Kim Huyền (20 tuổi) làm part-time booking bar tại một tụ điểm ăn chơi nổi tiếng ở Đà Nẵng. Công việc của cô là tìm kiếm khách hàng, sau đó đặt bàn theo yêu cầu mỗi khi họ đến quán. Nghề này có thể làm việc trực tuyến theo hình thức đăng bài với nội dung thu hút, hấp dẫn, sau đó chỉ cần có khách liên hệ đặt bàn trước thì người làm booking sẽ được hưởng hoa hồng theo phần trăm tiền hóa đơn (thông thường rơi vào khoảng 10-20%).
Tuy nhiên với Kim Huyền, để có mức thu nhập cao hơn, cô phải đến quán nhằm tiếp cận tệp khách mới cũng như phục vụ nguồn khách cũ. Phục vụ ở đây là trò chuyện, tương tác, tạo mini-game vui vẻ cho mọi người.
Với tệp khách hàng của quán chủ yếu ở độ tuổi Gen Z, Kim Huyền cảm thấy thoải mái và không bị áp lực quá nhiều. Tuy nhiên, để có thể trụ lâu trong môi trường này, cô tiết lộ cần phải có một "tửu lượng" tốt.
"Khách đến quán không chỉ nhảy nhót mà còn sử dụng bia rượu. Những đồ uống có cồn khiến họ hưng phấn, cộng thêm tiếng nhạc xập xình sẽ giúp cuộc vui trở nên thú vị.
Những người làm booking bar cũng không ngoại lệ. Ly bia, chén rượu được ví như một công cụ hữu ích giúp chúng tôi làm quen, giao lưu dễ dàng hơn với những vị khách. Và đôi khi cũng được họ mời lại vài ba ly, đến lúc vui quá mà uống dồn dập thì cũng chẳng có gì là khó hiểu", Kim Huyền chia sẻ.
Khi bị ép uống quá nhiều, Kim Huyền thường tìm lý do khéo léo để từ chối. Bản thân cô luôn trong trạng thái phải tỉnh táo, vừa để tập trung làm việc, vừa để giữ sức khỏe tốt cho những ngày sau. "Trước khi vào ca, tôi thường lót dạ bằng hũ sữa chua hoặc ăn nhẹ thứ gì đó, việc này sẽ giúp bạn khó say hơn. Bên cạnh đó tôi thường mang theo chai nước lọc, nó rất cần thiết", nữ sinh nói.
Những ánh đèn mờ nhấp nháy, cộng với tiếng nhạc xập xình cùng hình ảnh gợi cảm của những vũ công trên sàn nhảy vô hình chung mang lại cho nhiều người có cái nhìn chẳng mấy thiện cảm với môi trường bar, club, vũ trường,...
Hải Duy (sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh) từng bị khinh miệt bởi chính bạn bè trong lớp khi chọn công việc phục vụ tại quán bar: "Công việc của tôi hết sức bình thường như làm ở nhà hàng, quán nhậu, nhưng có lẽ vì ở trong môi trường này vốn mọi người đã có cái nhìn xấu từ đầu nên dù giải thích thế nào cũng khó".
Hải Duy tâm sự rằng, anh chọn nghề này bởi vì mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung các công việc part-time khác mà sinh viên thường làm, như phục vụ cà phê, chạy bàn ở quán nhậu,...
Tuy nhiên, anh cũng phải đánh đổi sức khỏe bởi thời gian làm việc rơi vào buổi đêm, từ đó giờ giấc sinh hoạt cũng bị xáo trộn. Ngoài ra, khi ở trong môi trường có nhạc công suất lớn, đôi tai của những người làm phục vụ cũng bị ảnh hưởng.
Thời gian đầu khi bước vào nghề, Linh Thi (21 tuổi, TP.HCM) gặp nhiều khó khăn vì không làm quen được với mùi thuốc lá, tiếng nhạc lớn. Cô từng phải đi khám và được chẩn đoán bị viêm tai giữa, từng có ý định nghỉ việc nhưng rồi vẫn chọn làm tiếp vì phải nuôi dưỡng bố mẹ già không còn khả năng lao động.
"Tôi đã gắn bó với cái nghề này từ năm đầu Đại học. Nó giúp tôi trang trải cuộc sống, lo cho bố mẹ, còn tiền học phí đã có người thân, nhà trường hỗ trợ. Ở thời điểm hiện tại, với kiến thức nền tảng sẵn có thì công việc này mang lại cho tôi nguồn thu nhập lớn nhất. Dự tính sau khi ra trường, tôi sẽ nghỉ làm bar và dần tìm kiếm một công việc khác đúng chuyên ngành, để bản thân được phát triển nhiều hơn", Linh Thi bộc bạch.
Đặc biệt với phái nữ khi bước chân vào ngành nightlife luôn phải đối mặt với những cám dỗ, nguy hiểm rình rập. Để tồn tại được lâu ở một "xã hội thu nhỏ" về đêm thì bản thân trước hết cần có chính kiến, chịu được áp lực và tuyệt đối không được đặt cái tôi quá cao. Thiếu một trong ba yếu tố trên, chắc chắn bạn sẽ bị "đứt gánh" giữa đường, hoặc thậm chí phải trả một cái giá đắt.
K.L (giấu tên) là một cô gái có ngoại hình xinh đẹp thuộc hình mẫu lý tưởng của nhiều chàng trai, hiện nay đang có cuộc sống ổn định với công việc kinh doanh quần áo. Nhắc lại thời còn làm ở bar vài năm trước, cô rùng mình kể về những chuyện bản thân từng gặp phải.
"Tôi từng làm phục vụ, sau đấy chuyển sang vị trí booking kiêm chăm sóc khách hàng. Ở trong môi trường này, các bạn nữ có ngoại hình đẹp thường khó tránh khỏi việc bị khách gạ gẫm, sàm sỡ hay thậm tệ hơn là buông lời cay nghiệt. Tôi đã trải qua hết nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng, vì họ có tiền, có quyền lực, mình chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc thôi".
Nhiều lúc uống rượu với khách, khi hơi men đã ngấm, cô bị rủ rê sử dụng các chất kích thích. Lường trước được hậu quả, K.L khéo léo từ chối vì cô biết rõ nếu dính vào sẽ rất khó bỏ, có khi phải trả giá đắt. "Họ 'dâng' đến tận miệng khiến tôi rất hoảng sợ, lúc đó tôi giả vờ buồn nôn vì uống nhiều rồi xin vào phòng vệ sinh, rửa mặt cho tỉnh táo", K.L kể.
Cũng giống như K.L, Q.T (19 tuổi, Hà Nội) từng trải qua một tháng kinh hoàng trong môi trường nightlife. Những ngày đầu, Q.T hào hứng với công việc hoạt náo viên (vị trí đòi hỏi bạn phải có ngoại hình đẹp, kĩ năng nhảy cơ bản nhằm khuấy động không khí tại quán bar - PV). Niềm vui trong công việc chưa được lâu thì Q.T bất ngờ bước vào chuỗi ngày ám ảnh.
Cô lọt vào mắt xanh của gã quản lý. Ông ta thường xuyên chuốc say cô rồi gạ gẫm đủ thứ, hoặc đôi khi có những hành động vượt quá giới hạn.
Vào một ngày nọ, Q.T nhận được lời hứa hẹn của gã quản lý giúp cô có một công việc nhàn rỗi nhưng vẫn giữ mức lương ban đầu, thậm chí còn cao hơn. Tuy nhiên, "miếng phô mai miễn phí chỉ có ở trên bẫy chuột", ông ta đưa ra yêu cầu rất khó chấp nhận: "Em chỉ cần ngủ với anh, chiều chuộng anh một chút thì em sẽ có tất cả". Dĩ nhiên, Q.T không đồng ý, từ chối thẳng mặt, và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến...
"Ông ta lấy đủ lý do để trừ lương của tôi, thậm chí còn ép tôi phục vụ những vị khách biến thái, ghê tởm. Lúc đó là giữa tháng, tôi cũng cắn răng chịu đựng nốt 15 ngày còn lại để nhận lương rồi nghỉ. Nhưng khi được phát lương, tôi rất sốc khi số tiền nhận được chỉ bằng một phần ba khoản lương thỏa thuận ban đầu".
Từ trước đến nay, công việc của người làm ngành nightlife vốn không được coi trọng. Họ thường bị xúc phạm nhân phẩm mà đôi khi còn phải đối mặt với nhiều cám dỗ, nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết tất cả họ đều chọn cách im lặng, bởi không thể bắt mọi người thấu hiểu cho hoàn cảnh của mình. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", miễn là sống đúng, sống ngay thằng thì chẳng có gì phải hổ thẹn.
"Khi Gen Z đi làm" là tuyến bài mới của Tạp chí điện tử SAOstar, với chủ đề cùng tên cùng những câu chuyện xoay quanh chuyện đi làm của thế hệ Z.
Tại đây, chúng tôi không chỉ chia sẻ câu chuyện mà còn "bóc tách" nhiều nội dung liên quan, giúp độc giả có những thông tin đa chiều và chính xác.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/nganh-nightlife-la-gi-a46272.html