1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Nùng phần lớn từ Quảng Tây (Trung Quốc) di cư sang cách đây khoảng 200-300 năm.
2. Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, người Nùng có 1.083.298 người. Trong đó, có 546.978 nam và 536.320 nữ.
3. Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Kađai).
4. Phân bố địa lý: Dân tộc Nùng sống tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái.
5. Đặc điểm chính:
Nhà ở: Ngôi nhà truyền thống tiêu biểu của dân tộc Nùng là ngôi nhà sàn, lợp ngói máng, có ba tầng sử dụng. Tầng 1 là gầm sàn dành cho gia cầm, gia súc, công cụ sản xuất; tầng 2 là sàn dành cho người ở và các đồ dùng sinh hoạt; tầng 3 là gác, làm kho chứa lương thực, các thứ khác được bảo quản ở nơi khô ráo. Phía trước nhà có sàn phơi. Ở một số vùng, người Nùng làm nhà trình tường. Trong nhà ở của người Nùng, bếp không chỉ để nấu ăn, mà còn để sưởi ấm, nhất là mùa đông giá lạnh.
Người Nùng trong trang phục Then.(Ảnh: KHIẾU MINH)
• Trang phục: Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông. Phụ nữ Nùng đội khăn vuông, chít kiểu mỏ quạ. Nam giới Nùng đội mũ, nhất là khi tiến hành các nghi lễ mang tính tâm linh.
• Ẩm thực: Người Nùng cũng ăn cơm gạo tẻ, ăn xôi và chế biến nhiều món ăn từ gạo tẻ và gạo nếp. Từ gạo tẻ, đồng bào làm cao quyển, cao xằng, từ gạo nếp chế biến xôi màu (tím, đen, đỏ, vàng), xôi trám đen, xôi trứng kiến; chế biến thành các loại bánh.
Ngoài các món ăn thông thường, người Nùng có một số món ăn đặc sản gắn với các dịp lễ tiết. Vào dịp tết Nguyên đán, người Nùng hay mổ gà trống thiến, gói bánh chưng (loại bánh dài). Tết cuối tháng Giêng, đồng bào hay làm bánh ngải (bánh dày với lá ngải cứu non)... Ngày cưới, ngày sinh nhật nhất định phải có món lợn quay nhồi lá mắc mật.
• Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Nùng tin theo tín ngưỡng đa thần là chính. Họ thường thờ ba đời (bố mẹ, ông bà, cụ). Thờ cúng thần linh được thực hiện thông qua các lễ hội lùng tùng, cầu mùa. Trong cách thờ cúng cũng như các quan niệm ứng xử thể hiện dấu ấn của tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo). Trong thực hành tín ngưỡng của dân tộc Nùng, nổi bật vai trò của các thầy cúng: Tào, Mo, Pựt, Then.
-Nghệ thuật: Nét đặc trưng nhất trong văn nghệ dân gian của dân tộc Nùng là then. Đây là một nghi thức trình diễn vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính tâm linh. Thầy Then là người sáng tạo cả về lời ca và giai điệu. Cây đàn tính không có phím cho nên thầy Then hoàn toàn có thể ngẫu hứng tạo âm trên cây đàn. Mang yếu tố tâm linh khi gắn liền với nhiều nghi lễ cúng cầu, nhưng Then cũng hoàn toàn mang tính lễ hội khi gắn với những sự kiện trong cuộc đời con người, hoặc vào những dịp mừng năm mới….
Một loại dân ca rất đặc trưng khác của người Nùng là sli. Sli là hát giao duyên của thanh niên nam nữ dưới hình thức diễn xướng tập thể, thường là đôi nam, đôi nữ hát đối đáp với nhau và được hát theo hai bè.
Điều kiện kinh tế:
Về trồng trọt, người Nùng canh tác ở những vùng đất bằng phẳng và cả những nơi đất dốc, đất đồi, vườn quanh nhà. Lúa nước là cây trồng truyền thống của đồng bào Nùng. Việc trồng cây hồi và bán các sản phẩm từ hồi cũng mang lại thu nhập cho đồng bào. Ngoài ra, người Nùng còn trồng các loại cây có giá trị cao khác như: trẩu, sở, thuốc lá, chè, mía, tre, trám, bông, chàm...
Chăn nuôi có một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế cũng như trong đời sống sinh hoạt của người Nùng. Vật nuôi phổ biến là: trâu, bò, ngựa, dê, lợn; gà, vịt, ngan, ngỗng; chó, mèo; ong, tằm, cá (nuôi ở ao hoặc ngay ruộng lúa).
Họ biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương... Nổi bật là nghề rèn được duy trì và ngày càng phát triển, đặc biệt ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng).
Chợ ở vùng người Nùng phát triển, đặc biệt tập trung nhiều người Nùng đông nhất vào những ngày phiên truyền thống. Với địa bàn tụ cư truyền thống ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, người Nùng có các hoạt động mậu biên sôi nổi. Không chỉ buôn bán tiểu ngạch, người Nùng còn tham gia làm bốc xếp, xe ôm, làm thuê trong sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động này diễn ra cả ở nội địa và bên kia biên giới.
Điều kiện giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 90%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học: 100,9%; ở cấp trung học cơ sở là 97,2%; ở cấp trung học phổ thông: 73,4%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình là 14,3%. Tỷ lệ trẻ em dân tộc Nùng trên 5 tuổi được đi học chiếm 99,6%.
(Nguồn:
- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)
- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)
- Website Ủy ban Dân tộc
- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc Việt Nam - Tổng cục Thống kê)
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/gai-nung-tim-trai-thong-a50795.html