Mới đây, trên mạng xã hội truyền tay nhau clip liên quan đến việc một người khi đang luộc lòng lợn thì kinh hãi phát hiện con sán dài được lôi ra từ phía trong. Đáng chú ý, đoạn lòng được luộc nhìn trông rất bắt mắt với màu trắng phau, chính điều này khiến nhiều người không khỏi hãi hùng.
Hình ảnh sán được gắp ra khi luộc lòng khiến nhiều người hãi hùng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết việc phát hiện giun sán trong lòng lợn không phải là chuyện lạ. Đặc biệt những người mua lòng sống về luộc, nếu làm không sạch sẽ, giun sán còn bên trong là điều hiển nhiên, bởi lòng là nơi rất nhiều ký sinh trùng khu trú.
Khi cho lòng vào luộc, dưới tác động của nhiệt độ, giun sán trong bộ lòng theo phản xạ sẽ trồi ra ngoài và dễ dàng bắt gặp khi đang luộc lòng.
PGS Thịnh cho biết tại gia đình còn dễ phát hiện, nếu ăn lòng ở ngoài quán, đặc biệt nhiều người thích món lòng chần để giữ độ giòn giòn thì rất nguy hiểm vì có thể sẽ ăn cả búi giun sán vào cơ thể mà không hề hay biết.
GS Nguyễn Văn Đề - nguyên trưởng bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết nếu qua mô tả phát hiện sán dài ở nội tạng (lòng lợn) ra ngoài khi luộc thì đây khả năng cao là sán dây lợn. Ngoài ra, việc sử dụng các chế phẩm từ lợn (thịt lợn, nội tạng lợn) không đảm bảo an toàn còn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn cũng rất nguy hiểm.
Theo phân tích của GS Đề, con người chủ yếu nhiễm sán lợn thông qua con đường ăn uống. Phổ biến nhất là qua rau, nước, ruồi nhặng là vật trung gian tha nguồn bệnh qua thức ăn. Con người ăn thức ăn bị nhiễm trứng sán lợn, trứng sán lợn sau đó vào cơ thể sẽ phát triển thành sán trưởng thành.
Những loại lòng chần có nguy cơ nhiễm sán rất cao.
Một cách lây nhiễm sán lợn khác cũng rất phổ biến đó là ăn phải con lợn có ấu trùng sán, con ấu trùng này vào dạ dày nó sẽ giải phóng ra đầu sán (đoạn cổ). Chính đoạn cổ này có tính chất sinh sản và nó dài dần ra (có thể tới 7 mét). Đoạn cuối cùng của con sán này là đoạn già nhất và nó rụng ra ngoài theo phân ra ngoài.
Ngoài vấn đề giun sán, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo hiện nay có không ít người ham lợi nhuận sẵn sàng đưa hóa chất vào tẩm ướp nội tạng động vật, trong đó phổ biến nhất là nội tạng lợn.
Vì thế, ngoài vấn đề giun sán như đã cảnh báo trên, vấn đề con người nhiễm hóa chất độc hại qua tẩm ướp, bảo quản cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Những loại hóa chất này khi vào cơ thể con người, nếu nặng gây nên ngộ độc cấp tính, còn nhẹ thì sẽ ngấm từ từ và tích tụ dần gây hại cho cơ thể.
Những đĩa lòng trắng nõn nà nên cẩn trọng vì nguy cơ ngâm tẩm hóa chất rất cao. (Ảnh minh họa)
Để phòng giun sán các chuyên gia khuyến cáo nên mua thịt lợn ở nơi an toàn, biết rõ nguồn gốc, tuyệt đối không ham rẻ mua thịt lợn ốm, lợn chết về sử dụng. Khi chế biến cần đặc biệt chú ý đến việc ăn chín uống sôi, vì các loại ký sinh trùng trong đó có giun sán cơ bản đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.
Một điều hết sức lưu ý khác là khi đã nấu chín xong, quá trình chế biến tiếp như thái thịt, thái lòng cũng cần chú ý để tránh việc nhiễm chéo có thể phát sinh khi dao thớt bẩn, đi vệ sinh không rửa tay,… Do đó người nội trợ cần phải rửa tay và dụng cụ đồ bếp sạch sẽ.
Còn đối với việc ăn uống ngoài quán, các chuyên gia khuyên nên tuyệt đối hạn chế vì đa số thực khách không biết nguồn gốc lòng dồi được lấy từ đâu. Trường hợp phải ăn thì nên chọn quán uy tín, kiểm tra kỹ thực phẩm khi ăn. Tuyệt đối không ăn đồ chần, tái, sống vì nguy cơ nhiễm giun sán rất cao.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/san-trong-long-lon-a50505.html