Nếu bạn đang suy nghĩ mỗi ngày đi làm với câu hỏi “Trưa nay ăn gì?” thì hãy tham khảo ngay 15 món ăn hấp dẫn, và ngon lành dưới đây. Gợi ý hoàn hảo cho mỗi giờ cơm trưa cho dân công sở, bạn có thể ra ngoài thưởng thức món ăn hoặc thậm chí có thể tự làm ở nhà và mang đến công ty đấy!
Đây là gợi ý có vẻ khá quen thuộc với hầu hết dân công sở, thế nhưng cũng có nhiều dân văn phòng vẫn không thể bỏ qua được món cơm sườn, cơm tấm mỗi giờ trưa được. Chỉ là cơm với sườn cốt lết nướng, thêm cái trứng, chút bì chả chan nước mắm nữa là trọn vẹn buổi trưa.
Xem và lưu lại Cách ướp sườn cơm tấm Sài Gòn
Cơm sườn hay còn gọi là cơm tấm, đây là một món ăn mà bạn có thể bắt gặp bất cứ đâu tại Sài Gòn. Cơm được làm từ hạt tấm, ăn khá ngon miệng, người ta thường ăn trong bữa sáng nhưng Sài Gòn mà, ăn lúc nào chả được, thế là cơm tấm cũng xuất hiện trong mỗi bữa trưa của dân công sở.
Cơm rang dưa bò là gợi ý thứ hai, đây món ăn khá ngon lại đầy đặn đủ no cho một bữa trưa nhiều năng lượng. Cơm rang dưa bò gồm các nguyên liệu vô cùng quen thuộc lại làm khá nhanh, ăn một miếng là có cái sần sật của dưa chua, có chút ngọt đậm của thịt bò.
Xem và lưu lại cách làm Cơm rang dưa bò
Cơm rang dưa bò là một trong những món dễ ăn và được nhiều người yêu thích. Nếu có thể bạn tận dụng luôn phần cơm nguội từ bữa tối để làm món cơm rang dưa bò này nhé!
Cơm trộn Hàn Quốc còn gọi là bibimbap, đây là một món ăn đặc trưng mang đậm nền ẩm thực Hàn Quốc và được nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích. Nhưng mà giới văn phòng cũng mê mẩn không kém nha, cơm trộn Hàn Quốc không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa các thành phần nguyên liệu.
Xem và lưu lại cách làm Cơm trộn Hàn Quốc ngon
Bạn có thể trộn những món yêu thích vào tô cơm rồi điều chỉnh thành phần phù hợp với khẩu vị, hơn hết món này cũng rất dễ để làm tại nhà với các nguyên liệu có sẵn. Đổi mới thực đơn cơm trưa bằng món cơm trộn Hàn Quốc cũng khá hấp dẫn đấy chứ?
Tiếp theo là những món bún, trưa mà ăn bún nước thì còn gì bằng? Nhất là bún bò Huế, có miếng giò heo, có miếng chả, lại có nước dùng đặc trưng của sả và mùi ớt sa tế cay nồng đậm. Cho dù trưa có nắng oi ả thì giới công sở vẫn mê vẫn thèm bún bò Huế một cách kì lạ.
Xem và lưu lại cách làmBún bò Huế
Vốn dĩ bún bò Huế dễ ăn, lại kích thích vị giác, có đầy đủ nguyên liệu như bún, thịt bắp bò, giò heo, thêm miếng chả, quyện với hương thơm của mắm ruốc, mùi cay nồng của ớt xào… Một bữa trưa hoàn chỉnh với tô bún bò Huế nghi ngút hương thơm.
Kế đến phải nói đến bún thịt nướng, buổi trưa ra trước công ty kiểu gì kế bên tiệm cơm tấm cũng có vài xe đẩy bún thịt nướng, nghi ngút khói thơm của mùi thịt nướng được tẩm ướp kĩ lưỡng. Chán cơm thì chuyển qua bún, bún thịt nướng có khi sẽ được giới văn phòng lựa chọn nhiều hơn là cơm sườn đấy.
Xem và lưu lại cách làm Bún thịt nướng
Bún thịt nướng quan trọng nhất vẫn là khâu ướp thịt, thịt ngon thịt đậm đà thì khi ăn cùng bún mới quyện vào nhau hoàn hảo được, có thêm đồ chua, kết hợp với nước mắm chua ngọt cùng rau sống tạo nên hương vị và màu sắc đẹp mắt.
Bún đậu mắm tôm mới du nhâp vào Sài Gòn cách đây vài năm, thế nhưng lại thu hút khá đông lượng thực khách, đặc biệt là giới công sở. Không hiếm những quán bún đậu giờ trưa đầy khách, hương vị mắm tôm ngỡ sẽ khó ăn thế nhưng lại làm người ta cứ muốn ăn hoài.
Bún đậu mắm tôm
Một phần bún đậu bao gồm bún lá, đậu hũ chiên, thịt luộc, lòng dồi rán, chả cốm chiên, rau sống các loại… cùng một đồ chấm làm nên tên tuổi, là mắm tôm. Mắm tôm phải biết pha đều giữa tắc, ớt và đường thì mới gọi là tuyệt vời.
Thêm món bún nước ngon không kém bún bò Huế là bún riêu cua, từng tảng gạch cua nổi cùng miếng huyết, nước dùng hòa quyện cùng nhau, tan dần trong miệng, ngon không thể tả. Đặc biệt bún riêu cua ở Sài Gòn có thể thưởng thức bất kì mùa nào giờ nào trong năm, vừa đầy dinh dưỡng lại khá ngon miệng.
Xem và lưu lại cách làm Bún riêu cua đồng
Bún riêu cua cũng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Bắc với vị ngon đậm đà của cua đồng, vị chua thành của cà chua cũng như các gia vị khác. Cách nấu của người Bắc hơi khác miền Nam, thế nhưng một khi đã nếm thử ở vùng miền nào thì bún riêu cua vẫn làm người ta khó quên đến lạ.
Một trong những món ngon miền Bắc du nhập vào Sài Gòn còn phải kể đến bún chả, một loại bún ăn khá giống với bún thịt nướng nhưng lại nhiều nước chấm hơn. Từng miếng chả nướng vàng ruộm, thơm mềm, thêm vài miếng thịt nướng ướp đẫm gia vị ngon đi cùng nước chấm chua ngọt, gia vị hài hòa quyến rũ là lựa chọn tuyệt vời cho bữa trưa của dân công sở.
Xem và lưu lại cách làm Bún chả
Cách ăn bún chả hơi khác so với cách ăn bún thịt nướng miền Nam, thay vì cho nước chấm vào tô bún đầy đủ thịt rau thì bún chả nhẹ nhàng hơn với chén nước chấm có sẵn chả thịt, ăn tới đâu thì nhúng bún ăn kèm đến đó. Một sự kết hợp đơn giản đến mức lạ thường nhưng lại khiến nhiều người yêu thích.
Có nhiều dân công sở thèm món Âu thì mì Ý chính là gợi ý tuyệt vời cho bữa trưa, món mì Ý còn hay gọi là Spaghetti, với nước sốt cà chua và thịt bò bằm hòa quyện từng sợi mì dai mang âm hưởng truyền thống của người dân Châu Âu.
Xem và lưu lại cách làmMì Ý sốt bò bằm
Mì Ý cũng là món ăn giàu năng lượng, hương vị ngon và hấp dẫn, bạn cũng có thể làm tại nhà bởi cách làm mì Ý cũng không khó và lại ít tốn thời gian.
Là một món ăn dân dã của người miền Trung không thể không nhắc đến mì Quảng, từng miếng mì kết hợp với nước dùng đậm đà beo béo, ăn cùng với bánh tráng giòn tan. Có lẽ người ta mến mì quảng vì hương vị mộc mạc của nó.
Xem và lưu lại cách làm Mì Quảng giò thịt gà
Mì Quảng cũng có nhiều kiểu kết hợp như mì gà, mì sườn, mì cá, mì thập cẩm… Một tô mì Quảng đúng chất miền Trung thì thịt mềm, nước dùng ngon ngọt đậm đà. Bữa trưa của dân công sở sẽ được giải quyết bằng món mì Quảng ngon hết chỗ chê này.
Dạo gần đây dân công sở còn được bổ sung thêm vào thực đơn bữa trưa món mì ốc hến, vừa chua chua lại cay cay thơm ngon hấp dẫn, lại nhiều hến được làm sạch với thịt mềm thơm, sẽ khiến nhiều dân công sở lưu luyến.
Món mì ốc hến
Một tô mì ốc hến với mì được ngâm trong nước cho vừa nở, rồi thêm sò, hến, chan thêm nước dùng đỏ váng sa tế lên trên, cho thêm miếng rau răm, rau muống luộc, hành phi. Bạn nào mê ăn cay thì có thể thêm ớt sa tế vào để cho hợp khẩu vị. Nhưng bản thân món mì ốc hến này đã khá cay rồi, bạn vẫn nên nêm nếm trước khi thêm sa tế vào nhé!
Bạn đã từng nghe đến bánh canh chả cá thế nhưng đã bao giờ nghe đến và thưởng thức món bánh canh bò viên chưa? Bánh canh bò viên là đặc sản An Giang gồm sợi bánh canh làm từ bột gạo, thêm bò viên dai dai hòa với vị ngọt của nước lèo tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng đối với những người trót mê món bò viên.
Bánh canh bò viên
Món bánh canh bò viên tuyệt nhất vẫn là nước súp hỗn hợp được ninh từ xương heo, cá...để nồi nước dùng có hương vị đậm đà và bổ dưỡng. Dân công sở lưu ngay món này vào thực đơn bữa trưa nhé!
Sau bánh canh bò viên là bánh canh cá lóc, nước dùng đậm đà ngọt thanh, sợi bánh canh dai mịn và đặc biệt là không tanh cho dù đó là cá lóc. Thịt cá lóc thơm ngon ăn cùng với rau bắp cải cùng rau đắng kích thích vị giác đến độ chỉ muốn ăn hoài ăn mãi.
Bánh canh cá lóc
Tô bánh canh cá lóc nghi ngút khói, có khi sợi bánh canh sẽ làm theo kiểu bột lọc nhưng cũng có nhiều người làm sợi bánh canh bột gạo mềm mịn. Dân công sở nếu như muốn ăn thử bánh canh cá lóc thì cũng phải nếm qua hương vị đầu cá, béo và ngon không thể tả.
Cho dù là buổi trưa thế nhưng vẫn có nhiều người lựa chọn cháo ếch Singapore làm món ăn trưa ngon lành. Bởi vì không chỉ vì mùi vị đặc trưng, lạ miệng và độc đáo mà cháo ếch Singapore còn làm cho người ta ấn tượng bởi thịt ếch mềm, ngọt thơm và cay cay.
Xem và lưu lại cách làm Cháo ếch Singapore
Bên cạnh đó, cháo ếch Singapore còn là món ăn giàu chất dinh dưỡng, bởi thịt ếch thì có khá ít cholesterol, lại giàu protein giúp thanh nhiệt cơ thể. Còn gì thú vị hơn với một buổi trưa vừa ăn vừa thổi tô cháo nóng nghi ngút, xuýt xoa khi ăn miếng thịt ếch cay đậm đà.
Cuối cùng trong danh sách “Trưa này ăn gì?” chính là bánh xèo, cũng là một trong những món ngon đặc sản của miền Trung. Màu vàng ruộm bắt mắt đi có lớp bột mỏng giòn, lại có sự kết hợp của tôm thịt, giòn ngọt của giá, thêm nước mắm chua ngọt đậm đà sẽ giúp món bánh xèo ăn không ngán.
Xem và lưu lại cách làm Bánh xèo Nam Bộ
Khi ăn bánh xèo có hai kiểu kết hợp, thông dụng nhất của người miền Trung là ăn kèm với mắm và rau sống, nhưng khi được đem đi nhiều miền như Sài Gòn hay Hà Nội thì người ta lại ăn kèm cùng bánh tráng chấm mắm. Dù kiểu kết hợp nào cũng làm người ta yêu thích, bởi độ ngon của nó.
Có thể bạn chưa biết:
Sưu tầm & Tổng hợp
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/buoi-trua-an-gi-a6335.html