Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Huyết áp là một trong những thông số đơn giản nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Huyết áp cao hay thấp sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, khó chịu thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu biết về 2 thành phần của chỉ số huyết áp là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương sẽ giúp mọi người hiểu được cơ bản tình trạng sức khỏe của mình và biết nên làm gì để duy trì được mức huyết áp tốt.
Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta thường thấy hiện lên hai chỉ số là huyết áp tối đa - hay còn gọi là huyết áp tâm thu, và huyết áp tối thiểu - hay còn gọi là huyết áp tâm trương. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các chỉ số huyết áp này có ý nghĩa gì.
Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Con số này luôn được quan tâm hơn cả, vì thể hiện được khả năng bơm máu của tim cung cấp đến các cơ quan.
Huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra. Không được như huyết áp tâm thu, con số này thường ít được chú ý đến, do chỉ phản ánh khả năng đàn hồi của thành mạch mà yếu tố này thì khó có thể thay đổi được.
Sự chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không bao giờ được bằng hay dưới 20 mmHg. Nếu dưới con số này, bác sĩ sẽ nhận định đây là trường hợp huyết áp kẹp và sẽ tiến hành xử lý cấp cứu.
Các mức huyết áp tâm thu và tâm trương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc hoạt động hiệu quả của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận cũng như đối với sức khỏe cơ thể nói chung.Vậy huyết áp tâm thu bao nhiêu là tốt và huyết áp tâm trương bao nhiêu là tốt?Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mức huyết áp được xem là bình thường khi:
Huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu < 85 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.Bác sĩ sẽ chẩn đoán chúng ta bị cao huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Ở người lớn trưởng thành, huyết áp cao là dấu hiệu của bệnh lý tăng huyết áp vô căn. Tỷ lệ này chiếm đa số trong cộng đồng với hơn 90% dân số chung mà nguyên nhân chưa được biết rõ. Một số trường hợp còn lại là tăng huyết áp thứ phát, tức là có nguyên nhân xác định được, đòi hỏi giải quyết triệt để nguyên nhân thì huyết áp sẽ trở lại bình thường.
Vấn đề này lại khác hoàn toàn với tình trạng huyết áp thấp. Cơ thể luôn có nhiều cơ chế khác nhau giúp điều chỉnh áp lực tưới máu ổn định cho các cơ quan. Nếu huyết áp đo thấy thấp, điều này báo động cơ thể đang có bất thường hay bệnh lý, cần sớm xác định và can thiệp kịp thời.
Biện pháp duy nhất để biết được các chỉ số huyết áp là bao nhiêu là đo huyết áp. Dụng cụ được dùng để đo huyết áp gọi là huyết áp kế.
Loại huyết áp kế được dùng trong bệnh viện hoạt động theo nguyên tắc cơ học và được sử dụng bởi nhân viên y tế đã qua đào tạo đo huyết áp. Tại nhà, máy đo huyết áp điện tử đặt tại bắp tay hay cổ tay thường được sử dụng chủ yếu do tính đơn giản, dễ thực hiện và các chỉ số huyết áp, kèm với nhịp tim, hiện rõ ràng trên màn hình của máy.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện đo huyết áp cho chính mình tại nhà, cần phải hiểu rõ rằng huyết áp của chúng ta không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động... cũng sẽ làm huyết áp tăng lên.
Do đó, để có được kết quả đo huyết áp chính xác nhằm kết luận huyết áp có bất thường hay không phải căn cứ vào chỉ số huyết áp của nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau trong một ngày. Đồng thời, chỉ đo huyết áp sau khi ngồi nghỉ ít nhất 15 phút, trong môi trường yên tĩnh, không lo lắng, căng thẳng và tuyệt đối không dùng cà phê, thuốc lá.
Ngoài ra, chúng ta cần tập cho mình thói quen ghi nhật ký các chỉ số huyết áp đo được, cả huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim. Trong trường hợp các chỉ số nằm ngoài giới hạn bình thường, nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ xác định lại và lập kế hoạch điều trị lâu dài, phòng ngừa các hậu quả đáng tiếc về sau.
Hiện nay đã có thêm phương pháp Holter huyết áp giúp người dùng theo dõi huyết áp một cách đơn giản, tiện lợi mà hiệu quả. Phương pháp này đang được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/huyet-ap-la-luc-co-bop-cua-a50946.html