Giò chả là món ăn truyền thống, phổ biến với các gia đình Việt khắp 3 miền, đặc biệt không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày lễ, Tết. Tùy từng địa phương mà người ta có cách chế biến giò chả khác nhau, mang hương vị đặc trưng riêng.
Ở miền Tây có một món chả không kém phần nổi tiếng, đó là chả lạnh da heo. Món ăn tên lạ nhưng khá giống giò thủ, giò bì của người miền Bắc, đều gồm nguyên liệu chính là thịt heo và da heo, cũng gói trong lớp lá chuối rồi cuộn thành hình trụ.
Tuy nhiên, món chả lạnh da heo lại có cách chế biến và bảo quản đặc biệt hơn, thường được thái thành lát mỏng để làm các món gỏi, món trộn giải ngấy với hương vị hấp dẫn.
Để làm chả lạnh da heo, người miền Tây phải chọn lựa nguyên liệu kỹ lưỡng. Tùy khẩu vị, sở thích và văn hóa từng vùng mà nguyên liệu cũng được thay đổi linh hoạt.
Nếu muốn chả giòn sần sật hơn, người ta sử dụng nhiều bì heo và phần thịt đầu (tai, sụn,…).
Bì heo sau khi mua về được cạo sạch lông, chà xát với muối để khử bớt mùi hôi rồi rửa lại với nước sạch. Tiếp đến luộc bì heo, đến khi thấy chín tới thì vớt ra, ngâm với nước đá. Cách làm này giúp bì heo trắng, có độ giòn và ngon hơn khi chế biến.
Ngâm khoảng 30 phút thì vớt bì heo ra, để ráo nước rồi dùng dao sắc lạng sạch phần mỡ thừa và thái bì thành các lát mỏng đều tay.
Ngoài nguyên liệu chính là bì heo, người miền Tây thường dùng thịt đùi hoặc thịt đầu heo để làm chả lạnh. Phần thịt này cũng được sơ chế sạch, thái lát mỏng rồi tẩm ướp với các gia vị như nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu,…
Chờ thịt ngấm đều thì đem xào chín cùng chút tỏi, hành băm nhỏ, thêm tiêu sọ để món ăn dậy vị, có độ cay nồng hấp dẫn hơn. Khi thịt chín thì cho tiếp bì heo đã thái sợi vào xào cùng, có thể nêm chút nước cho bì ra nhựa nhiều hơn để khi gói chả, các nguyên liệu càng hòa quyện, dính chặt vào nhau.
Sau khi xào chín các nguyên liệu, người ta bắt đầu gói chả, tương tự như cách gói giò thủ, giò lụa ở miền Bắc, Trung. Chả được gói trong lá chuối, cuộn thành hình trụ sao cho thật chặt rồi buộc lại bằng dây lạt.
Chả gói càng chặt càng ngon, thành phẩm không bị hở hay rỗ.
Chả gói xong đem bảo quản ngăn mát tủ lạnh chừng 2-3 tiếng là có thể thưởng thức. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, người ta có thể trữ chả trên ngăn đá, khi ăn thì đem rã đông.
Không chỉ là món ăn thanh mát giúp “giải nhiệt, giải ngấy” trong những ngày Tết, chả lạnh da heo còn trở thành món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu hay được biến tấu thành món ăn vặt vui miệng của giới trẻ.
Tới miền Tây, du khách có thể tìm và thưởng thức chả lạnh da heo ở các quán ăn, nhà hàng hay trên gánh hàng rong vỉa hè, xe hàng rong,… với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/suất, ăn kèm muối tiêu hoặc tương ớt, nước chấm chua ngọt.
Vì thời tiết nơi đây khá nóng, người bán thường xếp chả trong các tủ kín, bày lớp đá lạnh phía dưới. Cách này vừa giúp bảo quản chả tốt trong ngày nắng nóng, vừa giúp chả giòn, mát lạnh, ăn ngon hơn.
Cũng bởi vậy mà nhiều du khách còn hài hước đặt tên cho món ăn này là “chả ướp đá”.
Chả lạnh da heo được bán với giá dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, tùy nguyên liệu.
Theo VietNamnet