Liên quan ô tô - phương tiện giao thông của bộ phận không nhỏ cư dân đô thị ngày nay, biển số là yếu tố rất được quan tâm. Do đó, rất dễ hiểu khi đề xuất không phát hành biển số “xấu” theo quan niệm dân gian (chẳng hạn có số cuối 49 hoặc 53) của hai đại biểu Quốc hội chiều 11/11 tạo nên cuộc bàn luận cực kỳ sôi nổi trên các diễn đàn.
Cái sự xấu hay đẹp của biển số là do con người gán cho nó, không có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, tôi cho rằng không cần bàn cãi về khả năng đem lại rủi ro của những biển số “xấu”, mà thực tế hơn là cân nhắc xem việc phát hành chúng lợi hay không lợi.
Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều về việc cấp quyền lựa chọn biển số ô tô “đẹp” thông qua đấu giá, thậm chí vừa rồi các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về dự thảo nghị quyết liên quan đến vấn đề này. Điều đó cho thấy, chúng ta đã chấp nhận một thực tế, có những biển số được cho là đẹp và đem lại may mắn, rất nhiều người muốn sở hữu chúng và sẵn sàng chi nhiều tiền để có được. Vậy thì ở chiều ngược lại, chúng ta cũng nên chấp nhận và thông cảm khi nhiều người không muốn sử dụng biển số xe “xấu” theo quan niệm dân gian.
Con số “xấu” bản thân nó không đem lại rủi ro. Nhưng tâm lý nặng nề, bất an, sự ức chế khi “bốc” phải một biển số không đẹp lại có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong suốt những năm tháng sử dụng, tạo ra những tình huống mà chúng ta vẫn gọi là đen đủi. Để thoát khỏi con số xấu, nhiều người phải tìm cách sang nhượng lại xe để đổi biển số khác, gây mệt mỏi và lãng phí thời gian, công sức. Và dĩ nhiên, họ cũng phải chịu thiệt thòi về tiền bạc vì xe biển không đẹp chỉ có thể bán rẻ.
Quan niệm về con số may mắn và rủi ro, những kiêng cữ để gần lành tránh dữ… tồn tại ở hầu hết các nền văn hóa từ Đông sang Tây, ngay cả ở những nước được cho là hiện đại nhất, nơi khoa học công nghệ phát triển mạnh nhất. Bớt đi những con số có đuôi 49, 53…, kho biển kiểm soát cũng chẳng nghèo đi bao nhiêu, còn ngược lại sẽ có thể gây cho người dân sự lo lắng, mệt mỏi, nặng nề không cần thiết. Vậy hà cớ gì cơ quan quản lý cứ phải phát hành bằng được những con số này?
Từ lâu, không chỉ ở phương Tây mà nhiều tòa nhà ở Việt Nam cũng không đánh số tầng 13, giữa tầng 12 và 14 thường được đánh số 12A hoặc 12B. Mọi người dễ dàng chấp nhận nó, không coi đó là mê tín dị đoan mà chỉ như một liệu pháp tâm lý để giúp mọi người cảm thấy yên tâm nhất có thể, từ đó có tâm trạng tích cực hơn, làm việc tốt hơn, kéo theo mọi thứ cũng thuận buồm xuôi gió…
Đối với đề xuất ngừng phát hành những biển số xe có số đuôi 49, 53, chúng ta cũng nên nhìn nhận theo cách này. Hiểu tâm lý người dân để giảm đến mức tối thiểu những phiền toái, lo lắng cho họ, đó chính là sự nhân văn trong công tác quản lý.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.