Ngày càng có nhiều người mắc bệnh đau đầu, trong đó có đau đầu từng cơn hay nhức đầu từng cơn. Vậy đau đầu từng cơn là bệnh gì? Dấu hiệu và điều trị ra sao?
Nhức đầu từng cơn có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tổng thể, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa thần kinh để thăm khám, điều trị chứng đau đầu từng cơn hay đau đầu từng đợt.
Đau đầu từng cơn là bệnh gì?
Đau đầu từng cơn là tình trạng cơn đau đầu nhói lên theo từng đợt, có thể là một trong những biểu hiện của bệnh đau nửa đầu Migraine (đau đầu vận mạch). Tình trạng nhức đầu từng cơn thường xuất phát từ sự bất thường tại mạch máu não. Ví dụ, hệ thống mạch máu não co giãn bất thường có thể gây ra các cơn đau đầu. (1)
Nguyên nhân gây nhức đầu từng cơn
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu xác định rõ nguyên nhân chính xác của đau đầu từng cơn. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, người mắc bệnh đau đầu vận mạch có thể gặp tình trạng đau đầu từng cơn. Cơn đau đến từ biểu hiện co giãn bất thường của hệ thống mạch máu.
Theo các chuyên gia, cơ chế co giãn của hệ thống mạch máu não hoạt động bất thường có thể làm rối loạn tuần hoàn. Vì thế, người bệnh có thể bị đau đầu kèm theo những triệu chứng khác như chóng mặt, mờ mắt. Trong thời gian đầu, đau đầu từng đợt thường không tác động nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, thậm chí gây ra biến chứng thần kinh thì có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.
Triệu chứng của đau đầu từng cơn
Người bị đau đầu từng đợt có thể dễ dàng nhận ra các cơn đau đầu xuất hiện một cách bất ngờ, theo từng đợt, ít khi có dấu hiệu cảnh báo trước. Cụ thể, một số triệu chứng hay dấu hiệu có thể gặp của đau đầu từng cơn bao gồm:
- Đau ở một bên đầu.
- Cảm thấy khó chịu, bồn chồn.
- Xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội tại vùng xung quanh mắt, phía sau hoặc bên trong hốc mắt. Cơn đau có thể lan sang những vùng khác gần mặt, ví dụ như đầu, cổ. Vùng xung quanh mắt bị tác động có thể xuất hiện tình trạng sưng.
- Sắc da của người bệnh trở nên nhợt nhạt, xanh xao hoặc đỏ ửng.
- Nếu cơn đau tiến triển nghiêm trọng có thể tác động đến mắt. Bên mắt chịu ảnh hưởng bị sụp mí.
- Người bệnh thường xuyên bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi nếu chứng đau đầu đã tiến triển nghiêm trọng và tác động đến mũi.
- Vùng trán và mặt chịu ảnh hưởng bởi chứng nhức đầu từng cơn bị đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
Ngoài các dấu hiệu kể trên thì người bệnh đau đầu từng cơn còn có thể gặp phải một số dấu hiệu khác như nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh. Người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội khi gặp ánh sáng chói hoặc âm thanh lớn. Cơn đau thường chỉ xuất hiện tại một bên đầu.
Đau đầu từng cơn hay đau đầu từng đợt có nguy hiểm không?
Bệnh đau đầu vận mạch gây ra triệu chứng đau đầu từng cơn dù không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, công việc, sinh hoạt của người bệnh. Đặc biệt khi cơn đau xuất hiện thường xuyên, kéo dài. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng bệnh đau đầu vận mạch có thể gây ra biến chứng thần kinh nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì thế, người bệnh nhức đầu từng cơn không nên chủ quan, cần đi thăm khám và điều trị, kiểm soát bệnh kịp thời.
Người bị nhức đầu từng cơn khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt khi gặp chứng đau đầu từng cơn. Việc phát hiện, tiến hành chữa trị sớm giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt, ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Đau đầu cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm, ví dụ như đột quỵ, u não, phình động mạch não… Người bệnh không nên chủ quan, tự ý chữa trị tại nhà bằng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau có thể phát huy tác dụng làm giảm bớt cơn đau trong thời gian đầu. Thế nhưng nếu người bệnh không được bác sĩ khám, kiểm tra, chỉ định phương pháp điều trị phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm khi phát hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Người bệnh bị đau đầu từng cơn kèm theo các biểu hiện khác như nôn ói, buồn nôn, cứng cổ, co giật, sốt cao, tâm thần rối loạn, khó nói hoặc tê yếu tay chân… Các triệu chứng này có thể liên quan đến những căn bệnh nguy hiểm như viêm não, u não, đột quỵ, viêm màng não…
- Người bệnh thường xuyên đối mặt với tình trạng đau đầu một cách đột ngột và dữ dội.
- Cơn đau đầu diễn ra nghiêm trọng hơn khi người bệnh gặp chấn thương tại đầu mặc dù chỉ là va chạm nhẹ hay té ngã không quá nặng.
- Những cơn đau đầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn sau một thời gian. Đồng thời, tính chất và chu kỳ xuất hiện cơn đau cũng thay đổi.
- Cơn đau không thuyên giảm ngay cả khi dùng thuốc giảm đau thông thường.
Cách chẩn đoán đau đầu từng cơn
Để chẩn đoán một cách chính xác, bác sĩ cần khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình, ghi lại những triệu chứng lâm sàng, tìm hiểu về hoạt động, thói quen mà người bệnh thực hiện trong thời gian gần đây… Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm một số phương pháp xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng khác vốn cũng có thể gây ra triệu chứng nhức đầu từng cơn, ví dụ bao gồm: (2)
- Xét nghiệm công thức máu: Phương pháp xét nghiệm này hỗ trợ bác sĩ xác định xem người bệnh có đang gặp những vấn đề viêm nhiễm, ví dụ như viêm não, viêm nhiễm tủy sống, nhiễm độc… hay không.
- Chụp x-quang đầu: Thông qua kỹ thuật chụp x-quang đầu, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương xung quanh vùng xương mặt, xương sọ, xoang và mũi của người bệnh.
- Chụp MRI và CT sọ não: Phương pháp chụp MRI và CT giúp bác sĩ phát hiện những điểm bất thường liên quan đến mạch máu, não bộ. Qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán những bệnh lý như viêm màng não, xuất huyết não, tai biến mạch máu não hay những vấn đề bất thường khác tại hệ thần kinh trung ương.
- Cấy dịch não tủy: Cấy dịch não tủy có thể được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng hay chảy máu bên trong hệ thần kinh.
Cách điều trị, hỗ trợ giảm đau đầu từng cơn
Với trường hợp bị đau nửa đầu Migraine gây đau đầu từng đợt, ngoài việc dùng thuốc, điều trị theo tư vấn chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện thêm những biện pháp hỗ trợ dưới đây:
- Nghỉ ngơi tại không gian yên tĩnh: Đau nửa đầu Migraine có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với âm thanh và ánh sáng. Do đó, nghỉ ngơi hoặc ngủ trong không gian yên tĩnh có thể giúp chứng đau đầu từng cơn thuyên giảm.
- Dùng đồ uống có chứa caffeine: Uống một lượng nhỏ caffeine có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng đau nửa đầu Migraine trong giai đoạn đầu. Người bệnh cần lưu ý tránh dung nạp quá nhiều caffeine vì có thể gây ra tác dụng phụ cho sức khỏe, ví dụ như cản trở giấc ngủ, khiến triệu chứng đau đầu từng cơn thêm nghiêm trọng… (3)
- Massage: Xoa bóp nhẹ vùng đầu, cổ và cơ thể giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn, có thể hỗ trợ giảm nhức đầu từng cơn. Kỹ thuật châm cứu theo đông y cũng có thể hỗ trợ chữa chứng đau đầu vận mạch, giúp người bệnh giảm căng thẳng, thư giãn, giảm đau đầu từng đợt.
- Thư giãn: Nếu cơn đau xuất hiện khi bạn đang làm việc hoặc nghĩ đến một vấn đề nào đó thì nên tạm dừng lại và tìm đến một hoạt động khác giúp bản thân thư giãn, nghỉ ngơi như nghe nhạc nhẹ.
Cách phòng ngừa chứng đau đầu từng cơn
Những biện pháp đơn giản không dùng thuốc và thói quen sống khoa học đôi khi có thể giúp phòng tránh hoặc hạn chế tần suất xuất hiện tình trạng nhức đầu từng cơn do chứng đau nửa đầu Migraine gây ra, ví dụ như: (4)
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc giúp người bệnh hạn chế sự xuất hiện của chứng đau đầu từng cơn.
- Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải có thể góp phần cải thiện bệnh đau nửa đầu Migraine. Lưu ý, bạn cần tránh luyện tập quá sức vì có thể khiến chứng đau đầu từng đợt diễn ra nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế căng thẳng: Bạn có thể tập thiền, yoga, đi bộ, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, vẽ tranh… hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động gì khiến bản thân cảm thấy thư giãn, thoải mái.
- Ăn uống khoa học: Tránh để cơ thể mất nước bằng cách uống đủ nước hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa để ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu giảm gây đau đầu. Người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau củ, dung nạp đầy đủ dưỡng chất, tránh dùng món quá mặn. Bạn cũng nên ghi chú lại nhật ký ăn uống của bản thân để nhận biết những loại thực phẩm có thể gây kích hoạt cơn đau đầu từng cơn, từ đó thay đổi khẩu phần hàng ngày phù hợp hơn.
Đau đầu từng cơn khám và điều trị ở đâu?
Người bị chứng đau đầu từng cơn không được chủ quan trước tình trạng sức khỏe của mình. Bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn phác đồ chữa trị hợp lý.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có chuyên Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh hiện đại, giúp người bệnh chẩn đoán, chữa trị nhiều bệnh lý như đau nửa đầu, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn tiền tình, chóng mặt… Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và áp dụng đầy đủ máy móc tân tiến như máy chụp cộng hưởng từ 1.5 - 3 Tesla, máy chụp CT 768 lát cắt, máy điện não vi tính EEG-1200K, máy điện cơ Natus UltraPro S100, máy đo đa ký giấc ngủ… phục vụ tốt cho công tác thăm khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý thần kinh.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, đau đầu từng cơn hay nhức đầu từng cơn xuất hiện thường xuyên, kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín thăm khám sớm.