Vàng: Từ nguyên tố vũ trụ trở thành kim loại quý trên Trái đất

Vàng: Từ nguyên tố vũ trụ trở thành kim loại quý trên Trái đất
Vàng là một nguyên tố hình thành trong vũ trụ. Ảnh: Getty/AFP

Nguyên tố vũ trụ

Vàng đại diện cho một phần rất nhỏ những nguyên tố trong vũ trụ mà con người đã biết. Lý do cho sự quý hiếm của vàng nằm ở quá trình hình thành của nó.

Theo Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), vàng được hình thành trong các ngôi sao, nhưng chỉ ở những ngôi sao đang nổ tung trong các siêu tân tinh khổng lồ, hoặc những ngôi sao mật độ cực kỳ dày đặc kết hợp với nhau trong những vụ va chạm cực mạnh.

Một ngôi sao, điển hình là mặt trời, tạo ra năng lượng thông qua các phản ứng tổng hợp, kết hợp các nguyên tố nhỏ hơn lại với nhau thành nguyên tố nặng. Bắt đầu có thể xuất phát từ nguyên tố nhỏ nhất là Hydro, dưới áp suất và nhiệt độ cực lớn trong lõi của ngôi sao sẽ tạo ra khí Heli, tiếp đến là nguyên tố sắt.

Vàng cũng có thể được hình thành nhờ một vụ nổ siêu tân tinh. Ảnh: AFP

NASA cho biết, nếu ngôi sao đủ lớn để dẫn đến một vụ nổ siêu tân tinh, các nguyên tố nặng hơn sẽ được hình thành, bao gồm cả vàng.

Ngoài ra, theo Space.com, vàng còn có thể được hình thành trong quá trình va chạm giữa các sao neutron. Sao neutron là những ngôi sao nhỏ có mật độ cực kỳ dày đặc nhưng không thể trở thành lỗ đen. Chúng tạo ra lực hấp dẫn rất lớn và có thể đi vào quỹ đạo của nhau dẫn đến các vụ va chạm với cường độ cực lớn, tạo ra đủ năng lượng để tạo thành vàng và các kim loại nặng hơn khác.

Hành trình của vàng trên Trái đất

Sau khi bị bắn văng ra ngoài không gian, vàng và các nguyên tố khác từ từ kết hợp lại với nhau để tạo thành hành tinh Trái đất non trẻ của chúng ta. Theo thời gian, khi Trái đất nguội đi và tách thành các lớp lõi, lớp phủ và lớp vỏ, vàng bị mắc kẹt sâu bên trong bị đẩy lên bề mặt.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ cho biết, đã có một số giả thuyết được đưa ra về cách thức xảy ra quá trình này, nhưng điểm chung về cơ bản đều cho rằng nhiệt độ và áp suất đã ép nước lỏng hướng lên trên, mang theo vàng hòa tan trong nó. Khi nước nguội, vàng sẽ kết tủa, tạo thành các mạch vàng lắng trong nước.

Theo thời gian, vàng theo dòng nước bị đẩy đến nơi xa hơn lên bề mặt và xuống đáy sông, bắt đầu bị con người phát hiện và khai thác.

Theo tạp chí Smithsonian, trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhiều người đã chết và bị giết vì vàng nhưng vàng và nơi có thể khai thác vàng luôn là đề tài hấp dẫn.

Vàng trong lịch sử loài người

5.000 năm trước, sông Nile rộng lớn là cái nôi của đế chế Ai Cập cổ đại. Nước sông màu mỡ hình thành nên những vùng trồng trọt trù phú dọc theo hai bên bờ sông, giúp nuôi dưỡng người dân và quân đội Ai Cập. Sông Nile cũng ban tặng cho người dân Ai Cập thứ kim loại màu vàng sáng lấp lánh và họ đã biến chúng thành những món đồ trang sức tuyệt đẹp. Vàng nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự giàu có ở Ai Cập, sau đó lan rộng ra khắp thế giới, duy trì sức hấp dẫn trong suốt chiều dài lịch sử.

Vài thiên niên kỷ sau, các pharaoh Ai Cập và lăng mộ bằng vàng của họ, kho báu vàng của Đế chế Aztec đã bị cướp bóc bởi những Người chinh phục đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Quan tài bằng vàng ròng của pharaoh Ai Cập Tutankhamun. Ảnh: AFP

Theo National Geographic, đến thế kỷ 19, người lao động đổ xô đến bờ biển phía Tây nước Mỹ để tham gia vào "cơn sốt vàng" California, tìm kiếm vận may cho riêng mình.

Có thể nói, vàng đã thúc đẩy loài người đến với các hoạt động giao thương, di cư hàng loạt, và thậm chí là diệt chủng. Nếu không có kim loại này, lịch sử loài người chúng ta sẽ hoàn toàn khác.

Vàng cũng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Australia. Vào cuối thế kỷ 19, rất nhiều người đã đổ xô đến mảnh đất này để tham gia vào cơn sốt tìm vàng đang bùng nổ khiến dân số Australia tăng gấp 3 lần. Do có trữ lượng vàng lớn, Australia vẫn duy trì việc khai thác vàng cho tới ngày nay. Khai thác vàng trở thành ngành công nghiệp quan trọng ở nước này.

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/nguyen-tu-vang-a7428.html