Ngành Chính trị học: Tên gọi ngành khiến thí sinh "e dè", trường khó tuyển sinh

Dù không phải là ngành học mới ra đời, song tại Việt Nam, ngành Chính trị học vẫn còn là cái tên khá mới mẻ trong nhận thức của nhiều người.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chính trị học là ngành Khoa học xã hội liên quan đến các hệ thống quản trị, tư tưởng chính trị và phân tích các hoạt động trong lĩnh vực chính trị.

Theo đó, sinh viên ngành Chính trị học được trang bị những kiến thức vừa có tính nền tảng về lý thuyết, vừa có tính thực tiễn liên quan đến nhiều lĩnh vực như Khoa học xã hội, Chính sách công, Luật học, Quan hệ quốc tế, Truyền thông…

Trên cơ sở đó, người học phát huy khả năng vận dụng lý luận, phương pháp và các kỹ năng nghề nghiệp của ngành Chính trị học trong các lĩnh vực, hoạt động có liên quan.

Hiện nay tại Việt Nam, nhiều người vẫn đang hiểu ngành Chính trị học theo những định nghĩa bó hẹp với hai từ “chính trị" trong khi nội hàm của ngành học rất rộng, vai trò của ngành học đối với xã hội cũng rất lớn, có khả năng bổ trợ cho nhiều vị trí, ngành nghề.

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Vũ Thị Huyền Trang - giảng viên bộ môn Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cho biết: Nội hàm trong tên gọi ngành học chính là rào cản khiến nhiều thí sinh có tâm lý dè chừng khi lựa chọn theo đuổi ngành học này.

Đa số mọi người vẫn đang hiểu và hình dung Chính trị học là một ngành học thiên nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn chính trị một cách khô cứng và nhàm chán, theo học ngành học này sẽ chỉ phù hợp với những đối tượng có nhu cầu và định hướng làm việc trong hệ thống chính trị.

Thế nhưng trên thực tế, lĩnh vực của Chính trị học rất đa dạng và kiến thức của ngành học mang tính ứng dụng liên ngành, có thể làm việc ở nhiều vị trí, công việc khác nhau.

Kiến thức Chính trị học có khả năng bổ trợ cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, quan niệm ra trường phải làm đúng ngành học chỉ là tiêu chí để đánh giá về chất lượng đầu ra của tất cả các ngành.

Quan niệm học Chính trị học ra trường “chỉ có thể” làm trong “lĩnh vực chính trị” đã bó hẹp khả năng phát huy vai trò ngành học đối với xã hội. Trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp dành cho cử nhân Chính trị học rất rộng mở với đa dạng vị trí việc làm.

Thầy Chiều cho biết, trong xu thế giáo dục thời đại 4.0, Nhà trường cùng Ban Lãnh đạo khoa đã đặt ra yêu cầu luôn phải đổi mới sáng tạo, cải tiến chất lượng đào tạo theo hướng liên ngành, tăng cường thực tiễn cho người học để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và sứ mệnh, trọng trách của những ngành khoa học cơ bản trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, hoạt động đào tạo ngành Chính trị học luôn được đổi mới theo hướng liên ngành, tăng cường tích hợp các lĩnh vực nhằm trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp để người học dễ dàng thích ứng với sự nhanh chóng của thị trường lao động.

Theo đó, cử nhân Chính trị học ngoài việc có thể đảm nhận các vị trí việc làm thì còn có thể thực hiện tốt các chức năng tư vấn, tham mưu, phản biện chính sách,.. tại các cơ quan hoạch định đường lối Đảng và chính sách của Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức quốc tế, các tổ chức kinh tế trong khu vực công và khu vực tư nhân..

Với toàn bộ các ngành học nói chung và với ngành Chính trị học nói riêng, việc được làm đúng ngành nghề sẽ được quyết định bởi nhiều yếu tố mà trong đó, nhân tố quan trọng nhất vẫn là năng lực vốn có và tri thức tích lũy của sinh viên. Sẽ không có bất kì một ngành học nào là “dễ xin việc" nếu bản thân sinh viên không có năng lực và tư duy nhạy bén để thích nghi cùng sự thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn.

Anh Nguyễn Đức Trung - hiện đang làm biên tập viên tại Công ty truyền thông Media 21 Lab, từng là cựu sinh viên Chính trị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, sinh viên ngành Chính trị học sẽ được trang bị rất đa dạng về mặt kiến thức. Do đó, sau khi tốt nghiệp, ngành nghề của sinh viên cũng rất đa dạng với nhiều vị trí và có cơ hội công tác tại nhiều đơn vị khác nhau.

“Cử nhân Chính trị học có thể là một giảng viên, một nhà nghiên cứu lý luận, có thể là một cán bộ ở các cơ quan địa phương, Trung ương hay đơn vị sự nghiệp công lập, cũng có thể trở thành một nhà báo hay một nhân viên marketing tại một công ty tư nhân, thậm chí cũng có thể trở thành doanh nhân.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Chính trị học rất rộng mở và đa dạng với nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân các bạn cần tích lũy thêm những kỹ năng, mối quan hệ xã hội ngay từ những năm tháng là sinh viên. Điều đó sẽ giúp các bạn sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội có thể tới, thậm chí khi chưa rời ghế giảng đường”, anh Trung chia sẻ.

Không thể vì tiếng khó mà không đào tạo

Trên thực tế còn nhiều sinh viên vẫn đang “e ngại” với chất lượng đầu ra mang tính đặc thù của ngành học, song theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, không thể vì tiếng khó mà sợ, mà không dám đào tạo bởi mỗi ngành học có những tôn chỉ, mục đích và trọng trách, sứ mệnh chính trị - xã hội khác nhau.

Nhìn theo tiến trình phát triển của xã hội hiện đại, tri thức Chính trị học đem lại sẽ ngày càng quan trọng và có giá trị với nhiều vị trí công việc, ngành nghề.

Cụ thể, trong lĩnh vực báo chí, nếu chỉ đơn thuần sử dụng kỹ năng nghiệp vụ của phóng viên mà thiếu đi hệ thống tri thức cơ bản, nền tảng về các vấn đề chính trị, các hệ thống chính trị thì sẽ rất khó có thể tác nghiệp và hoàn thành công việc.

Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực cần sử dụng đến nhân lực chính trị học và kiến thức chính trị học như: Tư vấn chính sách, Hỗ trợ khởi nghiệp, Luật pháp, Báo chí truyền thông, Đối ngoại, Quan hệ với Chính phủ….

Đây không chỉ là ngành khoa học hàn lâm mà còn được coi là ngành khoa học xã hội mũi nhọn, giàu tính lý luận và khả năng ứng dụng thực tiễn.

Đối với ngành Chính trị học, thầy Chiều cho hay, cần chú trọng đến chất lượng đào tạo thay vì chạy theo số lượng tuyển sinh. Hiện nay tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đối với ngành Chính trị học chú trọng tuyển sinh đủ theo đúng chỉ tiêu đề ra. Cụ thể đối với mỗi khoá học, số lượng ở mức 60 sinh viên/khoá, vừa đủ để nhà trường có thể tập trung đào tạo và chăm sóc, hỗ trợ người học tốt nhất.

Đồng tình quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thúc Lân - Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận xét: Trong bối cảnh xã hội đang có tư duy thực dụng khi chú trọng tìm kiếm những ngành học “có việc làm” hay “ việc làm ra tiền ngay" đã vô tình tạo ra những thách thức trong cạnh tranh giáo dục cho ngành Chính trị học.

Với ngành Chính trị học tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, thầy đánh giá đây là ngành học còn khá “non trẻ” khi mới được đào tạo từ năm 2017. Do đó mà thương hiệu, mức độ nhận diện ngành học trong xã hội chưa đủ mạnh và sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh với ngành học chưa thật sự lớn. Điều này đã tạo nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ nhà trường.

Dẫu vậy, trên cơ sở nền xuất phát chưa thực sự tốt, Ban Lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tích cực tìm ra những giải pháp để khắc phục và phát triển ngành học như xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, đẩy mạnh quảng bá ngành học qua nhiều kênh, nhiều phương tiện để phổ rộng ngành học với nhiều đối tượng hơn.

Mỗi một năm học, Tổ bộ môn cùng nhà trường sẽ xem xét và nghiên cứu chương trình đào tạo trên cơ sở những chuyển biến của xã hội trong nước và quốc tế, qua đó có sự chỉnh sửa với chương trình đào tạo ngành Chính trị học để sát sao với thực tiễn, gần với năng lực của sinh viên.

thầy Lân.jpg
Tiến sĩ Hoàng Thúc Lân (đứng bên trái) - Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - Ảnh: NVCC

Trên thực tế, nhận thức của thí sinh và phụ huynh vẫn còn khá “nông" và chưa thật sự hiểu đúng về ngành học, do đó tại trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ truyền thông phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Ngoài hình thức quảng bá trên website của trường, các hội sinh viên, đoàn thanh niên cũng có sự hỗ trợ trong việc giải đáp các thắc mắc và định hướng giúp các bạn học sinh định hướng đúng đắn ngành học theo sở thích, sở trường và nhu cầu công việc của cá nhân.

Đặc biệt mỗi năm, nhà trường sẽ có một đội ngũ là những giảng viên trong khoa đến các trường Trung học phổ thông để tổ chức các buổi hướng nghiệp. Trong khuôn khổ các hoạt động được tổ chức, nhà trường có cơ hội giới thiệu cụ thể ngành học, chương trình đào tạo cùng chuẩn đầu ra.

Tại các buổi tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường đã tạo điều kiện kết nối sinh viên với doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể.. Qua đó, gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên, thúc đẩy quảng bá thương hiệu ngành học đến nhiều đơn vị tuyển dụng.

Đổi mới phương pháp đào tạo ngành học nhằm thích nghi với thực tiễn

Để xã hội tiếp tục có góc nhìn đầy đủ về ngành Chính trị học, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, cần không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo để có thể chuyển hoá lý thuyết và chính trị thành các chính sách, phát huy tính ứng dụng liên ngành để thích ứng và phù hợp với những biến đổi của xã hội.

Cụ thể, về định hướng chuyên sâu, hiện nay trong chương trình đào tạo ngành Chính trị học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang đẩy mạnh tính “ứng dụng ngành nghề" thông qua việc xác định 6 hướng đào tạo chính bao gồm: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Chính trị Việt Nam, Hồ Chí Minh học, Truyền thông chính sách, Chính trị học so sánh, Chính trị toàn cầu.

Chú trọng tăng cường các học phần thực tế để sinh viên phát huy kỹ năng chuyên môn, áp dụng lý thuyết đối với thực tiễn. Hằng năm, nhà trường luôn tổ chức và hỗ trợ sinh viên qua các hoạt động giao lưu quốc tế với giáo sư, sinh viên tại các trường Đại học lớn trên thế giới.

GS. Detlef Briesen, Đại học Justus - Liebig, Giessen thuyết trình chủ đề "Mô hình Nhà nước xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức" với sự tham dự của thầy cô và sinh viên khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Liên Bang Nga… với các hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên được nhà trường triển khai thường xuyên và đều đặn qua các năm.

Bên cạnh các hoạt động thực tập trong học phần đào tạo là các chuyến đi trải nghiệm ngắn hạn, tham quan các doanh doanh nghiệp, cơ quan tại nhiều địa phương. Qua đó, sinh viên tiếp thu được kiến thức mới và trau dồi thêm thực tiễn phong phú.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo cử nhân chính quy, sinh viên có nhiều cơ hội chuyển tiếp lên bậc học cao hơn.

Ngoài ra, sinh viên Chính trị học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được thụ hưởng chương trình đào tạo bằng 2 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Cụ thể, sinh viên được học thêm bằng đại học thứ hai tại các khoa/viện của trường cùng một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội như Trường Đại học Luật, Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Ngoại ngữ…

Với cơ hội học lên bậc cao cùng việc sở hữu cùng lúc 02 bằng Đại học, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, đó chính là những bước đệm thuận lợi trong công việc cùng cơ hội thăng tiến cao trong tương lai dành cho sinh viên Chính trị học.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Chính trị học được xây dựng với 130 tín chỉ. Tiến sĩ Trần Thị Thơm - giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Chính trị học không chỉ thuần túy những môn học lý thuyết mà còn có những môn học phục vụ cho thực tiễn, phù hợp cho các hoạt động nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai.

Trong công tác xây dựng và thiết kế học phần, nhà trường chú trọng tạo ra sự hài hoà giữa lý thuyết và thực hành. Song song đó là các học phần thực tế chuyên môn, thực tập sư phạm nhằm mục đích tạo điều kiện để sinh viên được tiếp xúc với thực tiễn và nắm rõ tình hình, cụ thể hoá kiến thức lý luận sách vở.

Với phương châm “Đào tạo lý thuyết gắn liền thực tiễn", những năm gần đây, tổ bộ môn thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cho sinh viên để đa dạng hình thức đào tạo thay vì chỉ nghiên cứu khô khan trên sách vở.

đh thủ đô.jpeg
Thầy cô, sinh viên khoa Chính trị học, Trường Đại học Thủ đô tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và Sáng tạo khởi nghiệp hàng năm - Ảnh : website trường

Hiện nay trong Chương trình đào tạo ngành Chính trị học có riêng 1 học phần Thực tế chuyên môn với 2 tín chỉ. Bên cạnh đó, nhà trường cùng tổ bộ môn đã tích cực lồng ghép hình thức thực tế thăm quan cùng với học lý thuyết trong một số học phần bắt buộc, chuyên ngành hoặc tự chọn như: Hà Nội học, Lịch sử truyền thống cách mạng Thủ đô, Tôn giáo và xã hội…

Về công tác thực tập, để tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm và phát huy năng lực, tổ bộ môn đã kết nối với các Quận ủy, Ủy ban nhân dân cấp cơ sở, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị Huyện...

Trong tương lai, nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác kết nối đến với các cơ quan báo đài, các trường đại học, cao đẳng để sinh viên có cơ hội rèn luyện ở nhiều môi trường khác nhau, đáp ứng được các vị trí việc làm sau khi ra trường.

Ngoài ra, trường và khoa cũng đang cố gắng kết nối với nhiều trường chính trị tại các tỉnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác nhau trên toàn quốc hay các Uỷ ban trung ương cấp cơ sở để sinh viên có thể tiếp xúc ở phạm vi gần, qua đó phát triển kỹ năng ngành nghề của mình.

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/chinh-tri-hoc-la-gi-a47063.html