Lầu Ông Hoàng điểm đến gắn liền với chuyện tình Hàn Mặc Tử

Lầu ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp. Tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao, và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển. Đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc. Cùng PhanthietMuine.com khám phá địa danh du lịch này nhé:

lầu ông hoàng
Lầu Ông Hoàng Mũi Né

Lầu ông Hoàng ở đâu?

Di tích Lầu Ông Hoàng nằm tròng quần thể tháp Poshanu, Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận. Đi từ trung tâm TP Phan Thiết, thẳng đến đường Nguyễn Thông. Sẽ đi xe lên một con dốc dài mà người dân hay gọi là dốc Lầu Ông Hoàng. Ngay gần đến hết dốc, bạn sẽ thấy có một bảng chỉ dẫn ghi: Di tích Tháp Poshanu, nơi này cũng chính là Lầu Ông Hoàng.

Tìm hiểu về tên gọi Lầu Ông Hoàng

Năm 1911 một ông Hoàng người Pháp là công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch, săn bắn ở những ngọn đồi lân cận. Thấy phong cảnh sơn thủy đẹp ở đây đã kiến ông nảy ra ý định mua đất và xây dựng biệt thự. Cũng để có nơi nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch Phan Thiết sau này. Nguyện vọng của ông đã được nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier) đồng ý bán quả đồi Bà Nài.

Lầu ông Hoàng cũng là địa điểm chụp ảnh yêu thích của các bạn trẻ/ Ảnh: Henry Duong

Ngày 21 tháng 2 năm 1911, biệt thự được khởi công xây dựng. Và gần 1 năm sau đó hoàn chỉnh, với diện tích rộng 536m2 chia thành 13 phòng. Khu biệt thự được xây dựng cách nhóm đền tháp Chăm Pôshanư gần 100m về phía Nam. Trong quá trình vận chuyển vật liệu lên xây dựng khu biệt thự. Người Pháp đã làm hỏng tường thành phía trước cửa chính của Tháp. Đây là biệt thự đẹp, đầy đủ tiện nghi. Ban đêm có máy phát điện, dưới biệt thự có nhiều hầm ngầm chứa nước mưa đủ cho những người trong biệt thự dùng trong 1 năm. Biệt thự này được coi là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ.

lầu ông hoàng
Lầu Ông Hoàng xưa kia/Ảnh: FB: Nguyễn Văn Anh

Và bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh…

Từ đó trở đi nhân dân Phan Thiết quen gọi khu vực này là đồi “Lầu Ông Hoàng”. Để chỉ ngọn đồi có khu biệt thự to đẹp do công tước De Montpensier xây dựng. Tháng 7 năm 1917 công tước De Montpensier bán lại cho chủ khách sạn người Pháp Prasetts…Sau khi có Lầu Ông Hoàng một người Pháp tên Bell đã xây dựng Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp. Vài chục năm sau thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này, và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu ông Hoàng càng có ý nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp biệt thự này đã bị tiêu hủy. Ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng, hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết xưa kia.

Lầu Ông Hoàng - Mũi Ne
Từ đỉnh đồi du khách có thể thấy toàn cảnh của thành phố Phan Thiết và Mũi Né

Chiến thắng trận đánh Lầu Ông Hoàng

Cũng tại Lầu ông Hoàng quân Pháp xây dựng ở đây một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn, để khống chế khu vực thị xã Phan Thiết .Ngày 14 tháng 6 năm 1947, nơi đây đã diễn ra trận đánh tuyệt vời của một tiểu đội thuộc đơn vị Hoàng Hoa Thám. Trận đánh này do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy diệt nhiều địch, thu nhiều súng đạn các loại. Trong đó có một khẩu đại liên Vitke, một súng trung liên Bren và nhiều chiến lợi phẩm khác từ đó nhân dân ta quen gọi là chiến thắng lầu Ông Hoàng.

Lầu Ông Hoàng Mũi Né
Du khách chụp ảnh bên cạnh Lầu Ông Hoàng

Nơi lưu dấu mối tình của Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm

Mãi đến về sau, khi mà nơi này lưu giữ cuộc tình của Hàn Mặc Tử và nàng Mộng Cầm, với một câu chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở. Thì mới thực sự được nhiều người biết đến. Nơi đây từng là nơi ghi dấu hẹn hò và ngắm trăng của ông và Mộng Cầm. Theo lời bà Mộng Cầm sau này kể lại, một ngày mùa hè, Hàn Mặc Tử vào Phan Thiết thăm bà, và Mộng Cầm đã đưa ông tới Lầu Ông Hoàng nhưng đáng tiếc thay đây lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người. Hàn Mặc Tử quay lại Huế, rồi vào Quy Nhơn và điều trị bệnh phong ở Tuy Hòa cho đến khi mất. >>>Đọc thêm: Bánh flan Mộng Cầm bà giáo Việt

hàn mặc tử
Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm

Nhà thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi này. Nổi tiếng là bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết; Trong bài thơ này, ông ví mình như chim phượng hoàng, bay qua nhiều cung trời để rồi rớt xuống một cù lao. Sau nhiều năm tu luyện đã thành chánh quả, ông theo thất tinh chỉ hướng để đi tìm một người thục nữ và ông:

“…lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang. Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…”

Mộng cầm
Mộng Cầm người tình của Hàn Mặc Tử

Bài hát nổi tiếng mang tên: Hàn Mặc Tử

Đã có nhiều nhạc sỹ lấy cảm hứng từ cuộc tình của hai người, để viết nên những bài hát sâu lắng. Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cũng đã có một ca khúc rất hay kể câu chuyện tình của thi nhân Hàn Mặc Tử. “Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng”. Đó là một trong số những câu trong bài hát được nhiều người yêu thích.

Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng

Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng
Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng

Với mục đích tái tạo lại các di tích chiến tranh và tái hiện lại một phần chuyện tình của Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm, hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn quyết định phê duyệt Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng. Hi vọng rằng, dự án này sẽ sớm hoàn thành thật sớm. Để khách đi du lịch Mũi Né có thêm được một địa điểm du lịch văn hóa ý nghĩa.

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/lau-ong-hoang-a43893.html