Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối việc tăng khả năng đậu thai, mang thai tự nhiên. Nên ăn gì để dễ đậu thai? Các loại đậu, rau lá xanh, các loại hạt, thực phẩm giàu kẽm,... là lựa chọn tốt cho các cặp vợ chồng đang mong con.
1. Ăn gì để dễ thụ thai?
Có nhiều nguyên nhân gây khó thụ thai. Đó có thể là căng thẳng tâm lý, bệnh tiểu đường, rối loạn nội tiết, thói quen sinh hoạt không khoa học,... Để tránh những tác động xấu từ những nguyên nhân trên, đẩy nhanh quá trình thụ thai, các cặp vợ chồng nên bổ sung những thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hằng ngày của mình:
Các loại đậu: Phụ nữ ăn nhiều protein thực vật từ đậu nành sẽ dễ thụ thai hơn. Ngoài ra, các loại đậu lăng, đậu phụ, đậu đỏ, các loại hạt chứa protein thực vật,... cũng làm gia tăng khả năng mang thai tự nhiên;
Rau lá xanh: Các loại rau có màu xanh đậm như mồng tơi, bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn,... giúp tăng cường khả năng rụng trứng ở phụ nữ, từ đó dễ thụ thai hơn. Đồng thời, chúng còn rất tốt trong thời gian mang thai vì rất giàu chất chống oxy hóa,axit folic và sắt. Việc ăn nhiều rau màu xanh đậm cũng giúp giảm nguy cơ thiếu máu, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nam giới ăn nhiều rau lá xanh đậm cũng có tinh trùng khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ sảy thai hoặc các vấn đề di truyền ở em bé;
Tỏi: Là một đáp án cho câu hỏi ăn gì dễ đậu thai. Tỏi rất giàu selen - một khoáng chất giúp tinh trùng phát triển tốt, tăng cường khả năng thụ thai và ngăn ngừa hiện tượng sảy thai sớm. Ngoài ra, trong tỏi còn có vitamin B6, giúp hỗ trợ điều hòa hormone, cải thiện hệ miễn dịch cho cơ thể;
Các loại trái cây: Phụ nữ ăn nhiều trái cây tăng khả năng đậu thai gấp 3 lần so với những phụ nữ ít ăn hoa quả. Phụ nữ bị thiếu hụt magie, gặp khó khăn trong quá trình thụ thai nên ăn dứa vì nó là thực phẩm cung cấp nhiều magie - chất có vai trò quan trọng trong sản sinh các hormone sinh sản. Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, phúc bồn tử,... giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin E, folate, kali và chất xơ,... giúp ngăn ngừa sự lão hóa của tế bào trứng. Còn chuối rất giàu vitamin B6 - giúp sản xuất các hormone, ăn nhiều chuối giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, trứng phát triển khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, chuối còn giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và tạo ra các tế bào máu cho thai nhi, giúp bé có làn da khỏe mạnh và phát triển thị lực tốt;
Các loại hạt: Những loại hạt như hạt dẻ, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều,... rất tốt cho cơ thể vì chúng chứa chất béo no bão hòa đơn, giúp điều hòa insulin, tăng khả năng đậu thai. Ngoài ra, chúng còn giàu vitamin E, tốt cho da. Hạt bí chứa nhiều sắt có hemoglobin, giúp phụ nữ dễ mang thai tự nhiên hơn. Còn hạt hướng dương giàu kẽm, giúp cân bằng hormone sinh sản trong cơ thể, làm tăng chất lượng trứng của phụ nữ. Bên cạnh đó, hạt hướng dương còn giàu folate - chất tổng hợp axit folic, tốt cho phụ nữ mang thai và ngăn ngừa dị tật thai nhi;
Dầu oliu: Là chất béo không bão hòa đơn, giúp tăng độ nhạy cảm với insulin, giảm tình trạng viêm toàn cơ thể (tình trạng viêm liên quan tới quá trình rụng trứng, thụ thai, sự phát triển của phôi thai). Vì vậy, các cặp vợ chồng đang mong con nên ăn dầu oliu thay vì bơ trong các món ăn hằng ngày;
Cá hồi: Các loại cá nước lạnh như cá hồi đều giàu axit béo Omega-3, giúp điều chỉnh lượng hormone sinh sản, đồng thời tăng lưu lượng máu tới cơ quan sinh sản. Không chỉ vậy, cá hồi còn có nồng độ thủy ngân thấp hơn các loại cá khác. Mỗi tuần, các cặp vợ chồng nên ăn cá hồi khoảng 1 - 2 lần để nhanh chóng có thai;
Mật ong: Có nhiều tác dụng trong việc tăng cường khả năng sinh sản và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác. Mật ong giàu axit amin và các khoáng chất, giúp tăng chất lượng tinh trùng, tăng cường sức khỏe của tử cung và buồng trứng. Những phụ nữ đang mong có con nên uống một thìa mật ong trộn bột quế mỗi ngày;
Quế: Có nhiều công dụng với sức khỏe như giúp giảm lượng insulin, ngăn ngừa ung thư, tăng cường tỷ suất phóng trứng. Các cặp vợ chồng có thể thêm quế vào nước ép hoa quả hoặc ăn kèm quế trong bữa ăn;
Thực phẩm giàu kẽm: Các loại thực phẩm giàu kẽm như động vật biển (hàu, sò) hoặc các loại đậu, củ cải, trái ổi, các loại hạt, lòng đỏ trứng,... đều giúp cải thiện chất lượng tinh trùng và giúp trứng phát triển tốt hơn;
Trứng: Nghiên cứu cho thấy những người có chế độ ăn giàu protein và ít carbohydrate thường có tỷ lệ mang thai cao hơn. Do đó, bổ sung các thực phẩm giàu protein như lòng trắng trứng sẽ rất tốt đối với việc mang thai tự nhiên;
Sữa: Sữa nguyên kem là loại thực phẩm tốt đối với quá trình thụ thai. Sữa là nguồn cung cấp dồi dào vitamin D, canxi và phốt pho - những chất đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xương của bé;
Bánh mì nguyên cám: Là loại thực phẩm chứa carbs phức hợp. Khi ăn bánh mì nguyên cám, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa (so với bánh mì được làm từ bột mì tinh chế). Từ đó, giữ lượng đường trong máu và mức insulin ổn định, tăng khả năng thụ thai;
Thịt đỏ: Loại thịt này rất giàu sắt và vitamin B12, giúp ngăn ngừa thiếu máu và giảm nguy cơ vô sinh. Các loại thịt đỏ như thịt dê, thịt bò, thịt lợn,... rất cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh. Tuy nhiên, chỉ nên ăn thịt đỏ với lượng vừa phải.
XEM THÊM: Ngoài vitamin, trước khi mang thai cần bổ sung chất dinh dưỡng nào khác?
2. Lưu ý với những cặp vợ chồng có ý định mang thai
Khi có ý định mang thai tự nhiên, ngoài việc tăng cường bổ sung những thực phẩm dễ đậu thai, các cặp vợ chồng còn cần chú ý tới những điều sau:
2.1 Lưu ý trong chế độ ăn uống
Chọn chế độ ăn không làm tăng cân nhưng giúp tăng khả năng sinh sản và sức khỏe của cơ thể để việc mang thai, sinh nở dễ dàng hơn.
Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Giàu kẽm và folate để cải thiện khả năng sinh sản cho cả nam và nữ. Trái cây, rau, các loại hạt,... đều giàu chất chống oxy hóa có lợi như vitamin C, vitamin E, folate, lutein và beta carotene;
Ăn sáng đầy đủ: Ăn sáng đủ bữa và đủ chất giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (một nguyên nhân gây vô sinh);
Tránh chất béo chuyển hóa: Ăn các chất béo lành mạnh giúp tăng cường khả năng sinh sản và sức khỏe tổng quát. Nên tránh chất béo chuyển hóa như dầu thực vật hydro hóa, một số loại bơ thực vật, thực phẩm chiên, sản phẩm chế biến,... vì chúng làm tăng nguy cơ vô sinh do tác động tiêu cực tới độ nhạy insulin;
Tránh xa các chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, cà phê, đồ ngọt,... vì chúng làm giảm chất lượng tinh trùng và giảm khả năng thụ thai;
Cắt giảm carbs nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang: Thực hiện một chế độ ăn uống ít carb được khuyến nghị cho phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Việc này giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm mức insulin, giúp kinh nguyệt đều đặn và tăng khả năng đậu thai;
Giảm ăn carbs tinh chế: Có trong thực phẩm và đồ uống có đường và ngũ cốc chế biến. Những loại carbs này được cơ thể hấp thụ nhanh, làm tăng đột biến lượng đường trong máu và insulin, chúng tương tự với hormone buồng trứng, giúp trứng trưởng thành. Theo đó, insulin tăng cao liên tục có thể khiến cơ thể giảm sản xuất hormone sinh sản, gây ảnh hưởng tới khả năng thụ thai;
Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ giúp cơ thể loại bỏ các hormone dư thừa, giữ lượng đường trong máu ở mức cân bằng;
Thay đổi nguồn protein: Nên thay thế một số protein động vật như trứng, thịt, cá,... bằng nguồn protein thực vật như đậu, các loại hạt, cá có hàm lượng thủy ngân thấp,... để làm giảm nguy cơ vô sinh;
Bổ sung vitamin và khoáng chất tổng hợp: Vitamin A, C, D, E, B2, kali, kẽm, đồng, Axit Pantothenic, Niacin.
XEM THÊM: Lưu ý trong chế độ ăn trước khi thụ thai và khi đang mang thai
Giữ cân nặng đạt tiêu chuẩn: Thừa cân hoặc thiếu cân đều ảnh hưởng tới khả năng mang thai tự nhiên. Vì vậy, khi muốn có con, các cặp vợ chồng nên chú ý tới vấn đề cân nặng. Cân nặng lý tưởng nhất là chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) dao động ở mức 20 - 25. Thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh tiểu đường thai kỳ, thậm chí gây ra nhiều biến chứng khác nên người phụ nữ cần chú ý điều chỉnh cân nặng cho phù hợp;
Sinh hoạt vợ chồng nhiều hơn: Để tăng khả năng thụ thai thì một số tư thế trong sinh hoạt chăn gối cũng giúp tinh trùng dễ bơi đến ống dẫn trứng hơn;
Phụ nữ nên nắm được chu kỳ của mình: Phụ nữ có nhiều khả năng đậu thai hơn trong vòng 1 - 2 ngày sau khi rụng trứng. Do đó, phụ nữ nên nắm được chu kỳ kinh nguyệt của mình để căn chỉnh được thời điểm sinh hoạt vợ chồng thích hợp, làm tăng cơ hội đậu thai;
Giảm căng thẳng tâm lý: Nếu quá đặt áp lực lên bản thân thì việc mang thai có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên giữ tâm trạng thoải mái, giảm căng thẳng, lo lắng. Phụ nữ có thể tập yoga, thiền,... để thư giãn, giảm stress;
Tăng cường tập thể dục: Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm tăng khả năng sinh sản. Tuy nhiên, cần chú ý vận động điều độ, không tập thể dục quá sức;
Khám sức khỏe tổng quát: Nếu đã cố gắng để mang thai trong một thời gian dài nhưng chưa thành công, các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe để kiểm tra sức khỏe sinh sản, xin lời khuyên của bác để thúc đẩy cơ hội có thai.
Bài viết giúp giải đáp cho câu hỏi nên ăn gì để dễ thụ thai. Các loại thực phẩm nêu trên đều giàu dưỡng chất, giúp nâng cao khả năng mang thai tự nhiên nên các cặp vợ chồng hãy thêm chúng vào thực đơn dinh dưỡng của mình. Đồng thời, nên thay đổi lối sống tích cực, vận động hợp lý để tăng cường khả năng sinh sản, chuẩn bị cơ thể sẵn sàng để mang thai.
Ngoài ra, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.