iDesign | 9 phân loại cơ bản trong ngành thiết kế đồ họa

Các nhà thiết kế đồ họa là những nghệ sĩ tạo ra các ý tưởng trực quan để thu hút khách hàng, họ tạo ra những ký ức lâu dài bằng hình ảnh và kể những câu chuyện thông qua con chữ, màu sắc, hình khối. Mặc dù tất cả các nhà thiết kế đồ họa đều nằm chung trong một ngành nghệ thuật và có một tên gọi chung, nhưng thực chất họ sáng tạo ra các tác phẩm khác nhau và phục vụ các lĩnh vực khác nhau.

Sự khác biệt giữa khái niệm các nhà thiết kế đồ họa này không chỉ nằm ở cái tên. Thông thường, yếu tố đầu ra của sản phẩm giúp chúng ta phân biệt được sự khác nhau giữa các dạng thiết kế đồ họa. Mặc dù các dạng thiết kế đồ họa đều có tác động và liên quan đến nhau, nhưng mỗi dạng đều đòi hỏi các kỹ thuật và kỹ năng riêng biệt. Hơn thế, ngành thiết kế đồ họa luôn phát triển theo từng ngày, nên với tư cách là một nhà thiết kế bạn nên hiểu rõ và trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn trong suốt sự nghiệp của mình.

Là một nhà thiết kế chuyên nghiệp hay chỉ mới bắt đầu vào chặn đường đua của sự nghiệp, bạn cũng nên tìm hiểu qua 9 dạng thiết kế đồ họa cơ bản sau:

1. Thiết kế truyền thông marketing:

Đây là dạng phổ biến nhất của thiết kế đồ họa. Khi mọi người nghe thấy thuật ngữ thiết kế đồ họa, họ luôn nghĩ đến thiết kế đồ họa truyền thông. Các nhà thiết kế đồ họa trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị luôn kết hợp các nguyên tắc thiết kế, nghệ thuật với thông tin về tâm lý của người mua và xu hướng của người tiêu dùng. Ngay cả khi bạn làm nhà thiết kế tự do hay một nhân viên thiết kế trong công ty đều có thể trở thành nhà thiết kế đồ họa truyền thông marketing.

Các nhà thiết kế đồ họa này sẽ tìm hiểu về các hồ sơ và xu hướng khách hàng khác nhau vào mỗi trường hợp nhất định. Ngoài ra, họ là những người đi sâu vào nội bộ công ty để tìm hiểu thông tin mật thiết nhằm đáp ứng cho công việc. Nhà thiết kế đồ họa marketing thường tạo ra các sản phẩm như billboard, bảng quảng cáo, bảng hiệu và nhiều hơn nữa. Ngày nay, họ cũng thiết kế đồ họa cho web bằng cách tạo đồ họa banner, hồ sơ xã hội, brochure kỹ thuật số, email marketing, và các nội dung kỹ thuật số khác. Để tìm một vị trí thiết kế đồ họa tại các agency ngày nay tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, mỗi môi trường làm việc đều có những khó khăn khác nhau. Vì vậy, hãy bắt đầu làm việc cho các công ty để đúc kết kinh nghiệm trước khi chuyển sang làm việc như một nhà thiết kế tự do.

2. Thiết kế nhận diện thương hiệu:

Dạng thiết kế này là tạo ra nhận diện đặc trưng mạnh mẽ cho thương hiệu bằng hình ảnh trực quan. Đưa sản phẩm của họ xuất hiện ở mọi nơi thông qua các phương tiện kỹ thuật số và in ấn. Nếu bạn làm nhà thiết kế thương hiệu, bạn giống như đang xây dựng “dấu ấn cho ngôi nhà”. Dấu ấn của ngôi nhà có nghĩa vừa sắp xếp các yếu tố thiết kế theo cách riêng biệt, đồng thời thể hiện được tính chất chung của thương hiệu. Thiết kế nhận diện thương hiệu là làm việc với logo, kiểu chữ màu sắc. Ba yếu tố này nên kết hợp với nhau để tạo ra sự độc đáo, mạnh mẽ và mang bản sắc hình ảnh riêng biệt cho thương hiệu.

Lưu ý rằng nhận diện thương hiệu không phải là tạo nên một logo vẽ tùy tiện theo ngẫu hứng. Logo là sự thể hiện đặc trưng và các giá trị cơ bản của thương hiệu. Chúng tiếp cận với khách hàng bằng cách gợi lên trải nghiệm, ký ức và cảm xúc. Nhà thiết kế nhận diện thương hiệu thường làm việc cùng với nhà bán hàng và nhà tiếp thị để phác thảo nhận diện thương hiệu phù hợp. Các nhà thiết kế này cần có những cá tính mạnh mẽ để phối hợp giữa nhiều nền tảng và nhiều nhóm, nhằm đảm bảo công việc được thông suốt. Họ cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, sáng tạo và nhiều ý tưởng tuyệt vời với niềm đam mê nghiên cứu về xu hướng, ngành công nghiệp và đối thủ cạnh tranh.

3. Thiết kế UI:

Người dùng thường giao tiếp với thiết bị và ứng dụng qua UI (giao diện người dùng). Vì vậy, thiết kế UI là quá trình tạo ra giao diện dễ sử dụng và cung cấp trải nghiệm thân thiện cho người dùng. Một nhà thiết kế đồ họa UI sẽ tạo ra những thứ mà người dùng có thể thấy hay chạm vào sản phẩm về mặt đồ họa. Họ tập trung vào thiết kế của các yếu tố đồ họa trên màn hình như menu, micro-interactions và button, cùng với việc cung cấp trải nghiệm hình ảnh mượt mà cho người dùng. Thiết kế UI phải cân bằng các chức năng kỹ thuật với sự hấp dẫn thẩm mỹ.

Thiết kế giao diện người dùng chuyên về ứng dụng di động, game và ứng dụng máy tính để bàn. Nhà thiết kế UI sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà thiết kế UX (trải nghiệm người dùng) để xác định cách ứng dụng hoạt động, bên cạnh đó họ sẽ kết hợp với nhà phát triển để đảm bảo ứng dụng có thể hoạt động. Họ chịu trách nhiệm thiết kế các trang web, chủ đề, giao diện game và ứng dụng. Các nhà thiết kế UI phải có cả kỹ năng đồ họa và hiểu biết về nguyên tắc UI/UX để phát triển web và thiết kế đáp ứng. Ngoài việc có kiến ​​thức về thiết kế, họ đòi hỏi kiến ​​thức về các ngôn ngữ lập trình như CSS, HTML và JavaScript. Chỉ khi bạn có kiến ​​thức phù hợp về các ngôn ngữ này, bạn mới có thể phát triển như một nhà thiết kế đồ họa UI.

4. Thiết kế bao bì:

Bạn có thể đã thấy một số bao bì thú vị và tự hỏi ai là người thiết kế chúng. Câu trả lời là chúng được thiết kế bởi các nhà thiết kế đồ họa bao bì. Bao bì của sản phẩm nói rất nhiều về sản phẩm bên trong nó. Nó là ấn tượng đầu tiên của khách hàng khi nhìn thấy sản phẩm để họ quyết định có mua hay không. Ngày nay, bao bì là thứ mà các công ty sử dụng để làm nổi bật sản phẩm. Thiết kế bao bì tốt sẽ làm nổi bật sản phẩm của bạn hơn trong số lượng lớn các mặt hàng khác và giúp làm tăng doanh số của sản phẩm.

Ngoài ra, đồ họa bao bì phải đáp ứng chính xác các tiêu chuẩn. Đối với lĩnh vực này, đòi hỏi bạn phải có sự sáng tạo vượt trội cùng với suy nghĩ hợp lý. Nhà thiết kế đồ họa bao bì phải bám sát thiết kế tổng thể của bộ nhận diện thương hiệu để đảm bảo tính dễ nhận biết, tính liên kết và dễ dàng di chuyển. Bạn có thể đối mặt với nhiều thách thức trong ngành thiết kế này vì tính chất của nó. Vì vậy, bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian để giải quyết vấn đề và đảm bảo có sự cân bằng và hợp lý trong các thiết kế.

5. Thiết kế họa tiết trang phục:

Nhà thiết kế họa tiết trang phục là người tạo ra tất cả các hình in trên áo phông mà bạn thấy trên thị trường hiện nay. Nhà thiết kế họa tiết trang phục chịu trách nhiệm cho tất cả các quy trình từ ý tưởng đến hoàn thành. Các nhà thiết kế trong lĩnh vực này cũng làm việc giống như những nhà thiết kế khác, họ bắt đầu với ý tưởng và thực hiện để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Nhiều nhà thiết kế cũng sử dụng template (mẫu) vì sự hạn chế kích thước trong in ấn trang phục. Ngay cả một phần mười inch cũng có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong thiết kế, và những lỗi sẽ dễ dàng nhận thấy, đặc biệt là trong quần áo.

Nhiều người làm việc trong lĩnh vực này phụ thuộc vào xu hướng của các nhà thiết kế thời trang khác, và họ thường làm việc cùng nhau để tạo ra sản phẩm ấn tượng nhất. Họ phải để mắt đến những gì mọi người đang mặc trên đường phố để cập nhật các xu hướng. Nếu không theo kịp các xu hướng mới nhất, họ sẽ khó bán được sản phẩm.

6. Thiết kế môi trường:

Các nhà thiết kế đồ họa môi trường sẽ kết nối trực quan giữa mọi người với các địa điểm, nhằm nâng cao trải nghiệm như làm không gian trở nên thú vị, nhiều thông tin, dễ nhớ và dễ điều hướng hơn. Nó phụ thuộc vào nguyên tắc đi đường, hệ thống và thông tin mà mọi người sử dụng để đi qua các không gian khác nhau.

Ví dụ: các thiết kế bạn thấy trong các triển lãm bảo tàng, trụ sở các thương hiệu, nội thất cửa hàng bán lẻ, tranh tường, những dấu hiệu, thương hiệu trên sân vận động, điều hướng giao thông công cộng, không gian sự kiện và hội nghị đều được thiết kế bởi các nhà thiết kế đồ họa này. Đây là thiết kế đa ngành, vì nó kết hợp giữa thiết kế kiến ​​trúc, cảnh quan, nội thất, công nghiệp và thiết kế đồ họa. Những nhà thiết kế này kết hợp với những người trong các lĩnh vực khác nhau để thực hiện kế hoạch của họ. Bởi vậy, các nhà thiết kế môi trường cần có kiến thức về cả thiết kế đồ họa và kiến ​​trúc. Họ cần có các ý tưởng thiết kế, cũng như có thể đọc và tạo các bảng sơ đồ kiến ​​trúc. Trước đây, thiết kế môi trường sử dụng các sản phẩm in ấn tĩnh. Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết bị kỹ thuật số ngày nay đã mang đến trải nghiệm hấp dẫn hơn cho mọi người. Nếu bạn quan tâm đến dạng thiết kế này, bạn có thể tìm hiểu chúng ở những nơi như bệnh viện, trường đại học, sân bay và trung tâm thị trấn.

7. Thiết kế xuất bản và in ấn:

Truyền thông in ấn và xuất bản là những sản phẩm thiết kế trong môi trường giáo dục, bao gồm sách, tạp chí, danh mục, báo và phương tiện in ấn hữu hình. Những nhà thiết kế này là những người định hình vẻ ngoài của một tạp chí. Họ thiết kế cả bố cục, bìa và các yếu tố liên quan.

Ví dụ, đối với thiết kế xuất bản, họ làm việc với nhiều yếu tố như kiểu chữ, văn bản, bố cục, minh họa và hình ảnh, in ấn. Còn với thiết kế tạp chí, nó đòi hỏi rất nhiều công việc chi tiết để tạo ra một cái nhìn thu hút khách hàng. Công việc in ấn tập trung vào kiểu dáng, font chữ và kích thước đoạn văn để dễ đọc và thu hút thị giác. Nó cũng bao gồm Kerning (không gian giữa chữ và ký tự) và leading (không gian giữa các dòng). Các tiêu đề, mục được chú ý và mọi thứ được sắp xếp để hài hòa với bố cục. Ngoài ra, in ấn và đóng gáy kém có thể làm cho các thiết kế trông lộn xộn và không có tổ chức. Sự khác biệt giữa các ấn phẩm lớn và tạp chí nhỏ thường thể hiện qua loại hình in ấn và sự sắp xếp mà họ sử dụng.

8. Thiết kế chuyển động:

Thiết kế chuyển động là việc tạo ra sản phẩm bao gồm âm thanh, video, hình ảnh, kiểu chữ, hoạt ảnh và các hiệu ứng khác được sử dụng trong TV, phim và phương tiện truyền thông trực tuyến. Sự phổ biến của lĩnh vực này đã tăng lên trong những năm gần đây khi công nghệ được cải thiện, nội dung video phong phú. Đây là chuyên ngành mới đối với các nhà thiết kế đồ họa, dành riêng cho phim và TV. Khi công nghệ đã phát triển, thời gian sản xuất và chi phí được giảm xuống đáng kể, khiến cho hình thức nghệ thuật này trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Chúng ta có thể được tìm thấy sự xuất hiện của thiết kế chuyển động ở khắp mọi nơi trên các nền tảng kỹ thuật số.

Công việc chính của nhà thiết kế chuyển động là tạo bản trình bày, video quảng cáo, trang web, chuỗi tiêu đề, trailer, video trò chơi, banner, video hướng dẫn, ảnh GIF, video quảng cáo và hoạt ảnh cho logo. Họ bắt đầu bằng cách tạo các bảng phân cảnh và đưa ý tưởng vào các video. Tùy thuộc vào tính chất sản phẩm mà yêu cầu các nhà thiết kế có kiến ​​thức vững chắc về code, mô hình 3D và marketing. Do đó, trau dồi kỹ năng kỹ thuật số và điều quan trọng để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực thiết kế đồ họa này.

9. Thiết kế tem xe

Dạng nhà thiết kế đồ họa này khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên chúng ta vẫn nhưng chưa xác định cụ thể là thiết kế tem xe hay thiết kế quảng cáo xe. Cả doanh nghiệp nhỏ và lớn đều sử dụng loại hình tiếp thị này, vì nó rất hiệu quả. Tem xe thường có thiết kế đơn giản, vì mọi người không có nhiều thời gian để dừng lại và nhìn vào chiếc xe quá 10 phút để xem quảng cáo. Nhiều thiết kế chứa một vài văn bản lớn (nội dung chính) cũng như đồ họa đơn giản kết hợp cùng logo. Tất cả mọi thứ phải được phối hợp tốt từ màu sắc đến font chữ.

Các nhà thiết kế làm việc trong lĩnh vực này ưa chuộng những thiết kế tối giản nhưng hiệu quả. Họ phải làm việc với các template chính xác và các phép đo từng milimet kích thước của chiếc xe. Các thiết kế cực kỳ phức tạp và lớn, do đó, bất kỳ thay đổi nào cũng tốn rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Đó cũng là thách thức lớn đối với nhà thiết kế tem xe. Tuy nhiên, đây là dạng thiết kế phát triển mạnh và hiệu quả trong thế giới thiết kế đồ họa. Bạn cần có kiến ​​thức về cấu trúc của ô tô cùng với các kỹ năng thiết kế đồ họa cơ bản.

Qua bài viết trên, bạn có thể hiểu rằng thiết kế đồ họa không chỉ là thiết kế logo và tiêu đề thư. Những nhà thiết kế đồ họa là những chuyên gia trong những sản phẩm đang có mặt trên khắp mọi nơi. Đây là một lĩnh vực không ngừng phát triển và yêu cầu các nhà thiết kế tâm huyết và chuyên nghiệp. Các nhà thiết kế đồ họa luôn phải trau dồi nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, họ cần giải quyết những vấn đề và truyền đạt hình ảnh đến người dùng thông qua các hình thức khác nhau từ phương tiện kỹ thuật số đến phương tiện in ấn, từ ý tưởng sáng tạo đến thực tế sử dụng.

Biên tập: Thao LeeTác giả: Harsh Raval

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/co-may-loai-do-hoa-co-ban-a50740.html