũng có tí đánh nhau nọ kia, nhưng thôi kể ra nó dài dòng lẻ tẻ, đọc mệt lắm).
Một nhà tắm nước nóng La Mã ở Bath thông thường ngoài phòng tắm chính còn có phòng tắm tròn, phòng tắm nóng, phòng tắm lạnh, phòng… xông hơi. Vì đây là suối nước nóng tự nhiên nên người La Mã chỉ cần dẫn nước vào các phòng tắm nóng, không cản xây ống đun.
Còn phòng xông hơi thì sao? Họ xây hệ thống này dưới sàn (sàn được tháo ra để khách thăm quan ngắm cắu trúc dưới nền). Công dụng của nó: ở dưới là lò đốt củi, hơi nóng từ đó len lỏi làm ấm sàn và tường. Nói chung nước Anh “bị” La Mã đô hộ cũng không đến nỗi tệ.
Đến năm 400 AD, đế chế La Mã bắt đầu tịt ngòi: vì thiếu nhân lực để chém giết ở nơi khác nên họ rút toàn bộ quân lẫn người từ Anh về quê hương, chấm dứt nền cai trị ở Britannia. Nước Anh hứng chịu một thời kỳ bạo loạn kéo dài khoảng 200 năm, khi các ông vua: các bộ lạc xâu xé lẫn nhau giành chủ quyền để rồi tộc người Anglo-Saxon của xứ Scandinavia chiếm thế thượng phong vào khoảng năm 600. Năm 757, vị vua đương nhiệm của Anglo-Saxon tên Offa chiếm gần hết lãnh thổ nước Anh, đẩy người Celts về phía Tây.
Có thể xem Offa như vị vua đầu tiên của xứ sương mù, và vùng đất ông ép dân Celts di cư tới trở thành xứ Wales.
Nếu nói nghiêm khắc thì Offa chưa hẳn cai trị toàn bộ nước Anh, vì ông không chiếm được vùng phía Bắc, nhưng gần cuối đời thì con gái ông cưới vua phương Bắc, nên cứ coi Offa như điểm khởi đầu, và theo phả hệ Hoàng Gia Anh thì Offa là người đầu tiên họ điểm mặt chỉ tên, ông cũng là khởi điểm của “triều đại Anglo-Saxon”
Tuy người La Mã có công đặt tên cho nước Anh và thành phố London, các thị trấn/thành phố nhỏ ở Anh là do người Anglo-Saxon đặt tên. Nếu đuôi của thị trấn có những chữ như: ton, wick; worth; bridge, den, ham… thì đó là vùng do người Anglo đặt tên (ví dụ: Luton, Buckingham, Birmingham, Epworth, Alnwick…)
Bốn vị thần của Anglo-Saxon: Tiw, Woden, Thor, và Friya, trở thành 4 ngày trong tuần của tiếng Anh: Tuesday (thứ 3), Wednesday (thứ 4), Thursday (thứ 5) và Friday (thứ 6).
Vậy là nước Anh bắt đầu có chủ rồi, nhưng từ ông Offa (triều đại Anglo-Saxon) đến bà Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị (Nhà Windsor của Vương quốc Liên hiệp Anh) còn xa lắm.