TPHCM: Người bán chủ động giảm giá
Trưa 5-2, anh Trần Văn Quân (ngụ phường 5 quận Phú Nhuận) vui vẻ ôm 2 chậu mai mini cao khoảng 30cm rời khỏi điểm bán hoa ở Công viên Gia Định (TPHCM). Loại hoa mai anh Quân mua có nhiều cánh, giá chỉ 100.000 đồng/ chậu. “Giá mềm nên người bán vừa ra giá là tôi mua ngay. Chăm sóc hàng mấy tháng trời mà bán giá như vậy là rất tốt cho người mua rồi”, anh Quân nhận xét. Dọc Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), đường Trường Chinh (quận Tân Bình), công viên Lê Thị Riêng (quận 10)…, người dân tìm hiểu giá cả, hỏi mua hoa mai rất nhộn nhịp. Cũng giống như ở Công viên Gia Định, giá các chậu mai nhỏ ở những nơi này khá mềm.
Các gốc mai nhỏ có giá 150.000-600.000 đồng/cây; loại lớn 1,2-1,8 triệu đồng/cây… Tuy nhiên, các loại mai nhỏ, tầm giá 200.000-400.000 đồng/chậu được người mua chọn nhiều hơn cả. Mai năm nay có khá nhiều loại: loại cánh kép, loại màu vàng chanh, loại màu vàng nghệ, thậm chí có cả mai trắng, nhưng người mua thường ít để ý tới các đặc tính này. Theo nhiều người bán, hầu hết người mua chọn cây có đủ cả nụ, hoa để đảm bảo có hoa nở đến hết tết. Thế cây cũng được nhiều người mua cân nhắc. Cây có thế vững chãi được ưu tiên chọn hơn cả, hàm ý gửi gắm một năm mới tốt đẹp. Ghi nhận trên tuyến đường Trường Chinh, lượng khách đến tìm hiểu, mua các loại mai nhỏ hoặc tầm trung cũng khá đông, trong đó mức giá từ 1 triệu đồng/cây đổ lại bán chạy hơn so với các gốc mai lớn, giá cao.
Anh Nguyễn Năm, chủ một vựa mai trên đường Trường Chinh, cho biết, chỉ trong 1 tiếng buổi trưa, khách đã chọn mua vài chục gốc mai nhỏ để trên bàn. Các chậu có giá từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng cũng được khách quan tâm, song không nhiều. Cũng theo anh Năm, do năm nay khó khăn nên người bán buộc phải giảm giá nhưng cũng có lý do là một số gốc mai đã bung xòe nụ đón xuân sớm, nên tiểu thương phải “xả hàng”, bán giá mềm…
Tại các nhà vườn trên địa bàn TPHCM, giống mai bonsai loại nhỏ với giá bán 500.000-700.000 đồng/ chậu và chậu mai mini với giá 200.000-400.000 đồng cũng được quan tâm, ưa chuộng vì nhỏ gọn, dễ trưng ở nhiều nơi, giá cả phải chăng. Nắm bắt được xu hướng đó nên anh Ngọc Đức (chủ vườn mai Hữu Đức) đã chuẩn bị khoảng 1.000 cây mai loại này để đưa ra thị trường.
Theo ghi nhận, năm nay nhiều nhà vườn đã chủ động giảm giá chút đỉnh cho khách hàng. Anh Trịnh Hoàng Quân, chủ vườn mai kiểng Hoàng Quân tại TP Thủ Đức, cho hay, đến thời điểm hiện tại có thể thấy lượng khách và giá cả ổn định so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vì chủ yếu là phục vụ khách quen đã thuê nhiều năm nên anh cũng chủ động giảm giá khoảng 5% để chia sẻ khó khăn với khách. Còn ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Hoa mai vàng Bình Lợi, thông tin, số lượng mai bán ra đến thời điểm này tại vườn đạt 80%. Giá giảm 20%-30% so với năm ngoái đối với những cây mai có độ tuổi từ 3-5 năm.
Sức mua yếu ở các tỉnh
Thị xã An Nhơn (Bình Định) được xem là “thủ phủ” trồng mai tết lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, năm nay dù thời tiết thuận lợi, hoa mai nở đúng dịp tết song thị trường lại ảm đạm, khách hàng mua rất ít, giá cả rớt thảm khiến người trồng hoa mai buồn bã, khó khăn. Theo thống kê UBND thị xã An Nhơn, mỗi năm đến vụ tết các làng mai xuất ra thị trường hàng triệu chậu mai. Vậy mà đến thời điểm cận tết này, doanh thu chỉ 65-70 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với vụ tết năm 2023 (tổng doanh thu năm 2023 trên 120 tỷ đồng).
Qua trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều hộ dân trồng mai chia sẻ họ đã đầu tư rất lớn cho vụ mai tết năm nay, thậm chí nhiều người còn vay ngân hàng để đầu tư, nhưng cuối năm giá mai rớt mạnh, thị trường ế ẩm khiến họ có nguy cơ đổ nợ. Ông Nguyễn Hữu Quý (người trồng mai ở thị xã An Nhơn) buồn bã nói: “Nhiều người dân trồng mai đồng loạt hạ giá bình quân hoa mai từ 600.000 đồng/cây xuống còn 300.000 đồng/cây nhưng vẫn rất ít người mua. Năm ngoái, tôi bán được khoảng 100 chậu mai, còn nay đến sát tết mới chỉ bán được 40 chậu”. Ở góc nhìn khác, nghệ nhân trồng mai Trần Ngọc Tuấn (xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn) đánh giá, doanh thu các làng mai An Nhơn sụt giảm một phần do cung vượt cầu. Những năm qua, các làng mai ở An Nhơn phát triển rất nhanh, người trồng mai ồ ạt trong khi địa phương chưa có giải pháp tốt để can thiệp, điều phối nên năm nay thị trường khó khăn và các hộ trồng mai đều bí đầu ra. Để giảm thiểu rủi ro và không còn tình trạng được mùa mất giá, địa phương và ngành chức năng cần sớm can thiệp để định hướng cho người trồng mai, hỗ trợ tìm thị trường và quản lý chặt sản lượng, sản phẩm đạt chất lượng, giá cả thống nhất…
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ hoa tết ở ĐBSCL như: Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) cho thấy, sức mua mai kiểng để chưng tết năm nay của người dân thấp hơn mọi năm. Ông Tình, chủ vườn mai ở Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, năm nay ông tham gia chợ hoa kiểng tết ở Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) từ 20 tháng Chạp (sớm hơn mọi năm 2 ngày), tuy nhiên lượng mai kiểng bán ra rất ít (8 chậu). “Mọi năm, đến 28 tháng Chạp, tôi đã bán hết, trở lại quê để sửa soạn nhà cửa đón tết. Năm nay, đến 26 Tết vẫn còn hơn 20 chậu mai lớn. Giờ đến 28 Tết, nếu không bán được thêm, xem như lỗ lớn”, ông Tình chia sẻ.
Trong ngày 26 tháng Chạp, tại nhiều điểm bán hoa kiểng tết ở TP Cần Thơ như Bến Ninh Kiều, đường Huỳnh Cương, khu dân cư Hưng Phú…, lượng mai kiểng chưa bán ra của các nhà vườn còn rất nhiều. Theo một số chủ vườn, thị trường mai kiểng năm nay ở một số tỉnh thành vùng ĐBSCL ảm đảm là do thời tiết không ủng hộ, hoa ít nụ, không đẹp; cùng với đó là kinh tế khó khăn, người dân dè dặt, cân nhắc khi chọn mua hoa kiểng chưng tết.