I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Tiền Giang nằm về phía Đông Bắc đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc sông Tiền và nằm giữa 2 thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, sát địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam (cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km theo đường quốc lộ 1A), phía Đông giáp biển Đông với 32 km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đặc điểm địa hình

Tỉnh có địa hình bằng phẳng, với độ dốc <1% và cao trình biến thiên từ 0 m đến 1,6 m so với mặt nước biển, phổ biến từ 0,8 m đến 1,1 m.

3. Khí hậu

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với mùa gió Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 trùng với mùa gió Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình năm là 28°C, chênh lệch giữa các tháng không lớn, khoảng 4°C.

Nhìn chung, Tiền Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm nền nhiệt cao và ổn định quanh năm, ít bão, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Tài nguyên đất

Tổng quỹ đất tự nhiên của tỉnh là 236.663,24 ha, trong đó có các nhóm đất chính như sau: nhóm đất phù sa chiếm 52,0% diện tích tự nhiên với 123.183 ha, chiếm phần lớn diện tích các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho và một phần huyện Gò Công Tây thuộc khu vực có nguồn nước ngọt. Trong nhóm đất này có các loại đất phù sa bồi ven sông (đê tự nhiên) thích hợp cho trồng cây ăn trái. Nhóm đất mặn chiếm 14,3% diện tích tự nhiên với 33.937 ha. Đất đai thuận lợi như nhóm đất phù sa, nhưng bị nhiễm mặn từng thời kỳ hoặc thường xuyên. Chương trình ngọt hoá Gò Công bằng biện pháp ngăn mặn và đưa nguồn nước ngọt dồi dào về đã mở ra một diện tích lớn đất tăng vụ mùa khô hoặc đầu mùa khô. Riêng đất ven biển thích nghi cho rừng ngập mặn và nuôi trồng thuỷ sản. Nhóm đất phèn chiếm 19,0% diện tích tự nhiên với 45.023 ha, phân bố chủ yếu ở khu vực trũng thấp Đồng Tháp Mười thuộc phía bắc 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước. Nhóm đất cát giồng chỉ chiếm 3,0% diện tích tự nhiên với 7.109 ha phân bố rải rác ở các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây và tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông. Do đất cát giồng có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ, nên chủ yếu sử dụng làm thổ cư và canh tác cây ăn trái, hoa màu…

Nhìn chung, đất đai của tỉnh phần lớn là nhóm đất phù sa (chiếm 52%), thuận lợi nguồn nước ngọt, từ lâu đã được đưa vào khai thác sử dụng, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh; còn lại 19,0% (45.023 ha) là nhóm đất phèn và 14,0% (33.937 ha) là nhóm đất phù sa nhiễm mặn…trong thời gian qua được tập trung khai hoang, mở rộng diện tích, cải tạo và tăng vụ thông qua các chương trình khai thác phát triển vùng Đồng Tháp Mười, chương trình ngọt hoá Gò Công, đã từng bước mở rộng vùng trồng lúa năng suất cao, vườn cây ăn trái sang các huyện phía Đông và vùng chuyên canh cây công nghiệp thuộc huyện Tân Phước.

2. Tài nguyên rừng

Tiền Giang có 3 thảm thực vật mang tính chất tự nhiên là: rừng ngập mặn ven biển gồm: bần, mấm, đước, rau muống biển, cỏ lức…; thảm thực vật rừng nước lợ gồm: dừa nước, bần chua, ôrô, cóc kèn, mái dầm…; thảm thực vật vùng đất phèn hoang gồm: cỏ năng, cỏ mồm, bàng, tràm tái sinh… Năm 2002, toàn tỉnh có 10.190,2 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng tự nhiên 316,7 ha và đất có rừng trồng 9.873,5 ha.

3. Tài nguyên khoáng sản

Tiền Giang có 3 loại khoáng sản chính: than bùn được tìm thấy ở vùng phèn phía Bắc tỉnh thuộc các xã Phú Cường, Tân Hòa Tây (Cai Lậy) và Hưng Thạnh (Tân Phước). Vỉa than xuất hiện ở độ sâu trung bình khoảng 0,5 - 1,0 m, bề dày lớp than bùn khoảng 1 m và trải rộng trên diện tích gần 50 ha, sơ bộ trữ lượng khoảng 5 triệu m³; sét sử dụng cho công nghiệp được tìm thấy trong phù sa cổ và mới. Sét làm gốm sành đã được phát hiện trong tỉnh dọc theo quốc lộ 1 từ Cổ Cò đến Bà Lâm (Cái Bè), có thể sử dụng làm gốm sành quy mô nhỏ. Ở Tân Lập đã phát hiện được tầng sét phù sa cổ (tuổi pleistoxen muộn QIII) nằm dưới mặt đất 1,0 - 1,5 m và có chiều dài khoảng 20 m, phân bố rộng trên diện tích khảo sát 100 ha.

Nhìn chung, khoáng sản của Tiền Giang nghèo về chủng loại, ít về trữ lượng, các dự án khai thác các nguồn tài nguyên này cần nghiên cứu, tính toán kỹ về hiệu quả và vấn đề bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

III. Tiềm năng kinh tế

1. Tiềm năng du lịch

Tài nguyên du lịch nhân văn của Tiền Giang bao gồm các di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng, các nghệ thuật kiến trúc, các nghề truyền thống… Hiện tỉnh có 11 di tích được Nhà nước xếp hạng như Chùa Vĩnh Tràng, Di tích mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân, Lăng Trương Định, Luỹ pháo đài Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Rạch Gầm - Xoài Mút, Bến đò Phú Mỹ, Nhà Đốc phủ Hải (nhà truyền thống thị xã Gò Công), Đình Long Hưng, di tích văn hóa ốc Eo Gò Thành, di tích lịch sử ấp Bắc.

Hàng năm, tỉnh có khoảng 17 lễ hội lớn nhỏ, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội ngành nghề (rước Cá ông), các nghề truyền thống độc đáo như đóng tủ thờ, chạm trổ… Để góp vui cho các lễ hội này còn có các trò chơi hết sức hấp dẫn như đua thuyền hai dầm, bốn dầm, đánh trống, thả diều, phóng lao, thi cầu khỉ … Ngoài ra còn có những đội ca nhạc tài tử góp vui không kém phần hấp dẫn.

Ngoài tiềm năng du lịch kể trên, với vị trí địa lý của mình, Tiền Giang còn có những cơ hội thuận lợi cần nắm bắt, là điểm du khách quốc tế dừng chân trong tổng thể du lịch trên vùng sông Mê Kông - đã được tổ chức du lịch thế giới đã xác định là một trong mười điểm du lịch thế giới vào năm 2000.

Du lịch Tiền Giang xác định sự liên kết nối tua với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ để phong phú hoá chương trình tham quan. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh để khai thác, tiếp cận nguồn khách, trao đổi kinh nghiệm, công nghệ thông tin trong du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

2. Những lợi thế so sánh

Tiền Giang năm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng và có điều kiện sinh trưởng nhanh.

Với ưu thế về hệ thống sông và các cửa biển (sẽ hình thành các cảng biển quy mô nhỏ và vừa), mạng lưới giao thông thuỷ khá phát triển, sẽ có tác động thúc đẩy sự giao lưu hàng hoá của Tiền Giang với các tỉnh trong vùng và cả nước. Mặt khác lại gần đường hàng hải quốc tế, (cách Vũng Tàu 40 km), Tiền Giang có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực đồng bằng sông Cửu Long về giao lưu vận tải biển với cả nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Có nguồn lao động dồi dào, một bộ phận lao động có kỹ năng khá, tiếp cận với sản xuất hàng hoá sẵn sàng đáp ứng cao nhất cho nhu cầu tại chỗ và hoàn toàn đủ khả năng tham gia các chương trình về hợp tác quốc tế về lao động.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/tien-giang-o-dau-a6783.html