Đầu tư và đầu cơ

Đầu tư có thể hiểu đơn giản là ta dùng tiền để mua cổ phần tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thiết thực cho xã hội và ta dần dần thu hồi vốn qua cổ tức công ty trả hàng năm, cũng như tăng giá của cổ phiếu trong dài hạn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng các quyền lợi như tham gia biểu biểu quyết các vấn đề của doanh nghiệp theo thẩm quyền của cổ đông và đại hội cổ đông.

Còn đầu cơ là đang đặt cược vào sự tăng giá hoặc giảm giá của mặt hàng nào đó như chứng khoán, hàng hóa, các sản phẩm phái sinh, các sản phẩm ngoại hối hay tiền ảo như Bitcoin… Hoạt động này mang lại rất ít giá trị gia tăng cho xã hội và để một giao dịch xảy ra chỉ cần có 2 bên có quan điểm trái chiều. Một bên cho rằng giá sẽ tăng và bên ngược lại cho rằng giá sẽ giảm là giao dịch mua bán có thể diễn ra. Kết quả cuối cùng của trò chơi sẽ có bên thắng, bên thua với tổng bằng không (zero sum game) và hai bên phải trả các phí, thuế cho bên thứ 3.

TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Quân Đội, Tiến sĩ ĐH Paris Dauphine

TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Quân Đội, Tiến sĩ ĐH Paris Dauphine

Ví dụ với cổ phiếu PHR

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng tình hình tài chính, cơ cấu cổ đông, khả năng tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh của CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR), ngày 8/3/2016, nhà đầu tư A quyết định mang 100 triệu đồng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu PHR và nắm giữ cho đến nay. Kết quả là cho dù thị trường có tăng giảm với hai đợt điều chỉnh lớn và nhiều nhịp điều chỉnh nhỏ, đến nay nếu nhà đầu tư A mang bán số lượng cổ phiếu PHR này sẽ thu về hơn 820 triệu đồng, bao gồm cả cổ tức từ cổ phiếu, tức gấp hơn 8 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Quyết định của nhà đầu tư A có thể gọi là hoạt động đầu tư.

Đồ thị diễn biến giá cổ phiếu PHR Đồ thị diễn biến giá cổ phiếu PHR

Cùng với cổ phiếu PHR, sau nghiên cứu hành động giá với diễn biến của đường giá và khối lượng, cùng các chỉ báo khác như Chỉ số dòng tiền (MFI), Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), chỉ số biến động phân kỳ (MACD)... cùng xu hướng tích lũy của cổ phiếu, ngày 29/1/2024, nhà đầu tư B quyết định mua cổ phiếu PHR quanh vùng giá 49.500 đồng/cổ phiếu khi phát hiện đường giá cổ phiếu đã vượt khỏi vùng tích lũy và nắm giữ đến nay. Nếu chốt lời vào ngày 11/3/2024, nhà đầu tư B sẽ thu về khoảng 20% lợi nhuận so với vốn đầu tư ban đầu sau hơn 1 tháng nắm giữ nhờ chênh lệch giá bán - giá mua. Đây có thể gọi là đầu cơ hay kinh doanh. Nhưng với kinh nghiệm tích quỹ, nhà đầu tư B vẫn quyết định nắm giữ cổ phiếu PHR vì giá cổ phiếu chưa mất xu hướng tăng ngắn hạn và các chỉ báo như RSI và MACD vẫn đang tích cực chưa cho dấu hiệu đảo chiều.

TA và FA

Các nhà đầu tư hay đầu cơ thuộc hai trường phái này thường sử dụng các công cụ khác nhau.

Nhà đầu tư thường mua và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian rất dài, thường là hết chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp, ưa sử dụng phương pháp FA (phân tích tài chính) để đánh giá rất kỹ doanh nghiệp từ cơ cấu cổ đông, tầm nhìn và đạo đức của ban lãnh đạo, sức khỏe tài chính doanh nghiệp trong nhiều năm, lợi thế cạnh tranh đặc biệt, triển vọng của ngành cũng như chiến lược của doanh nghiệp,…trước khi quyết định mua và nắm giữ. Họ hy vọng thu lợi từ tăng giá của cổ phiếu và cổ tức - một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho cổ đông của một công ty cổ phần. Họ thường không quan tâm đến diễn biến giá ngắn hạn. Cái mà họ quan tâm là sức khỏe và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp...

Còn các nhà đầu cơ hay kinh doanh thường "đánh ngắn" nên ưa dùng phương pháp TA (phân tích kỹ thuật) theo các mô hình giá, mô hình nến, theo diễn biến của giá và khối lượng giao dịch để ra quyết định. Họ thường không quan tâm đến tình hình tài chính, giá trị doanh nghiệp, hay triển vọng ngành nghề kinh doanh. Họ kiếm lời nhờ chênh lệch giá bán và giá mua. Họ sẽ mua khi dự kiến cổ phiếu tăng giá và sẽ bán khi xu hướng không như tính toán ban đầu.

Cần phát triển tư duy và hình thành phương pháp riêng

Dù bạn định hướng phát triển trở thành một nhà đầu tư, kinh doanh hay đầu cơ, điều quan trọng nhất các bạn cần là phải phát triển tư duy và hình thành phương pháp để có thể đứng trên đôi chân của mình, đưa ra các quyết định độc lập, dựa trên cơ sở đánh giá và phân tích theo khẩu vị rủi ro của chính bạn, thay vì hùa theo hội nhóm hay chạy theo đám đông.

Cũng không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia hàng đầu về TA hay FA mới có thể trở thành nhà đầu tư chứng khoán thành công. Nhiều khi yếu tố may mắn lại mang lại cho bạn thành công hơn mong đợi. Nhưng để đi một hành trình dài trong đầu tư, đảm bảo thành công nhiều hơn thất bại, thì chắc chắn bạn không thể dựa mãi vào may mắn. Biết được cả FA và TA để sử dụng hiệu quả trong từng tình huống, cộng với kinh nghiệm tích lũy nhiều thêm theo năm tháng chắc chắn sẽ tốt hơn.

Kết hợp phân tích cơ bản để đánh giá sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp trong dài hạn, đánh giá cơ cấu cổ đông, năng lực và đạo đức của ban lãnh đạo để lựa chọn những cổ phiếu chất lượng và sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định điểm vào, ra cũng như khối lượng nắm giữ phù hợp tùy từng giai đoạn của thị trường hay diễn biến của cổ phiếu có thể là một sự kết hợp không tồi.

Phải nhất quán

Và khi đã theo phương pháp nào thì nên hành động theo phương pháp đó. Ví dụ như nhà đầu tư dài hạn thường chỉ bán cổ phiếu của doanh nghiệp khi đánh giá doanh nghiệp không còn khả năng tăng trưởng, hay thị giá đã tăng quá ảo so với giá trị doanh nghiệp, còn kinh doanh theo xu hướng hay đầu cơ thì thường bán khi diễn biến giá mất xu hướng ban đầu. Và quan trọng hơn với cả hai trường phái là cần hiểu trạng thái vận động của thị trường để đưa ra quyết định chiến thuật phù hợp.

Thời gian và xu hướng là bạn

Cuối cùng, nếu bạn theo trường phái đầu tư, xin hãy nhớ "thời gian luôn là bạn của những doanh nghiệp thực sự tốt". Còn nếu bạn theo trường phái kinh doanh hay đầu cơ, thì xin nhớ "xu hướng là người bạn thân nhất của bạn" và khi "không có xu hướng xin đừng tham gia".

Xin chúc các bạn sớm hình thành được tư duy và xây dựng được phương pháp tham gia thị trường phù hợp và hiệu quả.

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/ta-fa-la-gi-a52364.html