Bài học từ thất bại của Myspace và Friendster trước Facebook: Hãy tập trung tối ưu sản phẩm, và thận trọng khi nhận đầu tư!

Trong bài viết này, hãy cùng ThinkZone nhìn lại bài học thất bại của hai gã khổng lồ Myspace và Friendster, cùng yếu tố khiến Facebook trở thành mạng xã hội thống lĩnh toàn cầu như ngày nay.

-

Subscribe Newsletter và đồng ý nhận thông báo trên website của ThinkZone để không bỏ lỡ những bài viết bổ ích mỗi tuần nhé!

-

TỔNG QUAN VỀ FRIENDSTER VÀ MYSPACE

Trước tiên, ta hãy cùng đi qua một số mô tả chung về Friendster và MySpace, cùng những con số ấn tượng mà 2 mạng xã hội này từng đạt được.

Về Friendster

Friendster là mạng xã hội đầu tiên trên thế giới, được thành lập bởi Jonathan Abrams vào năm 2002. Vừa trải qua những khủng hoảng sau bong bóng Dot com, và mọi người vẫn đang khám phá những tiềm năng mà internet mang lại, Abrams nảy ra ý tưởng về việc mỗi người có thể sở hữu một trang online profile của riêng mình, nhưng thay vì chỉ giới hạn ở việc đăng ảnh và mô tả bản thân, họ có thể kết nối với profile của nhiều người khác, xây network, và tương tác với nhau như trong thế giới thật.

Được một người bạn ủng hộ ý tưởng này, Abrams bắt đầu làm, và hoàn thiện prototype sau 3 tháng, với cơ chế giúp user có thể kết nối với các user khác có chung một số đặc điểm nhất định về sở thích, tính cách. Rất nhanh sau đó, Abrams lần lượt gọi được vài chục ngàn USD từ angel investor, và $400,000 từ một số nhà đầu tư khác.

Trang profile của Mark Zuckerberg trên Friendster.

Friendster chính thức được tung ra thị trường vào tháng 3/2003, và đạt tới 850,000 user chỉ sau 3 tháng. Thêm 4 tháng sau, Friendster đạt ngưỡng 2 triệu user, với 10 triệu pageview mỗi ngày. Cho tới sau này, tại thời điểm đông nhất, Friendster từng đạt 115 triệu user.

Cuối năm 2003, mạng xã hội này từ chối đề xuất mua lại của Google với giá 30 triệu USD, và nhận thêm 13 triệu USD từ Kleiner Perkins và Benchmark Capital, với định giá 53 triệu USD.

Về MySpace

MySpace được thành lập vào 2003 bởi Tom Anderson, Chris DeWolfe và Jon Hart,được truyền cảm hứng bởi mô hình của Friendster nhưng lược bỏ một số tính năng mà founding team cho là không phù hợp. MySpace giúp người dùng tạo profile cá nhân với nhiều định dạng media như ảnh, video, nhạc hay cả blog, cùng tính năng cho phép các user kết nối với nhau để tạo nên cộng đồng của riêng mình.

Trang user profile của MySpace.

Tới năm 2004, MySpace đã có hơn 1 triệu user và đang dần trở thành mạng xã hội thống lĩnh thị trường tại Mỹ. Từ 2005 tới 2008, MySpace đã tăng trưởng từ 20 triệu tới hơn 75 triệu user mỗi tháng. Thậm chí trong năm 2006, MySpace từng vượt qua Google và trở thành website có lượt truy cập nhiều nhất trên Internet.

Năm 2005, MySpace được News Corp mua lại với giá 580 triệu USD, trở thành một phần trong hệ sinh thái của ông lớn trong ngành giải trí này.

-

TỪ ĐỈNH CAO TỚI THẤT BẠI, VÀ NHỮNG BÀI HỌC QUÝ GIÁ

Điều gì đã xảy ra, khiến Friendster và MySpace từ những gã khổng lồ với hàng chục triệu người dùng mất dần thị phần vào tay Facebook, để ngày nay chỉ còn được nhắc tới trong những case study về các bài học thất bại kinh điển?

1. Câu chuyện thất bại của Friendster

Tại thời kỳ đỉnh cao, founder Jonathan Abrams của Friendster từ chối đề xuất mua lại 30 triệu USD của Google, và nhận khoản đầu tư 13 triệu USD từ Kleiner Perkins và Benchmark Capital, thương vụ mà Abrams sau này tự thừa nhận về sai lầm chí mạng của mình trong quá trình thương thảo.

Jonathan Abrams, founder của Friendster.

“Too many cooks in the kitchen” (chia sẻ từ một thành viên hội đồng quản trị của Friendster)

Từ sau thương vụ này, Abrams chỉ còn khoảng 1/3 cổ phần của Friendster, không còn nắm quyền phủ quyết trong một hội đồng quản trị bao gồm 5 người. Cụ thể, trong term sheet quy định một hội đồng 5 thành viên sẽ được lựa chọn để thống nhất các quyết định của công ty, trong đó 2 thành viên được phía VC lựa chọn, 2 thành viên do startup lựa chọn, và 1 thành viên được đồng thuận bởi 2 bên.

Abrams lấy một ghế, và chọn Tim Koogle, angel investor của Friendster và cũng là CEO của Yahoo từ 1995 tới 2001. Phía VC chọn John Doerr, một giám đốc của Amazon và Google, và Bob Kagle, đại diện từ Benchmark Capital. Thành viên còn lại được cả 2 bên đồng thuận lựa chọn là Roger Lee, một Partner của Battery Ventures. Trong 5 người, Tim Koogle được đề cử làm CEO tạm quyền (interim CEO), phụ trách mảng vận hành của Friendster, còn Abrams tập trung xây dựng bộ máy quản lý.

Với network rộng lớn của mình Abrams lần lượt kéo thêm nhiều nhân sự tài năng: founder của Collabra Software (sau này được bán cho Netscape với giá 108 triệu USD) phụ trách mảng kỹ thuật, product manager từ Yahoo, thành viên trong founding team của eBay.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều tài năng trong team lại cũng là một con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi Abrams đã không còn nắm quyền tự quyết với công ty. Mỗi thành viên đều có ý tưởng của riêng mình về định hướng phát triển. “Tưởng như luôn có một cuộc chiến giữa các leader của công ty vậy, mỗi người đều có một kế hoạch riêng”, chia sẻ từ Chris Lunt, Giám đốc Kỹ thuật của Friendster vào năm 2004.

Hệ quả là Friendster lâm vào tình trạng hỗn độn, với nhiều định hướng được triển khai cùng lúc, thay vì tập trung vào cải thiện sản phẩm. Nhiều dự án cùng được triển khai bao gồm: blog (với trang Six Apart), nền tảng chia sẻ video (Grouper), công cụ tìm kiếm được cá nhân hóa (Eurekster), VoIP (với GloPhone), và Internet Radio (với Pandora).

Các vấn đề không thể giải quyết về công nghệ và đội ngũ

Sau này, số lượng thành viên trong hội đồng quản trị còn tăng lên 6 người, và Abrams dần bị cô lập, mất đi tiếng nói của mình trong hội đồng. Trong khi bản thân nền tảng Friendster đang đối mặt với nhiều vấn đề về hạ tầng công nghệ khi lượng user tăng quá nhanh, Abrams vẫn bị ám ảnh bởi việc ký kết thêm nhiều chương trình hợp tác, thay vì tập trung giải quyết vấn đề về công nghệ cho nền tảng.

Tới 2005, Abrams dần rút khỏi các buổi họp hội đồng quản trị. Với các thành viên khác nắm quyền, công ty tập trung xây lại toàn bộ hạ tầng công nghệ, dẫu vẫn còn vấn đề lớn về thời gian tải trang lâu. Hơn nữa, quyết định viết lại toàn bộ code của Friendster cũng gây chia rẽ nội bộ, khi có nhiều thành viên cho rằng việc này là không cần thiết, và thay vào đó team nên dành thời gian xây thêm tính năng để cạnh tranh với MySpace và Facebook.

Hiệu suất làm việc của đội ngũ kỹ thuật ngày càng giảm, các project không đi tới đâu. Thành viên trong hội đồng quản trị cũng thiếu kinh nghiệm vận hành team kỹ thuật để có thể giải quyết các vấn đề nội bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.

Mất dần thị trường tại Mỹ

Đầu năm 2004, một thành viên của Friendster nhận ra traffic của website thường đạt cao điểm vào 2 giờ sáng. Sau khi tìm hiểu, hóa ra quá nửa traffic của website lại tới từ Đông Nam Á, chủ yếu là từ Philipine.

Nhìn từ góc độ kinh doanh, đây chẳng phải kết quả gì đáng vui mừng, bởi Friendster đang kiếm hàng triệu đô mỗi năm từ các nhà quảng cáo nhắm vào người dùng Mỹ, trong khi quá nửa user của họ lại đến từ nơi khác. Công ty đứng trước lựa chọn khó khăn: spin off thành một nhánh sản phẩm nhắm riêng vào thị trường Đông Nam Á, hoặc định vị Friendster trở thành mạng xã hội lớn nhất … Philippine.

Nhưng bởi vì user từ Philippine đến chủ yếu do lời mời từ các user Mỹ, nên hướng đi nào cũng mang lại rủi ro ảnh hưởng tiêu cực tới tập người dùng hiện có ở Mỹ. Hơn nữa, Friendster dần trở thành nền tảng nơi user lên đó chỉ để lướt đọc các profile thú vị, xem ảnh, video, thay vì kết nối với nhau như tầm nhìn mà founder Jonathan Abrams kỳ vọng.

Cuối năm 2004, MySpace đã vượt qua Friendster về Monthly active user tại Mỹ với 22 triệu MAU, trong khi con số này của Friendster chỉ vỏn vẹn 1 triệu user. Sau này Facebook cũng vượt qua cả 2 mạng xã hội này về lượng người dùng từ tháng 4/2008.

Mất dần động lực trong team

Trước quá nhiều vấn đề, hội đồng quản trị của Friendster cũng mất dần động lực, đặc biệt là founder Jonathan Abrams. Trong 2 năm, Friendster thay tới 4 CEO, các nhà đầu tư không follow up trong các vòng đầu tư sau, Abrams cũng chẳng còn thiết tha với Friendster, biến mất dần khỏi các phương tiện truyền thông, âm thầm xây dựng một startup mới, với kỳ vọng làm những gì mà ông đã không làm được ở Friendster.

Những vấn đề về nội bộ team ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh, mạng xã hội này lần lượt bị các đối thủ khác, với sản phẩm cùng trải nghiệm người dùng tốt hơn, vượt qua về số lượng user. Dù sau đó Friendster vẫn duy trì được thêm vài năm và tập trung ở thị trường châu Á, mạng xã hội đầu tiên trên thế giới có thể coi là đã chết vào 2006.

Năm 2011, Friendster chuyển hướng thành 1 website chuyên về game, rồi dừng hoạt động vào 2015, đánh dấu cái kết cho “một trong những nỗi thất vọng lớn nhất kỷ nguyên internet”.

* Bài học rút ra

Có thể nói, thất bại của Friendster đến từ một số lý do chủ yếu:

➤ Founder từ bỏ quá nhiều quyền kiểm soát công ty để nhận vốn đầu tư, dẫn đến thất bại trong việc giữ vững tầm nhìn và định hướng phát triển cho công ty.

➤ Mâu thuẫn về định hướng phát triển trong đội ngũ lãnh đạo, lựa chọn người không chung tầm nhìn.

➤ Bị phân tán nguồn lực, thiếu tập trung vào cải thiện sản phẩm và trải nghiệm người dùng.

2. Câu chuyện thất bại của MySpace

Giai đoạn 2004 - 2007 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của MySpace, đặc biệt là năm 2005 với thương vụ sáp nhập vào News Corp. Tại thời điểm đó, MySpace đang sở hữu hơn 20 triệu user, với định giá khoảng 1.5 tỷ USD. Năm 2007, MySpace đạt hơn 300 triệu user, định giá tới 12 tỷ USD.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng là bước ngoặt tới giai đoạn lụi tàn của MySpace.

Một lần nữa, mâu thuẫn về định hướng phát triển đã giết chết startup

Nếu founder Jonathan Abrams của Friendster thất bại trong việc thuyết phục hội đồng quản trị đi theo định hướng của mình, thì thương vụ M&A với News Corp đã khiến đội ngũ co-founder hoàn toàn không còn quyền định đoạt với MySpace.

Với tiềm lực truyền thông của một gã khổng lồ trong ngành giải trí, News Corp đã giúp MySpace đạt hơn 300 triệu user, từng vượt qua Google để trở thành website được truy cập nhiều nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, tập đoàn này lại coi MySpace là một công cụ truyền thông hơn là một nền tảng mạng xã hội công nghệ.

Cụ thể, News Corp muốn tận dụng MySpace là một kênh thu hút user, để rồi mục tiêu sau cùng là kéo họ tới các kênh sản phẩm/ dịch vụ khác trong hệ sinh thái của News Corp (việc làm, dịch vụ giải trí, du lịch,...), chứ không phải là giữ chân người dùng trên nền tảng MySpace. Họ ưu tiên tối ưu doanh thu từ quảng cáo hơn là cải thiện trải nghiệm người dùng.

Điều này dẫn tới nhiều hệ quả.

Sản phẩm không phát triển xoay quanh nhu cầu người dùng

Kể từ khi sáp nhập vào News Corp, MySpace được định hướng bởi những chuyên gia với bằng cấp MBA ấn tượng, cùng mindset của người làm truyền thông. Là một phần trong “đại dương bao la” của News Corp, MySpace được đánh giá bằng các metrics về doanh thu, chi phí, ROI, cùng những kế hoạch phát triển rõ ràng. Nói cách khác, startup MySpace đã được vận hành như một công ty truyền thống.

Ngược lại, Facebook, được thành lập bởi một nhóm sinh viên còn thiếu business sense, không có quy trình làm việc rõ ràng, không có các bảng dự toán lợi nhuận, cũng chẳng có lộ trình cố định cho phát triển sản phẩm. Tất cả những gì họ biết, và tập trung làm, là cải thiện sản phẩm liên tục để đáp ứng nhu cầu người dùng, làm sao để tăng lượng user nhiều nhất có thể.

Và chính “startup vibe” của Facebook lại là yếu tố quyết định giúp mạng xã hội này dần vươn lên dẫn đầu thị trường.

Trước đây, MySpace gây ấn tượng với người dùng bởi tính năng cho phép user kết nối với nhau và cá nhân hóa profile của mình một cách đa dạng, nhưng dần dần, trong khi Facebook liên tục cải thiện sản phẩm với nhiều tính năng mới như fanpage, nhóm, group chat,... thì MySpace dường như vẫn không có gì thay đổi.

Việc tập trung vào doanh thu quảng cáo khiến MySpace phải đánh đổi lớn, cụ thể là phần trải nghiệm người dùng không còn được quan tâm. MySpace dần trở thành một website tổng hợp thông tin truyền thông, ngập tràn bởi quảng cáo, còn user dần chuyển sang Facebook, nơi người dùng có đa dạng tình năng hơn trong việc thể hiện bản thân và kết nối với bạn bè, đúng với những kỳ vọng của họ về một mạng xã hội.

Và hiển nhiên, một công ty mạng xã hội tập trung làm mạng xã hội sẽ tạo nên một sản phẩm tốt hơn là một công ty làm mạng xã hội chủ yếu phục vụ mục đích truyền thông. Từ tháng 4/2008, lượng người dùng của Facebook bắt đầu vượt MySpace. Trong 3 năm kể từ 2008, MySpace mất hơn 40 triệu MAU, cắt giảm hầu hết nhân viên, và mất toàn bộ co-founder.

Dù đã có nhiều nỗ lực tái định vị, MySpace không bao giờ tìm lại được thành công như trước đây. Năm 2011, News Corp bán lại MySpace cho Times Inc với mức giá chỉ 35 triệu USD. Ngày nay MySpace vẫn còn hoạt động, nhưng chỉ còn là một mạng xã hội quy mô nhỏ cho giới làm âm nhạc.

MySpace ngày nay.

* Bài học rút ra

Một số lý do chính dẫn đến thất bại của MySpace bao gồm:

➤ Sáp nhập công ty vào một tập đoàn khác với định hướng không thống nhất với định hướng của startup.

➤ Thất bại trong quá trình phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Sean Parker, Former President của Facebook chia sẻ: “Họ đã từng là một gã khổng lồ, với network effect và quy mô cực kỳ lớn. Nhưng họ lại không phát triển sản phẩm đủ tốt, đủ nhanh, và cứ giữ nguyên một thiết kế xấu hoắc trong suốt từng đó năm. Đã từng có thời điểm nếu họ chỉ đơn thuần sao chép y hệt Facebook với tốc độ đủ nhanh, họ đã có thể trở thành Facebook”.

TỔNG KẾT

Thất bại của hai gã khổng lồ Friendster và MySpace để lại bài học quý giá cho các startup. Startup khi scale cần hết sức cân nhắc khi gọi vốn từ VC hay sáp nhập vào các công ty lớn, nên tìm kiếm những người đồng hành cùng định hướng phát triển, và tránh trường hợp founder mất quyền quyết định về định hướng công ty.

Năm 2006, Mark Zuckerberg cũng từng thẳng thừng từ chối đề xuất mua lại từ gã khổng lồ Yahoo với mức giá lên tới 1 tỷ USD, khi Facebook mới chỉ có 20 triệu user, và chúng ta đều biết ngày nay ai mới là gã khổng lồ.

Ngoài ra, thành công của Facebook cũng cho thấy tầm quan trọng của một user-centric mindset, trong đó việc liên tục cải thiện sản phẩm thật nhanh, thật tốt đáp ứng nhu cầu của người dùng là yếu tố then chốt giúp startup nhỏ có thể chiếm lĩnh thị trường, trong khi các ông lớn còn loay hoay với những quy trình cồng kềnh, hay phân tâm bởi nhiều định hướng không thống nhất.

Tham khảo

https://screenrant.com/why-when-myspace-failed/

https://www.huffpost.com/entry/how-myspace-fell-apart_n_887853

https://bizzbucket.co/myspace-failure-analysis/

https://www.forbes.com/sites/adamhartung/2011/01/14/why-facebook-beat-myspace/?sh=3a75b176147e

https://www.forbes.com/sites/gilpress/2018/04/08/why-facebook-triumphed-over-all-other-social-networks/?sh=3e1099476e91

https://www.inc.com/magazine/20070601/features-how-to-kill-a-great-idea.html

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/myspace-la-gi-a51123.html