Nhắc đến du lịch An Giang, nhiều người nghĩ và nhớ ngay đến Bà Chúa xứ Núi Sam. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam là sự hội tụ giữa yếu tố tâm linh và sự hợp lý về phong thủy.
Yếu tố tâm linh thì đã có nhiều người bàn luận, phản ánh, nhưng yếu tố phong thủy thì dường như rất ít người đề cập. Dễ thấy nhất của yếu tố phong thủy ở đây là di tích được kiến trúc theo thế quay lưng với cổng chính, vốn được thiết kế lâu đời, dẫn ra con đường bao quanh chân Núi Sam. Kiến trúc này được đặt định ngay từ xây cất đầu tiên cách đây trên dưới 200 năm.
Theo tư liệu của Ban Quản trị Lăng, Miếu Núi Sam, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam được xây dựng lần đầu khoảng thời gian 1820 - 1825 bằng vật liệu đơn sơ, tre lá. Và ngay trong lần xây cất đầu tiên, ngôi miếu đã được các tiền hiền vùng đất Châu Đốc xưa đặt định phương hướng như mọi người thấy ngày nay. Sau nhiều lần trùng tu, đến năm 1972, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam được 2 kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng thiết kế xây dựng hiện đại như ngày nay.
Dù có thay đổi quy mô, vật liệu, nhưng ngôi miếu vẫn giữ nguyên thế kiến trúc quay lưng với cổng chính được thiết kế hướng ra con lộ rộng lớn chạy vòng quanh chân Núi Sam.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Châu Đốc mà tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ ngưỡng mộ các bậc tiền nhân khi chọn thế đất đắc địa để xây ngôi miếu. Đó là thế đất “sơn thủy hội tụ” với “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” và “tiền Chu tước, hậu Huyền vũ”.
Thật vậy, từ đỉnh Núi Sam nhìn xuống, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam được thiết kế mặt hướng ra cánh đồng mênh mông, lưng tựa vào vách núi, nơi có sơn lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi ngự bên triền núi.
Theo các nhà phong thủy, vị thế đó ứng với quan niệm “tiền Chu tước, hậu Huyền vũ”. Lưng tựa vào núi không cao, khum khum như cụ rùa ngàn năm tuổi (huyền vũ) đang ra sức canh giữ, bảo bọc chở che..., càng khiến cho ngôi miếu thêm linh thiêng. Phía trước mặt ngôi miếu là cánh đồng bằng phẳng, thoáng đãng, xa xa là dòng sông Châu Đốc, nơi tiếp giáp của nhánh sông của đoạn cuối dòng Mekong hùng vĩ, đúng chuẩn cho vị thế Chu tước, tức phượng hoàng lửa. Hơn thế nữa, đây là hướng Đông bắc. Việc hướng Chánh điện miếu theo hướng này ứng với hướng sao Bát bạch, thuộc cung Cấn trong Bát quái, tương ứng với phát tài, vượng khí.
Phía bên trái ngôi miếu là dòng kênh Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Hậu vào tận vùng đất Hà Tiên, nghĩa là chạy dọc chiều dài ngôi miếu. Đây là điểm nhấn, tạo nên thế Thanh long hý thủy (Rồng xanh vờn nước). Ở đây cũng xin nói thêm, nhiều nguồn tư liệu mới công bố theo kênh chính thống cho thấy, kênh Vĩnh Tế đã có trước khi được huy động nạo vét, mở rộng và trở thành công trình thủy lợi lớn nhất thời Nguyễn ở Nam bộ. Còn ở phía phải ngôi miếu là vị thế Bạch hổ (cọp trắng) với con đường rộng lớn bậc nhất vùng đất lúc bấy giờ nối liền Châu Đốc vào Núi Sam, mà sau đó quan quân nhà Nguyễn đã cho tu bổ thành tuyến giao thông bộ huyết mạch nối Châu Đốc - Núi Sam với danh xưng Tân Lộ Kiều Lương.
Các bậc tiền hiền quả là thông tuệ khi đã phối thế phong thủy cho ngôi miếu trên cả tuyệt vời. Bởi theo nguyên tắc phong thủy, thế Thanh long phải uyển chuyển, vươn dài như rồng cưỡi mây, còn thế Bạch hổ phải nhô cao, mạnh mẽ nhưng phải ngắn như Thanh long. Ngày nay, căn cứ vào đo đạc hiện đại, xác định con đường Tân Lộ Kiều Lương chỉ dài hơn 5km trong khi đó, kênh Vĩnh Tế dài đến trên 90km.
Có dịp về An Giang nhân dịp Lễ hội vía Bà năm 2022, sau khi thắp hương chiêm bái, mời du khách hãy một lần trải nghiệm, khám phá để hiểu vị thế phong thủy của công trình kiến trúc di tích, qua đó thêm thêm quý, thêm yêu các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp cho sự thịnh vượng ngày nay.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/mieu-ba-chua-xu-a4219.html