Hàng năm, cứ vào mỗi dịp cuối tháng 2, đầu tháng 3. Khi thời tiết vẫn còn vương vất những chút lạnh của mưa xuân. Đó cũng là lúc hoa sưa bắt đầu nở trắng những góc phố, con ngõ của Hà Nội. Suốt cả năm, cây sưa không có gì nổi bật, nhưng khi những cơn mưa xuân ấm áp bắt đầu xuất hiện thì cây sưa như được đánh thức, những chùm hoa trắng li ti bắt đầu bừng nở Ý nghĩa hoa sưa là gì và loài hoa này có đặc điểm gì thú vị? Màu trắng tinh khiết của hoa sưa từ lâu trở thành nét đặc trưng của thủ đô Hà Nội mỗi dịp xuân về.
Theo một truyền thuyết về hoa sưa. Cách đây rất lâu rồi, có một chàng trai và cô gái trẻ yêu nhau tha thiết. Thế rồi một ngày nọ, chàng trai phải lên đường ra trận…
Trước khi ra đi, chàng tặng cho nàng một cây nhỏ trồng trong vườn nhà và dặn: “Nếu mai này cây lớn trổ hoa màu đỏ thì chắc chắn anh sẽ trở về. Còn nếu cây nở hoa màu trắng thì em hãy đi lấy chồng…”.
Cô gái chờ đợi nhiều năm, nhưng không thấy bóng dáng người yêu trở lại. Trong những năm đó, chiếc cây chàng trai trồng lớn lên xanh tốt.
Rồi đến một mùa xuân, cây trổ hoa toàn một màu trắng tinh. Người con gái khóc than trong đau thương. Ngày hoa trổ bông trước hiên nhà, nước mắt cô rơi, tan vỡ như hàng vạn cánh hoa trắng li ti, tinh khiết. Những cánh hoa sưa cứ thế mong manh cuốn mình vào gió.
Nhưng nàng không đi lấy chồng theo nguyện vọng của người thương. Mà vẫn đợi chờ trong tuyệt vọng mang trong mình một nỗi nhớ da diết, nhớ đến hóa dại.
Cứ mỗi độ xuân sang khi hoa sưa nở. Người đàn bà chung tình ấy lại trở điên và thường khóc dưới gốc cây sưa trắng ngần…
Cây này là loài cây họ đậu được trồng để lấy gỗ có danh pháp là Dalbergia Tonkinensis. Bạn sẽ dễ bắt gặp loài cây này ở Việt Nam, một số nơi ở Hải Nam, Trung Quốc. Cây đã xuất hiện từ thời xa xưa trong những khu rừng nhiệt đới và còn sống đến tận hôm nay.
Hoa sưa trắng còn có tên gọi khác là trắc thối, huê mộc vàng, sưa bắc bộ,… Ở một số nơi, người dân còn gọi là sưa hoa trắng. Hoặc cái tên sang trọng khác là hoàng hoa lệ, hoàng hoa lý.
Cây hoa sưa có hai màu hoa là màu trắng và màu vàng. Hoa sưa ở Hà Nội hầu hết là cây sưa trắng. Bạn có thể gặp những cây sưa vàng ở Hội An.
Gỗ sưa trắng có mùi thơm như trầm hương. Khi đốt thì có mùi thối, tro màu trắng đục. Chính vì vậy cái tên trắc thối có nguồn gốc từ đó.
Hoa sưa trắng nhìn khá giống với hoa đậu nhưng có hương thơm nhẹ.
Nhắc đến Hà Nội với mười hai mùa hoa, người ta nhớ đến hoa sưa nở trắng trời mỗi độ tháng Ba. Hoa sưa đã trở thành một trong những mùa hoa thân thương của phố phường Hà Nội. Những bông hoa trắng trong trẻo âm thầm tô điểm phố phường. Người ta thấy ở hoa sưa nét thanh lịch, đằm thắm, dịu dàng âm thầm tỏa hương. Không đỏ rực rộn ràng như hoa phượng. Cũng không chói chang đầy nắng như hoa muồng vàng rực. Những bông hoa sưa nở trong tiết trời tháng Ba se lạnh làm nên một vẻ đẹp trầm mặc rất riêng của Hà Nội.
Cây này có tàn thưa, góp phần làm đẹp cảnh quan đường phố, đem đến bóng mát cho người dân. Ngoài ra cây sưa trắng còn có khả năng lọc không khí. Ở một số nơi công cộng, trên vỉa hè đều có loại cây này hoặc ở các khu rừng phòng hộ vì rễ cây ăn sâu vào lòng đất, giữ đất rất chắc.
Ý nghĩa của hoa gắn liền với truyền thuyết của tình yêu. Hoa sưa được cho là loài hoa mang ý nghĩa về tấm lòng son sắt thuỷ chung, dành trọn tình yêu cho người mình yêu.
Ngày xưa, trong phủ vua chúa, gỗ sưa trắng được dùng để đóng băng gỗ cao cấp vì có vân gỗ đẹp, thớ gỗ mịn màng.
Những năm 90 người Trung Quốc săn lùng gỗ sưa trắng dùng để làm quan tài cho các vị Hoàng đế vì họ cho rằng xác sẽ mất nhiều thời gian để phân hủy.
Là dược liệu có nhiều công dụng trong Đông y, chữa được nhiều bệnh như kháng khuẩn, điều trị sốt rét, ngừa ung thư,…
Ngày nay, gỗ loài cây này được dùng làm đồ thờ cúng, sập, bàn ghế,…Tuy nhiên, cũng vì bị khai thác quá mức nên cây sưa trắng đang nằm trong danh sách những loài cây cần được bảo tồn.
Trong nhịp sống tất bật, màu trắng tinh khôi của hoa sưa làm cho cảnh sắc dường như thanh bình và nhẹ nhàng hơn. Chính điều này đã thu hút nhiều người đến chụp ảnh mỗi dịp hoa sưa nở. Ở Hà Nội, cây sưa có nhiều nhất trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh hay Giảng Võ đường Thanh Niên…. Ngoài ra, bạn còn có thể bắt gặp một vài cây sưa trên đường Láng hay cây sưa tán rộng ở giữa sân ký túc xá Mễ Trì nằm trên đường Lương Thế Vinh.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/hoa-sua-trang-a45433.html