Các gia đình người Việt thường đốt vàng mã vào dịp Tết, giỗ chạp, ngày rằm, mùng 1 và đặc biệt cúng Rằm tháng 7 là dịp đốt nhiều vàng mã nhất. Mặc dù là phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách đốt vàng mã.
Dưới đây là 4 sai lầm phổ biến khi đốt vàng mã Rằm tháng 7 mà nhiều gia đình mắc phải.
1. Đốt vàng mã càng nhiều, càng thành tâm và gia chủ nhận càng nhiều tài lộc
Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình, vật dụng cũng như tiền vàng để đốt cho người âm.
Họ tin rằng, đốt càng nhiều vàng mã là càng thành tâm, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ nhất. Một khi chứng tỏ được lòng thành, họ sẽ được thánh thần và tổ tiên phù hộ, giúp gia đình bình yên và nhận được nhiều phúc lộc hơn.
Tuy nhiên, trong các ca khảo nghiệm về tâm linh cho thấy, khi gia đình cúng vàng mã thì “người âm” nhận được mà không dùng được. Nguyên nhân là do 2 hệ quy chiếu khác nhau, hai môi trường khác nhau thì "không thể dùng chung một loại phương tiện".
Nói một cách hình tượng là "thống đốc ngân hàng" của thế giới tâm linh không thể chấp nhận những “đồng tiền” do các cõi khác phát hành một cách tùy tiện. Ở đây, khái niệm “nhận được" của thế giới siêu hình chỉ là cảm ứng về mặt tư tưởng.
“Trên tinh thần khoa học, việc đốt vàng mã không có ích lợi gì cho thế giới tâm linh, lại vừa tốn kém về tiền bạc (dùng tiền thật mua đồ giả), vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa suy thoái về mặt tâm linh”, Tiến Sỹ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, khẳng định.
Theo Tiến Sỹ Vũ Thế Khanh, có một giá trị duy nhất mà âm dương đều “tiêu” chung được, đó chính là nhân quả. Vì thế, thay vì đốt nhiều vàng mã và ngựa xe, con cháu nên làm nhiều việc thiện, hồi hướng công đức thì ông bà tổ tiên cũng nhận được phần thiện này.
Còn theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, thực tế quan niệm về tục đốt vàng mã không xấu và không nhất thiết phải từ bỏ hoàn toàn.
Người xưa có câu “lễ bạc lòng thành”, tức lễ vật gì cũng không quan trọng bằng cái tâm của người dâng cúng. Vì vậy, chúng ta chỉ nên lựa chọn một số những đồ vàng mã đơn giản như chút tiền vàng hay vài bộ quần áo, giấy ngũ sắc… là đủ. Tránh đốt vàng mã tràn lan, quá nhiều vì vừa tốn kém, lãng phí lại thể hiện tâm lý cuồng tín, ganh đua và gây ra tác động xấu đến môi trường.
2. Đốt vàng mã không đúng nơi, đúng chỗ
Theo các chuyên gia, việc đốt vàng mã đúng nơi đúng chỗ cũng thể hiện cái tâm của con cháu đối với người đã khuất. Đối với nhà mặt phố, không nên đốt ngoài đường vì khói và tro bụi sẽ ảnh hưởng đến người đi đường.
Với các gia đình ở nhà chung cư, không nên hóa vàng mã ở ban công hoặc các không gian chung như hành lang, sân thượng để tránh ảnh hưởng đến hàng xóm cũng như không đảm bảo về phòng cháy.
Hầu hết các tòa nhà chung cư hiện nay đều có nơi hóa vàng mã chung ở khu vực mặt đất. Vì vậy, nên đốt vàng mã đúng nơi quy định. Người đã khuất vẫn chứng được cho tấm lòng của người thân mà không sợ mất lộc đi đâu cả.
3. Đốt vàng mã sai giờ
Theo dân gian, ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày mà Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan để vong hồn quay lại trần gian. Quỷ Môn Quan sẽ đóng lại vào ngày 14/7 âm lịch. Do đó, nếu đốt vàng mã thì cần đốt trong khoảng thời gian này, chứ không phải đúng vào ngày Rằm tháng 7, tức ngày 15 âm lịch.
Nếu đốt vàng mã cúng gia tiên, theo các nhà tâm linh, lễ Vu Lan cầu siêu, cúng và báo hiếu tổ tiên thì nên thực hiện vào ban ngày.
Nếu đốt vàng mã cúng chúng sinh, nên thực hiện vào lúc chiều tối, vì đây là cách tốt nhất để cầu cho những linh hồn không có nơi nương tựa. Vào ban ngày, có ánh sáng nên những vong hồn này không thể xuất hiện và nhận lễ được.
Ngoài ra, khi đốt vàng mã Rằm tháng 7 để gửi cho người âm, gia chủ nên ghi đầy đủ những thông tin như họ và tên đầy đủ của người đã mất, giới tính, ngày, giờ ra đi.
4. Dùng que nhấn vào phần tiền vàng mã
Khi đốt vàng mã, gia chủ nên đốt từ tốn, đốt hết vàng mã. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng que nhấn vào phần tiền vàng mã đang đốt, vì ông bà ta quan niệm rằng làm như vậy sẽ khiến phần tro nát hết, bất kính với các linh hồn.
Ngoài ra, không nên vừa đốt vàng mã vừa gọi tên người đã mất để thể hiện sự tôn trọng.
Khi đốt vàng mã, gia chủ nên chọn khoảng sân sạch sẽ để thực hiện. Sau khi đốt xong, phải đợi nhang tàn gần hết mới được hóa vàng, chứ không được dội thẳng nước vào để dập khi lửa chưa tàn hết.
Cần hóa vàng theo thứ tự là gia thần rồi mới đến gia tiên. Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: “Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/nen-dot-vang-ma-vao-gio-nao-trong-ngay-a46016.html